Chặng Đường Áp Giải

Chương 8



Suốt buổi tối hôm đó, Thị Dĩ Thành trằn trọc mất ngủ, chưa đến bốn giờ sáng đã tỉnh như sáo, cố dỗ giấc ngủ nhưng không được nữa, đành thức dậy chuẩn bị bữa sáng luôn. Việt Việt vẫn giống hồi còn bé, rất thích món cháo do anh nấu. Thuở ấy, ở trong viện nghiên cứu, chỉ có mỗi nhà anh là chưa có bếp ga, cha anh dùng mấy viên gạch xây thành cái lò đất, nhặt mấy cành cây khô về làm củi đốt, rồi lấy đó mà nấu cơm. Trong nhà có một cái nồi lớn chuyên dùng để nấu cháo đã cao tuổi lắm rồi, có từ thời nắp nồi làm bằng mấy thanh gỗ cơ. Mặc dù tốc độ nấu nướng không thể nhanh như bếp ga được, nhưng cơm nước nấu ra đều thơm phưng phức. Anh vẫn nhớ khi ấy, Việt Việt phải nói là mê mệt lò đất này luôn, lần nào anh nấu cháo, cậu cũng nhóc đều ngồi chồm hổm bên cạnh, ra sức hít hà, ngửi lấy ngửi để cái hương gạo ấm nồng ấy, miệng không ngừng léo nhéo: Đã chín chưa vậy, đã chín chưa vậy? Đến khi giở nắp nồi lên, hơi nóng từ bên trong xộc ra, phủ mờ cả cặp kính của cậu nhóc, thế là nhóc ta lại lạch bạch chạy ra ngoài.

Chùi sạch kính rồi mới quay trở vào. Chẳng bao giờ cậu chịu để cho Thị Dĩ Thành nhìn thấy gương mặt mình khi không mang kính cả, mãi cho đến lần đó… Về sau, người trong viện nghiên cứu thanh lý mấy cái bếp ga cũ, lãnh đạo liền lấy đó cấp cho nhà họ dùng, cha anh mừng rỡ đòi đập bỏ cái lò đất đi, Thị Dĩ Thành liền ngăn ông lại, rồi di dời lò đất ra cái lán nhỏ phía sau nhà, Việt Việt vừa hay tin, liền lật đật chạy sang, Thị Dĩ Thành lập tức dẫn cậu ra ngoài lán thăm cái lò đất bị giấu trong đó, cậu nhóc hồ hởi nhảy cẫng lên lưng Thị Dĩ Thành, đòi Thị Dĩ Thành phải cõng mình đi lòng vòng chơi trong viện hết cả buổi trời. Việt Việt lúc nhỏ, quả thật là một đứa bé rất đáng yêu, đôi khi lại còn thích làm nũng như thế đó. Đến bây giờ vẫn vậy. Thị Dĩ Thành cười ngô nghê như một thằng khờ, thế mà chính anh lại không biết điều này. Đến khi làm xong bữa sáng, cũng chỉ mới năm giờ rưỡi thôi. Thị Dĩ Thành lượn lờ khắp nhà, hết mân mê cái này lại ngắm nghía cái kia, tâm trạng hệt như mấy cậu choai choai sắp rước được vợ hiền về vậy, cứ nôn nao trông ngóng, lòng tràn đầy sung sướng.

Thị Dĩ Thành vừa nghe thấy tiếng chuông cửa reo, mới giật mình thoát khỏi trạng thái lâng lâng, ba chân bốn cẳng chạy ra mở cửa.

Tô Tô đứng ở ngoài cửa.

Cậu đã thay một chiếc áo sơ mi màu xanh da trời, áo khoác denim xanh dương cùng với quần jean, uể oải đứng tựa vào cửa, trông thấy dáng vẻ hạnh phúc ra mặt của Thị Dĩ Thành, thì phì cười nói: “Tôi đến rồi đây.”

Thị Dĩ Thành nhoáng cái đã ôm chầm lấy cậu, nhấc lên xoay một vòng, rồi mới siết chặt vòng tay.

Tô Tô gác mặt lên vai anh, vào đúng lúc mà Thị Dĩ Thành không nhìn thấy ấy, nét mặt cậu bỗng trở nên hiền hòa đến lạ, hệt như thời niên thiếu.

Đến khi quay sang nhìn anh, thì đã được thay bằng nụ cười mang theo chút gì đó cợt nhả rồi.

“Này, kể từ ngày hôm nay xem như tôi bắt đầu công việc nhé.”

Thị Dĩ Thành đực mặt ra.

Tô Tô nói: “Ê, đừng nói là anh quên mất tiêu hợp đồng của chúng ta rồi nha. Vậy thì thôi, tôi đi à.”

Thị Dĩ Thành chưa kịp nghĩ đã vội níu cậu lại: “Ấy ấy ấy đừng, anh nhớ mà, anh vẫn nhớ mà. Nào, mau vào đây. Phải rồi, em không mang theo hành lý gì à?”

Tô Tô nhướng mày chọc anh: “Anh đòi bao nuôi tôi, vậy mà lại không bao luôn cả phần hành lý à.”

Thị Dĩ Thành ấp a ấp úng: “Ơ, không phải… Anh… Ý anh là…”

Tô Tô nói: “Mặt anh lại đỏ như tôm luộc rồi. Xin lỗi xin lỗi nha, đùa anh tí thôi mà.”

Thị Dĩ Thành hỏi: “Em ăn sáng chưa? Anh có nấu cháo nè.”

Tô Tô ngồi vào bàn, Thị Dĩ Thành liền múc cháo ra đưa tới trước mặt cậu. Tô Tô nhìn thấy chén cháo thì nói: “Hôm qua, tôi vừa nhớ tới một chuyện. Nếu anh muốn tôi đóng giả làm Việt Việt, thì ít nhiều gì cũng nên nói cho tôi biết một vài sở thích cũng như thói quen các thứ của cậu ta chứ, mắc công tôi diễn không giống, sẽ khiến anh càng xem càng thất vọng, đúng không nào? Ví dụ như, cái cậu Việt Việt đó thích ăn cái gì? Thích chơi trò gì? Có ghét thứ gì hay không?”

Ánh mắt đong đầy trìu mến và hiền hòa của Thị Dĩ Thành tập trung lên khuôn mặt cậu, lướt qua từng đường nét một, “Việt Việt ấy à, em ấy rất ngoan, cũng không kén ăn, lúc ăn cháo rất thích bỏ đường vào, bình thường ngoại trừ luyện piano ra thì cũng không có sở thích đặc biệt nào khác. Thành tích học tập tốt, người lại sáng dạ, nhưng không phải dạng mọt sách chỉ biết chăm chăm vào việc học. Không giỏi thể thao cho lắm, lúc tập chạy xe, cứ ngã hoài hà, sau đó thì ngồi dưới đất ăn vạ luôn, làm lẫy bảo là cả đời này sẽ không bao giờ chạy xe đạp nữa, đòi tôi sau này phải mua xe máy để đèo em ấy. Thân hình em ấy gầy tong teo, đau ốm liên miên hà, nhưng rất sợ uống thuốc, vậy mà khi trời trở lạnh lại không chịu ăn mặc cho kín gió, chê là trông ú nu như con gấu. Hồi đó nha, tóc em ấy hoe hoe vàng, nên tôi thường hay kẹp hạt óc chó vào kẹt cửa để tách vỏ cho em ấy ăn, răng em ấy trắng tinh, lúc ăn quà vặt rất thích gặm bằng răng cửa, như con cún ấy. Sợ nhất là bị người ta lấy mắt kính của mình. Còn sợ nhột nữa chứ, nhưng vẫn cứ thích được người ta cù lên lưng, em hay nằm úp sấp lên đầu gối tôi, mè nheo: Mau cù lưng cho em đi, mau cù lưng cho em đi. Nhóc con người miền Nam, mà cứ học theo cái giọng địa phương miền Đông Bắc của tôi, cũng tại vụ này, mà bị mẹ nó mắng cho mấy chập đấy.”

Tô Tô im ru nhìn anh, lắng nghe anh chậm rãi kể lại toàn bộ những kỷ niệm vốn đã nhạt nhòa do bị cất sâu trong miền ký ức. Trước giờ cậu chưa từng biết, ông anh hàng xóm cao to lúc nào cũng đối xử dịu dàng và chở che mình này lại nhớ về những kỷ niệm này lâu đến như vậy, nhiều đến như vậy, kỹ càng đến như vậy, rõ ràng đến như vậy.

Tô Tô thò tay mở nắp hũ đường ra, len lén đổ hai muỗng đường vào chén cháo.

“Thế cậu ấy, Việt Việt í, cậu ấy gọi anh là gì?”

“Em ấy gọi tôi là anh Dĩ Thành. Những lúc không có ai, thì sẽ gọi tôi là anh hai.”

“Được, vậy bắt đầu từ bây giờ, tôi sẽ học làm Việt Việt.” – Cậu từ tốn húp cháo. Sau đó lại ngẩng đầu lên, cái nhếch mép mang theo chút gì đó ngả ngớn hồi nào giờ nay đã không còn nữa, ánh mắt cậu trong veo như nước hồ thu, cậu lấy từ trong túi áo ra một cặp kính gọng đen nhỏ nhắn đeo lên, ngước nhìn Thị Dĩ Thành, cười một cái, rồi lại bưng chén cháo lên húp sùm sụp. Khoảnh khắc ấy, Thị Dĩ Thành chỉ cảm thấy như bản thân đang ở trên một chiếc xuồng con, xuôi theo dòng nước, thời gian vây quanh anh như lùi về thời điểm tám năm trước, cậu bé con hết sức đáng yêu, thỉnh thoảng lại trở nên ương bướng, nhưng chung quy vẫn thích ỷ lại vào anh kia, ngồi giữa bãi cỏ xanh rờn bên bờ sông, cười tủm tỉm nhìn sang chỗ anh.

Thị Dĩ Thành nhận ra có cái gì đó nong nóng mà ươn ướt trào lên trong mắt, mới quay đầu để giấu đi.

Anh nói: “Nào, Việt Việt, đi xem phòng của em thôi.”

Thẩm Thiên Việt nối gót anh tiến vào căn phòng mà cậu đã ngủ lại trong lần đầu tiên ghé qua đây, đây rõ ràng là phòng ngủ của chủ nhà. Anh đã giành ra cả đêm để dọn dẹp trang trí lại nó, thay một tấm khăn trải giường mới tinh màu xanh biển, trên chiếc ghế sofa nhỏ nhắn đặt bên cửa sổ được bày trí thêm mấy tấm nệm lớn có hoa văn caro màu trắng và xanh, bên trên còn có kệ để sách báo.

Thị Dĩ Thành nói: “Có thiếu gì thì cứ báo anh, anh ở ngay phòng bên cạnh.”

Thẩm Thiên Việt đứng quan sát một hồi, mới quay đầu lại nói: “Cảm ơn anh, anh Dĩ Thành.”

Thị Dĩ Thành nói: “Dậy sớm thế này, hay em nằm nghỉ thêm một lát nữa đi nhé? Chốc nữa anh đi làm rồi, em cứ tự nhiên, cho em cái này nè.”

Thị Dĩ Thành kéo lấy tay Thiên Việt, thả một chiếc chìa khóa vào giữa lòng bàn tay cậu.

Thiên Việt cúi đầu nhìn món đồ cỏn con sáng lấp lóa vẫn còn vương hơi ấm của con người nọ: “Anh Dĩ Thành, anh không sợ em cuốn gói hết đồ đạc trong nhà anh rồi bỏ trốn sao?”

Thị Dĩ Thành xoa đầu cậu, “Dĩ nhiên không sợ rồi, anh tin em mà.”

Thiên Việt nói: “Anh tin Việt Việt, hay là tin Tô Tô?”

Thị Dĩ Thành nhìn sâu vào mắt cậu, nụ cười hàm hậu nở rộ trên môi, ấm áp như ánh mặt trời trong buổi chiều ngày đông.

“Người anh tin tưởng chính là em!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.