Thiên nheo mắt:
– Đúng vậy không? Hay mày muốn con bé đau khổ ấy phải nhớ đến mày nhiều hơn vì mày đã phớt lờ coi em như pha, mặc xác luôn thằng bạn vì mày mà bị mắng mỏ đủ thứ?
Lơ lơ lửng lửng kiểu nửa đùa nửa thật Nhã nói:
– Tao đâu tệ dữ vậy Thiên. Sáng đó tao đi mua hoa thật mà!
– Vậy hoa đâu?
– À! Trên đường trở lại, tao thấy Phượng hầm hầm ngồi trên xích lô. Biết ngay là có biến, nên hoa ấy tao cho người khác rồi.
– Bịa chuyện hay thật, mày cho ai hoa vậy?
Mặt nghiêm như đang hầu tòa, Nhã kể rất… thành thật:
– Cầm nhánh hoa trên tay, tao nghĩ nếu đem nó về chắc mày sẽ cười cho bằng thích nên tao vào một quán caphe. Trong quán có một cô đang ngồi một mình như chờ đợi người yêu. Tao cho cô ta và chúc hạnh phúc.
– Cho và không tán lấy một câu nào hết.
– Ừ. Vì con nhỏ đó xấu quá!
Dứt lời Nhã cười thích thú, Thiên cũng bật cười theo:
– Mày có tài trào phúng đó chứ!
– Buồn quá, lếu láo cho vui vậy mà, tài cán gì thằng tao.
Thiên thừa biết sáng đó sau khi thách anh tới nhà Nhật Phượng, Nhã đã đi với một cô gái khác chỉ vì tin rằng Phượng sẽ không tới. Để đến khi về, nghe Thiên và cả Hoài Tú nói, anh mới tỏ vẻ vô cùng ân hận. Còn thật sự anh ta có mua hoa và tặng ai không thì có trời biết.
Hôm đó Thiên rất bực, nhưng anh nghĩ cũng tại mình tham gia vào trò đùa của Nhã có bực bội cũng đã rồi, chỉ nên nhớ để dặn lòng rằng đừng cao hứng, bốc đồng lao vào một lời thách thức nào nữa cả.
Những lời Nhã nói nãy giờ chứng tỏ anh không muốn người khác dấn sâu vào nỗi niềm riêng mà anh đã giữ lại. Thiên chẳng muốn biết chuyện của Nhã làm gì cho bận tâm. Nhưng nghĩ tới Nhật Phượng, anh thấy mình là người có lỗi vì anh bốc đồng kéo cô vào trò chơi của Nhã, trong khi theo anh nhận xét thì Phượng có cảm tình đặc biệt với gã đàn ông có đời sống riêng khá dữ dội này. Khác với thói quen phớt lờ chuyện của thiên hạ. Anh hỏi dò:
– Mày sẽ gặp lại Nhật Phượng chứ?
– Đương nhiên! Con bé đẹp thế kia, dễ yêu thế kia và ngây thơ đến thế kia…
Nhã bỏ lững câu nóio, anh chợt thở dài rồi im lặng. Thiên ngập ngừng:
– Tao nghĩ chắc Nhật Phượng không là đối tượng để mày qua đường đùa vui!
Không trả lời câu hỏi của Thiên, Nhã bỗng nhếch môi mai mỉa:
– Thầy chùa chuyện môn ăn thịt chó, hôm nay lại sợ thiên hạ phạm tội sát sinh. Nghĩ cũng lạ! Hay là mày thích Phượng?
Thiên nổi cơn tự ái:
– Tao không bao giờ đá lấn qua sân người khác. Mày đừng đùa kiểu đó! Chỉ vì cô ta là cô giáo của Hoài Tú, tao không thích bị đánh giá sai khi đã có lần ngốc nghếch chui vào tròng bỡn cợt của mày!
Giọng Nhã dịu xuống:
– Kìa Thiên! Sao lại nóng! Xin lỗi tao đã nói linh tinh. Mày thông cảm, hôm nay tao mệt quá! Tâm trí cứ lan man vì những kỷ niệm đâu đâu.
Thiên lạnh lùng:
– Vậy tốt hơn nên đi ngủ! Mưa như vầy ngủ sẽ rất ngon.
Nhã gượng gạo đứng dậy, anh khoác chiếc áo gió lên vai giống như những gã lang thang:
– Sáng mai đi uống caphe với tao!
– Được thôi! Tao sẽ chờ!
Thiên trở về bàn làm việc của mình, anh cắm cúi trên bàn vẽ. Với anh bây giờ công việc là trên hết. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, ai cũng nghĩ anh chắc chỉ biết ăn chơi, nhưng không phải thế. Thiên có thói quen làm việc vào ban đêm khi mọi người đã ngủ. Anh làm việc âm thầm và vô cùng yêu thích công việc đòi hỏi nhiều sáng tạo này.
Có lần mẹ anh đã nửa đùa nửa thật rằng: “Nếu không bị vợ bỏ, chắc tài năng của con đã bị chôn vùi mất rồi”.
Thiên cười một mình. Nếu anh vẫn là chồng của Phượng Hoàng, có lẽ anh đã không là một kiến trúc sư có tiếng như hiện giờ. Anh đã thành công với biết bao nhiêu đồ án xây dựng lớn nhỏ. Nhưng “Một túp lều tranh và hai quả tim vàng” cho riêng mình, tới nay anh vẫn còn bỏ trống.
Cầm cây viết nỉ lên Thiên chấm một chấm lên tờ giấy vẽ mờ mờ đục.
Bắt đầu từ một chấm anh vẽ được nhiều nhà cao tầng. Sao đêm nay anh muốn vẽ cho riêng mình một mái ấm thật đơn sơ?
Dầu gì thì tuần sau cũng đến thời hạn nộp đề án công trình này cho Tổng giám đốc, Thiên chẳng còn nhiều thời gian để suy nghĩ viển vông như thời trai trẻ nữa đâu.
Thiên đặt thước lên giấy và kẻ một đường. Có lẽ đêm nay anh sẽ làm việc tới tận sáng. Độc thân như anh, điều đó có gì là quan trọng chứ.