– Alo! Em muốn nghe chị Thủy Tiên – Nhật Phượng kể chuyện… Chị Nhật Phượng em mới chịu à
– Chi Nhật Phượng bận máy rồi bé ơi! Chị kể thay chị ấy có được không? A lo! A lo!
Hồng Nhung nhún vai, bỏ ống nghe xuống. Từ sáng đến giờ không biết có bao nhiêu cú điện thoại tìm Nhật Phượng, cô không hiểu sao bọn trẻ con mê Nhật Phượng đến thế. Chúng nó quen giọng, quen phong cách kể chuyện của Phượng, rồi chẳng biết sao chúng lần ra được cả tên cô, để mỗi lần gọi đến, chúng gọi đích danh Nhật Phượng. Nếu cô bận, chúng cúp máy, sẵn sàng chờ. Chờ như bây giờ vậy đó.
Ngồi tựa lưng vào tường, chân gác lên ghế, Phượng đang say sưa kể chuyện. Phải công nhận Phượng kể chuyện rất hấp dẫn. Lúc mới vào làm việc, cô chỉ kể theo những chuyện cổ tích có sẵn, những loại đó bọn trẻ đã nghe qua nhiều lần nên đâm ra chán. Tự Phượng suy nghĩ ra những mẫu chuyện khác, cô dựa vào các chuyện cũ, thêm thắt các tình tiết mới. Thế là bọn trẻ con mê.
Gác điện thoại xuống, Phượng thở hắt ra:
– Trời ơi! Khát nước gần chết! Cứ nói mãi như vậy chắc em phải tắc tiếng quá chị Nhung.
Mỉm cười, Nhung khen:
– Tại có tài phải ráng chịu. Ai như tụi chị, ngồi chơi suốt, bọn nhóc chỉ khoái em thôi. Phải công nhận em bịa chuyện hay thật! Chị nghe và cứ nghĩ vườn địa đàng có thật. Con vẹt tinh quái của em còn tinh quái hơn cả người. Nè! Em nói nhiều, sao anh Nhật Minh lại im lặng suốt vậy? Chị quen ảnh mấy năm, tổng cộng những lời ảnh đã nói không bằng em nói một ngày.
Nhật Phượng đặt ly nước xuống bàn:
– Tính anh Minh là thế. Không bô bô lắm lời như em, nhưng ảnh nói câu nào đáng giá câu đó.
Có tiếng ai đó góp vào:
– Khỏi nói câu đáng giá nhất Hồng Nhung chờ những hai năm nay, anh Minh vẫn chưa chịu nói. Phượng về nhắc ảnh đi nghe.
Hồng Nhung càu nhàu:
– Lại tào lao! Ai mà chờ nghe ảnh chứ!
Nhật Phượng gãi gãi đầu, quả Thật cô không biết gì về anh Minh nên không dám nói gì cả. Câu chuyện anh Minh kể ở buổi chiều mưa rào vẫn còn là dấu chấm hỏi lửng lơ cô chưa hiểu hết. Anh cô không đơn giản đâu.
– Phượng nè! Sao em tưởng tượng được nhiều chuyện ngộ vậy?
Cười cười cô đáp:
– Tại em thích. Chị biết hông, bữa hôm có thằng bé bắt phải kể chuyện con chó Lu Lu ở nhà nó. Trời đất! Em nào có biết con chó ấy đen hay trắng đâu mà kể. Thế là em hỏi. Nó trả lời. Bắt đầu em phịa ra từ những câu chuyện về chó em đã đọc như chuyện Ca dan. Nanh trắng. Em kể một hồi, thằng bé không chịu cúp máy, em đói bụng gần chết mà chẳng thể nào dứt ra được với nó.
Hong Nhung chống tay dưới cầm tư lự:
– Những câu chuyện của em dễ thương thiệt đó. Em viết lại thành tập truyện ngắn cho thiếu nhi được lắm.
Nhật Phượng tròn mắt:
– Em mà viết hả? Ôi thôi! Không được đâu, kể xong chuyện là em quên mất rồi, làm sao viết được.
– Viết sau này cho con em nó xem.
Phượng tròn mắt:
– Chị Nhung lo xa quá. Em lúc này “Chồng con chưa có, nói chi con”. Chuyện đó hơi đâu mà nghĩ cho mệt.
Chuộng điện thoại lại reng… Phượng cầm máy:
– A lo chị Thủy Tiên đây!
– Nhật Phượng phải không?
Phượng nhăn mặt khi biết giọng vừa rồi là của Thiên, cô vội vàng bỏ máy xuống ngồi khoanh tay.
– Sao vậy?
– A! Người ta lộn số.
Hồng Nhung đùa:
– Lộn số cô kể thành chuyện được không?
Phượng chưa kịp trả lời, chuông lại reo nữa, cô cầm máy lên, đổi giọng khào khào:
– Alo chị Thủy Tiên đây!
– Chị Thủy Tiên Nhật Phượng ơi! Con biết đúng là cô rồi. Cô kể chuyện “Vườn địa đàng” cho con nghe nữa đi. Con là bé Hoài Tú nè!
Chớp chớp mắt, Phượng xúc động khi nhận ra giọng Hoài Tú. Không biết gã cậu dễ ghét của con bé có ngồi kề bên nghe hùn hay không. Cô ngập ngừng:
– À! Chị không phải Nhật Phượng nên không biết chuyện Vườn địa đàng. Thôi chị đọc Doremon nhé? Em nghe chuyện “Con chó của Xuka” chưa?
– Không chịu! Con nghe chuyện Vườn địa đàng hà! Con vẹt của cậu Thiên biết kêu tên cô Phượng rồi! Cô Phượng ghé thăm con đi!
– Chị xin lỗi! Chị là Thủy Tiên chớ không phải chị Nhật Phượng. Thôi chị cúp máy nhé!
Nhật Phượng thẫn thờ ngồi chống tay dưới trán. Tội nghiệp Hoài Tú. Cô tránh Thiên, nên tránh luôn cả nó.
Nhã xa Sài Gòn đúng một tháng. Và cũng đúng một tháng mình không gặp gã cậu trời dễ ghét, trừ lần nghe giọng hắn qua điện thoại.
Trở nghiêng người, kéo chiếc gối ôm vào lòng Phượng xua khỏi đầu tên Thiên, cô bực dọc không hiểu sao khi nhớ về Nhã, bao giờ cô cũng nhờ kèm theo Thiên. Dẫu là kèm theo để so sánh, để làm mốc ghi nhớ cho một kỷ niệm nào đó của cô và Nhã. Rồi cô giật mình nhận ra suốt mấy tháng trời ròng rã, cô gặp Thiên nói chuyện với Thiên nhiều hơn với Nhã gấp mấy lần. Bản chất ngang ngang thích đùa cợt trêu chọc người khác của Thiên làm Phượng có ác cảm, nhưng nếu không nhờ có anh ta, cô làm sao biết những tin tức của Nhã, dầu những tin tức Thiên cho cô biết thường thường là những tin tức… mình đến phát khóc.
Với tay lấy cuốn truyện cổ tích của Andecxen. Phượng ngấu nghiến đọc. Từ hồi còn bé, cô đã mê chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch này, tất nhiên lúc đó cô chưa biết hết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong những chuyện cổ tích của ông. Để bây giờ đọc lại và kể cho trẻ con nghe qua điện thoại, Phượng mới thấm thía nhận ra rằng trong mỗi chuyện cổ tích cho trẻ con còn có một chuyện cổ tích khác mà chỉ người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó.
Nhật Linh âm thầm bước vào phòng như một chiếc bóng làm Phượng giật mình. Úp quyển sách trên gối, cô nhắm đầu lên chống tay dưới cằm nhìn bà chị nổi tiếng lạnh lùng sắt đá với nhân viên của mình. Dạo này bỗng dưng chị Linh ủ dột khác thường, đi làm về cơm nước xong xuôi là đã thấy chị lên giường nằm như ngủ.
Nhưng thật ra khó ai ngủ ở giờ đó, chị Linh nằm trăn trở với nỗi niềm riêng của mình đấy thôi.
Nhiều lúc thấy Nhật Linh ngồi trước gương mà Phượng thương. Linh vẫn hội tụ đủ những nét đặc trưng của chị em trong nhà, đúng là nét mặt, đường môi, sống mũi, chiếc cằm của bọn “con nhà Nhật”, nhưng sao ở khuôn mặt Nhật Linh mỗi cái lại biến dạng đi một tý. Con mắt hơi nhỏ, chiếc mũi hơi thô, cái cằm vuông quá sức khiến Linh cứng ngắc như là đàn ông, mà lại là đàn ông xấu trai mới buồn chứ!
Suốt cả tháng trời nay, gương mặt đàn ông ấy như mềm rũ ra, mềm đi bởi những chuyện riêng buồn bực nào đó, mà trong nhà kể cả ba mẹ cô không ai… dám hỏi tới.
Phượng dè dặt lên tiếng:
– Sao độ này chị đi ngủ sớm vậy?
– Mệt!
Nhật Linh cộc lốc trả lời rồi quay mặt vào vách, Phượng tỏ vẻ quan tâm:
– Em thấy chị hơi xanh đó! Chắc thiếu máu chớ gì. Mẹ nói chị nhơi nhơi ba bốn hột cơm là buông đủa. Ăn uống ít, làm việc nhiều, không khéo bị suy nhược cơ thể…
Mặc Phượng nói gì thì nói, Linh gác tay lên trán làm thinh. Phượng giận dỗi:
– Chị làm sao vậy? Miết rồi không thèm nói chuyện luôn với em. Nhớ hồi nhỏ, đi đâu chị cũng cho em theo, có gì chị cũng để dành cho em. Sao lớn lên chị lạnh lùng kỳ cục, không lẽ công việc ở cơ quan làm chị mệt mỏi chán chường đến mức tiết kiệm cả lời nói với anh em trong nhà.
Nhật Linh không đổi tư thế, cô cất giọng nghèn nghẹt:
– Không phải đâu! Đừng nghĩ chị ghét bỏ em út. Có điều công việc quay chị tới tấp, chị mệt mỏi, đuối sức quá mà chưa biết giải quyết cách nào, đâm ra sật sừ như chết rồi đó thôi!
– Nhưng chị đang gặp khó khăn gì vậy?
– Ôi! Em hỏi làm chi cho mệt trí! À! Sao cả tháng nay không thấy Thiên ghé vậy?
Nhật Phượng bĩu môi:
– Em cấm!
Có tiếng Linh cười gượng gạo:
– Chà! Gà xước oai quá ta! Sao lại cấm. Trong khi chị muốn có một người đến thăm, lại chẳng có ai. Đừng nên kiêu căng, phách lối trước tình yêu chân thật.
– Xí! Hắn ta mà chân thật! Anh Nhã nói hắn là một tay đểu giả có hạng, thay bồ như thay áo ấy.
Nhật Linh nhỏm người dậy, cô vội vàng hỏi:
– Sao Nhã lại biết Thiên?
Ngạc nhiên vì thái độ của chị, Phượng nói ra luôn:
– Sao lại không biết. Về Sài Gòn anh Nhã ở nhà ông Thiên chớ đâu! Thấy anh ta rề rà tán em, anh lên tiếng báo động để em liệu hồn.
Rồi như không dằn được lòng mình, Phượng bâng khuâng:
– Anh Nhã về Canada rồi! Không biết trước khi anh đi có hăm he gì Thiên không? Mà lão ta biến đâu mất cả tháng nay.
Nhật Linh chăm chú nhìn em gái và buông một câu:
– Như vậy Nhã cũng tốt với em đó chứ!
Tự dưng Nhật Phượng e ngại, cô tạo ngay cho mình một lớp vỏ ngụy trang nhằm che giấu những tình cảm thật đang chất chứa trong lòng:
– Ơ! … Thì dù sao em cũng là em anh vì không lẽ ảnh xấu với em gái bạn mình.
– Nhưng có bao giờ em nghĩ tại sao Nhã lại tốt với em như vậy không?
Phượng bặm môi. Cô bắt đầu giữ thế thủ trước bà chị mình:
– Không!
Nói xong cô nằm lăn xuống tay vớ cuốn sách đưa lên mặt…
Những dòng chữ, con chữ nhảy múa lung tung khiến Nhật Phượng đọc mà không hiểu hết nghĩa. Cô ngậm ngùi tiếc nuối… Phải chi mình cứ là đứa trẻ con như hồi nào để chị đọc chuyện cổ của Anđenxen bằng tấm lòng ngây thơ hồn nhiên của con nít. Và phải chi cô là con bé “Gà xước” cỏm nhỏm ngày nào, không biết giữ lại cho mình những cái riêng tư gì cả để đừng thấy cô đơn, ngăn cách với chính chị ruột mình.
Càng lớn lên, già đi người ta càng thấy cuộc đời không đơn giản chút nào hết. Cô đâu muốn trở nên khép kín như chị Linh, anh Minh, hay cả như chị Uyên, anh Trung ồn ào phô trương nhưng thật ra vẫn im lìm với bản thân trước người khác. Cô muốn bộc lộ nỗi lòng, những điều đó xem ra thật khó trước thói quen ôm riêng chuyện mình của mọi người trong gia đình cô.
– Em đọc gì mà say mê thế?
– À! Chuyện “Nàng tiên cá”…
– Già đầu vẫn còn thích chuyện cổ tích à?
– Đâu có! Em là người kể chuyện qua điện thoại mà! Không mê cũng phải đọc.
Thấy Linh có vẻ muốn nói hơn thường ngày, Phượng cười cười:
– Chị nghe không? Em đọc cho nghe.
– Ối trời ơi! Chị già quá rồi Phượng!
– Già càng nên nghe chuyện cổ tích, nó làm người ta trẻ ra, vui lên và yêu đời hơn. Mấy chuyện này hồi nhỏ anh Vi đã mua cho em, bây giờ đọc lại vẫn hay như thường.
– Những chuyện này chị đều đọc cả rồi. Dù hay cách mấy cũng là chuyện đời xưa, nó có gần gũi gì với mình đâu?
Nhật Phượng phản đối:
– Nói như chị, em không đồng ý.
Chẳng để Phượng huyên thuyên tiếp, Linh quyền hành khoát tay:
– Thôi! Thôi! Chi không phải là con Uyên hay thằng Trung đâu mà tranh luận với em. Thời giờ của chị, để dành cho chuyên môn kia kìa. Hiểu chưa?
Nhật Phượng bực mình nói lẫy:
– Em cũng đang làm công tác chuyên môn, chớ có phải đọc chuyện để giải trí đâu, chị hồi này, hồi nọ rồi la em.
Giận dỗi cô lại cắm đầu đọc tiếp… Sao chị Linh lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình là người có quyền hành vậy? Với em út trong nhà cô còn lên giọng thủ trưởng, nói chi với nhân viên? Không biết chị ghét chuyện cổ tích thật, hay ghét việc mình chê làm ở cơ quan của chị, dễ làm nghe kể chuyện này nữa đây.