Sau một hồi nói chuyện với bác Long, Nhã Tịnh cũng bình tĩnh hơn. Cô suy nghĩ mọi việc một cách thấu đáo và giữ bản thân bình tĩnh. Tạm thời, cô phải sống trong nhà dưới thân phận là người giúp việc để có cơ hội được gần Đình Phong và giúp anh lấy lại trí nhớ.
Nhìn đồng hồ đã đến gần giờ cơm, Nhã Tịnh xắn tay áo phụ bác Long dọn dẹp. Những công việc này đối với cô không hề khó khăn thậm chí còn dễ dàng hơn khi giải quyết các vấn đề ở công ty. Bởi cô đã quen với chúng từ nhỏ. Kể cả khi về Trần gia làm dâu, tuy không phải động tay động chân tới mấy thứ này nhưng cô vẫn không quên những gì đã trở thành thói quen.
Hì hục cả buổi cuối cùng cũng xong. Nhã Tịnh nhìn thành quả trước mắt mà thở phào nhẹ nhõm. Bỗng, tiếng chuông cửa đột ngột vang lên. Thấy bác Long chuẩn bị đi ra ngoài, cô vội lên tiếng:
– Bác để cháu ra mở cho!
– Vậy phiền cháu.
Nhã Tịnh mỉm cười rồi nhanh chân chạy ra mở cửa. Niềm vui chưa được bao lâu đã vội tắt khi cô nhìn thấy người đứng trước mặt.
– Con chào mẹ!
Nhã Tịnh cúi đầu kính cẩn khi thấy mẹ chồng. Bà Hằng chẳng thèm liếc nhìn cô lấy một cái, trực tiếp đi vào. Yến Như nhếch mép khinh thường rồi nhanh chóng đi theo sau bà.
Bà Hằng và Yến Như từ bên ngoài bước vào, hai tay mỗi người đều cầm rất nhiều túi đồ. Nhìn sơ qua cũng biết bọn họ vừa mới đi dạo một vòng trong trung tâm thương mại. Số lượng và nhãn hàng của mỗi túi chắc hẳn số tiền bỏ ra không ít. Nhã Tịnh thầm nghĩ, ông Phú nằm bệnh viện chưa được bao lâu bà Hằng đã lộng quyền như vậy. Từ việc đuổi cô khỏi công ty đến chuyện đưa người hầu trong nhà đi mua sắm đồ nhiều như vậy. Chắc hẳn đây là điều mà bà ta đã mong ước bấy lâu.
Hai người họ ngồi xuống ghế sofa trong phòng. Vừa yên vị trên ghế, bà Hằng đã thở dài một tiếng ra lệnh cho cô:
– Còn không mau lấy nước. Đui hay sao mà không thấy tôi đang mệt hả?
– Dạ vâng, con lấy ngay.
Nhã Tịnh vội vàng vào trong bếp lấy ra một cốc nước ấm. Lúc này, bác Long cũng đi ra ngoài chào đón bà.
– Bà chủ đã về!
Nhìn thấy bác, bà Hằng cười tươi rói niềm nở chào hỏi:
– Bác về từ bao giờ mà không báo cho tôi một tiếng?
– Dạ, tôi về từ sáng thưa bà chủ. Tôi cũng chỉ là người ăn kẻ ở trong nhà. Về đây thì tiếp tục làm việc, chuyện báo với bà chủ không cần thiết đâu ạ.
– Chú đừng khách sao! Đều là người trong nhà hết mà.
Yến Như nhìn bác Long với ánh mắt lạ lẫm liền quay sang phía bà Hằng hỏi nhẹ:
– Mẹ, đây là ai vậy?
Bà Hằng nghe vậy trả lời:
– Đây là bác Long, là quản gia trong nhà cũng là người làm lâu năm nhất ở đây. Mọi người đều coi bác như người trong nhà.
– Ra là vậy!
Nếu là người làm trong nhà cô ta sẽ có thái độ khác nhưng thấy bà Hằng có vẻ kính trọng bác Long nên Yến Như lập tức thay đổi sắc mặt. Cô ta lễ phép nói:
– Cháu chào bác! Cháu tên Yến Như.
– Cô là?
Bác Long vờ hỏi mặc dù biết rõ thân phận của cô ta. Bác không muốn bà Hằng phát hiện những chuyện xảy ra ở Trần gia trong thời gian bác không ở đây, bác đều đã biết. Vì thế bác phải làm ngơ.
Bà Hằng vốn định trả lời ngay nhưng khi thấy Nhã Tịnh từ nhà bếp đi ra liền cao giọng, dõng dạc đáp:
– Đây là Yến Như, là con dâu trưởng của Trần gia.
Nhã Tịnh tiến gần đến chỗ bà liền khựng lại một lúc. Cô đưa đôi mắt đầy bất ngờ nhìn bà rồi nhanh chóng lấy lại tinh thần. Đặt ly nước xuống bàn, cô nói:
– Con mời mẹ uống nước.
Bà Hằng lập tức giận dữ, trừng mắt nhìn cô:
– Ai là mẹ cô? Ai cho cô gọi tôi bằng mẹ?
– Dạ???
Nhã Tịnh bất ngờ. Bà Hằng là mẹ chồng cô, không gọi mẹ thì gọi bằng gì? Cô còn chưa kịp lên tiếng bà đã cất giọng:
– Cô chỉ là kẻ ăn người ở trong nhà, thân phận thấp hèn mà dám gọi tôi bằng mẹ. Từ nay về sau phải gọi bằng bà chủ.
– Nhưng thưa mẹ…
– Những điều tôi nói cô không coi ra gì sao? Hay bị điếc rồi nên không nghe thấy?
– Vâng con… tôi hiểu rồi thưa bà chủ.
Bà Hằng gật gù tỏ vẻ hài lòng rồi đưa mắt nhìn xuống. Thấy trên bàn chỉ có một cốc nước, bà tiếp tục cằn nhằn:
– Cô làm ăn kiểu gì thế hả? Không thấy con dâu tôi đang ngồi kế bên sao mà chỉ mang ra một cốc nước? Mau vào lấy thêm nhanh.
Hai tay Nhã Tịnh nắm chặt lấy vạt áo. Mặc dù trong lòng vô cùng phẫn nộ vì những lời bà Hằng nhưng không dám phản kháng. Quay sang phía Yến Như liền bắt gặp ánh mắt khinh thường và vẻ mặt thoả mãn của cô ta. Nhã Tịnh chỉ biết nuốt cơn tức giận vào trong. Lúc định quay người đi vào thì bị bác Long kéo tay lại:
– Cô chủ, để tôi.
Bà Hằng nghe thế liền nhảy cẫng lên kịch liệt phản đối:
– Bác Long, bác làm gì vậy hả? Đây là công việc của người làm. Phải để nó làm cho quen chứ.
Nhã Tịnh nhìn bác Long hiện ý muốn bác buông tay để mình tự làm. Bác hiểu cô muốn nói gì nhưng nhất quyết không cho cô đi. Rồi bác quay sang bà Hằng và Yến Như, vẫn phong thái điềm đạm trầm tĩnh ấy, bác nói:
– Thưa bà chủ, tôi không biết vì sao bà lại gọi cô Yến Như này là con dâu. Nhưng đối với tôi, cô chủ chỉ có một mình Nhã Tịnh mà thôi. Nhã Tịnh không phải người hầu mà là con dâu trưởng Trần gia. Chỉ khi nào cậu chủ ký vào đơn ly hôn thì Nhã Tịnh mới được coi là người ngoài.
Chưa dừng lại ở đó, bác còn có ý nhắc nhở Yến Như:
– Cô Yến Như, mong cô nhớ Nhã Tịnh được cậu chủ nhà chúng tôi hỏi cưới đàng hoàng có pháp luật bảo vệ. Cô đừng gọi bà chủ một tiếng mẹ, hai tiếng cũng mẹ. Người ngoài nghe được lại đàm tếu này nọ ảnh hưởng đến thanh danh của Trần gia. Trong nhà chỉ có tôi là người làm, nếu cô cần gì có thể sai tôi. Hai người ngồi đây đợi, tôi xuống lấy nước.
Dứt lời, bác Long buông tay Nhã Tịnh ra rồi đi một mạch xuống nhà bếp. Yến Như tức sôi máu nhưng không làm gì được. Cô ta còn cô tình khều nhẹ tay bà Hằng, vẻ mặt ra hiệu trừng phạt nhưng bà Hằng lại ngồi im như phỗng không phản ứng gì.
Thấy bà không nói, Yến Như phụng phĩu:
– Mẹ! Mẹ làm gì đi chứ. Mẹ không thấy ông ta nói chuyện quá đáng với con sao? Hay là mẹ đuổi việc ông ta đi giống như đuổi việc ai đó đấy.
Cô ta vừa nói vừa liếc mắt về phía cô nhìn đểu. Nhã Tịnh vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì to tát thậm chị còn mỉm cười chế giễu làm Yến Như tức đến điên máu.
– Mẹ!
– Câm miệng!
Bà Hằng lớn tiếng quát khiến Yến Như tròn xoe mắt sợ hãi. Hai tay vội vàng rút khỏi người bà.
Bà lườm cô ta:
– Đừng đi quá giới hạn của mình.
Yến Như lập tức hỏi ý bà liền cụp mi mắt xuống không dám vòi vĩnh hay giận dỗi gì.
Nhã Tịnh đứng bên ngoài lặng lẽ quan sát thái độ của bà Hằng. Bấy lâu nay cô bận quan tâm Đình Phong và công ty nên không để ý đến mọi người xung quanh. Bây giờ được tận mắt chứng kiến đầu óc mới thông suốt. Từ khi về đây ở, cô đã chứng kiến khá nhiều lần cảnh bố mẹ chồng mình bất đồng quan điểm thậm chí lớn tiếng với nhau. Lần nào bà Hằng cũng cố cãi thắng ông Phú cho bằng được mặc dù bà có sai chăng nữa. Nhưng khi nói chuyện với bác Long, bà ta chỉ im lặng chịu đựng không dám hó hé nửa lời. Điều này khiến cô nảy sinh nghi ngờ mối quan hệ giữa hai người.
Một lúc sau, bác Long bước ra ngoài trên tay còn cầm một ly nước. Đặt nó xuống ban bác nói:
– Nước của cô đây. Cơm nước chúng tôi đã chuẩn bị xong, khi nào hai người đói có thể vào ăn. Chúng tôi xin phép!
Dứt lời, bác quay sang nhìn Nhã Tịnh gật đầu một cái ra hiệu. Hiểu ý, cô nhanh chân đi theo bác lên lầu. Bà Hằng nhìn theo bóng lưng hai người khuất dần rồi khẽ thở dài một tiếng. Đôi mắt bà ta không chứa hận thù cũng không còn sự căm ghét ngược lại đôi mắt ấy chứa rất nhiều tâm sự khó nói.
Bệnh viện Bác Ái.
Phòng bệnh 305.
Đình Phong di chuyển từng bước khó khăn cùng với cây truyền nước biển trên tay. Anh tiến gần đến chỗ giường bệnh của ông, kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh. Nhìn bố mình trong tình trạng hôn mê, anh chỉ biết im lặng chịu đựng mà không thể giúp gì. Vụ tai nạn xảy ra quá bất ngờ khiến anh không lường trước. Cả hai người đều ngồi trên cùng chiếc xe đó nhưng cuối cùng ông Phú lại là người bị nặng nhất. Anh nhẹ nhàng đưa tay đặt lên tay ông, miệng thì thầm vài câu:
– Con xin lỗi! Nếu hôm đó con không đến công ty, không cùng bố tới nhà hàng thì đã không xảy ra chuyện. Tất cả đều do lỗi của con.
Từ khi tỉnh dậy, biết tình trạng của ông Phú thế này anh luôn tự trách bản thân mình. Anh cho rằng nếu hôm đó anh không xuất hiện ở công ty, không cùng anh đến nhà hàng thì sẽ không xảy ra chuyện. Vụ tai nạn một năm trước, anh luôn nghi ngờ có người đứng sau nhưng do sau khi xảy ra chuyện, đầu óc anh không được bình thường nên không điều ra được gì.
Đình Phong cứ như vậy ngồi bên cạnh bố mình một hồi lâu. Khoảng vài phút sau, anh lấy trong túi ra một chiếc điện thoại. Ánh mắt chăm chú nhìn màn hình, ngón tay thon dài nhanh chóng bấm một dãy số. Tiếng nhạc từ điện thoại bắt đầu phát ra.
– Alo!
Từ bên kia đầu dây vang lên giọng nói của một người đàn ông. Đình Phong vừa nghe tiếng đã nhanh chóng đáp lại:
– Lâu rồi không nghe thấy tiếng.
– Tỉnh rồi à?
Người đàn ông hỏi lại, ngữ điệu vô cùng bất ngờ. Đình Phong cười nhạt đáp:
– Tỉnh được mấy ngày rồi. Giúp tao một chuyện.
– Có thù lao không?
– Mày còn nợ tao 50 triệu chơi gái đấy.
Bên kia đột nhiên im bặt không lên tiếng. Khóe môi Đình Phong khẽ nở một nụ cười đầy tinh quái. Mặc dù bị va chạm vùng đầu thật, quên gì thì quên nhưng tiền thì phải nhớ. Anh còn nghe rõ mồn một người đàn ông ở đầu dây bên kia thì thầm to nhỏ gì đó.
– Có giúp không?
Giọng nói của anh vang lên phá tan bầu không khí yên tĩnh. Người đàn ông kia thở dài một tiếng:
– Giúp chuyện gì.
– Điều tra vụ tai nạn một năm trước và vụ xảy ra gần đây.
– Làm xong thì xoá nợ.
– Còn xem xét.
Dứt lời, anh cúp máy.
Cuộc nói chuyện cục súc gắn gọn giữa hai người đàn ông cứ thế mà kết thúc trả lời bầu không khí tĩnh lặng vốn có của căn phòng.