Sau khi vị bác sĩ đi rồi, tôi mới nhẹ nhàng hỏi chú.
– Anh, bác sĩ đó quen với anh hả?
Chú vừa pha sữa vừa trả lời:
– Ừ là người quen, cũng có chút thân.
Tôi gật gù, thì ra là người quen. Lại sựt nhớ tới lời nói hồi nãy của bà bác sĩ, tôi lại hỏi:
– Bà ấy hồi nãy có nói… anh từng cắt cổ tay tự tử?
Nghe tôi hỏi chú liền nhìn tôi chằm chằm rồi không mặn không nhạt trả lời:
– Anh không như em, ngu ngốc muốn chết. Lần đó chỉ là bị thương cổ tay thôi, bà ấy lại làm quá vấn đề lên. Anh ngại phải giải thích nên để bà ấy muốn hiểu sao thì hiểu.
Nghe chú vừa nói vừa mắng, tôi liền rụt cổ lại, mếu:
– Em đã nói là em không phải muốn tự tử mà, anh sao chửi em hoài.
Chú nhếch môi nhìn tôi, lầm bầm trong miệng:
– Không dám tin em, ngày mai anh mời bác sĩ tâm lý qua khám cho em. Em có bệnh phải nói cho rõ, đừng để điên như hôm qua nữa.
Tôi thở dài bất lực, cảm giác mình như là tội nhân thiên cổ vậy. Rõ ràng tôi không muốn chết mà, sao không ai tin tôi hết vậy?!
– Anh phải tin em.
Thấy tôi kiên quyết quá, chú thôi không nói nữa. Mãi một lát sau, khi trời đã nhá nhem tối, chú vừa nghe điện thoại vừa nhìn tôi, tắt điện thoại chú nhẹ giọng:
– Anh cho người về nhà điều tra cuối cùng cũng có kết quả rồi.
Tôi nghe tới điều tra rồi kết quả, tự dưng lại thấy run run trong lòng. Tôi cố xê dịch người ngồi dậy nhưng chú lại không cho, ấn cho tôi nằm xuống đàng hoàng, chú trầm giọng nói:
– Trong 2 thân cột ở đình nghỉ mát có chứa một ít mùi thơm của tán hương.
Tán hương…là gì?
Thấy tôi cau mày không hiểu, chú lên tiếng giải thích:
– Anh cũng không biết tán hương là gì nhưng theo kết quả điều tra thì đây là loại hương cấm không được sử dụng. Hương thì thơm nhưng loại hương này gây ảo giác, kích thích thần kinh rất mạnh. Ngửi ít không sao nhưng ngửi lâu sẽ gây triệu chứng mệt mỏi, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, làm mụ mị đầu óc khiến người ngửi dễ bị kích động không làm chủ được cảm xúc. Đỉnh điểm…. là em tự sát.
Tôi sững sờ, tim đập thình thịch liên hồi, tay cũng có chút run run khi chú nói. Tán hương… có người bỏ tán hương vào thân cột đình… người đó muốn giết tôi hay là muốn tôi giết người?
Là ai? Là con Ngọc hay là…. mẹ tôi? Mẹ tôi, bà ấy muốn tôi chết mà, có phải là bà ấy không?
Tôi nhìn chú, môi mấp máy không rõ chữ:
– Là…ai…?
Chú mím môi, gương mặt nặng nề:
– Thanh Ngọc… bỏ trốn rồi.
Bỏ trốn…. con Ngọc…lại là con Ngọc!
Tôi tức tới mức phải há hốc miệng ra thở, lại là con Ngọc, lại là nó. Nó hận tôi tới mức nào, hận tôi cái gì mà tới nỗi muốn lấy mạng của tôi? Nó là em ruột của tôi, chảy chung một dòng máu…nhưng tại sao…tại sao nó lại ác với tôi như vậy…tại sao chứ?!
Hai tay tôi siết chặt, hốc mắt như muốn trực trào. Tôi khóc vì tức, khóc vì sự bất lực của bản thân mình. Chỉ xém chút nữa thôi là tôi đã chết rồi, chết vì sự ngu dốt, chết vì lòng vị tha bao dung của chính bản thân tôi. Haha, buồn cười quá. Tôi ghét nó, đấu đá với nó nhưng tận sâu trong thâm tâm tôi lúc nào cũng dành cho nó một đường lui. Chỉ cần nó nói, nó không hại tôi nữa thì tôi nhất định sẽ để cho nó đi hoặc thậm chí tôi còn muốn bắt tay làm hòa nữa kìa. Ngu, có ai thấy tôi ngu không?
Nó chưa bao giờ coi tôi là chị, là người thân của nó, vậy mà tôi còn tự mình đa tình cho rằng nó hành xử như vậy chỉ là cảm xúc bồng bột nông nổi nhất thời mà thôi. Tôi sống bao nhiêu năm, nhẫn nhịn bao nhiêu năm là vì cái gì, vì cái gì để mà bản thân phải chịu đủ bao nhiêu cay đắng thiệt thòi tới như vậy? Vì tình thân sao, vì tình cảm gia đình sao???
Mẹ nó, quên đi, quên hết đi mà làm người!
Vì tức tới run nên tôi vô tình làm ảnh hưởng tới vết thương trên ngực, mặt tôi khẽ nhăn lại, mồ hôi trên trán cũng túa ra.
Chú thấy tôi gồng mình vì đau đớn, chú liền ngồi xuống xoa xoa phía trước ngực giúp tôi thông khí, bàn tay chú to lớn nhưng lại rất dịu dàng, lại cẩn thận tránh cho đụng tới vết thương. Tôi vô thức nhìn về chú, nước mắt không hiểu sao lại rơi xuống lần nữa. Trong cõi lòng len lỏi cảm giác ấm áp cùng an lòng, may là tôi còn có chú, thật là may…
Ôm lấy bàn tay của chú, tôi vừa khóc vừa than:
– May là em còn có anh, thật là may quá.
Chú nâng tay lau đi nước mắt đang lấm lem trên mặt tôi, khẽ khom người xuống thấp thêm chút nữa, chú dịu giọng.
– May là em không sao, nếu em có gì chắc anh cũng không sống nổi nữa. Hôm qua nhìn thấy em nằm yên tĩnh trên giường bệnh mà lòng anh đau tới mức thở không được. Anh…anh không biết lãng mạn càng không biết nói lời hoa mỹ nhưng tình cảm của anh là thật, tình yêu của anh cũng là thật. Sau này dù có bất cứ chuyện gì xảy ra em cũng phải tin anh, tin tưởng ở tình yêu của anh. Mọi thứ anh có anh đều cho em, mọi thứ anh làm đều là làm vì em.
Tôi mím môi cười, chú không có nói lời hoa mỹ…chú cũng không biết lãng mạn là thế nào…tôi biết….ông chú của tôi lúc nào cũng đơn giản mộc mạc lại kiệm lời. Nhưng tình cảm của chú là thật, nếu không thật thì tôi đã không yêu chú nhiều như thế này rồi.
Tôi gật gật đầu, môi vừa cười, nước mắt cũng vừa rơi, tôi nói:
– Em biết mà, em biết anh luôn thật lòng, em biết.
Thấy tôi khóc, chú khẽ cười:
– Sao lại khóc, khóc xấu xí mà cứ thích khóc. Ngoan nín đi, đừng khóc nữa anh thương.
– Biết rồi, em biết rồi em không khóc nữa đâu.
Xoa xoa hai má tôi, giọng chú đầy thâm tình:
– Anh lớn tuổi rồi, so với em anh hơn em gần một con giáp, anh không biết bày tỏ yêu thương là thế nào. Con người anh trước kia vừa khô khan, cô độc lại chứa quá nhiều tâm tư mà người thường không thể hiểu hết được. Nếu không phải em, nếu không gặp được em đúng lúc đó thì chắc có lẽ bây giờ anh vẫn chọn cho mình cuộc sống đơn điệu không vướng ái tình. Hơn 30 tuổi đầu, anh không biết yêu, càng không biết yêu thương một người con gái là như thế nào. Ngoài công việc, ngoài những mưu toan thì anh chỉ muốn làm bạn với rượu. May là gặp được em, may là ông trời đưa em đến với anh nếu không chắc cuộc sống của anh sẽ buồn chán lắm.
Ngừng một lát, chú nói tiếp:
– Hứa là cùng anh đi hết con đường này, không cần biết là đi được bao xa chỉ cần đi cùng nhau là được. Nếu không phải là em thì anh sẽ không yêu, không phải là em thì anh sẽ không bao giờ hy sinh. Dù sau này có xảy ra bất cứ chuyện gì đi chăng nữa thì em cũng phải tin ở anh, tin là anh chỉ một lòng một dạ với em thôi. Chỉ cần tin anh thì mọi khó khăn chúng ta đều có thể vượt qua được, em nhớ chưa?
Tôi hạnh phúc đến chảy cả nước mắt, tôi biết chú dở ăn nói nhưng nói được như này thì đủ biết chú đã cố gắng đến thế nào rồi.
– Em yêu anh, rất yêu rất yêu anh.
Ánh mắt chú nhìn tôi thâm tình, nụ cười cũng vụt sáng trên môi, trong một khoảnh khắc nào đó tôi thấy cả người chú bừng sáng. Cứ như là một vị thần bước ra từ trong thần thoại… mà phải rồi, chú là vị thần hộ mệnh của cuộc đời tôi mà!
________
Vết thương của tôi không sâu nhưng chú không yên tâm để tôi về nhà nên yêu cầu để tôi nằm viện theo dõi thêm. Hổm rày nằm viện cũng được nhiều người tới thăm lắm, từ ông Hưng rồi bà Hạ, tụi Minh Lộc Minh Phú Minh Tài đều ghé qua thăm hỏi, đặc biệt là mẹ chồng tôi với Thu Phụng cũng có ghé chơi một lát.
Tôi nghe Út Đực nói, ba mẹ tôi có tới nhưng chú không cho vào thăm, vệ sĩ thấy mặt đã chặn lại ở bên ngoài rồi. Nghe Út Đực nói mà tôi chỉ còn biết thở dài, thôi coi như cái số tôi nó hẩm hiu đi, tới bây giờ thì không cần người thân cũng được, tôi có chú là đủ rồi.
__________
Buổi sáng của một tuần sau.
Hôm nay chú đi bàn công việc từ sớm, trong phòng bệnh chỉ có tôi với Út Đực. Tôi tầm này đã ngồi dậy được, vết thương trước ngực hồi phục rất tốt. Vừa xem tivi tôi vừa ăn nho mà hôm qua chú mua, ui chao…nho ngọt ghê luôn.
Thấy Út Đực đang luộm thuộm làm cái gì đó nên tôi kêu:
– Út, qua ăn nho, nho ngọt lắm.
Út Đực cười hề hề:
– Đợi con chút, con ra liền.
Đợi tầm mấy phút thì Út Đực cũng chạy ra, tôi với nó thay phiên nhau vừa coi phim vừa ăn hết đĩa nho to đùng. Đang ăn tự dưng nhớ tới chị Quế nên tôi liền hỏi:
– Út, chị Quế sao rồi, em bé có ngoan không?
Út Đực gật gật:
– Ngoan lắm Bà, Bà Tư về mấy bữa rồi, bữa dì Sáu có ẫm cậu ra phơi nắng, cái mặt thấy cưng lắm Bà ơi.
Nghe Út Đực nói mà tôi cũng thấy vui trong lòng, tôi cười:
– Ừ Bà cũng trông cho mau xuất viện về thăm chị Quế, muốn gặp thằng nhỏ ghê luôn.
– Trời trời, Bà sinh một đứa đi Bà, rồi tới khi đó tha hồ nựng. Con sẽ trông Cậu nhỏ cho Bà, Bà chịu không?
Tôi phì cười, tay vô thức đặt lên bụng:
– Ờ thì Bà cũng đang trông cho có em bé đây, tới khi đó Bà kêu giữ con cho Bà thì đừng có la làng nha.
Út Đực bĩu môi:
– Bà làm như con làm biếng lắm vậy, con dư sức giữ con của Bà với Ông Chú cho tới khi thằng nhỏ lấy vợ luôn.
Tôi không trả lời chỉ cười tươi rạng rỡ, lần này xuất viện về nhà, tôi phải chăm chỉ tích cực hợp tác tạo người với chú mới được. Chú cũng lớn tuổi rồi, cũng cần có mấy đứa con nít chạy loanh quanh mỗi khi đi làm về, kẻo lại già hết xí quách.
Nói tới nói lui một hồi, Út Đực lại đá vấn đề qua chuyện con Ngọc. Nó ngồi chống chân lên ghế, thầm than.
– Coi Mợ Hai vậy…à quên con Ngọc chứ Mợ Hai cái nỗi gì, coi nó vậy mà ranh ma thấy ớn Bà ha. Con không nghĩ ra nguyên cớ gì mà nó hại bà ra nông nỗi này luôn đó, nó là em gái ruột của Bà mà.
Tôi cũng không hiểu được, đành lắc đầu:
– Bà chịu, nghĩ không ra.
Út Đực trầm ngâm một lát rồi vỗ đùi cái đét:
– Mà công nhận cái con này nó hay, mấy cái cột đình rỗng ruột mà nó cũng biết. Tới con còn mới biết đây vậy mà nó về nhà này chưa được bao lâu đã biết rồi. Tinh ranh ghê luôn.
Tôi nheo mắt, có chút không hiểu lắm:
– Con nói ruột của cột đình rỗng hả Út?
Út Đực gật đầu:
– Dạ, bộ Bà không biết hả?
Tôi lắc đầu:
– Ừ Bà không để ý, có nghe chú nói nhưng không quan tâm tới. Ruột cột đình rỗng…trong nhà mình nhiều người biết không?
Út Đực suy nghĩ một lát rồi mới trả lời:
– Dạ cũng không nhiều người biết đâu, con là con không biết rồi đó. Hồi bữa Ông Chú cho người về điều tra nên con mới biết, mà con thấy hình như Bà Lớn cũng đâu có biết đâu. Lúc mấy ông thám tử điều tra ra, con thấy mặt Bà Lớn ngay đơ luôn.
Bà Hạ không biết…bà ta không biết vậy con Ngọc làm sao mà biết được?
Tôi liền hỏi tiếp:
– Mấy Cậu có biết không, chẳng hạn Minh Phú, Minh Lộc?
Út Đực lắc lắc cái đầu:
– Hình như không luôn, bởi cái bữa mà mấy ông thám tử nói kết quả điều tra là trong cột đình có hương thơm của tán hương á Bà, mặt ai cũng ngạc nhiên hết trơn á. Cỡ như dì Sáu ở lâu trong nhà mình cũng không có biết. Nghe đâu Lão Phật Gia biết, ông Hưng biết, Ông Chú cũng biết. Bị con nghe vú Một kể lại, là thân cột đình này ngày xưa thiết kế rỗng ruột là để đựng đèn dầu đó Bà.
Đựng đèn dầu? Là sao?
Thấy mặt tôi vẫn còn ngu ngơ, Út Đực liền giải thích:
– Trời cơi là vầy, cái thân cột đình là làm từ gỗ quý, ngày xưa ông sơ ông sờ ông sở cho người đục khúc ruột trong của cột đình rồi lấy gỗ ra hết để cho bên trong cột nó rỗng. Rồi hình như là thiết kế như cái tủ có nắp mở ra để đựng đồ bên trong đó Bà. Có người nói là để giấu vàng giấu tiền, có người nói là để đựng đèn dầu bốn góc cho sáng sủa. Con cũng không rành lắm, ai kể sao con học lại cho Bà nghe vậy. Nhưng mà cái vụ ruột cột đình rỗng là ít người biết lắm. Mà thời giờ đâu ai quan tâm tới mấy cái cột đình đó chi nên không biết cũng phải.
Tôi càng nghe càng thấy có gì đó không được hợp lý cho lắm. Nếu bà Hạ không biết, Minh Phú cũng không biết thì làm sao con Ngọc nó biết cái ruột cột đình rỗng mà nó bỏ tán hương vào trong? Là do nó vô tình biết được ruột cột đình rỗng hay là do có người bày cho nó?
Tôi vì chuyện này mà suy nghĩ mãi, con Ngọc sợ tội bỏ trốn là chắc rồi nhưng liệu có thêm ai đó đồng lõa với nó hại tôi nữa không? Con Ngọc nó thông minh tôi biết nhưng mà nói tới vụ cột đình rỗng ruột tôi lại không nghĩ là nó tự tìm ra được. Tới tôi còn không biết thì nó biết bằng cách nào, nếu so ra tôi ra ngoài đình ngồi chơi còn nhiều hơn nó nữa. Không lý nào nó lại tinh mắt hơn cả tôi….
Càng nghĩ tôi càng lo, tôi chưa từng nghĩ cái cột đình vô tri vô giác như vậy mà con người ta cũng bày ra được kế để hại người… quá nham hiểm rồi.
_________
Sau khi xuất viện về nhà, việc đầu tiên tôi làm là chạy vô thăm mẹ con chị Quế. Ui chu choa, bé con cưng quá trời quá đất luôn. Vừa sờ sờ bàn tay nhỏ nhắn của Minh Thọ tôi vừa xuýt xoa:
– Bé ngủ lâu chưa chị Quế?
Chị Quế mặc bộ đồ dài, tay nhét bông gòn, chị cười nói khẽ:
– Cũng lâu rồi, chắc chút nữa là cựa mình đòi bú giờ đó.
Tôi nhìn cu cậu ngủ ngoan trông nôi mà thấy vui trong lòng, ngó sang chị Quế thấy chị đang nhìn cu Thọ, gương mặt chị ánh lên nét hiền từ của người làm mẹ…Thoáng chốc tôi cũng mong mình có một đứa con, là con của tôi và chú. Eo ôi chắc lúc đó tôi sẽ thương cục vàng còn hơn bản thân tôi nữa quá.
Thấy tôi nhìn cu Thọ miết, chị Quế liền khều tay tôi nói vui:
– Nhìn gì, em cũng mau sanh một đứa đi.
Tôi cười hề hề:
– Em cũng đang trông đây.
Chị Quế vỗ vỗ tay tôi, chị lại hỏi:
– À quên nữa, vết thương của em sao rồi, hết hẳn chưa?
Tôi gật đầu:
– Chưa lành hẳn nhưng tốt rồi chị, dưỡng mấy bữa nữa là ngon lành.
– Ừ, bữa chị nghe tin em bị thương mà chị lo quá, bữa đó cũng là bữa chị sanh cu Thọ, muốn qua thăm coi tình hình của em sao mà không đi được. Thiệt, chị tức mình cái con Ngọc, chị em với nhau mà nó nỡ lòng nào.
Mặt tôi không cảm xúc, giọng cũng nhạt dần:
– Em cũng tức không khác gì chị đâu.
– Ừ ba mẹ em có tới bệnh viện thăm em không?
Tôi nghe nhắc tới ba mẹ tôi, giọng tôi trầm đi hẳn:
– Em nghe nói là có nhưng anh Thịnh không cho vào, kể từ bữa đó tới giờ em cũng không biết nữa. Với lại, em không có quan tâm, không muốn thấy mặt bọn họ.
Chị Quế cũng bực dọc:
– Gặp chị chị cũng không tha thứ, hổ dữ không nỡ ăn thịt con, còn đằng này…. mà cũng đáng, chị nghe nói chú Ba rút vốn ngầm ở công ty ba em, bên công ty đang lao đao điêu đứng tùm lum. Phen này cho chừa cái tật bên thương bên ghét, bên đạp bên nâng.
Rút vốn ngầm? Sao tôi không hay biết gì hết vậy?
– Rút vốn ngầm hả chị?
Chị Quế thấy tôi hỏi lại, chị có chút ngạc nhiên rồi mới gật đầu trả lời:
– Ừ chuyện này ai cũng biết mà, em…bộ em không biết hả?
Tôi có chút sững sờ trong lòng, chuyện rút vốn thật lòng tôi không hề hay biết gì hết.
Đang định hỏi thêm chị Quế thì cu Thọ đang ngủ ngoan trong nôi khóc ré lên, thấy cu con khóc đòi ti mẹ nên tôi cũng thôi làm phiền chị Quế nữa. Trong người cũng thấy có chút mệt mỏi nên tôi nói chuyện với chị Quế mấy câu nữa cũng đi lên phòng nằm nghỉ, quen với giờ giấc ở bệnh viện nên giờ về cũng thấy có chút kỳ kỳ.
Lúc tôi định bước lên cầu thang để lên phòng thì gặp được Thu Phụng đang đi tới, thấy tôi, cô ấy cười hiền lành.
– Bà, Bà đã khỏe hơn chưa?
Tôi gật đầu:
– Khỏe rồi, sức khỏe tôi cũng ổn định nên được về.
Thu Phụng nhìn tôi, trên gương mặt của chị ấy hiện lên vẻ ái ngại.
– Bà thực ra…thực ra…
Tôi nhìn cô ấy, tò mò hỏi:
– Thực ra sao, có chuyện gì vậy chị?
Thu Phụng ra điều ái ngại:
– Bữa đó…bữa đó con muốn bắt con Ngọc lại giúp cho Bà mà sơ sẩy để cho nó trốn mất. Con…con thấy có lỗi với Bà quá.
Nghe Thu Phụng nói mà tôi bật cười:
– Có gì đâu, con Ngọc nó ranh ma lắm, chị có muốn bắt lại cũng không được đâu.
– Dạ không phải, Bà Nội kêu bắt con Ngọc lại nhưng do con tức quá con chửi nó nên chắc nó kích động hay sao mà vùng lên bỏ chạy được… lúc đó trong nhà mình không có ai nên…nên…
Tôi gật đầu như hiểu ra chuyện, thực sự Thu Phụng cũng đâu có lỗi gì. Con Ngọc đã muốn trốn thì không sớm thì muộn nó cũng tìm cách bỏ trốn được thôi.
– Không phải lỗi do chị mà, đừng nhận lỗi về mình như vậy.
Thu Phụng có chút không vui, chị ấy rầu rĩ:
– Thiệt là Bà không buồn con không, con sợ Bà nghĩ là do con từng thích Ông Chú nên…thực sự con không có, con cũng có người… con thích rồi. Mà không nói cho Bà biết thì con sợ Bà hiểu lầm..
Tôi xua tay, cười trừ:
– Tôi không có giận hay buồn gì chị hết mà, thiệt đó. Tôi biết nào đúng nào sai nên chị đừng có lo, chị yên tâm đi.
Trên gương mặt của Thu Phụng dần dần có niềm vui trở lại, chị ấy đột nhiên nắm lấy tay tôi, cười tới vui vẻ:
– Nếu vậy thì tốt quá, tốt quá rồi, con chỉ lo Bà buồn con thôi. Ờ mà quen nữa, Bà Nội kêu Bà lát rãnh ra nhà ngoài Bà Nội có mời thầy ra cắt thuốc cho Bà đó Bà.
Tôi gật đầu:
– Ừ tôi biết rồi, chị nói lại với mẹ chút nữa tôi ra. Giờ tự dưng tôi thấy mệt quá, lại buồn ngủ rồi.
Thu Phụng nghe tôi nói vậy, chị ấy cũng thôi không nói tiếp. Sau khi đợi Thu Phụng đi xuống bếp lấy thuốc cho mẹ tôi cũng nhanh chân lên phòng nằm nghỉ. Thiệt là tôi còn yếu quá, đợt này truyền kháng sinh nhiều quá, tôi còn đang lo sẽ ảnh hưởng tới quá trình thụ thai sinh con đây. Haizz đủ chuyện trên trời dưới đất hà.
Tôi lên phòng ngủ một giấc tới chiều mới dậy, dậy xong tôi xuống nhà ăn một bát canh cá mà Út Đực nó hầm canh cho tôi khi sáng. Ăn gần hết tôi mới nghe Út Đực chạy từ nhà trước xuống thông báo.
– Bà, có ba mẹ Bà kiếm.
Nghe Út Đực nhắc tới ba mẹ tôi, động tác múc canh của tôi dừng lại. Tôi nhìn Út Đực, lạnh giọng trả lời:
– Nói Bà mệt không muốn gặp.
Út Đực cười nói:
– Con đuổi khách giúp Bà rồi Bà yên tâm đi, hồi sáng lúc Ông Chú đi làm Ông có dặn con không cho người nhà Bà tới tìm Bà. Bởi vậy hồi nãy con thấy mặt con đuổi thẳng cổ ngon ơ rồi.
Tôi mím môi, trong lòng sinh ra cảm giác chua xót dữ dội. Nếu ba mẹ tôi không phân biệt đối xử thì tôi đã không ra nông nỗi này mà ba mẹ tôi cũng không đi tới bước đường này. Thôi mọi việc đều thuận theo tự nhiên đi, tốt với họ thật nhiều rồi họ cắn tôi lại thật đau. Không dứt được lần này thì tôi còn khổ dài dài….
Đợi cho ba mẹ tôi đi rồi, tôi mới dắt Út Đực đi theo tôi ra nhà ngoài gặp mẹ. Đi tới trước nhà, tôi với Út Đực vô tình đụng mặt một người đang ôm chậu cây đi xuống. Thấy tôi đi tới, người kia liền dừng chân chào tôi một tiếng cung kính:
– Chào Bà Nhỏ.
Tôi nhíu mày, gật đầu:
– Chào chị.
Chào tôi xong người kia cũng nhanh chân đi xuống để làm việc. Tôi lại thấy lạ nên cứ nhìn theo tới khi bóng người phụ nữ ấy xa dần tôi mới thôi nhìn nữa.
Lại quay sang Út Đực, tôi liền hỏi:
– Ai vậy Út Đực, Bà thấy lạ quá.
Út Đực cười hề hề:
– Dạ người mới đó Bà, mới tới làm. Từ hồi Bà Tư sinh cậu Thọ, ông cho Dì Sáu vô làm vú cho cậu Thọ luôn nên trong nhà thiếu người làm. Mấy bữa trước mới tuyển mấy người, người hồi nãy là chị Xiêm, làm được việc lắm.
Tôi gật gù:
– Ờ hóa ra là vậy, mà sao tóc tai chị Xiêm bù xù vậy, trông không được gọn gàng.
– Con cũng không biết, này Bà Lớn tuyển người, chắc làm được chuyện nên được giữ lại đó Bà.
Mặc dù thấy người phụ nữ kia cứ lấm la lấm lét nhìn không được sạch sẽ đường hoàng nhưng tôi cũng không rảnh tới mức đi tìm hiểu người ta. Có thể là do người ta quen với việc không chăm chút cho bản thân hoặc do người ta có bệnh gì đó trong người thì sao. Mà dù bề ngoài có như thế nào đi nữa, miễn sao chị ta làm việc tốt và không gây ảnh hưởng tới tôi là được, còn đâu tôi không dư thời gian để quản hết mọi chuyện trong Mộc Phủ được.
Cũng có khi do hình dáng bên ngoài của chị Siêm lạ quá nên tôi mới để ý vì thường cái gì gây ấn tượng với mình cũng khiến bản thân cảm thấy tò mò hơn mà.
Lúc ra tới nhà ngoài, tôi thấy mẹ chồng tôi đang ngồi nói chuyện với ai đó. Thấy tôi với Út Đực đi vào, bà liền vui vẻ kêu tôi tới ngồi cạnh bà. Nắm lấy tay tôi bà hỏi:
– Thấy sao, khỏe hơn chưa?
Tôi với mẹ chồng mình vẫn là tình cảm trước sau như một, nghe mẹ hỏi tôi liền gật đầu thành thật:
– Con khỏe rồi, hồi sáng con cũng có nói với chị Phụng, mọi người yên tâm đi con không sao.
Mẹ chồng tôi hết nhìn tôi rồi lại nhìn Thu Phụng, bà cười:
– Ừ Thu Phụng có nói mà mẹ không yên tâm, mấy bữa mẹ mệt trong người không lên thăm con thường xuyên được.
Tôi cảm nhận được tình cảm thực sự của bà qua lời nói bà nói ra, cảm giác bản thân được người lớn quan tâm cũng làm cho lòng tôi cảm thấy ấm áp. Thú thực tôi là người rất dễ thỏa mãn hoặc có đôi khi do từ nhỏ thiếu thốn tình thương của người thân nên tôi rất dễ xúc động với sự quan tâm của mọi người dành cho mình.
Thấy tôi xúc động, bà liền cười rồi xoa xoa tay tôi:
– Cái con nhỏ này…..à quên mẹ có mời thầy về bắt mạch cắt thuốc cho con. Lát nữa con đưa tay cho thầy bắt mạch nha.
– Dạ mẹ.
Thấy tôi đồng ý. bà liền kêu Út Đực lên nhà trên mời thầy qua. Út Đực đi được chút thì mẹ chồng tôi lại kêu Thu Phụng đi làm công chuyện. Tôi nghe bà nói với Thu Phụng:
– Phụng, ra kêu tài xế chở con qua bên am ni của Bà Ba Trinh rồi hỏi Bà Ba cần thuốc gì thuốc gì rồi đi ra chú Khải lấy thuốc cho Bà Ba dùm Nội đi con.
Thu Phụng nghe mẹ chồng tôi sai biểu, chị ấy có chút sững sờ.
– Nội, hay để lát rồi đi, con còn đang sắt thuốc cho Nội ở dưới bếp mà.
Mẹ chồng tôi vỗ vỗ eo Thu Phụng, bà trả lời:
– Có Út Đực ở đây được rồi, con đi mau đi, Bà Ba nghe nói sức khỏe yếu, để lâu quá Ông biết thì cũng không tốt. Bà Ba có tội nhưng lúc trước cũng hiếu thảo với Nội, giờ Minh Tài không có ở nhà, mẹ nó nhờ mà Nội không giúp thì không được đâu Phụng.
Nfhe mẹ chồng tôi nói xong, Thu Phụng liền gật đầu đồng ý.
– Dạ vậy để con đi liền, có gì Nội kêu Út Đực coi thuốc nha Nội.
Mẹ chồng tôi gật đầu đồng ý. Thu Phụng vừa đi ra ngoài thì Út Đực với vị thầy cũng đi ra. Thấy Út Đực mẹ chồng tôi liền kêu nó chạy ra dặn Thu Phụng mua thêm chút xí muội cho bà. Đợi lúc Út Đực đi vào, mẹ chồng tôi lại nhẹ nhàng hỏi:
– Con Phụng đi chưa Út?
Út Đực nhanh nhảu:
– Dạ đi rồi Lão Phu Nhân.
Nghe Út Đực trả lời, mẹ chồng tôi mới quay ra nói với vị thầy thuốc lớn tuổi:
– Thầy Chúc, ông coi bắt mạch cho con dâu của tôi, coi coi sức khỏe nó có tốt không ông?
Thầy Chúc nhìn tôi, tôi cũng nhìn theo Thầy. Trước mắt tôi là người đàn ông lớn tuổi, tóc bạc đi một nửa, gương mặt phúc hậu hiền từ. Nhìn thấy thầy tôi liền gật đầu chào hỏi một tiếng.
– Con chào Thầy.
Thầy Chúc cũng cười chào lại tôi, cảm giác cho tôi biết đây là một người hiền lành và nhân hậu. Không cần tìm hiểu nhiều, chỉ cần thấy phong thái ung dung của Thầy cũng khiến tôi tin chắc Thầy là Thầy thuốc hiền lương.
Chào hỏi qua một chút, Thầy Chúc cũng bắt đầu bắt mạch cho tôi. Xem mạch xong, tôi thấy biểu cảm trên gương mặt Thầy có chút nghiêm trọng, chưa kịp hỏi gì đã nghe thầy kêu tôi nằm xuống giường.
Tôi có chút hốt hoảng nhưng khi nhìn thấy mẹ chồng tôi gật đầu kêu tôi làm theo tôi cũng thôi không còn sợ hãi nữa. Thầy Chúc dùng tay ấn lên vùng bụng dưới của tôi để kiểm tra, Thầy ấn không mạnh tay nhưng vẫn để lại chút cảm giác đau đau. Khám qua một lượt, Thầy mới kêu tôi ngồi dậy. Đi lại ghế ngồi, giọng thầy Chúc trầm ngâm:
– Không giấu gì cô đây, cho tôi hỏi kinh nguyệt cô không đều?
Tôi giật mình vì thầy đoán quá đúng, liền gật gật đầu.
– Lại đau bụng như đau đẻ mỗi khi tới kỳ, có đúng không?
Tôi sững sờ liền ngồi bật dậy trả lời:
– Dạ đúng rồi Thầy.
Thầy Chúc cau mày, ông hỏi:
– Cô bị vậy bao lâu rồi?
– Dạ mới đây thôi thôi Thầy, lúc trước có đau nhưng không tới nổi đau nhiều như vậy.
– Tháng này tới kỳ chưa?
– Dạ qua rồi Thầy, tuần trước con nằm viện cũng đúng ngày tới kỳ nhưng ngộ là không còn đau nhiều nữa.
Thầy Chúc nhìn tôi, thầy cau mày hỏi:
– Cô nằm viện, bệnh gì có truyền kháng sinh không?
Tôi ngờ nghệch không hiểu gì nhưng vẫn gật đầu trả lời:
– Dạ con bị dao đâm làm bị thương, có truyền khá nhiều kháng sinh.
Thầy Chúc nhìn tôi, Thầy trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi mới trả lời.
– Có thể cô mắc một loại bệnh hoặc cũng có thể cô trúng một loại độc, tạm thời tôi chưa dám chắc chắn là bệnh hay độc. Nhưng nếu là bệnh thì dễ trị mà là độc thì e rằng hơi khó…
Độc?? Tôi trúng độc sao?
Trời ơi!!!!