Cuối tuần Kiều Ly nói muốn về quê ngoại, bố mẹ cô cũng muốn đi chung nhưng bận đám cưới của một người bạn nên không đi được. Bà Hoà gọi điện trước cho em gái, nói hôm nay Kiều Ly về, chưa gì mọi người ở quê đã háo hức chào đón cô. Vợ chồng bà Hoà tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc đem ra cổng.
– Để chú Quang đưa con đi.
– Con thích đi taxi hơn.
– Mẹ gọi cho dì rồi, tới nơi phải gọi về cho bố mẹ yên tâm đấy.
– Vâng.
Kiều Ly chỉ đem theo mấy bộ đồ, vỏn vẹn trong chiếc balo nhỏ, chủ yếu quà bố mẹ cô gửi về quê mới nhiều, chất đầy hết ghế sau. Cô không đi chung xe với Nghĩa mà hẹn anh gặp nhau ở nhà ngoại cô. Mới 6 giờ sáng Nghĩa đã đi trước, Kiều Ly mới nửa đường thì anh đã tới nơi rồi. Nghĩa đẩy cánh cổng đầy bụi bặm gỉ sét rồi đi vào trong, đám cỏ dại thừa cơ hội không có người ở mọc um tùm, che lấp cả cánh cửa gỗ lỏng lẻo không khoá. Căn nhà như chìm trong sương mù, bụi bặm mạng nhện bám đầy. Nghĩa ho sặc sụa rồi mở hết mấy cửa sổ ra, trong hai ngày tới anh không thuê nhà nghỉ mà sẽ ở đây. Trong lúc đợi Kiều Ly đến, trước tiên anh phải dọn dẹp chỗ này.
Bà Duyên đang mong ngóng cháu gái nên ra cổng đứng chờ, thấy đám cỏ dại nhà kế bên đang rung rinh như bị ai chặt bỏ nên chạy qua xem thử.
– Ơ, cậu vẫn chưa về lại thành phố à?
– Cháu về hôm qua, mới quay lại sáng nay.
– Có phải cậu biết sáng nay Kiều Ly cũng về đúng không? Làm gì có chuyện trùng hợp thế.
– Vâng.
– Hai đứa mới gặp lại đã thân thiết như lúc trước rồi nhỉ, mà cậu định ở đây hả?
– Cháu định ở hai ngày.
– Có ở được không? Bỏ hoang lâu thế kia đồ đạc hỏng hóc hết rồi.
Thấy Nghĩa dọn một mình cũng tội bà Duyên liền nhiệt tình gọi con trai qua giúp anh. Khi Kiều Ly đến nơi thì thấy dì đang đứng ở nhà hàng xóm nói chuyện ríu rít. Bên đó làm gì nghe rất náo nhiệt, cô về cũng chẳng ai để ý.
– Con chạy về kéo ống nước nhà mình sang cho cậu ấy xịt hết bụi đi.
– Dạ.
Con trai bà Duyên chạy về thì thấy Kiều Ly xách đồ xuống xe liền mừng rỡ reo lên.
– Chị Ly về rồi này mẹ ơi.
– Đâu đâu, con bé về rồi à.
Nghĩa đang tỉa đám cỏ còn lại cũng ngẩng đầu lên, anh giống như mọi người, đều vui vì sự trở về của cô. Nghĩa ngồi xuống chiếc ghế mới được lau sạch nghỉ mệt, bức tường nhà hàng xóm xây bê tông kín mít nên anh không được nhìn vào sân như lúc trước nữa nhưng nghe tiếng cô loáng thoáng.
– Bố mẹ con gửi gì mà nhiều thế?
– Lâu lắm gia đình con chưa về nên có ít quà biếu mọi người.
– Nhiêu quà này biếu cả xóm ấy chứ?
– Dượng đâu rồi dì?
– Ông ấy đi chợ rồi. Lúc sáng mẹ con gọi xong phóng xe đi liền đấy, chả biết mua gì mà giờ chưa thấy về.
Mẹ con bà Duyên ra vô mấy lượt mới đêm hết quà vào trong nhà, tuy nhiên vẫn không quên qua giúp Nghĩa dọn nhà cho xong. Kiều Ly cũng bị kéo đi, dì cô cứ tưởng hai người vẫn thân như lúc nhỏ, không biết có những mối quan hệ đã thay đổi rồi. Thấy Nghĩa một tay dọn cỏ, trên trán lấm tấm mồ hôi, Kiều Ly có ý tốt nhắc nhở.
– Vai anh chưa khỏi, đừng làm nhiều quá.
– Ừ.
– Vai cậu ấy bị sao thế?
– Cháu bị tan nạn.
– Thế sao nãy giờ cậu không nói, mau mau đứng lên đi.
Nghĩa cười trừ, nụ cười của anh không giống Thế Sơn, chân thành và ấm áp hơn rất nhiều. Nhưng Kiều Ly vẫn thích sự bất cần đời kia hơn. Căn nhà nhìn qua đã giống có người ở, hồi trước Kiều Ly sang chơi chỉ đứng bên ngoài chứ chưa vào trong bao giờ. Cô cũng muốn xem thử căn nhà từng gắn bó với Thế Sơn như thế nào. Phòng khách đủ để kê một bộ bàn ghế nhỏ cũ kĩ, theo năm tháng chẳng còn thứ gì giá trị ngoài mấy tờ giấy khen ngả màu vàng ố trên tường. Cô nheo mắt nhìn qua một lượt nhưng không nhìn thấy tên Thế Sơn, Nghĩ đứng ở cửa nói.
– Anh ấy chỉ học đến lớp 6.
– Thảo nào khi đó anh ấy lại bảo đi làm.
Cô cười nhẹ khi nghĩ tới cậu bé hay cáu kỉnh với mình, nếu chịu để ý kĩ cô sẽ thấy tính cách của hai anh em họ trái ngược nhau, nhưng khi đó cô còn quá nhỏ, chỉ nghĩ anh trai nhà hàng xóm giận mình không cho kẹo nên muốn nghỉ chơi.
– Cho em.
Nghĩa xoè tay ra, trong lòng bàn tay với đường sinh mệnh kéo dài rõ nét là hai viên kẹo bạc hà. Kiều Ly ngây ra một lúc rồi cảm ơn nhận lấy. Cô thích ăn kẹo, thích ngọt ngào nhưng vị bạc hà mát lạnh trong miệng khiến cô bừng tỉnh. Sống mũi cay cay khi nhìn thấy một tấm ảnh để trên bàn trà, đây là thứ duy nhất về Thế Sơn trong ngôi nhà này còn sót lại nhưng cô chưa nhận ra anh.
– Anh ấy đứng bên trái. Khi đó mẹ anh thường mua quần áo giống nhau cho hai anh em mặc, kiểu tóc cũng để y hệt, nhưng nếu để ý thì tấm ảnh nào anh Sơn không cười.
Nghĩa dừng một chút điều chỉnh tâm trạng rồi nói tiếp.
– Buổi chiều chúng ta đi thăm mộ anh Sơn được chứ?
– Được.
Mẹ con bà Duyên đã về trước, nhường lại không gian cho đôi trẻ lâu ngày ôn lại chuyện cũ, bà còn vui vẻ gọi cho chị gái, thuận miệng kể về chàng trai tên Nghĩa hồi trước hay chơi với Kiều Ly cho bà Hoà nghe. Vợ chồng ông Luân có hai đứa con trai sinh đôi, nhưng mọi may mắn đều dành hết cho cậu em, tên Nghĩa được mọi người nhắc đến rất nhiều còn Thế Sơn thì không ai quan tâm. Sự bất hạnh thiếu thốn từ gia đình chính là nguyên nhân đẩy anh ra khỏi thế giới của bọn họ.
– Anh có bao giờ đi tìm anh ấy không?
– Anh có về đây mấy lần nhưng không gặp, có để lại số điện thoại, thật may là anh ấy đã nhìn thấy.
– Sao anh biết mà đến gặp tôi?
– Anh Sơn chủ động liên lạc với anh và nhắc đến em. Anh ấy đã chuẩn bị tất cả cho sự ra đi của mình.
– Anh ấy… có lời nào nhắn lại cho tôi không?
– Có, nhưng sau này anh sẽ nói.
Sau này là khi nào? Kiều Ly muốn biết ngay bây giờ nhưng Nghĩa nhất định không nói. Anh đứng sau lưng, nhìn cô xoay người đi.
Không có Nghĩa nên bà Dung phải đến công ty, với bà ta, công ty là tài sản giá trị nhất. Sau khi đi du học về Nghĩa vào công ty làm việc, dưới sự dẫn dắt của bố dượng, anh nhanh chóng tiếp thu được kinh nghiệm, ký thành công mấy hợp đồng lớn. Nói về năng lực, bà Dung rất tin tưởng vào con trai, năm đó chồng sau chỉ cho bà ta đón một đứa con về nuôi bà ta liền nghĩ ngay đến Nghĩa.
Công sức bà ta đào tạo cho con học ở trường lớn, cho đi du học, là để con trai giúp mình nhiều thứ trong công việc nhưng chuyện quan trọng nhất là kết hôn với Tố Như thì Nghĩa lại không làm được.
– Bác gái, anh Nghĩa sao rồi?
– Nó vẫn còn đau nhức, vừa mới uống thuốc xong.
– Con đang ở trước nhà nhưng không thấy ai, bác bảo người giúp việc mở cổng nhanh đi.
– Sao con lại tới rồi, hôm qua bác nói…
– Mẹ con có hầm canh cho anh Nghĩa.
– Bác đang ở công ty…
Tố Như đứng đợi không ai mở cổng bắt đầu phát bực, nghe bà Dung nói dong dài liền khó chịu hậm hực.
– Bác ở đâu thì kệ chứ, con tới gặp anh Nghĩa.
– Thằng Nghĩa nó muốn nghỉ ngơi, để bác nói giúp việc ra nhận canh nhé, cảm ơn con.
– Có phải bác giấu con chuyện gì đúng không?
– Bác…
Người giúp việc từ trong nhà lật đật chạy ra, Tố Như không thèm nói chuyện điện thoại với bà Dung nữa, trực tiếp hỏi thẳng người giúp việc.
– Anh Nghĩa có nhà không?
– Cậu Nghĩa dọn đi hôm qua rồi đó cô.
– Đi đâu?
– Tôi cũng không biết.
– Chết tiệt.
Tố Như tức giận ném bình giữ nhiệt xuống đất, nước canh văng ra tung toé, hùng hổ quay lại xe. Cô ta ghét nhất là ai lừa dối mình, đằng này bà Dung một bên ngon ngọt tưởng cô ta ngu ngốc mà qua mặt. Tố Như lái xe đến thẳng công ty, không cần gọi trước xông vào phòng làm việc, thư ký biết cô ta là con dâu tương lai của bà Dung nên không cản lại.
– Anh Nghĩa đi đâu rồi? Sao bác lại nói dối con?
– Con đừng nóng giận, bác đã gọi cho thằng Nghĩa rồi, chiều nay nó về ngay.
– Anh ấy đi đâu mới được chứ?
– Nó cãi nhau với bác nên dọn ra ngoài cho khuây khoả, bác sợ con lo lắng nên không dám nói.
– Hai người cãi nhau vì chuyện gì?
Bà Dung thở dài.
– Còn chuyện gì khác đám cưới của hai đứa nữa. Nó muốn hoãn sang nửa năm, bác không đồng ý.
– Ai cũng biết con và anh Nghĩa sắp đám cưới, hoãn là hoãn thế nào, mặt mũi gia đình con để đâu?
– Bác biết, con bình tĩnh đã.
– Bác thử đặt vào hoàn cảnh của con xem có bình tĩnh nổi không, tự dưng anh Nghĩa đòi huỷ hôn, giờ bảo hoãn, anh ấy xem con là quả bóng muốn đá thế nào thì đá hả. Còn bác nữa, bác luôn miệng bảo con yên tâm nhưng lại nói dối con.
– Bác xin lỗi nhé, bác sợ con lo quá thôi, bác…
– Thời hạn cuối cùng là sáng mai, anh Nghĩa không sang nhà xin lỗi con thì bác cũng hiểu chuyện gì xảy ra rồi đó.
– Tố Như…
Bà Dung cố níu kéo gọi với theo nhưng bản tính tiểu thư cao ngạo của Tố Như lại nổi lên, không thèm nghe bà ta giải thích, đóng sập cửa bỏ về. Bà Dung mím môi day trán, được vài phút cầm điện thoại gọi cho ai đó.
Một ngôi mộ nằm bơ vơ giữa đám cỏ dại xanh mướt, nhìn vào hiu quạnh đến xót xa. Ngôi mộ này là Nghĩa dựng lên chỉ để tưởng nhớ, không có tro cốt của Thế Sơn. Kiều Ly đặt bó hoa cúc trắng lên mộ anh rồi chậm rãi ngồi xuống, một tấm ảnh cũng không có, cô tự tưởng tượng ra trong đầu gương mặt anh. Nghĩa đưa nén hương cho cô nói.
– Anh không có tấm ảnh nào của anh Sơn lúc trưởng thành.
– Anh ấy để tóc ngắn, đuôi mày trái có một vết sẹo, gầy hơn anh một chút.
– Ừ, anh sẽ nhờ phác hoạ lại.
– Để tôi, dù sao tôi cũng từng gặp anh ấy, dễ miêu tả hơn anh.
Hai người đột nhiên im lặng, mùi trầm thoang thoảng khiến Kiều Ly cảm thấy nặng nề, mộ Thế Sơn nằm giữa một ngọn đồi hướng về phía biển, người thích tự do như anh chắc hẳn sẽ rất hài lòng với nơi này. Chân trời đỏ rực, đằng tây mặt trời đã ngả bóng nhưng Kiều Ly vẫn chưa muốn về, cô muốn ở lại với Thế Sơn lâu hơn để cùng anh ngắm hoàng hôn. Tiếng chuông điện thoại của Nghĩa reo lên cũng không làm cô phân tán, anh chặn số bà Dung nên bà ta không gọi được, đành nhờ người bạn thân nhất của Nghĩa gọi giùm.
– Cậu đang ở đâu thế? Quên cuộc hẹn với chúng tôi rồi hả?
Mấy ngày trước Nghĩa có hẹn cuối tuần cùng đám bạn cấp ba tụ tập, anh cầm điện thoại ra một góc ngoái đầu nhìn lại xem thử Kiều Ly có đứng lên không rồi mới đáp.
– Tôi bận rồi, để khi khác.
– Bận gì? Cậu đang ở đâu mà tín hiệu kém thế?
– Tôi đang ở nhà cũ.
– Cậu chạy về đó chi vậy?
– Không có gì quan trọng thì tôi cúp đây.
Cuộc điện thoại vừa ngắt đã nghe bà Dung lên tiếng.
– Cảm ơn cháu nhé, bác và Nghĩa chưa cãi nhau bao giờ. Lần này nó bỏ đi bác cũng không biết đi đâu mà tìm, may có bạn bè tốt như cháu giúp đỡ.
– Không có gì bác ạ.
Bà Dung cười khổ gật đầu, vừa đứng lên nét mặt khổ sở vừa rồi liền biến mất.