Sau khi Ưu Di vào tù, Quỳnh bắt đầu cuộc sống gian nan và cực nhọc của mình. Cô và Trác vẫn trọ trong căn phòng của Ưu Di. Quỳnh vĩnh viễn còn nhớ những thương cảm nhỏ nhặt nhất,dù chỉ tựa như những vết nhăn, cũng là những vết thương.
Quỳnh trở thành nhân viên phục vụ trong quán cà phê, mặc đồng phục màu hồng phấn, cười suốt ngày, bưng cà phê nóng một cách chắc chắn, hoặc bưng trà sữa, hoặc trà ướp hoa. Lúc nào cũng nhớ giá cả của các loại bánh ngọt, hạt dẻ.v.v… Cô luôn phải đứng trong giờ làm việc, không có thời gian ăn cơm. Thường chỉ đến lúc ra về vào nửa đêm, cô mới được một hộp nhỏ những bánh trái ngày cuối hạn sử dụng. Cô để dành cho Trác một nửa, còn lại, cô ngấu nghiến chúng trên đường đi bộ về nhà. Trước đây để đảm bảo trọng lượng cơ thể, những thứ như bánh ngọt đã bị cô triệt để xa rời. Nhưng giờ đây, Quỳnh luôn cảm thấy đói, cái đói bắt đầu từ trong tim, cô cảm thấy tủi thân vô cùng. Để ức chế cảm giác ấy, cô chỉ có thể dùng thực phẩm đắp vào. Giờ đây thực phẩm không còn là thứ mà cô có thể chọn lựa.
Trác cũng định đi kiếm việc làm thêm, Quỳnh không bao giờ đồng ý. Mùa hè năm ấy, cậu ta đành ở một mình trong căn phòng hơn hai mươi mét vuông. Cậu thường đứng bần thần bên cửa sổ, cho cá ăn lần này tới lần khác. Nhưng cậu cũng học được cách nấu cơm, việc làm vui thú nhất trong ngày chính là làm những món ăn khác nhau cho Quỳnh. Còn Quỳnh nhìn Trác vẫn cảm thấy lo lắng. Cậu ta lớn lên, đối với Quỳnh là một chuyện nguy hiểm. Bởi vì cậu ngày càng giống cha, ngày càng có thể khiến Quỳnh trở lại với tình cảm mù mịt của những tháng ngày vô vọng trước đây. Có lẽ chính vì thế mà Quỳnh không dám nói chuyện nhiều với Trác. Thậm chí có lúc cô cố ý tránh xa Trác, lo sợ ảo giác trong lòng ngày một lớn lên, khiến cho tình cảm trong sáng giữa hai người không còn nữa.
Người đã chết bỗng trở thành một rãnh sâu ngăn cách giữa Quỳnh và Trác. Hai đứa không ai tiến lại gần được ai, cùng lặng lẽ trên hai bờ ngăn cách.
Quỳnh thậm chí cả không biết bệnh mộng du của Trác ngày một nặng thêm. Cha cậu giờ đây đã thành một linh hồn xa xôi. Trác từ khi còn là một đứa trẻ đã một chân đứng trong đời thực, chân kia dẫm lên cõi mộng tưởng hư vô. Cái chết của Lục Dật Hán là một cú ngáng mạnh đối với cậu, khiến cậu hoàn toàn rơi vào thế giới bồng bềnh kia. Trác không còn để tâm tới chính bệnh mộng du của mình nữa, cậu hoàn toàn hy vọng cha hoặc mẹ sẽ đến đưa cậu đi.
Trác giờ mới hiểu ra sự quan trọng của vật chất, hiện tại cậu không có tiền, cả đến một chút an ủi, quan tâm đến Quỳnh cậu cũng không làm được – mỗi một lần định mở miệng khuyên Quỳnh, Trác lại liên hệ tới bản thân. Mình có tư cách gì để nói như thế? Sự bần cùng đã khoá miệng cậu, mọi lời nói an ủi đều trở nên giả dối và nực cười. Cậu chỉ biết ngày ngày cầu nguyện để mình không bị ốm, không mang lại thêm khốn khổ cho Quỳnh. Cả hai người đều trở nên trầm lặng, như hai con người xa lạ ở dưới cùng một mái nhà. Chẳng lẽ đó là điều mà cậu muốn sao? Chẳng phải hai đứa đã từng cùng ngồi dưới ánh sáng trăng cùng xếp khối gỗ, mong sao mau chóng lớn lên, bởi vì lớn lên rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn đó sao!
Hai người bắt đầu quen dần với căn phòng nhỏ này, cho dù cách vài ngày lại bị mất nước, mỗi lần đổ rác phải chạy một quãng xa, còn tường bên là một dân nghiền nhạc rock, thường xuyên mở nhạc ầm ĩ, tựa như một vết thương viêm loét, mặc nhiên giải phóng ra mọi điên cuồng, kích động. Bởi trong căn phòng này còn có những mảng màu rực rỡ, màu đỏ thẫm hết sức ấm áp, màu vàng cam của ngọn đèn đang toả ra hơi thở của cuộc sống tươi trẻ. Căn phòng có gian bếp nhỏ xinh, có Trác đang mặc đồ ở nhà, đứng bên bếp làm cơm. Trong chiếc nồi nhỏ có những món chè trái cây thơm ngon. Trong nhà còn có những chú cá lớn lên mạnh khoẻ, nghịch ngợm gí đuôi vào những cây rong tươi rồi vụt đi như đứa trẻ gây ra rắc rối rồi bỏ chạy. Về sau Quỳnh và Trác còn phát hiện ra trên gác thượng có một chiếc sân con, và gia đình của một đàn bồ câu xám. Hai đứa thỉnh thoảng trèo lên thăm chúng sau bữa tối. Đám con vật cô đơn, mất tình thương của chủ, tối tối chúng hay kêu thảm thiết, mong chờ một chút thăm nom và chăm sóc. Quỳnh và Trác đem gạo lên thăm chúng, chúng thản nhiên đậu lên tay họ, như có mối duyên phận nào đó giữa hai bên, gần nhau không chút khoảng cách.
Kỳ nghỉ hè kết thúc, Quỳnh quyết định cho Trác vào ở nội trú. Chỗ ở này cách xa trường của Trác lẫn đại học của Quỳnh, hơn nữa Quỳnh vẫn phải đi làm thêm, cộng với việc học, cô không còn thời gian chăm sóc Trác. Cô hy vọng Trác có thể yên tâm học hành trong nội trú, làm một đứa trẻ đơn giản dễ sống. Quỳnh cũng định chuyển vào nội trú của đại học, như thế tiền nhà sẽ rẻ đi nhiều. Số tiền dôi ra, cô có thể giúp đỡ Trác thêm về vật chất. Quỳnh nói với Trác về quyết định này, nhưng cậu chỉ lặng im không nói. Quỳnh bắt đầu thu xếp căn phòng, chia những thứ có thể mang đi làm hai phần cho hai người chia nhau mang về trường của mình. Nhưng phần lớn đồ dùng trong nhà đành phải để lại. Trác ôm lấy bể cá đứng ở cẳ, Quỳnh nói em phải chăm chỉ học hành, không có thời gian nuôi cá đâu. Mình đem cho đi thôi. Trác vẫn một mực không nói. Quỳnh tiếp tục xếp quần áo cho Trác. Cậu không có nhiều quần áo, chỉ là mấy chiếc áo sơ mi và quần bò mà Quỳnh mua cho. Quỳnh đã giặt sách tất cả chúng, gấp cẩn thận. Quỳnh đưa cho Trác một ít tiền, nhét vào bên trong ba lô, nhắc cậu giữ cẩn thận.
Thế rồi Quỳnh nói, chúng ta phải đi rồi. Trác vẫn ôm lấy bể cá, buồn bã nhìn Quỳnh, bất động. Quỳnh thở dài, trong lòng trách cậu không biết điều. Quỳnh xách ba lô của Trác lên, đeo lên vai cậu, đẩy Trác đi. Chúng mình phải đi rồi. Trác vẫn bất động. Quỳnh thấy trong lòng buồn ghê gớm, cô cảm thấy Trác làm vậy là vì bản thân, cậu hoàn toàn không thấu hiểu cho Quỳnh. Quỳnh bỗng trở nên nóng nảy, cô sợ rằng hai người dùng dằng thế này sớm muộn sẽ rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Quỳnh bèn nắm lấy tay Trác hét lên:
– Em phải biết điều, biết không. Chị không có thời gian chăm sóc em nữa, em có hiểu không?
Trác nhìn Quỳnh bằng thái độ thất vọng, để bể cá xuống mặt bàn, quay lưng chạy vụt ra ngoài. Quỳnh tủi thân, nhưng chẳng còn ai an ủi cô. Ưu Di không có, chú Dật Hán cũng không còn. Quỳnh chuyển dần ba lô của Trác, bể cá và hành lý của cô ra khỏi phòng, khóa cửa lại. Nhưng cô không biết phải tiếp tục đi đâu, bèn ngồi xuống nền hành lang, chờ chủ nhà đến thu chìa khoá.
Ngồi trên hành lang, tay ôm gối, Quỳnh ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cuối cùng cô không còn kháng cự nổi những vất vả không ngừng suốt mấy tháng qua. Quỳnh không hề viết truyện, không đọc sách, không dạo phố, càng không hề mua cho mình một món hàng xa xỉ phẩm nào. Ngoài làm thêm ở quán cà phê, thời gian còn lại cô đi làm ở một siêu thị. Đồng phục hồng, đồng phục xanh, giá cả các loại bánh ngọt, trọng lượng của cải bắp hay đậu nành… Cuộc sống mỗi ngày đều chỉ có thế. Quỳnh ngỡ rằng cô sẽ thường xuyên phải đối mặt với ác mộng. Chú Dật Hán, Ưu Di, thậm chí là cha và bà nội của cô. Nhưng thực tế, một lần nằm mơ cũng không có. Nằm mơ là một việc quá xa xỉ. Cần phải nằm thẳng người, yên lặng chờ đợi, thế rồi giấc mơ mới từ từ như một đám mây trôi tới trên đầu. Còn trên thực tế, Quỳnh không có thời gian cho nó. Cô nằm xuống chẳng được mấy chốc lại phải bật dậy, chạy đi làm ca đêm hoặc chuẩn bị tiếp nhận ca sớm. Cuộc sống của cô rất sơ sài, thô tháp. Đây có lẽ là con đường sống mà cô đã mất công chọn lựa, không còn một chút thời gian cho cô ngần ngừ, hay buồn bã. Đúng như Ưu Di đã nói, Quỳnh là con quay đã bị xoay tít, không được phép dừng lại.
Quỳnh thầm nhủ: “Trác, em có biết không, chị không hề muốn chia tay với em“. Quỳnh nghĩ tới khuôn mặt sợ hãi của cậu đang nhìn mình, cậu giận cô một cách sâu sắc. Quỳnh ngủ thiếp đi, cho đến khi có người vỗ vào vai mình. Cô lập tức tỉnh lại. Ra là chủ nhà đến lấy chìa khóa. Quỳnh vội vàng đứng dậy, rút chìa khoá trao cho chủ nhà. Ông ta ngẩn ra một lúc rồi bảo Quỳnh:
– Em cháu vừa mới đóng tiền thuê nhà tháng sau rồi, nói là các cháu tiếp tục ở đây. Có phải thế không?
Quỳnh nhìn ông ta, chẳng biết nói gì, chỉ chầm chậm rút tay đang đưa chìa khóa ra phía chủ nhà lại như một cái máy. Cô thả chìa khóa vào túi áo. Nó phát ra những tiếng lách cách, như tiếng rít của con chó nhỏ lạc đường tìm về được tới nhà. Quỳnh không nói gì thêm, gật gật đầu với ông ta, cô đã nhìn thấy Trác đang đứng phía sau.
Chủ nhà đi rồi, Trác từ từ tiến lại. Quỳnh hỏi: “Em lấy tiền đâu ra?“.
“Tiền làm tượng cho người ta“. Cậu trả lời.
Quỳnh chợt nhớ ra Trác thường hay ở nhà làm tượng, trước đó cô chỉ nghĩ cậu đang làm bài tập của lớp mỹ thuật. Hoá ra là thế.
Trác tiến lại gần hơn, nói với Quỳnh: “Chị nhỏ, tối qua em mơ thấy ba rồi“.
“Thế à? Ba vẫn thương Trác hơn chị. Xem đấy, ông có bao giờ đến trong mơ của chị đâu“. Quỳnh chua xót, trong lòng thêm chút buồn bã và tủi thân, tựa hồ như đang tranh được chiều chuộng với Trác thật.
“Không phải, ba đến là vì việc của chị đấy“. Trác nói.
“Á, việc của chị?“. Quỳnh rung động.
“Vâng. Ba nói với em là. Chị nhỏ đã quá vất vả rồi, con phải biết nghe lời chị, không được để chị giận. Các con phải ở với nhau, thương yêu nhau, biết không?“. Trác bắt chước giọng nói của cha cậu. Trác và cha vốn đã rất giống nhau về ánh mắt và động tác. Cậu đứng ở đó nói năng khiến Quỳnh bất giác không hiểu là ai đang nói trước mặt.
Quỳnh lại khóc, gật gật đầu: “Em nói dùm chị với ba, là Quỳnh sẽ chăm sóc em Trác cẩn thận, thương yêu em Trác, không chia rời“.
“Ba nói là ba nghe thấy rồi, ba rất vui lòng“. Trác vụt trả lời Quỳnh rất nhanh, khẽ mỉm cười. Cậu giống như một linh hồn xuyên giữa hai thế giới. Trác giúp Quỳnh bê hành lý, Quỳnh rút chìa khóa trong túi ra, lại mở cánh cửa. Quỳnh nhìn quanh phòng, màu tường đỏ thẫm, đèn cây dài hình trụ, những chú cá trong bể vẫn vui vẻ đùa giỡn. Cuộc sống đối với chúng chỉ là những trò chơi vui vẻ, không có bức xúc, không có che đậy. Tất cả mọi sự thật đối với chúng chính là nước, ánh sáng và thức ăn.
Đây là căn nhà của họ, nó như là cây nấm lặng lẽ nổi lên dưới trời mưa, mặc dù chỉ có thể chống chọi lại những giọt mưa nhỏ, nhưng cũng là cánh ô an ủi lòng người. Quỳnh nhìn mấy chú chim câu lướt xuống từ gác thượng, chúng đang nhìn hai đứa hết sức trìu mến, đó là những người hàng xóm thân thiện nhất của họ. Chúng học tập họ một cuộc sống đầy thương yêu, không xa rời.