1.
Đi học về, Nam Phong ra chợ và lúi húi nấu nướng rồi vắt giẻ lau đi lau lại sàn nhà. Cô chủ nhà nghe tiếng phòng xôn xao liền hỏi:
– Nay không làm gì sao tập trung đầy đủ thế mấy đứa?
– Nhà sắp đón khách quý nên phải lau chùi dọn dẹp cô ạ. – Quân tếu táo đáp.
– Khách nào thế? Chả thấy báo cô một tiếng, tụi mày mọc nanh rồi hả?
– Lát nữa cô sẽ được biết ngay ý mà. – Quân dí dỏm đáp.
Nam Phong bước xuống cầu thang, xin phép cô chủ nhà. Cô chủ trố mắt kinh ngạc, vỗ vỗ vai Nam Phong gục gặc nói:
– Được, được chứ. – Rồi bà đi thẳng ra trước nhà như bị trúng tà.
Nam Phong thay quần áo chỉnh tề xuống nhà đón Kỳ Thư. Cô không biết trước ý định này nên tần ngần lưỡng lự. Trên ban công gỗ cũ kĩ, Trọng, Quân và Dự ngồi vắt vẻo nói vọng xuống:
– Lên đây thăm nhà tụi anh nè cô bé.
Cô chủ và mấy bạn nữ thập thò nấp sau cửa sổ ngóng ra càng khiến Kỳ Thư lấn bấn. Cô cúi chào lễ phép rồi luống cuống bước theo Nam Phong. Vừa lướt qua cô cũng cảm nhận được phòng con trai bừa bộn. Nam Phong gãi đầu lúng ta lúng túng nói:
– Em ngồi xuống đây nha, phòng con trai không được tươm tất lắm!
– Không sao mà. Em đến thế này có phiền các anh không ạ? – Kỳ Thư ngại ngần nói.
– Nó mới nói với tụi anh là em tới nên không kịp dọn dẹp gì cả. Mà đâu cần khách sáo vậy em nhỉ? – Quân hóm hỉnh nói.
– Hồi nãy giờ nó lau dọn mấy lần rồi mới được sạch sẽ vậy đó. Em thấy nó đón em trịnh trọng ghê chưa? – Trọng cà khịa.
Nam Phong loay hoay làm gì đó rồi trở ra với tô canh bốc khói:
– Em ăn cái này nhé!
Kỳ Thư nhìn đăm đắm tô canh khổ qua rồi ngước nhìn Nam Phong với ánh mắt tội nghiệp:
– Em không ăn được khổ qua.
– Thì ra chú mày lụi cụi nảy giờ là nấu cái này cho bé Thư đó hả? – Quân cù nhầy.
– Không lẽ anh tưởng là cho tụi mình hả anh Quân? – Dự phụ họa.
– Em mà không ăn là nó móm cho em bây giờ đó. Ở với nhau mấy năm có khi nào nó nấu cho tụi anh gói mì đâu. – Trọng đành hanh nói.
Mọi người thay nhau công kích Nam Phong khiến Kỳ Thư rối lòng.
– Em bị cảm, uống thuốc hoài không hết. Anh nghe nói khổ qua thanh nhiệt có thể giải cảm. Mới đầu hơi đắng từ từ quen sẽ thấy ngon, hửm?
Giọng dịu dàng quyến dỗ của Nam Phong khiến các bạn tặc lưỡi, giả vờ ôm lồng ngực. Nam Phong điềm đạm thổi thìa canh trên tay rồi từ từ đút cho cô. Kỳ Thư nhăn mặt né tránh nhưng anh vẫn kiên nhẫn khích lệ. Tiết trời đã chuyển mùa lành lạnh nhưng mồ hôi rịn ra khắp vầng trán anh khiến cô chạnh lòng. Trong đáy mắt của anh, cô chỉ thấy mình trong đó, rất đổi yêu thương! Dù bị bạn bè vùi dập hạ bệ thế nào anh cũng chỉ mím môi cười. Cô nhắm mắt cố nhai chậm rãi, nước mắt mồ hôi vã ra như mưa. Quân, Trọng và Dự cười nói huyên thuyên để cô quên đi. Cô biết mình không thể phụ lòng anh nên cố gắng nuốt ực cả khổ qua lẫn nước. Nam Phong vui mừng mang nước cho cô còn vỗ nhè nhẹ lên mái tóc khen cô giỏi. Cô ra ban công nghe các anh đàn hát một lúc rồi từ giã ra về. Những cây điệp già trút lá tản mát, gió xao xác lạnh khiến mỗi bước chân thổn thức. Sánh bước bên nhau yên lặng thôi nhưng ngập tràn tình ý hơn cả thiên ngôn vạn ngữ. Cô đằm thắm để tay trong lòng tay anh ấm áp.
2.
Tết dương lịch, Kỳ Thư cùng hội đồng hương giao lưu với đồng hương trường Cảnh sát. Sáng sớm Nam Phong mang theo túi đồ lỉnh kỉnh đến phòng Kỳ Thư để sửa lại giường cho cô. Anh đo cắt tờ giấy dán tường, mấy chiếc vỏ hộp được anh cắt gấp lại làm vật đựng đồ xinh xắn. Anh lật chiếu lên, điều chỉnh những thanh cong rồi lót kê vào những chỗ lõm và dán lại tỉ mỉ.
– Chao ôi, anh chu đáo thế thì Thư chắc hết mất ngủ rồi. – Hân xuýt xoa nói.
– Bình thường Thư khó ngủ lắm hả tụi em? – Nam Phong lo âu hỏi.
– Dạ. Nó mất ngủ thường xuyên lắm, cứ có tiếng động nhẹ là tỉnh giấc mà không ngủ lại được. – Thảo sốt sắng đáp.
– Chưa hết đâu, nó rất sợ bóng tối và trùm sợ ma luôn. Có đêm nó sợ ma nên đạp giường kêu em. Em mớ ngủ nói nó trèo xuống giường nằm chung với em nè, rồi em ngủ quên mất. Một lát sau em lại nghe tiếng đạp giường vừa thút thít gọi. Em lớ ngớ đứng dậy hỏi nó sao không xuống. Nó nói nó sợ ma, không dám cử động. Trời ơi chỉ cách có một bước chân, nó giường trên, em giường dưới vậy mà nó còn sợ. Em phải nắm tay nó xuống vừa nói chuyện. Hai chị em nằm với nhau trên cái giường bé tẹo vậy mà nó ngủ tới sáng còn em đau lưng muốn chết. – Phúc tếu táo kể.
Mấy chị em còn đệm thêm vài mẫu chuyện hài hước khiến Nam Phong cũng vui lây.
Chiều về đến phòng, Kỳ Thư kinh ngạc, sướng rơn. Phúc hí hoáy dở chiếu lên chỉ từng chỗ lõm được lót bằng phẳng, tường cũ kĩ giờ như vườn hoa tím mĩ miều. Cô thả mình tận hưởng cảm giác dễ chịu, lâng lâng. Tối đó, Nam Phong đưa cô dạo quanh trung tâm thành phố được trang hoàng lộng lẫy. Anh xoa đôi bàn tay cô vừa nghe cô kể về buổi họp mặt. Về đến Ký túc xá, Nam Phong đưa cho cô túi tim sen và dặn dò cách pha còn kèm thêm gói xí muội để cô ngậm sau mỗi lần uống đắng. Cô khuất sau cổng, anh tha thẩn lê bước, lòng nặng trĩu nghĩ về tương lai mịt mờ phía trước, buốt tim nghĩ đến chuyện chia xa người mình yêu thương. Con đường như dài ra hun hút..
* * *
Nam Phong đợi Kỳ Thư ở cổng Ký túc xá với chiếc balo nhỏ trên vai. Cô cười hí hửng thấy xe buýt đề điểm đến Củ Chi. Cuối tuần nên xe buýt đông kín, mọi người đứng ép sát vào nhau một cách miễn cưỡng và khó nhọc. Nam Phong chật vật chen chân tìm chỗ đứng rồi nép cô vào người anh che chắn, một tay nắm tay vịn trên đầu, một tay ôm choàng qua người cô, cô lọt thỏm trong lòng anh. Những lúc xe sòng sành, đoàn người nghiêng ngả vào nhau khiến cô rịn cứng lấy anh, có lúc giẫm lên bàn chân anh. Anh cố gắng cúi xuống thấp nhất có thể thỏ thẻ:
– Em cứ đứng lên chân anh đi, để xuống bị người ta giẫm đó! Anh chịu được mà!
Kỳ Thư không sao ngẩng mặt lên được vì bị mọi người áp chật nít không thể cựa quậy. Cô rục rịch cố tìm chỗ đặt chân xuống nhưng mãi một hồi lâu mới chen được, chắc là anh đã đau lắm. Dù mỗi ngày anh đều trêu cô nhỏ bé, chỉ cần một tay anh cũng nhấc bổng cô được nhưng lòng cô vẫn xót xa.
Xe dừng lại, một vùng bụi đỏ bay lấp trong cơn gió khô ran rát da thịt. Họ đi theo nhóm khách tham quan nghe tư liệu về lịch sử khu di tích, thưởng thức khoai mì nước dừa và chui địa đạo Củ Chi. Đền Bến Dược sừng sững hướng ra dòng sông cuộn chảy, vừa uy nghi trầm mặc mang hơi thở lịch sử vừa tĩnh mạc, cô liêu. Dọc bờ sông là những băng ghế đã nhuốm bụi thời gian để du khách có thể dừng chân nghe tâm thức lắng đọng. Hơi nước mát lựng xoa dịu cơn khát nóng của cái nắng khô hanh. Hàng dừa nước đong đưa nghiêng mình theo dòng chảy. Nhà hàng, quán xá trên sông mang một hồn quê thân thuộc. Nam Phong lấy trong túi phần thức ăn anh đã chuẩn bị. Kỳ Thư ăn ngon lành từng cái trứng luộc anh bóc vỏ cho cô. Cô kể anh nghe về cuộc sống trên xuồng ghe và những chuyến ghe hàng chở cả chợ đến từng nhà dân. Nam Phong mường tượng về nơi chưa một lần đến nhưng ấp ủ tình yêu như quê hương thứ hai. Chuyến xe buýt cuối ngày thưa vãn khách, cô tựa vào ngực áo anh ngủ say sưa đến khi về tới trường. Đọc truyện tại + 𝑇RuM𝑇RUY𝑬 𝑵.𝑽𝑵 +
Kỳ Thư vào Ký túc xá chưa lâu, Nam Phong lại thần bí đón cô đến công viên. Chiếc bánh kem lung linh ánh nến khiến cô kinh ngạc. Thì ra nay là sinh nhật của cô theo ngày dương lịch. Giấy tờ của cô đều ngày âm nên trước nay bạn bè hay trêu cô là người đến từ cõi âm. Gương mặt cô rạng ngời hạnh phúc. Họ trao nhau nụ hôn nồng thắm. Chiếc bánh kem nằm chơ vơ hờ hững, vài chiếc lá nghịch rơi xuống vai.. lao xao..