Tạ Hiểu Phong cười nhưng bất kỳ ai cũng không nhận ra chàng đang cười thật.
Chàng đang nhìn Giản Truyền Học.
Giản Truyền Học cúi đầu.
– Tôi nói, tôi nói đấy!
– Tôi là người của Thiên Tôn. Điền Tại Long cũng vậy!
– Tôi bảo cho Điền Tại Long biết vì vậy bọn họ mới biết!
Những lời này gã đâu có nói ra và bất tất phải nói ra.
– Ta nhìn lầm ngươi!
– Ta coi ngươi là bạn, thật là nhìn lầm!
Mấy câu này Tạ Hiểu Phong đâu có nói ra, càng bất tất phải nói ra làm gì.
– Ta không trách ngươi!
Giản Truyền Học lại chỉ hỏi một câu:
– Ông thật không trách tôi chứ?
Tạ Hiểu Phong:
– Ta không trách ngươi vì ngươi vốn đâu có nhận ra ta!
Giản Truyền Học trầm ngâm rất lâu rồi mới chậm rãi:
– Phải rồi, tôi vốn đâu có nhận ra ông, không nhận ra được một chút gì!
Đây là một câu nói cực kỳ giản đơn nhưng về ý tứ lại cực kỳ phức tạp. Ý tứ “không nhận ra” tức là “không hiểu”. Ý tứ “không hiểu” tức là căn bản không biết ông là người thế nào.
Tạ Hiểu Phong hiểu ý tứ của gã, cũng hiểu cả tâm tình của gã.
Vì vậy Tạ Hiểu Phong chỉ nói vắn tắt có ba chữ:
– Ngươi đi đi!
Giản Truyền Học đi, cúi gằm đầu mà đi.
Gã đi rất lâu rồi Âu Dương Vân Bằng mới thở dài một hơi:
– Tạ Hiểu Phong quả không hổ là Tạ Hiểu Phong!
Đây là một câu nói rất giản đơn mà rất đời thường. Nhưng ý tứ bao hàm trong câu nói lại chẳng giản đơn quá, lại chẳng đời thường quá.
Lịch Chân Chân cũng thở dài, thở dài khe khẽ:
– Nếu tôi là chàng, tôi quyết không bao giờ thả cho gã đi!
Tạ Hiểu Phong:
– Nàng đâu phải là ta!
Lịch Chân Chân:
– Thì chàng cũng đâu phải là tôi, cũng chẳng phải là Âu Dương Vân Bằng, Mai Trường Hoa, Tần Độc Tú.
Tất nhiên Tạ Hiểu Phong không phải là họ. Chàng là Tạ Hiểu Phong.
Lịch Chân Chân:
– Chỉ vì chàng không phải nên chàng mới không hiểu chúng tôi!
Âu Dương Vân Bằng:
– Chính vì thế ông mới cảm thấy chúng tôi không nên giết Lê Bình Tử, Điền Tại Long.
Lịch Chân Chân:
– Chúng tôi đã quyết định từ trước, chỉ cần đạt được mục đích còn thủ đoạn nào cũng được!
Âu Dương Vân Bằng:
– Mục đích của chúng tôi gồm trong tám chữ.
Tạ Hiểu Phong không hỏi nhưng Lịch Chân Chân đã nói ra:
– Chống đối Thiên Tôn, bảo vệ chính nghĩa.
Rồi Lịch Chân Chân lại nói tiếp:
– Có thể thủ đoạn chúng tôi dùng không đúng nhưng những việc chúng tôi định làm tuyệt đối không có việc nào là không đúng.
Mai Trường Hoa:
– Vì vậy nếu ông cho là chúng tôi làm bậy giết sai người thì ông cứ dùng cây kiếm ấy giết chúng tôi đi!
Âu Dương Vân Bằng còn bảo:
– Chúng tôi có chết cũng quyết chịu không chống cự cũng không oán hận!
Lịch Chân Chân:
– Tôi là đàn bà, đàn bà vốn hay sợ chết, nhưng tôi dù có chết cũng không oán chàng!
Trong tay Tạ Hiểu Phong đang có kiếm. Bất kỳ kiếm của ai, bất kỳ là cây kiếm thế nào đã vào tay Tạ Hiểu Phong đều là kiếm giết người rất dễ.
Bất kỳ người nào Tam thiếu gia cũng đều có thể giết được vấn đề là ở chỗ người ấy có đáng giết hay không đáng giết.
*****
Hoàng hôn. Trời sương mù.
Hoàng hôn vốn không cần sương mù nhưng lại hay có sương mù. Sương mù như trong mộng. Người ta vốn không cần mộng nhưng lại hay nằm mơ với mộng.
Tạ Hiểu Phong đi trong sương mù như đi vào cõi mộng.
Sương mù như trong mộng hay trong mộng như sương mù?
Nếu nói cuộc đời con người như giấc mộng như đi trong mù thì đó là câu nói quá dung tục hay quá thật?
“Chúng ta đều là người, đều là người giang hồ, vì vậy ông phải biết chúng tôi vì sao mà phải làm như vậy chứ?”
Đó là lời Lịch Chân Chân. Chính vì vậy Tạ Hiểu Phong đã không giết Lịch Chân Chân, cũng không giết Mai Trường Hoa, Tần Độc Tú và Âu Dương Vân Bằng. Vì chàng hiểu đó là lời nói thực. Trong giang hồ không có sự thị phi tuyệt đối. Người giang hồ vì muốn nhằm đạt được một mục đích nào đó thì sẽ không bao giờ phải lựa chọn thủ đoạn.
Khi muốn làm một việc gì thì nguy đến bản thân họ cũng không bao giờ chọn cho mình có chỗ lùi. Không có ai tình nguyên thừa nhận điểm này nhưng cũng không ai phủ nhận.
Đó cũng là số phận những người trên giang hồ và cũng là nỗi bi thương lớn nhất của khách giang hồ.
Trong giang hồ tồn tại vĩnh viễn những người như Lịch Chân Chân. Bây giờ Tạ Hiểu Phong giết bớt một người như Lịch Chân Chân thì sẽ ra sao? Sẽ cải biến được gì?
“Chúng tôi tôn nàng ta lên làm Minh chủ chỉ vì chúng tôi cảm thấy chỉ có nàng ta mới có thể đối phó được với Thiên Tôn Mộ Dung Thu Hoạch”.
Đó là câu nói của Âu Dương Vân Bằng. Đó cũng là lời nói thực tình.
Tạ Hiểu Phong chợt phát hiện ra Mộ Dung Thu Hoạch và Lịch Chân Chân thì cũng cùng một “típ” người. Kiểu người này dường như trời sinh ra để làm kẻ chiến thắng, bất kể là làm việc gì họ cũng thành công. Ngoài ra lại có một kiểu người cũng dường như sinh ra để làm kẻ bại, làm gì may mà họ thắng được ít nhiều nhưng tới cùng thua tay trắng là hết.
Tạ Hiểu Phong không nén được phải tự hỏi lòng:
– Còn ta? Ta là kiểu người nào?
Chàng không trả lời mình vì chính đáp án này bản thân chàng cũng không muốn biết! Sương mù vừa lạnh lẽo vừa dày đặc, dày đặc đến nỗi dường như chàng đã cách biệt hoàn toàn với mọi người ở thế gian.
Thứ thời tiết này rất thích hợp với tâm trạng chàng lúc này vì chàng đâu có muốn nhìn thấy ai khác. Nhưng đúng lúc ấy từ trong sương mù đặc quánh lại có người xuất hiện.
Sắc mặt Giản Truyền Học nhìn trong sương mù giống hệt một bóng ma mới từ địa ngục thoát ra.
Tạ Hiểu Phong thở dài:
– Lại ngươi!
Giản Truyền Học:
– Vâng tôi đây!
Tiếng nói của gã khàn đặc và đầy bi thương:
– Tôi biết ông không muốn gặp mặt tôi nữa nhưng tôi không lại không được!
Tạ Hiểu Phong hỏi:
– Tại sao?
Giản Truyền Học:
– Vì trong lòng tôi còn có những điều muốn nói, dù ông thích nghe hay không muốn nghe, tôi không nói ra không được!
Tạ Hiểu Phong nhìn bộ mặt trắng bệch của gã, cuối cùng chàng gật đầu:
– Nếu ngươi nhất định muốn nói thì ta nghe đây!
Giản Truyền Học:
– Tôi rõ ràng là người của Thiên Tôn vì tôi chẳng có cách nào từ chối được họ vì tôi chưa muốn chết!
Tạ Hiểu Phong:
– Ta đã rõ rồi! Đến loại như Điền Tại Long còn chẳng cự tuyệt nổi họ huống hồ ngươi!
Giản Truyền Học nói:
– Tôi có khác với họ Điền. Gã học kiếm, còn tôi học y. Y đạo là cứu người giúp đời, coi tính mạng của người bệnh nặng hơn tất cả mọi thứ trên đời!
Tạ Hiểu Phong:
– Ta biết rồi!
Giản Truyền Học nói:
– Tôi vào Thiên Tôn mới được có mấy tháng, còn y đạo đã theo hàng hai chục năm. Cách nhìn nhận đối với sinh mạng người bệnh như đã nói ở trên đã thành thân căn đế cố trong lòng tôi rồi!
Tạ Hiểu Phong:
– Quả không sai!
Giản Truyền Học nói:
– Vì vậy dù Thiên Tôn bắt tôi làm gì tôi cũng không thể đem tính mạng người bệnh ra là trò đùa được. Chỉ cần làm bệnh nhân của tôi thì tôi sẽ dốc toàn tâm toàn lực ra chữa chạy cho dù họ là người thế nào cũng vậy!
Gã đăm đăm nhìn Tạ Hiểu Phong:
– Kể cả ông cũng vậy!
Tạ Hiểu Phong:
– Chỉ tiếc là thương tích của ta quả thật không cứu chữa được nữa!
Giản Truyền Học rầu rĩ:
– Nhưng nếu tôi còn thấy một phần nào hy vọng thì tôi quyết không chịu buông taỵ Tạ Hiểu Phong:
– Ta biết ngươi đã tận sức rồi, ta không trách ngươi đâu!
Giản Truyền Học:
– Điền Tại Long tuy là người của Thiên Tôn thật, bọn họ muốn tôi sắp xếp để cho gã giết ông.
Tạ Hiểu Phong cười:
– Đến việc ấy mà cũng sắp xếp được ư?
Giản Truyền Học:
– Người khác không được nhưng tôi lại được!
Tạ Hiểu Phong hỏi:
– Ngươi sắp xếp ra sao?
Giản Truyền Học:
– Chỉ cần tôi rắc thêm một chút thuốc “Hủ cốt” (nát xương) lên vết thương của ông, khi cần tôi ra hiệu ngầm cho gã biết là gã sẽ xuất thủ!
Giản Truyền Học nói tiếp:
– Bất kể ai có thể đánh bại Tam thiếu gia nhà họ Tạ thì tin ấy sẽ chấn động giang hồ, lừng danh thiên hạ, huống hồ giữa bọn họ còn đánh cuộc với nhau!
Tạ Hiểu Phong:
– Kẻ nào giết được Tạ Hiểu Phong thì sẽ làm Minh chủ cuộc hội trên núi Thái Sơn phải không?
Giản Truyền Học đáp:
– Không sai!
Tạ Hiểu Phong:
– Trước mặt người của bảy đại kiếm mà Điền Tại Long giết được ta thì Lịch Chân Chân chỉ còn việc đem ngôi báu trao cho gã, như thế liên minh của bảy đại kiếm phái sẽ biến thành bù nhìn trong tay Thiên Tôn chứ gì?
Giản Truyền Học đáp:
– Không sai!
Tạ Hiểu Phong khe khẽ thở dài:
– Chỉ tiếc là ngươi lại không làm đúng như thế!
Giản Truyền Học:
– Tôi không thể làm thế được, tôi làm không nổi!
Tạ Hiểu Phong:
– Vì lòng nhân của nghề y đã mọc rễ sâu trong lòng ngươi rồi!
Giản Truyền Học:
– Quả không sai!
Tạ Hiểu Phong:
– Giờ ta chỉ còn mỗi một điểm nghĩ chưa thông…
Giản Truyền Học hỏi:
– Điểm nào?
Tạ Hiểu Phong:
– Lịch Chân Chân cùng bọn kia sao lại biết ta chỉ còn sống được có ba ngày nữa? Sự việc này chỉ có người của Thiên Tôn biết thôi mà!
Mặt Giản Truyền Học bỗng biến sắc, gã nói thất thanh:
– Chẳng lẽ Lịch Chân Chân cũng là người của Thiên Tôn ư?
Tạ Hiểu Phong nhìn Giản Truyền Học, vẻ mặt vẫn trấn tĩnh chỉ lạnh lùng hỏi:
– Có thật ngươi không biết nàng ta là người của Thiên Tôn không?
Giản Truyền Học:
– Tôi…
Tạ Hiểu Phong:
– Thật ra ngươi phải nghĩ cho tới nơi, cao thủ đánh cờ sau mỗi nước cờ phải mai phục sát thủ lợi hại hơn nhiều. Mộ Dung Thu Hoạch không nắm chắc được Điền Tại Long, trong bàn cờ này quân sát thủ chính của nàng ta phải là Lịch Chân Chân!
Giản Truyền Học hỏi:
– Ông đã sớm nghĩ tới điều đó trước rồi ư?
Tạ Hiểu Phong mỉm cười:
– Ta không ngốc đâu!
Giản Truyền Học thở ra nhẹ nhõm:
– Thế thì đương nhiên ông phải giết nàng ta chứ?
Tạ Hiểu Phong:
– Ta chưa giết!
Giản Truyền Học biến sắc mặt:
– Sao ông lại thả nàng ta đi?
Tạ Hiểu Phong đáp:
– Vì chỉ có nàng ta mới đối phó nổi Mộ Dung Thu Hoạch!
Giản Truyền Học:
– Nhưng nàng ta…
Tạ Hiểu Phong:
– Bây giờ nàng ta tuy là người của Thiên Tôn nhưng nàng ta chẳng chịu ở lâu dưới trướng của Mộ Dung Thu Hoạch đâu. Cuộc hội ở Thái Sơn là cơ hội tuyệt hảo cho Lịch Chân Chân, chỉ cần nàng ta ngồi lên ghế báu Minh chủ bảy đại kiếm phái thì nàng ta sẽ lợi dụng quyền lực mới dốc toàn lực ra mà đối phó với Thiên Tôn.
Tạ Hiểu Phong mỉm cười nói tiếp:
– Ta hiểu rõ kiểu người như Lịch Chân Chân. Nàng ta sẽ chẳng bỏ lỡ cơ hội này đâu!
Lòng bàn tay Giản Truyền Học toát mồ hôi. Gã cũng không quá ngốc có điều sự việc diễn biến như thế này thì đến tưởng tượng gã cũng không bao giờ tưởng tượng nổi.
Tạ Hiểu Phong:
– Mộ Dung Thu Hoạch trước nay vẫn lợi dụng nàng ta nhưng lại không biết Lịch Chân Chân cũng lại đang lợi dụng mình. Lịch Chân Chân vào Thiên Tôn cũng có lẽ cốt để lợi dụng sức mạnh của Thiên Tôn để dấn bước lên cao thêm.
Chàng thở dài:
– Mộ Dung Thu Hoạch đi nước cờ này như dùng một con rắn độc, có thể dùng rắn độc khống chế người khác đến chết nhưng bất cứ lúc nào con rắn độc cũng có thể quay đầu cắn lại mình một miếng.
Giản Truyền Học:
– Mà miếng này mới là đòn trí mạng đây!
Tạ Hiểu Phong:
– Lịch Chân Chân có thể làm cho Mộ Dung Thu Hoạch tín nhiệm nàng ta cũng có thể dò tìm ra mạch máu chính của Thiên Tôn và nhát cắn vào mạch máu chính đó của Thiên Tôn dĩ nhiên là cắn không nhẹ.
Giản Truyền Học:
– Nhưng con rết trăm chân có chết cũng không ngã. Lịch Chân Chân tưởng cắn một nhát trí mạng ngay, sợ rằng không dễ đâu!
Tạ Hiểu Phong:
– Chính vì thế mà chúng ta phải dùng độc trị độc, lợi dụng để họ tàn sát lẫn nhau, đợi đến khi họ mệt mỏi rã rời thì người khác có thể thay ta mà giành thắng lợi.
Giản Truyền Học:
– Người khác đó là người thế nào?
Tạ Hiểu Phong đáp:
– Trên giang hồ mỗi đời lại có người tuấn kiệt xuất hiện nổi lên biết là ai mà ai biết được!
Tạ Hiểu Phong thở dài:
– Đó là số kiếp của giang hồ. Sống trong giang hồ thì cũng như chiếc lá khô trong cơn gió, nước cánh bèo trên mặt nước, thường thì thâu đêm có làm chủ được mình! Chúng ta chỉ cần biết rằng liên minh bảy phái lẫn Thiên Tôn rồi sẽ thua bại là điều chắc chắn và thế là đủ rồi, hà tất đòi hỏi nhiều hơn!
Giản Truyền Học không hỏi thêm nữa. Gã không phải là người giang hồ, không thể hiểu rõ về người giang hồ nên lại càng không thể hiểu rõ Tạ Hiểu Phong. Tuy nhiên gã bỗng phát hiện ra con người này không chỉ trôi nổi dật dờ như chiếc lá trong cơn gió như cánh bèo trên mặt nước mà còn là màn sương đêm đến sớm hư ảo, dật dờ không sao nắm bắt nổi.
Con người này có lúc thâm trầm, có lúc cởi mở, có khi u uất, có khi sướng vui, có khi tỏ ra rất rộng rãi nhân từ nhưng có khi bỗng trở nên cực đoan tàn nhẫn đến vô tình. Xưa nay Giản Truyền Học chưa bao giờ tiếp xúc với những người có tính cách phức tạp đa đoan như thế này.
Phải chăng vì tính cách phức tạp nhiều biến đổi thế này nên chàng mới là Tạ Hiểu Phong! Giản Truyền Học nhìn Tạ Hiểu Phong rồi thở dài:
– Tôi tới lần này vốn có một chuyện muốn bảo để ông hay!
Giản Truyền Học hỏi:
– Chuyện gì?
Giản Truyền Học:
– Tuy tôi không thể cứu khỏi thương tích cho ông nhưng thương tích của ông không phải là tuyệt đối không cứu được!
Mặt Tạ Hiểu Phong rạng rỡ lên.
Một con người chắc chết nếu quả thật có thể vẫn còn sống được ai lại chẳng muốn sống nữa?
Tạ Hiểu Phong không nén nổi, phải hỏi:
– Vẫn còn ai có thể cứu được ta ư?
Giản Truyền Học:
– Chỉ có một người thôi!
Tạ Hiểu Phong hỏi:
– Ai?
Giản Truyền Học đáp:
– Đó là một người rất quái lạ cũng chẳng khác gì ông, biến đổi vô thường, khó lòng nắm bắt nổi cũng có khi trở nên tàn khốc vô tình y như ông vậy!
Tạ Hiểu Phong không thể phủ nhận, chỉ còn biết thở dài.
Người đa tình nhất thường cũng là người vô tình nhất! Chàng là người đa tình hay vô tình?
Điều này thì bản thân chàng cũng khó phân định rạch ròi.
Giản Truyền Học nhìn Tạ Hiểu Phong bỗng gã thở dài:
– Bất kể người ấy là ai, giờ đây ông vĩnh viễn không tìm gặp được đâu!
Xưa nay Tạ Hiểu Phong đâu có sợ chết! Người ta lúc còn nhỏ đâu có sợ chết vì lúc này còn chưa biết chết là đáng sợ.
Nhất lại là Tạ Hiểu Phong. Từ khi còn nhỏ chàng đã nghe kể, đọc biết chuyện của biết bao anh hùng hảo hán mà anh hùng hảo hán đâu có sợ chết! Anh hùng không sợ chết, sợ chết không phải là anh hùng. Chỉ cần “phập” một tiếng, đầu người rụng xuống thì có đáng kể gì? Cùng lắm “chỉ hai chục năm sau lại trở thành hảo hán” chứ gì! Quan niệm đó đã sâu rễ bền gốc trong lòng chàng. Đến khi trưởng thành chàng càng không sợ chết vì chết là việc toàn của người khác đâu phải của chàng.
Chỉ cần tay chàng còn cầm chắc cây kiếm, chuyện “sống, chết” đã là chuyện chàng có thể nắm rất vững vàng.
Chàng không phải là thần thánh, nhưng trên giang hồ chàng có thể nắm vững được sự sống, chết của người khác thì có gì chàng lại phải sợ chết? Thậm chí có khi chàng còn mong muốn được chết để thử xem cái mùi vị của chết ra sao vì mùi vị này chàng chưa từng được nếm qua! Tạ Hiểu Phong cũng không thể nghĩ đến chết. Gia thế nhà chàng vẻ vang rạng rỡ, danh tiếng hiển hách, đi đến đâu cũng được mọi người tôn kính. Khi chàng còn rất nhỏ cũng đã biết điều đó rồi. Chàng tinh khôn, năm bốn tuổi đã được mọi người coi là “thần đồng”. Chàng lại đáng yêu trong con mắt của người phụ nữ, chàng là vị thiên sứ thật thà không chút tà ác, bất kể là trong mắt bà phu nhân quý phái hay người đàn bà nghèo giặt áo ven sông đều như vậy.
Chàng lại là người kỳ tài học võ. Kiếm pháp của người khác luyện cả đời chàng chỉ học mười ngày đã có thể nắm vững, luyện thành tinh tiến.
Cả đời chàng chưa từng bị bại.
Người giao thủ cùng chàng có từ vị kiếm khách đáng sợ nhất đến con bạc tinh quái nhất. Nhưng chàng chưa bao giờ thua! Cuộc kiếm, cuộc rượu, đánh bạc, đổ xúc xắc… bất kể đánh cuộc cái gì chàng chưa hề thua bao giờ.
Một con người gì cũng được như thế ai lại nghĩ đến chuyện chết?
Tạ Hiểu Phong không sợ chết có thể chỉ vì xưa nay chàng chưa bao giờ bị cái chết đe dọa. Cho tới hôm trước, đến giờ phút đó nghe có người bảo nhiều nhất chàng chỉ sống được có ba ngày nữa. Trong giây phút đó chàng mới chợt thấy cái chết thật đáng sợ. Tuy chàng không muốn chết nhưng cũng chẳng làm gì nổi! Chuyện sống chết của một con người đâu phải chỉ hoàn toàn do người đó quyết định. Người nào thì cũng thế, cũng đều hiểu rõ điều đó.
Vì thế biết rõ là mình sẽ chết, Tạ Hiểu Phong cũng chỉ còn có việc chờ đợi chết. Vì chàng cũng chẳng còn cách nào khác được! Nhưng bây giờ tình hình chợt có thể thay đổi.
Một con người đang lúc chắc sẽ phải chết bỗng lại có hy vọng được sống mà hy vọng này bỗng nhiên trong phút chốc có người thay đổi quyết đoán, cả một quá trình cực đoan từ vui sướng sang tang tóc, từ chết chóc sang hồi sinh, hoàn toàn phát sinh trong thoáng phút giây này.
Kinh động lớn lao như vậy ai mà nhận chịu nổi?
Giản Truyền Học đứng đó không nhúc nhích dường như đợi chờ Tạ Hiểu Phong bẻ gãy cổ gã.
“Ngươi không để ta sống thì ta cũng chẳng để ngươi sống!”
Đó là nguyên tắc xử việc trên giang hồ. Giản Truyền Học biết vậy và sẵn sàng thừa nhận, chịu đựng.
Không ngờ Tạ Hiểu Phong lại chẳng làm gì cả, cứ lẳng lặng đứng đó, lạnh lùng nhìn gã.
Giản Truyền Học:
– Ông có thể giết tôi, dù ông có định giết tôi tôi cũng không nói đâu!
Giọng gã vì quá lo lắng nên thành run rẩy:
– Vì bây giờ tôi mới thật sự hiểu ông là người như thế nào?
Tạ Hiểu Phong:
– Ta là người thế nào?
Giản Truyền Học:
– Ông còn vô tình vượt xa bất kỳ ai tưởng tượng!
Tạ Hiểu Phong ngạc nhiên:
– Hử?
Giản Truyền Học:
– Đến tính mạng mình ông còn chẳng để trong lòng, dĩ nhiên càng chẳng coi trọng tính mạng người khác!
Tạ Hiểu Phong:
– Hử?
Giản Truyền Học lại nói:
– Chỉ cần ông thấy cần thiết thì bất cứ lúc nào ông cũng có thể hy sinh tính mạng người khác, bất kể người đó là ai cũng vậy!
Tạ Hiểu Phong bỗng cười phá lên:
– Vì vậy ta sống chẳng bằng chết đi tốt hơn chứ gì?
Giản Truyền Học:
– Tôi không muốn thấy ông chết, tôi không nói ra chỉ vì muốn bảo vệ người ấy mà thôi!