Kiến Lộc

Chương 24



Nghiêm Phong thả thõng hai tay, mặt không biểu cảm đáp: “Ta không nên tự ý rời đi, không liên quan gì đến cô nương cả.”

“Nghiêm đại nhân.” Ta đánh tiếng nhưng sau đó lại không biết phải nói thế nào: “Ngài đừng hận ngài ấy. Ngài ấy vì nghĩ cho ta mà thôi. Đứa bé sẽ gánh mọi chuyện thay ta. Ngài có hận hãy hận ta.”

Hắn nhìn ta, đoạn lên tiếng, giọng hắn khàn khàn: “Cô nương, khi ta đi theo Vương gia, bấy giờ mới 14 tuổi, không cha không mẹ, sống nhờ nghề khiêng quan tài. Bé con vốn là sự sai lầm, do ta mù quáng, vọng tưởng quá nhiều.”

Ta không biết phải nói thế nào, hít một hơi mới dám mở miệng hỏi: “Còn Chức Hoan, nàng ấy vẫn…”

“Người thì vẫn ổn…” Hắn ngừng lại, càng sau tiếng càng nhỏ như đang thì thầm: “Nhưng mà tinh thần thì hơi có vấn đề…”

Máu chảy ruột mềm, chuyện đã như thế khó tránh khỏi đau thương. Nàng vỗ vỗ tay ta nói rằng con gái tốt biết bao, con gái không tranh không giành, không rơi vào cảnh nguy hiểm, cảnh tượng ấy vẫn còn in rõ trong tâm trí ta, tựa như mới ngày hôm qua thôi, mà nay…

Chuyện không theo ý người sao lại nhiều đến thế?

“Còn vương gia đâu?” Ta hỏi.

Nhưng Nghiêm Phong không đáp.

“Nghiêm đại nhân, vương gia đâu?” Giọng ta phảng phất như đang run rẩy, ta cố gắng tỏ ra bình thường, hỏi tiếp.

“Vương gia đã vào cung mấy ngày nay, về rồi người không khỏe lắm.” Nghiêm Phong nghiến răng, lời nói toát ra mùi căm hận.

“Ta sẽ qua chỗ ngài, bây giờ đi luôn.” Ta định đứng lên, nhưng cái gối bỗng dở chứng làm ta ngã khuỵu xuống, xây xẩm mặt mày.

Nghiêm Phong kéo ta lại, cúi xuống nói với ta: “Cô nương, vương gia nói muốn cô ở yên đây đợi ngài, ngài sẽ đích thân đến đón cô.”

Đây là lời ngài đã hứa với ta khi ta nắm chặt tay áo ngài, khẩn khoản cầu xin ngài.

Ngẫm kĩ lại, ta cầu xin ngài điều gì ngài hầu như đều đã làm. Ngoại trừ buổi tối ba hôm trước, ta cầu xin ngài hãy giết ta đi, nhưng ngài không xuống tay được.

Cảnh Yến đến, mặc dù ngài gầy đi không ít nhưng trông vẫn khá phong độ. Ánh mắt ngài dường như ngày càng ẩn nhẫn, ngày càng thâm sâu. Gương mặt nhợt nhạt, đôi môi không còn sắc hồng nhưng vẫn vương ý cười.

Ngài vòng tay ôm ta, nhấc bổng cả ta lên, tuy nhiên ta cảm nhận được tay ngài hơi run. Ngài nhìn ta vừa cười vừa nói: “Nguyên Nguyên, cơm canh không hợp khẩu vị nàng sao, sao nàng lại nhẹ hều như tờ giấy thế này?”

Ta không muốn nói gì cả. Lúc này mặt trời sao mà chói chang, tuyết cũng trắng đến lóa cả mắt, ta chỉ đành nhìn Cảnh Yến, yên lặng ngắm gương mặt người.

Ngài ôm ta vào kiệu, ngồi kề bên. Đến khi kiệu dừng, ngài lại ôm ta vào trong phòng.

Từ đầu đến cuối, cuộc trò chuyện mới chỉ dừng lại ở câu “sao nàng lại nhẹ hều như tờ giấy thế này.”

Ta nhẹ như tờ giấy sao? Nên ngài mới phải ôm ta, phải ôm thật chặt, sợ rằng gió vừa thổi sẽ cuốn cả ta đi, ngài không giữ nổi sao?

Đầu gối ta đã tím bầm, bây giờ đi lại vô cùng khó khăn nên đành ngoan ngoãn nằm chườm nóng cho đỡ. Cảnh Yến ra ngoài một lát, về rồi liền nằm xuống bên cạnh ta.

Ta vươn tay cởi y phục ngài ra, ngài lại lật người lại, áp sát tủm tỉm cười, mắt nháy nháy ra hiệu: “Nguyên Nguyên à, nàng đi đâu mà vội mà vàng?”

“Có phải họ làm khó ngài không?” Ta mặc kệ ngài, chỉ lo hỏi: “Vương gia, bọn họ lấy lý do ngài phá hỏng tiệc mừng thọ, lại còn mạo phạm hoàng thượng nên đã dùng hình với ngài đúng không?”

“Nguyên Nguyên, tiên hoàng có tổng cộng 17 người con, trong đó có 10 người là hoàng tử.” Ngài nhẹ nhàng vuốt ve tay ta, mở lời như bắt đầu kể một câu chuyện: “Đại hoàng tử thân chinh chết nơi sa trường. Thân mẫu vì đau lòng quá độ mà qua đời, truy phong phu nhân. Nhị hoàng tử mới hai tuổi đã bị bệnh đậu mùa, chẳng gắng gượng được bao lâu. Thân mẫu cũng chẳng còn nơi nương tựa, sau này chết trong thâm cung. Tam hoàng tử và tứ hoàng tử là anh em sinh đôi. Năm 10 tuổi tứ hoàng tử chết vì ngã ngựa. Năm 13 tuổi tam hoàng tử trượt chân ngã xuống núi, cũng mất rồi. Nhưng vị quý phi này cũng mạnh mẽ lắm, hai đứa con qua đời, bà vẫn chịu đựng được, nghiến răng nghiến lợi phải có được đứa con nữa. Bà mang thai, hạ sinh một công chúa, nhưng khó sinh nên còn chưa kịp ôm đứa bé lần nào đã yên nghỉ. Bấy giờ, ngũ hoàng tử được lập thành thái tử, thân mẫu được lập thành hoàng hậu. Ngũ hoàng tử phải đi trên con đường đẫm máu, giẫm lên bao nhiêu xương cốt mới có thể ngồi lên ngôi vị hoàng thượng. Lục hoàng tử chết yểu, lúc mất hãy còn là một đứa bé đỏ hỏn. Nghe bảo là do bà vú đột nhiên lên cơn điên nên đã ra tay khiến đứa bé ngạt thở. Mẫu thân cũng chỉ là một mỹ nhân, chẳng bao lâu sau bà cũng phát điên, bị tống vào lãnh cung. Thất hoàng tử 15 tuổi dấy binh tạo phản, bị thái tử đâm một nhát chí mạng trước điện, máu xối ra bắn lên con rồng khắc trên ngai vàng. Sau khi hoàng thượng lên ngôi, bát hoàng tử được phong làm vương, đến vùng thái ấp. Nơi đó bần hàn cùng cực, huynh ấy cả người bệnh tật, năm thứ tư bệnh nặng qua đời. Thập hoàng tử…đệ ấy nhỏ nhất, gần tuổi với bổn vương nhất, cũng thích nhất là đi theo bổn vương. Nhưng bổn vương vẫn không biết vì sao đệ ấy lại mất, Nguyên Nguyên, nàng có tin không? Bổn vương vừa mới đi từ trong bụi cỏ ra, đệ ấy đã mất rồi…”

“Đến nay, từ mười hoàng tử chỉ còn lại hai. Nguyên Nguyên, bổn vương xuất thân thấp kém, mẫu phi của ta là một cung nữ. Thuở thiếu thời, mẫu phi lúc nào cũng kể với ta hoàng thượng dành rất nhiều tình cảm cho mình, không quan tâm đến xuất thân của mẫu thân, phong mẫu thân thành phi.” Cảnh Yến bình lặng kể lại chuyện cũ, như mặt biển không gợn sóng: “Một ngày nọ, mẫu vẫn đang kể những chuyện ấy thì bỗng có một thái giám đến truyền khẩu dụ. Mẫu phi quỳ dưới đất cầu xin hắn, nhưng cũng có ích gì. Bổn vương không bao giờ gặp lại mẫu phi nữa. Bổn vương bị dẫn đi, lúc ấy mới có 4 tuổi, lúc ấy còn nhỏ lắm, nhỏ lắm…”

“Nguyên Nguyên, nàng hay nói nàng không lừa được bổn vương.” Ngài khẽ cười, quay sang nhìn ta, nhàn nhạt nói tiếp: “Nơi đây sinh ra trong lừa dối, chết đi trong dối lừa; sủng ái hay chém giết cũng đều là lừa gạt nhau cả. Nguyên Nguyên, ta sống trong sự lừa lọc, nhờ lừa lọc mới sống được 23 năm. Vậy nên làm sao nàng có thể qua mắt được ta?”

Ta nên thương xót ngài sao? Ngài ấy nhất định không cần kẻ khác thương xót mình. Ngài nói với ta những lời này đơn giản là muốn nói bây giờ ngài đã tin tưởng ta.

“Bọn họ đều gọi bổn vương bằng một tiếng Cửu vương gia, Nguyên Nguyên, nàng thấy nực cười không? Có vua Phụ, vua Định, vua Cố nhưng nàng có đếm ra vị thân vương nào lại có phong hào là Cửu không?”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.