Cảnh Yến cố tình bắn chệch, đến cả ta cũng nhận ra. Vở kịch này ngài chọn diễn cho bằng được vai bề tôi tài mọn.
Thình lình hoàng đế cất tiếng cười, quay ngoắt lại, mũi tên chĩa thẳng phía ta.
“Vù” một tiếng, hoàng đế buông tay xuống, mũi tên bay vút.
Gió rít lên, ngay sau đó đầu ta chảy đầy máu, cả người đờ ra.
Mũi tên ấy ngắm bắn thẳng vào ta, nhưng cuối cùng lại hơi lệch trọng tâm. Lông đuôi mũi tên sạt qua cổ ta, chỉ vừa vút qua, máu đã ứa ra thành giọt.
Không thể nào! Mũi tên ấy rõ là muốn đoạt mạng!
Ta hơi xoay đầu nhìn sang, thì ra chính Cảnh Yến đã bắn một mũi tên khác, làm trật hướng mũi tên kia, còn xé toạc cả mảng tay áo hoàng đế, giờ đang ghim chặt trên thân cây.
Chỉ một chút nữa thôi là đâm vào tay hoàng đế.
“Quỳ, quỳ…Cảnh, vương gia, mau quỳ xuống!” Ta vội trượt xuống khỏi lưng ngựa, thực ra giống ngã hơn, quỳ xuống, kéo mạnh áo Cảnh Yến, mồ hôi đổ ra tự lúc nào.
Cảnh Yến từ từ quỳ xuống, nhưng vẫn nghiến chặt răng, không nói câu gì.
“Tiểu Cửu, phu nhân ngươi cũng tự biết, quân cờ là chết, cho nó đi, nó mới được đi.” Hoàng đế không nổi giận, chỉ cưỡi ngựa thong dong đi vòng quanh hai ta: “Lo mà đi quân cờ của ngươi, Tiểu Cửu, quân cờ của trẫm, ngươi cấm có động.”
Không ngờ hắn biết Cảnh Yến giúp ta trốn!
“Hoàng thượng, nô tì không đi, nô tỳ làm quân cờ, không bao giờ đi nữa.”
Ta cúi gằm mặt xuống, giọt máu nhỏ xuống trong im lặng, thấm vào cổ áo, mồ hôi trên trán nhỏ xuống đất, ngấm vào đất tựa như chưa từng có.
Bấy giờ hoàng đế cười rộ lên, gỡ mảnh tay áo kia xuống: “Trẫm đã nghĩ rằng một trong hai ngươi, nhất định có một kẻ đang diễn trò, không ngờ lại sai. Tiểu Cửu, xưa nay ngươi vẫn luôn là con sói đơn độc, bây giờ cuối cùng cũng lộ ra sơ hở, chưa hẳn đã là điều tốt.”
Cảnh Yến vẫn quỳ, im lặng.
“Thôi vậy, trẫm đùa hơi quá rồi, hai ngươi đừng để tâm.” Hoàng đế nắm chặt dây cương, bỏ lại hai người bọn ta vẫn quỳ dưới đất: “Tiểu Cửu, còn không lên ngựa e là con hươu kia sẽ không rơi vào tay đệ đâu.”
Vó ngựa xoáy vào trảng cỏ làm cỏ nát bấy lẫn lộn với đất. Hoàng đế đã xa khuất bóng.
“Nguyên Nguyên, nàng có sao không? Nàng đừng khóc!”
Ta không khóc, ta có khóc đâu?
Giơ tay chạm lên má, nước mắt đã đẫm tự lúc nào.
“Ừm, sợ quá, sợ nên khóc.” Ta hơi sụt sịt, định đứng dậy, nhưng chân không nghe lệnh: “Không sao, hơi mất lực thôi, nghỉ một lát…”
Nhưng ta không cố được đến cuối, ôm mặt, nước mắt chảy qua kẽ tay, không kêu gào, nhưng bả vai run rẩy.
“Còn không bằng lúc chưa thích. Cảnh Yến, hay là ngài đừng thích thiếp nữa!” Hễ khóc là ta lại bắt đầu suy nghĩ lung tung: “Hôm nay, nếu thực sự xảy ra chuyện, chỉ còn lại một người, biết phải sống sao…”
“Nguyên Nguyên đừng khóc, không đâu, không có ngày ấy đâu.”
Ngài cũng run run, nhưng vẫn ôm chặt lấy ta.
“Đừng để ta liên lụy đến ngài! Cảnh Yến, cả đời ngài phải sống vì mình, đừng có để ta liên lụy đến ngài…”
“Nói linh tinh! Nguyên Nguyên, không được phép nói như vậy, sau này cũng không được nói vậy.” Ngài khiển trách ta, cuối cùng lại thành ra dỗ dành: “Nàng không liên lụy gì đến ta, là ta liên lụy đến nàng, là ta liên lụy đến nàng…”
Liên lụy nhẫn nhau, làm khổ lẫn nhau, hai kẻ sáng suốt chẳng sao hiểu sao lại hồ đồ như vậy.
Nghỉ một lát, ta lại leo lên lưng ngựa. Rớt đài bị thương vẫn phải trở lại vì kịch vẫn phải diễn, phải diễn sao cho hoàn hảo nhất.
Mặt ngài vẫn còn hơi tái, ta bèn nghĩ cách làm ngài phân tâm, không vướng bận chuyện kia nữa. Đúng lúc phía trước có con thỏ trắng, ta liền bảo ngài: “Vương gia, Nguyên Nguyên muốn nuôi thỏ.”
Ngài hơi sửng sốt, nhưng cũng nhảy xuống: “Bổn vương bắt cho nàng.”
Ngài nằm bò dưới đất bắt thỏ, y phục màu xanh lấm lem bùn đất, chỉ lát sau, ngài tóm hai tai thỏ, quay lại cười khoe ta: “Đây, Nguyên Nguyên, thỏ đây.”
Chẳng hiểu sao ta thấy mắt cay cay.
Khi tất cả tập hợp lại, ta trông bên mình ngựa Nghiêm Phong đang treo một con hươu. Tên ngốc ấy cười ha hả nói sẽ mang da hươu về cho Chức Hoan.
Hoàng đế vẫn như mọi khi, hào sảng ban thưởng cho hắn, khi quay qua nhìn đến bọn ta, bỗng chốc hắn sựng lại.
“Tiểu Cửu, sao vậy, không phải đệ ghét thỏ nhất sao?”
Ta chưa từng nghe ai kể chuyện này.
Cảnh Yến không để lộ gì bất thường, như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra: “Con sói con này thích, thần cũng hết cách.”
Sau này ta mới biết, khi tiên hoàng còn sủng ái mẫu phi ngài, hay gọi bà ấy là Thố Nhi. (Thố – âm Hán Việt, nghĩa là thỏ)
Xe ngựa vừa dừng trước của vương phủ, nha đầu Giai Thuần đã đến đỡ ta, bồn chồn không yên báo với ta.
“Vương gia, chủ tử, Vãn Thược chủ tử nổi giận, giờ đang đập đồ đạc trong kia! Không ai khuyên được, có đến bốn nha đầu bị thương rồi.”
Ta thở dài, đẩy thỏ con sang tay ngài: “Nàng ta đã giận dỗi vì hoàng thượng không gọi nàng ta đấy, hôm qua ngài lại làm nàng bẽ mặt, thôi mau đi dỗ đi.”
Cảnh Yến ôm thỏ con, nhìn ta một lúc, hỏi: “Nguyên Nguyên, lúc đòi bổn vương bắt thỏ cho nàng, nàng đã có ý định này rồi sao?”
Ta biết sẽ làm ngài phật ý, bèn nhẹ nhàng đáp lại: “Dỗ nàng ta một chút có sao? Vương gia, coi như ngài làm vậy vì thiếp đi, không có nàng ta lại gây phiền phức cho thiếp.”
Cảnh Yến trả thỏ con lại cho ta, chỉ nói: “Nàng mà không nói nàng thích, bổn vương cũng chẳng thèm bắt.”
Nói xong ngài đi thẳng vào phòng ta, nhưng không thèm để ý đến ta, cũng chẳng đoái hoài gì đến Vãn Thược vẫn đang điên điên khùng khùng.
Thực ra, đúng là ta cũng chẳng thích gì mấy con thỏ, bảo ngài bắt, là để ngài chuyển sự chú ý sang chuyện khác, không nghĩ đến chuyện kia nữa, vả lại ta cũng đoán được Vãn Thược sẽ phát điên lên như thế này.