Hồi Đáo Lê Triều

Chương 31: Biệt Giam Tại Quảng Hằng Các



Mũi kiếm của Lý Lăng vừa chọc thủng lớp vải trùm đầu của tên giấu mặt, chàng liền áp sát lưng hắn và dùng một tay bấu chặt vào vai trái giật mạnh, quyết xem được gương mặt của kẻ đáng ngờ này. Toàn thân hắn vừa xoay ngang để lộ nửa gương mặt, cũng chính là lúc một đám bột trắng từ tay hắn tung ra bay mịt mù che khuất tầm nhìn của Lý Lăng. Theo phản xạ tự nhiên, chàng nghiêng mặt sang một bên tránh đi và quơ tay gạt bớt lớp bụi để khôi phục tầm nhìn. Ngay lúc ấy, một chưởng của tên giấu mặt từ phía sau lớp bột trắng xóa lao tới giữa trán, Lý Lăng lập tức đưa tay ra tiếp chiêu. Hai lòng bàn tay tiếp xúc nhau trong một giây, đủ để Lý Lăng nhận ra lòng bàn tay ấy chi chít những nốt da bị chai cứng do luyện kiếm lâu ngày tạo thành. Bị ám toán bất ngờ nên Lý Lăng dùng lực không đủ, bị một chưởng của hắn áp đảo đôi chút, chàng giật lùi vài bước chân để giữ thăng bằng, tay vẫn liên tục gạt đi lớp bụi trắng đang bay tung tóe trước mặt. Thật bất ngờ, tên giấu mặt này không tiếp tục tấn công chàng mà đã chọn cách bỏ chạy.

Lớp bột trắng đã rơi hết xuống đất.

Lý Lăng đưa tay dụi mắt, ho sặc sụa vài tiếng vì hít phải bột. Khi ngẩng đầu lên thì bóng dáng tên kia chỉ còn là một chấm đen nhỏ đang nhảy vọt lên tường thành rồi mất hút sau tầng tầng lớp lớp những mái ngói hoàng cung.

* * *

Quảng Hằng Các từ thời Thái Tổ đã là nơi ở của các tú nữ mới nhập cung. Nhân Tông lên ngôi từ khi mới hơn một tuổi nên việc tuyển tú đã lâu chưa được tổ chức. Quảng Hằng Các cứ thế đã bị bỏ trống mười sáu năm, đến khoảng một tháng trước mới được dọn dẹp trang hoàng trở lại để đón mười tú nữ vào ở.

Thu Đào được phân vào căn phòng nhỏ ở tận trong cùng chiều dài của nội các (*) cách biệt với nơi ở của các tú nữ khác bởi một ao sen nhỏ có gia kiều (*) bắt ngang. Nơi này vốn định dùng làm nơi ở cho các cung nữ bồi giá (*), nay theo lệnh vua các cung nữ đi theo chủ nhân tiến cung được chuyển vào hậu viện Quảng Hằng Các, gian phòng này tạm dùng làm nơi “biệt giam” dành cho Thu Đào.

Tuy bị bỏ trống lâu ngày nhưng không khí nơi đây chẳng những không có mùi ẩm mốc lạnh lẽo, mà còn thoang thoảng mùi nến thơm được ai đó chuẩn bị sẵn lên để chờ đón Thu Đào đến ở. Không gian nhỏ gọn được bày trí tươm tất và ấm cúng, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, tắm gội đều diễn ra trong căn phòng này, chứ không được rộng rãi nào tẩm điện nào thư phòng như Diên Ninh Cung. Thu Đào nhìn khắp phòng một lượt rồi hài lòng nhìn chưởng sự cung nữ Quảng Hằng Các nói:

– Xin đa tạ cô, tiểu nữ còn tưởng sẽ bị tống vào lãnh cung đầy mạng nhện như trong phim cung đấu chứ!

Thu Đào vỗ vỗ lên vai chưởng sự cung nữ rồi cười sảng khoái bước đến nằm lên chiếc giường mà nghỉ ngơi, bỏ mặt bà ta đứng đực mặt ra vì nghe phải từ ngữ hiện đại của nàng. Xuân Mai che miệng cười khúc khích vì đã quá quen với cảnh này, đoạn nàng nhét vào tay chưởng sự cung nữ một túi tiền nhỏ và lễ phép nhờ vả:

– Tiểu thư không may phạm lỗi, sẽ nghiêm túc chấp hành hình phạt, không tự tiện ra ngoài. Nhưng xin cô giúp đỡ cho một ngày ba bữa đủ món, chăn nệm đầy đủ. Xuân Mai xin đa tạ cô!

Chưởng sự cung nữ được thưởng tiền trong lòng rất vui, bà ta bẽn lẽn nhận lấy chiếc túi nhỏ và hồ hỡi đáp:

– Cũng đã về chiều rồi, Nguyễn tú nữ cứ nghỉ ngơi trước. Đến giờ cơm ta sẽ đích thân mang đến cho hai người.

Tiễn chưởng sự xong, Xuân Mai vừa sắp xếp áo quần cho Thu Đào vừa mở lời chuyện trò:

– Đại tiểu thư, cô còn có thể thoãi mái nằm nghỉ như vậy sao? Từ Diên Ninh Cung rộng lớn đến cái nơi tồi tàn này..

Thu Đào ngồi dậy kéo Xuân Mai xuống kế bên vui vẻ nói:

– Ta lại thấy ở đây thanh tịnh không ai làm phiền. Mà em hãy nhìn xem, xung quanh vật dụng đều đầy đủ tươm tất, chứng tỏ Hoàng Thượng vẫn rất để ý đến ta, không ai dám làm gì chúng ta đâu, đừng lo!

– Phải! Lại thêm tiền “đút lót” nữa, chắc chắn chúng ta sẽ được sống tốt! – Xuân Mai xoa xoa hai bàn tay vào nhau để xua đi cái giá lạnh giữa đông, nàng đưa mắt nhìn khắp nơi trong phòng và nói để đáp trả Thu Đào, cũng như để an ủi chính mình.

Thu Đào xoa nhẹ lên vai rồi ôm lấy Xuân Mai an ủi, giữa hai người hoàn toàn không có khoảng cách chủ tớ như bao nhiêu cặp tiểu thư – tỳ nữ khác.

* * *

Về chiều, khuôn viên phòng “biệt giam” của Thu Đào im lặng như tờ. Nàng ngồi trên bàn đánh vật cùng cây bút và những con chữ nhiều nét đến rối mắt. Ngày trước học Hán tự chỉ việc biết đọc biết nói, chữ nghĩa đã có máy vi tính viết giúp, giờ đây phải tự mình nắn nót từng nét thật là một cực hình. Thu Đào gồng cứng tay đến đau cả vai gáy, nhưng cứ viết xong nét ngang thì nét dọc lại chẳng nên hồn, chữ nghĩa lúc to lúc nhỏ nằm lộn xộn trên tờ giấy trông chẳng khá hơn bút tích của một đứa trẻ là bao. Nàng cầm tờ giấy lên đưa ngang mặt ngắm nghía rồi lập tức sụp hai mí mắt xuống, tiu ngiủ nét mặt vì tự cảm thấy “quá khó coi”.

– Trời ơi cứu con! Bút bi dễ viết như vậy còn viết không được, bây giờ phải dùng bút lông này!

Sau tiếng thở dài ngao ngán, Thu Đào chống cằm nhìn ra cửa sổ, cây bút trong lòng bàn tay vô tình quệt vào mặt mũi hai ba nét nguệch ngoạc, nàng cũng chẳng thèm bận tâm là mấy, chỉ một lòng nghĩ cách làm sao thoát khỏi hình phạt “dã man” này.

Trời lạnh, mười đầu ngón tay bị kim đâm chi chít càng thêm buốt nhói. Thu Đào tay phải xoa tay trái để tạo ra hơi ấm, mắt xa xăm nghĩ đến sự việc ngày hôm nay. Tự dưng ở đâu xuất hiện một Ngọc Tú ngang ngược muốn gây sự, Lê Tuấn lại đứng về phía nàng ta mà phạt mình chép cung quy, đúng là một ngày xui xẻo hết mức!

Không gian yên ắng bị khuấy động bởi tiếng động do Xuân Mai đẩy cửa bước vào. Nàng ta đi theo chưởng sự cung nữ của Quảng Hằng Các nhận mâm cơm chiều khá tươm tất, nhưng nét mặt lại dàu dàu nhìn Thu Đào ái ngại. Xuân Mai ngập ngừng:

– Tiểu thư! Hoàng Thượng đã đến Quảng Hằng Các..

– Không gặp! Dứt khoát ba ngày không gặp cho biết tay!

Thu Đào nghe đến tên Lê Tuấn thì giận dỗi từ chối gặp mặt, nàng vừa nói vừa phóng lên giường trùm chăn kín mít, lắc đầu nguầy nguậy. Nhưng lạ thay, một lúc lâu vẫn không thấy Xuân Mai nói gì thêm, Thu Đào từ từ kéo chăn xuống, thò đầu ra hỏi:

– Em sao vậy?

Xuân Mai chép miệng, cúi mặt xuống mâm cơm:

– Hoàng Thượng.. đến chỗ của Ngọc Tú tiểu thư!

Thu Đào kéo phắt cái chăn xuống quăng ra một góc, phồng má lên ấm ức nhìn ra cửa..

* * *

Quảng Hằng Các có vua ngự giá dùng cơm chiều, thiện phòng được chăm chút kỹ lưỡng hơn ngày thường rất nhiều. Chén bát được thay toàn bộ bằng dụng cụ đặc biệt chỉ dùng cho nhà vua, nến thắp trong phòng cũng dùng loại thượng hạng, mùi thơm thoang thoảng lan tỏa rất dễ chịu.

Lê Tuấn cầm tách trà lên hớp một ngụm, quan sát Ngọc Tú mặt mũi hớn hở ướm thử chiếc áo choàng chàng mang đến tặng nàng ta, với lý do là ban thưởng việc có công phát hiện sự việc vi phạm cung quy tại Diên Ninh Cung. Ngọc Tú mặc chiếc áo đứng trước mặt Lê Tuấn, thẹn thùng xoay qua lại cho chàng ngắm một lúc xong bèn cúi đầu đáp lễ:

– Tạ ơn Hoàng Thượng! Ngọc Tú rất thích!

Lê Tuấn chậm rãi đặt chung trà xuống, chàng ép mình nở nụ cười với Ngọc Tú, rồi khen lấy lệ:

– Rất hợp với nàng!

Ngọc Tú nghe giọng nói ấm áp hiền hòa thì trong lòng thổn thức lắm, nàng ta khẽ ngẩng đầu lên lén ngắm nhìn long nhan. Lê Tuấn vốn người cũng như tên, chàng có diện mạo vô cùng khôi ngô tuấn tú, cộng thêm cử chỉ ngôn hành hết sức chuẩn mực, hào quang hoàng tộc tỏa ra quanh chàng không cách gì che đậy được. Ngọc Tú hoàn toàn bị đánh gục bởi nam nhi hoàn mỹ đứng trước mặt, dù chàng không phải là vua một nước đi nữa thì dựa vào khí chất vốn có cũng đã là niềm mơ ước của bất kỳ cô nương nào, nàng ta hạ quyết tâm chiếm được trái tim chàng bằng mọi giá. Cuộc chiến tranh đoạt ân sủng chính thức bắt đầu từ sự xuất hiện của Ngọc Tú.

Lê Tuấn tất nhiên hiểu được ý tứ trong ánh mắt của Ngọc Tú, sự việc hôm nay càng làm chàng lo lắng nàng ta sẽ tìm cách làm hại Thu Đào để tranh sủng. Vì thế, Lê Tuấn quyết định mang Ngọc Tú đến một nơi khác, tránh càng xa Thu Đào càng tốt. Chàng chấp tay sau lưng bước ra cửa vài bước, ngẩng đầu lên nhìn mảnh trăng non lấp ló giữa nền trời nhá nhem tối.

– Tú nữ Ngọc Tú có công giúp Thái Hậu giữ vững cung quy, ban ở Tú Xuân Điện, hi vọng nàng ở gần sẽ giúp đỡ Trẫm chăm sóc mẫu hậu!

Tú Xuân Điện là một cung điện nhỏ gần Thọ Khang Cung của Thái Hậu, vị trí khá đẹp, xung quanh được trồng nhiều loài hoa quý, đông ấm hạ mát, từng là nơi ở của các vị sủng phi ái thiếp của tiên đế. Ngọc Tú nghe xong liền mừng rỡ quỳ xuống luôn miệng tạ ơn, nụ cười trên môi tưởng chừng như không thể nào tắt được.

Lê Tuấn chỉ khẽ gật đầu, rồi chàng tiếp tục im lặng ngắm trăng. Một ý nghĩ thoáng qua làm chàng bỗng cười thầm như vừa được nghe một câu chuyện tiếu lâm nào đấy:

– Quảng Hằng Các chỉ còn có nàng, tha hồ mà làm loạn rồi nhé!

Ngọc Tú rót thêm trà vào tách, kín đáo liếc mắt ra hiệu cho các cung nữ thái giám đang đứng hầu lui ra hết. Lê Tuấn thì đang đứng quay mặt ra cửa ngắm trăng. Khi chắc chắn không còn ai trông thấy, một gói thuốc bột nhỏ được Ngọc Tú cho hết vào tách trà rồi đậy nắp, nàng ta bước đến hai tay dâng lên mời Lê Tuấn. Ngọc Tú cố tình để ống tay áo trượt xuống tận khuỷu để lộ lớp da mịn màng trắng trẻo như ngọc, liếc mắt đưa tình định tìm cách giữ chân chàng ở lại đêm nay. Đứng gần cửa gió lạnh, Lê Tuấn đón lấy tách trà cầm trong lòng bàn tay xoa xoa cho ấm, chưa kịp đưa lên môi thì Đào Biểu đã bước vào bẩm báo:

– Bẩm Hoàng Thượng! Mã Bế Vệ Lý Lăng đại nhân cầu kiến!

Lê Tuấn đóng nắp tách trà đánh “cạch” trước ánh mắt tiếc nuối của Ngọc Tú. Nàng ta nhìn Đào Biểu thầm oán trách:

– Đúng là lão già kỳ đà cản mũi!

Trời xui đất khiến thế nào, Lê Tuấn thấy trời lạnh, mà tách trà thì ấm tay nên không nỡ buông ra, chàng cứ thế cầm theo, vừa bước ra khỏi thiện phòng vừa ra lệnh:

– Đào Biểu, ông bảo Lý Lăng ra gia kiều (*) ở hoa viên Quảng Hằng Các chờ Trẫm!

– Nô tài tuân lệnh!

* * *

Lý Lăng đứng chờ sẵn giữa cầu, chàng phóng tầm mắt ra thật xa, quan sát tứ phía, chỉ khi chắc chắn xung quanh không còn một ai mới tạm thời yên tâm mà hít thở. Chàng đặt một tay gác lên chui kiếm vắt ngang hông, vừa để cho đỡ mỏi, vừa để sẵn sàng tư thế ứng chiến. Tính ra cũng đã hơn hai năm, từ ngày thay cha làm việc cho vua, Lý Lăng ít khi có dịp được hoàn toàn nghỉ ngơi, lúc nào cũng mắt trái quan sát mắt phải dõi theo, nhất cử nhất động của bất cứ ai tiếp xúc với chàng đều bị Lý Lăng nhớ rõ từng chi tiết.

Bề ngoài Lý Lăng là chỉ huy sứ Mã Bế Vệ, nhưng thực chất Lê Tuấn ban cho chàng chức vụ này là để dễ dàng quan sát quân tình ở kinh thành, vì bất cứ vị tướng quân nào nắm giữ binh quyền cũng cần ngựa và kỵ binh nên chắc chắn sẽ giao hảo với chỉ huy sứ Mã Bế Vệ. Từ lúc Thái Hậu lui về hậu cung, Nhân Tông đích thân nhiếp chính đến nay đã bốn năm, biết mình còn trẻ gốc rễ chưa sâu, chàng luôn luôn bí mật sắp đặt tai mắt ở những cơ quan trọng yếu của triều đình để nắm bắt tình hình, theo dõi tâm ý của các vị đại thần mà hành động.

Cứ thế hơn hai năm Lý Lăng ở cạnh Lê Tuấn, ban đầu chỉ đơn thuần là mối quan hệ quân thần khô khan, nhưng về sau Lý Lăng dần cảm nhận được đây là một vị vua nhân từ ấm áp, tâm địa lương thiện không thích tranh đoạt, chỉ tiếc Lê Tuấn đã trót sinh ra trong gia đình đế vương nên không thể chỉ sống cho riêng mình. Lý Lăng tự lúc nào đã không chỉ tôn kính Lê Tuấn là vua, mà còn yêu mến chàng như một người huynh đệ thân thiết.

– Ngươi chờ Trẫm lâu chưa?

Đang tranh thủ hít thở không khí, ngắm hoàng cung buổi đêm lấp lánh ánh đèn lồng thì giọng nói của Lê Tuấn vang lên, Lý Lăng xoay người lại đối diện với vua, hành lễ vái chào và nói:

– Mạc tướng chỉ vừa mới đến!

Thấy Lý Lăng vẫn như thường khi, mặt lạnh như tiền ít khi biểu lộ cảm xúc, Lê Tuấn trộm nghĩ không biết khi Lý Lăng vướng vào nữ nhi như bản thân mình thì sẽ có biểu hiện như thế nào. Lê Tuấn bất giác bật cười, chàng chưa vội hỏi đến công việc, mà bâng quơ nói:

– Lý Lăng, ngươi có ý trung nhân chưa? Thường ngày ngươi có dùng nét mặt nghiêm nghị này để nói chuyện với nàng ta không?

Bị bất ngờ trước câu hỏi “không mấy liên quan vấn đề chính”, Lý Lăng ngẩng người ra một lúc, rồi chợt nghĩ ra dạo gần đây trong cung đã có tú nữ, Hoàng Thượng cũng xem như bắt đầu đối mặt với các phu nhân trong hậu cung rồi. Cảm thấy hơi buồn cười khi tưởng tượng ra cảnh Lê Tuấn bị bao vây bởi những tú nữ xinh đẹp, yêu người này lại sợ người kia tủi thân, Lý Lăng không trực tiếp trả lời câu hỏi của Lê Tuấn, chỉ tỏ thái độ quan tâm hỏi thăm ngược lại:

– Mạc tướng chưa có phúc được cô nương nào để mắt! Hoàng Thượng ngoài trưởng nữ của Nguyễn đại nhân ra không biết đã có thêm ai hợp ý chưa?

Lê Tuấn chép miệng, nén tiếng thở dài:

– Trẫm dù có hợp ý hay không cũng phải nạp những người nên nạp vào làm cung tần thôi!

Đoạn chàng im lặng một lúc rồi tiếp:

– Ngươi có quyền lựa chọn người tâm đầu ý hợp làm thê tử, Trẫm thật ngưỡng mộ ngươi!

Đoán biết vua có việc phiền lòng về chuyện nạp cung tần, Lý Lăng cũng không dám hỏi thêm mà chọn cách khuyên Lê Tuấn hãy nghĩ sang một hướng tích cực khác:

– Hoàng Thượng phải thành thân với nhiều người cũng là vì sự ổn định của triều đình, vì dân vì nước. Người tuy không được lựa chọn có thành thân hay không, nhưng vẫn được quyền yêu mà. Chỉ cần người mình thương yêu được an ổn sống là đủ!

Lê Tuấn nghe qua cảm thấy cũng có lý, chàng mỉm cười gật đầu, một tay vẫn cầm tách trà, một tay đưa lên đặt trên vai Lý Lăng vỗ nhẹ để thay cho lời cảm ơn.

Sau vài lời trò chuyện, Lý Lăng thuật lại toàn bộ sự việc từ lúc ở Sử Quán đến khi phát hiện kẻ theo dõi và có giao chiến với hắn. Lê Tuấn nhíu mày phân tích:

– Hắn không tấn công ngươi tiếp mà bỏ chạy, chứng tỏ chỉ cần tin tức chứ không có ý sát hại! Là kẻ nào muốn thăm dò Trẫm?

Lý Lăng gật đầu đồng ý với nhận định của Lê Tuấn:

– Phải, hiện tại chỉ có hai loại người muốn thăm dò Hoàng Thượng, một là kẻ đã loan tin về bài thơ châm biếm huyết thống của người, âm mưu lật đổ cướp ngôi. Hai là kẻ đã hãm hại Nguyễn Trãi năm xưa, có lẽ sợ bị lật lại vụ án và tìm ra hung thủ thật sự hại chết tiên đế nên đang chú ý nhất cử nhất động của Hoàng Thượng.

Lê Tuấn nghe xong nét mặt trầm ngâm, chàng cầm tách trà trong tay xoay xoay, đoạn nói với Lý Lăng:

– Ngươi đi Lam Kinh lần này phải tuyệt đối giữ bí mật, chú ý an toàn của bản thân. Còn nữa..

Lê Tuấn thoáng ngập ngừng, chàng nhìn sâu vào mắt Lý Lăng dè dặt nói:

– Năm xưa người phán tội Nguyễn Trãi là mẫu hậu, ngươi hãy điều tra quan hệ giữa mẫu hậu và Châu Mẫn. Trẫm muốn biết Nguyễn Trãi có thật sự hại chết phụ hoàng không, và tại sao ông ta phải làm vậy!

Sau khi nhận lệnh, Lý Lăng âm thầm rời hoàng cung lên đường làm nhiệm vụ. Đêm khuya sương lạnh, Lê Tuấn một mình đứng trên gia kiều trầm tư mặc tưởng. Chàng dừng mắt lại ở những chiếc đèn lồng treo dọc hai bên thành cầu, ánh sáng của chúng rọi xuống nước thu hút những chú cá cẩm lý bơi đến chơi đùa tạo ra những gợn sóng nhỏ lăn tăn vui mắt. Lê Tuấn đứng im lặng rất lâu, đến nỗi Đào Biêủ đứng đằng xa trông lại còn tưởng chàng đang thưởng thức cảnh đẹp về đêm của ao sen nhỏ.

Lê Tuấn tay vẫn cầm tách trà để hưởng chút hơi ấm còn sót lại của nó, miệng lẩm nhẩm:

– Muốn lấy việc huyết thống ra để lật đổ ta chiếm ngôi, thì kẻ đó chắc chắn cũng muốn dùng lý do là con cháu của tiên đế mà thuyết phục các đại thần phò tá lên ngôi. Nếu ta bị lật đổ, thì ai là người có lợi nhất?

Nghĩ đến đây, Lê Tuấn nhắm mắt thở dài thật sâu. Bởi chàng nhận ra những người có khả năng tạo phản cao nhất đều là huynh đệ ruột thịt của mình: Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương, Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành.

Phải chăng gia đình đế vương không thể có tình cảm huynh đệ thật sự? Phải chăng người thân thiết nhất chính là người ta nên đề phòng nhất?

Đang miên man suy nghĩ, chợt Lê Tuấn hướng mắt về gian phòng nhỏ nơi Thu Đào đang bị giam lỏng, đêm tối không nhìn rõ được dáng người nên chàng chỉ thấy một chiếc lồng đèn đang tung tăng nhúng nhảy bước ra khỏi cửa. Tạm gác những lo âu việc triều chính, chàng ra lệnh cho Đào Biểu cùng các cung nhân bãi giá về Thừa Càn Cung, giả vờ như Hoàng Thượng đã rời khỏi Quảng Hằng Các. Dặn dò Đào Biểu xong, Lê Tuấn bưng tách trà trong tay uống cạn rồi đặt vào tay Đào Biểu nói:

– Thay Trẫm nói với Ngọc Tú rằng trà sâm của nàng ta rất ngon!

– Còn bây giờ Hoàng Thượng muốn thử trà chỗ khác nữa đúng không? – Đào Biểu ném ánh nhìn về phía căn “biệt giam” của Thu Đào, che miệng cười khúc khích.

Lê Tuấn biết không thể nào qua mắt được Đào Biểu, chàng đưa ngót tay lên môi ra hiệu “suỵt”:

– Ngoài ông ra, không ai được biết Trẫm đang ở đâu hết!

Đào Biểu nghe xong liền lấy áo khoát trên người Lê Tuấn xuống khoát lên cho một tiểu thái giám có dáng người cao trạc bằng chàng, xong đâu đấy, ông ta lớn tiếng hô như sợ cả Quảng Hằng Các không ai nghe thấy:

– Bãi giá Thừa Càn Cung!

* * *

Trời tối đen như mực, Thu Đào cầm lồng đèn bước ra phía sau hậu viện định tìm lối đi nào đó lẻn ra khỏi Quảng Hằng Các để đi dạo một vòng cho khuây khỏa. Nàng giơ lồng đèn lên cao nheo mắt soi từng ngóc ngách, hỏi Xuân Mai đang theo sau lưng:

– Em thật khờ, không chịu hỏi thăm chưởng sự xem có lối tắt nào để ra ngoài được không, làm hại bây giờ phải tự mò tìm thế này!

Xuân Mai cảm thấy bất lực với vị tiểu thư của mình lắm, bởi vì hôm nay có quá nhiều chuyện xảy ra như vậy làm sao còn tâm trí nghĩ đến việc sẽ trốn ra khỏi nơi bị cấm túc mà đi chơi! Vừa định mở miệng phân bua thì một cánh tay từ đằng sau chộp lấy vai khiến Xuân Mai giật thót, tay chân rụng rời vì giật mình, suýt chút nữa đã hét to chấn động cả hoàng cung. May thay người vừa làm Xuân Mai hồn vía lên mây ấy đã đoán trước tình huống mà đưa tay lên bịt miệng nàng thật chặt, bước đến ra hiệu “suỵt” rồi khoát tay bảo Xuân Mai quay trở về phòng.

Nói chuyện một mình mãi chẳng thấy Xuân Mai đáp, Thu Đào chán nản vừa tiếp tục soi rọi từng góc tường bụi cây vừa trách móc:

– Đến em cũng bỏ mặc ta không thèm nói chuyện sao? Không nói thì thôi, từ đây ta sẽ không nói chuyện với em và tên xấu xa đó nữa!

– Tên xấu xa nào vậy? – Lê Tuấn bất thình lình lên tiếng

Nghe giọng nói lạ, Thu Đào giật nảy người quăng lồng đèn xuống đất rồi quay phắt lại như một phản xạ tự nhiên, nàng ép sát lưng vào bức tường thành kêu to:

– Ai đó!

Chiếc lồng đèn bị quăng mạnh xuống đất, cây nến bên trong bị ngã xuống thiêu rụi lớp giấy mỏng manh, lửa bốc lên sáng một góc nhỏ soi rõ chân dung kẻ lạ mặt vừa dọa Thu Đào thót cả tim. Gương mặt Lê Tuấn hiện rõ ràng dưới ánh lửa yếu ớt rồi lại chìm hẳn trong bóng đêm mờ mờ khi chiếc lồng đèn bị cháy rụi. Thu Đào phần vì bất ngờ, phần vì có chút hờn dỗi nên chẳng biết phải nói gì. Hai người đứng im lặng đối diện nhau vài giây, rồi Lê Tuấn chậm rãi bước đến bên cạnh, nâng bàn tay với mười ngón sưng tấy vết kim châm lên áp lên ngực mình rồi hỏi:

– Nàng có nghe thấy gì không?

– Không nghe thấy gì cả! – Thu Đào ra vẻ lạnh nhạt

Nàng đáp xong liền rụt tay lại, đoạn nhặt chiếc lồng đèn chỉ còn trơ cán cầm ra rồi nhìn Lê Tuấn trách móc:

– Tại chàng tất cả, bây giờ ta không có đèn lồng để đi chơi rồi!

Định giở kế sách văn vở ngôn tình nhưng Thu Đào chẳng chịu hợp tác, Lê Tuấn ngượng quá nên đanh mặt lại mắng chữa thẹn:

– Đã bị giam lỏng còn muốn trốn đi chơi, nàng đúng là không một phút giây nào chịu ở yên một chỗ!

Chàng vừa nói vừa bướng bỉnh cố giằng lấy tay nằng dù bị chống cự đôi ba lần, chàng siết chặt đôi tay bé nhỏ vừa kéo nàng đi vừa nói:

– Đi, Trẫm đưa nàng đi ngắm trăng!

Không có lồng đèn soi sáng, Lê Tuấn cứ thế dắt tay Thu Đào băng qua cây cầu bắt ngang ao sen nhỏ, chàng nhìn trước ngó sau như một tên trộm đang sợ bị bắt gặp, khi chắc chắn con đường phía trước không có người đi, hai người liền nhân cơ hội lẻn nhanh sang một con đường nhỏ nằm bên hông Quảng Hằng Các, ngày thường con đường này nhỏ hẹp lại rong rêu trơn trượt nên ít người lui tới, chỉ những khi có việc gấp mới có người chấp nhận bị bẩn giày mà đạp lên lớp rong rêu đó.

Ánh trăng mờ mờ không đủ soi tỏ bóng của hai người, gió đêm chốc chốc lại thổi qua sau gáy lành lạnh, trời càng về khuya càng vắng người. Thu Đào bất giác hơi sởn gay ốc vì sợ.. ma! Đang đi bên cạnh Lê Tuấn, nàng bổng níu lấy cánh tay chàng nói:

– Nè! Chàng đưa ta đi đâu? Sao càng đi càng vắng người! Sợ.. ma quá!

Lê Tuấn bật cười trước điệu bộ khúm núm nhát gan của Thu Đào, chàng vỗ vỗ vai nàng rồi chỉ tay sang hướng có ánh đèn phía xa xa nói:

– Đến rồi kìa, đây là Ngưng Bích Hồ, Trẫm xây lên để đến đây ngồi một mình những lúc cần yên tĩnh!

Ngưng Bích Hồ nằm ở một nơi gần như là cuối cùng trong chiều dài của hoàng cung, đây là một cái hồ nhân tạo nhưng rất to, chu vi ước chừng bằng ba sân bóng mini nhập lại. Bên cạnh hồ là một chiếc xích đu to đủ cho ba bốn người ngồi, đình hóng mát xây giữa hồ cũng bày trí đầy đủ các loại trà nước và lồng đèn treo sáng rực, hòn non bộ thiết kế nước chảy róc rách nghe rất vui tai. Thu Đào thích thú nhìn ngắm khắp nơi, ở đây nến vào lồng đèn rất nhiều, thắp sáng cả một khoảnh sân rộng rãi, soi rõ cả màu sắc từng bông hoa bé nhỏ được trồng ven bờ hồ, khung cảnh thơ mộng chẳng kém cạnh những resort năm sao thời hiện đại.

Nhìn dáng vẻ tung tăng hí hửng của Thu Đào, Lê Tuấn trêu chọc:

– Hết sợ ma rồi à!

Ném cho chàng một cái nguýt dài, Thu Đào bỗng tắt nụ cười trên môi rồi hỏi:

– Không phải chàng muốn phạt nặng ta sao, còn tốt với ta làm gì?

Lê Tuấn lại một lần nữa im lặng nhìn vào mắt nàng một lúc lâu, đủ lâu để Thu Đào cảm thấy thẹn thùng rồi quay mặt sang nhìn hướng khác. Chàng xoa đôi bàn tay của Thu Đào, vừa dặn dò vừa như ra lệnh:

– Sau này Trẫm không cho phép nàng tự ý làm hại bản thân như thế này nữa! Hứa với Trẫm được không?

Thu Đào thấy vẻ mặt nghiêm túc của Lê Tuấn cũng chột dạ, bèn gật đầu đồng ý, nhưng cũng không quên bắt bẻ chàng:

– Ta không tự làm hại, để cho chàng làm hại ta thì được đúng không? Việc chép cung quy ấy, nói cho chàng biết ta không làm được, ta không biết viết chữ! Mà dù cho có biết viết, thì chép hết mười quyển cung quy chắc chắn tay ta sẽ tàn phế!

Lê Tuấn nghe xong thì cười ha ha, rồi xoa đầu Thu Đào hứa:

– Việc đó đã có Trẫm lo, nàng không cần phải chép cung quy nữa đâu!

– Thật sao! – Thu Đào mừng rỡ hỏi lại.

Lê Tuấn đưa tay búng lên mũi nàng một cái rồi gật đầu xác nhận.

Thu Đào vỗ tay đôm đốp rồi ngẩng đầu nhìn trăng trên cao, nàng hít một hơi dài tận hưởng cái không khí thơ mộng thời cổ, cái không khí vi diệu đến sởn gay ốc đối với một người hiện đại như nàng. Hơn thế nữa, đứng bên cạnh nàng lại là một vị vua được sử sách nhắc đến với vô vàn thương tiếc, để lại nỗi ngậm ngùi cho biết bao người mỗi khi đọc giai thoại về chàng. Bỗng Thu Đào nhớ đến việc vô cùng quan trọng là phải tìm cách cảnh báo với Lê Tuấn về chính biến Thiên Hưng của ba năm sau, đang nghĩ ngợi tìm cách nhập đề sao cho thuyết phục và không nhuốm màu hoang đường, thì bỗng.. Lê Tuấn chụp lấy vai nàng, bước chân loạng choạng như người say rượu.

Sau khi lay gọi hai ba lần mà thấy Lê Tuấn hai mắt vẫn nhắm nghiền, đầu gục trên vai mình, Thu Đào hốt hoảng dìu chàng đến bên chiếc xích đu. Vóc dáng cao to của chàng làm Thu Đào bước thấp bước cao, mệt bở hơ tay cả hai người mới đến nơi và để mặc cho thân thể rơi tự do xuống xích đu đánh “phịch” một cái. Trong lúc ngã nghiêng không giữ được thăng bằng, Lê Tuấn ngã nhào xuống đè chặt lưng Thu Đào xuống xích đu. Cơ thể ấm nóng ghì chặt làm Thu Đào ngượng ngùng loay hoay dùng tay đẩy ngực Lê Tuấn ra định ngồi dậy. Đột nhiên chàng không còn dịu dàng như lúc bình thường, hai mắt si dại nhìn nàng như muốn nuốt chửng. Lê Tuấn thấy khắp người như lửa đốt, tình ý trong lòng bỗng dâng lên như sóng cuộn không cách nào kìm hãm, Thu Đào xinh đẹp mỏng manh lại đang nằm gọn trong vòng tay. Bất giác chàng kéo Thu Đào vào lòng định hôn lên môi, Thu Đào nhanh trí dùng một tay che miệng Lê Tuấn lại tránh được. Nhưng gói thuốc bột của Ngọc Tú đã phát huy tác dụng, Lê Tuấn như bị mất kiểm soát hành vi, chàng gỡ mạnh tay Thu Đào ra đặt đôi môi nóng hổi lên môi nàng, một tay ấn chặt lưng nàng ghì vào ngực, một tay đưa lên xé rách vai áo để lộ cả lần áo yếm.

– Xoạt!

Một mảnh vải rơi xuống đất.

Tiếng kêu của Thu Đào vang lên thất thanh giữa đêm tĩnh mịch:

– Á! Buông ta ra!

* * * Hết chương 31 —-

Chú thích:

1. Nội các: Phía bên trong Quảng Hằng Các

2. Gia kiều: Một kiểu cầu thịnh hành thời cổ, phía dưới là cầu, phía trên có mai che như một ngôi nhà nên gọi là “gia kiều”.

3. Bồi giá: Người tỳ nữ theo chủ đi về nhà chồng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.