Thấy Thu Hằng bỗng dưng bị “tình địch” cản đường, lại nhớ đến việc Thu Đào trước kia đã từng bị Lê Hạo ruồng bỏ, cảm giác ngày ấy trên phố đi bộ Nguyễn Huệ nghe Sỹ Thành nói lời chia tay lại kéo về, chỉ có điều vết thương ấy nay đã lành, đau khổ day dứt đã vơi, còn lại chỉ là một chút chạnh lòng thương cảm cho Thu Hằng, cho quá khứ của Trà My và Sỹ Thành, cho Lê Hạo và Thu Đào ngày trước.
– Đàn ông con trai thời nào cũng thế, nhất là người khôi ngô hào hoa lại tài năng, làm sao tránh được cảnh hoa bướm dập dìu trước mắt, Thu Đào tiểu thư chẳng qua chỉ là một trong số những sự lựa chọn của chàng! – Nàng chua chát tự nhủ.
Thu Đào lo lắng dõi theo từng biểu cảm của Thu Hằng, thầm mong muội muội sẽ suy nghĩ thông suốt mà không bị tình ái dày vò.
Cái nhíu mày không vui của Thu Đào đã bị Lê Tuấn bắt gặp, chàng cũng lặng lẽ quan sát thái độ của Lê Hạo nhưng chỉ thấy một gương mặt hững hờ lãnh đạm, nào có một chút niềm vui nào dù được ban cho một cô nương xinh đẹp như hoa. Hôn nhân trong gia đình đế vương là thế, lúc nào cũng vì mưu tính củng cố địa mà hi sinh hạnh phúc cả đời. Lê Tuấn lớn lên trong cung cấm sớm đã quen với cảnh này rồi, nhưng đến hôm nay được tận mắt chứng kiến người đệ đệ thân thiết nhất cũng đi theo vết xe đổ ấy, lòng chàng không tránh khỏi cảm thương. Rồi nghĩ đến bản thân mình và Thu Đào, chính chàng cũng đang bị cả triều đình ép buộc phải nạp nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng lại không muốn phụ tình cảm của người mình yêu, Lê Tuấn sớm đã hạ quyết tâm dù có phải chống lại cả thiên hạ chàng cũng sẽ chỉ thành thân với một mình Thu Đào.
Kim Ngọc hành lễ ra mắt Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành xong, nàng vô tư quay về hàng ngũ mà không biết bản thân đã bị ánh mắt ghen ghét của Thu Hằng bám lấy. Nàng quả thật không hay biết mình đã vô tình chen chân vào chuyện tình cảm vốn dĩ đã phức tạp của Lê Hạo, tấm chân tình của nàng chỉ khiến Lê Hạo thêm bận lòng chứ nào thấy vui vẻ hạnh phúc ở đâu! Lúc nghe tuyên đọc về thân thế của Kim Ngọc, cái tên Thái Bảo Giản Cung Hầu Lê Hưu được xướng lên làm Lê Hạo bất giác cười nhạt hiểu ngay đây là một chiêu trò sắp đặt tai mắt của Thái Hậu dành cho mẹ con chàng. Chỉ có điều không ngờ rằng Kim Ngọc cô nương có vẻ đơn thuần ngây thơ lại chính là con cờ của họ.
Mọi nghi lễ đã kết thúc, Lê Nhân Tông đang ngồi trên ngai vàng chầm chậm đứng lên tiến đến trước mặt Thu Đào, ai nấy đều nín thở chờ đợi xem Hoàng Đế đang định làm gì. Thu Đào nhìn thấy đôi hia (*) màu vàng có thêu lưỡng long triều nhật (*) từng bước một tiến đến gần mình thì tim đập nhanh không kiểm soát, nàng vô cùng căng thẳng và nội tâm mâu thuẫn vô cùng. Nửa thì luôn chờ đợi phút giây được diện kiến Lê Bang Cơ mà mỗi khi đọc sử sách nàng đều chép miệng cảm thương, nửa lại vì Lê Tuấn nên nàng rất sợ việc phải gả cho Hoàng Đế. Hơn thế, trước nay Lê Bang Cơ này luôn dành tình cảm đặc biệt cho Thu Đào dù chưa một lần gặp mặt, bởi vậy nàng chỉ thiếu điều nín thở để giữ cho tim không nhảy tung khỏi lồng ngực khi nghĩ đến cảnh sắp được đối diện trò chuyện với vị vua này.
Như đã định trước, đôi chân ấy dừng lại ngay trước mặt Thu Đào.
Một làn gió nhẹ nhàng ở đâu thổi đến làm làm mấy sợi tóc mai tinh nghịch cứ nhảy múa trên mặt Thu Đào. Cái lạnh đầu đông hay làm tê dại giác quan con người cũng không thể nào cản được hương hoa hồng khô quen thuộc thoang thoảng đâu đó trong không khí rồi vô tình lọt vào mũi Thu Đào. Chưa hết bàng hoàng bởi cảm nhận được mùi hương đậm màu ký ức ấy, thì bàn tay Hoàng Đế chìa ra trước mặt ý muốn nàng đặt tay lên đó. Thu Đào không kiểm soát được cơ thể mình nữa, bàn tay nàng cứ rụt rè, run run mãi chẳng thể nhấc lên được. Sốt ruột trước sự chậm chạp của Thu Đào, Lê Nhân Tông nở một nụ cười tinh nghịch hiếm có khi đang mặc long bào, chàng nhoài người lên kéo bàn tay nhỏ bé của Thu Đào đặt vào lòng bàn tay mình rồi siết chặt lại như cố ý muốn nàng hãy ngẩng đầu lên xem thử! Bất ngờ trước hành động của Hoàng Thượng, Thu Đào quả thật đã theo phản xạ mà ngước lên nhìn dù chưa được cho phép.
Gương mặt tuấn tú sáng ngời với đôi mắt biết cười nhìn Thu Đào bằng tất cả những dịu dàng trên đời cộng lại. Mũ cửu long đính mười hai chuỗi ngọc lưu ly được giữ chặt trên búi tóc giữa đỉnh đầu bằng một cây trâm vàng hình rồng oai vệ. Ánh nắng buổi sớm mai cũng sà xuống định sưởi ấm gương mặt anh tuấn ấy nhưng lại bị những viên ngọc lưu ly đang đong đưa trên trán cản lại, in thành những cái bóng đen lấm chấm hình tròn trên mắt, trên mũi.
Chao ôi! Trong một buổi sáng mà liên tiếp ba lần bị cuộc đời làm cho kinh tâm động phách, trái tim bé nhỏ của Thu Đào như không chịu đựng nỗi nữa, nàng kinh ngạc thốt lên không kiêng kị:
– Lê Tuấn?
Danh xưng này của Lê Nhân Tông thật ra ít người biết đến, vì đây là cái tên nhà vua dùng để ký kết giao ước với Minh Triều và các nước bang giao. Người thường chỉ biết Lê Nhân Tông tên húy là Lê Bang Cơ mà thôi. Thấy Hoàng Thượng bị phạm húy (*), Thái Hậu tức giận mắng:
– Nguyễn tú nữ to gan, dám gọi húy danh của Hoàng Thượng, còn không mau quỳ xuống!
Thu Đào sau phút giây bị kinh động liền nhận ra mình đã vô tình phạm cấm kỵ thời phong kiến, liền theo lời Thái Hậu khom người định quỳ xuống. Ngay lúc ấy, Hoàng Thượng nắm chặt lấy hai tay nàng đỡ lên không cho quỳ, rồi nhìn Thái Hậu xin tội:
– Là do Trẫm cả! Xin mẫu hậu đừng trách tội nàng. Trẫm hứa sẽ từ từ khuyên bảo lại Nguyễn tú nữ!
Sự dung túng của Hoàng Thượng dành cho Thu Đào khiến mười lăm vị tú nữ kia đều dán mắt vào nàng, ganh ghét có, ngưỡng mộ có, nể sợ cũng có, chung quy ân sủng của Hoàng Đế là họa hay là phúc cũng khó lòng biết trước. Thái Hậu là người từng trãi nên không thích chuyện trong hậu cung có phi tần độc sủng, bà bèn nhân cơ hội mà làm áp lực với Nhân Tông:
– Hoàng Thượng đã mở kim khẩu xin tội cho Nguyễn tú nữ thì bổn cung cũng không tiện nghịch ý. Nhưng để tránh các phi tần cậy sủng sinh kiêu, bổn cung vẫn sẽ phạt Nguyễn tú nữ trong một tháng phải chép mười bộ cung quy để sau này ghi lòng tạc dạ mà không tái phạm.
– Mẫu hậu! – Nhân Tông giọng van nài định xin tội tiếp.
Nhưng Thái Hậu không để chàng nói hết câu, bà đã cướp lời ngay:
– Còn Hoàng Thượng, người cũng phải nghe theo ý bổn cung, một năm sau ngoài việc tấn phong Nguyễn tú nữ làm Chiêu Nghi, thì con gái của hai vị võ quan Nguyễn Xí, Lê Lăng (*) cũng phải phong Mỹ Nhân, Tiệp Dư. Mong Hoàng Thượng lấy quốc gia làm trọng mà để hậu cung có nhiều người, hoàng tôn cũng nhiều hơn, hoàng thất vững mạnh quốc gia mới vững chắc!
Không muốn cho Nhân Tông có dịp kỳ kèo gì thêm, Thái Hậu lệnh cho Nội Giám Quan đọc tuyên chiếu bế mạc điển lễ, rồi mượn cớ không khỏe hồi cung nghỉ ngơi. Phần Nhân Tông thì việc nước chính là yếu điểm của chàng, hễ bị lấy quốc gia đại sự ra ép buộc thì chàng luôn phải nhúng nhường mà lùi bước.
Thu Đào từ nãy đến giờ không hề để ý đến đoạn đối thoại của vua và Thái Hậu, nàng chỉ lặng người đi mà nhìn Nhân Tông không chớp mắt. Có chết đi sống lại vài trăm lần Thu Đào cũng không thể ngờ mình chẳng những có duyên tiền kiếp với Lê Thánh Tông, nay lại phải lòng Lê Tuấn, mà chàng vừa hay lại là vị vua bạc mệnh khiến nàng canh cánh nổi lòng khi ai đó nhắc đến.
– Tại sao? Sao chàng lại là Lê Bang Cơ?
Câu hỏi trong lòng như bóp nghẹt trái tim Thu Đào. Nghĩ đến cảnh chàng bị Lê Nghi Dân giết chết để đoạt ngôi ở tuổi mười chín, bất giác hai mắt nàng đỏ hoe, nước mắt chực chờ rơi xuống.
Lê Tuấn vì muốn cùng Thu Đào dùng ngọ thiện (*) nên mãi lo căn dặn Đào Biểu về Thừa Càn Cung trước để chuẩn bị đồ ăn thức uống. Đoạn chàng quay sang Thu Đào và bắt gặp đôi mắt thất thần ngấn lệ nên ngạc nhiên hỏi giọng vỗ về:
– Sao lại khóc! Ta chẳng qua chỉ che giấu thân phận với nàng thôi, tình cảm của ta là thật, chưa bao giờ dối gạt nàng!
Thu Đào bị câu nói của Lê Tuấn đánh thức khỏi dòng suy nghĩ miên man, nàng ngửa mặt lên trời hít thở để nước mắt không chảy ra, rồi nhìn xung quanh khắp một lượt. Thấy mọi người đã theo hướng dẫn của chưởng sự thái giám mà về Quảng Hằng Các, duy chỉ còn lại Kim Ngọc và Thu Hằng đang chần chừ đứng đợi nàng như có nhiều điều muốn nói nhưng ngặt vì Hoàng Thượng vẫn đang nắm chặt tay nàng đứng yên bất động nên chưa ai dám đến gọi. Thu Đào hít một hơi sâu để lấy lại bình tĩnh rồi nhẹ nhàng gỡ tay Lê Tuấn ra bảo rằng:
– Chàng đứng đây đợi ta một chút nhé!
Lê Tuấn mỉm cười gật đầu, đôi mắt chàng ánh lên niềm hạnh phúc êm đềm sâu lắng. Đây là lần đầu tiên Thu Đào dùng thái độ nhẹ nhàng âu yếm để nói chuyện với chàng, khác hoàn toàn với khi chàng chỉ là thị vệ Lê Tuấn. Nhìn theo bóng lưng Thu Đào, chàng bỗng thấy thiên hạ rộng lớn này có đáng là gì so với nàng thanh y tiên nữ trước mắt!
An Khánh Điện sau điển lễ dần trở nên yên ắng.
Lê Hạo đứng bất động giữa sân cho đến lúc chỉ còn mỗi mình chàng ở đó, nhìn về phía Thu Hằng và Kim Ngọc mà chàng không ngớt thở dài ngao ngán cho tình cảnh éo le của mình.
Lê Nghi Dân trước khi ra về cũng nhìn Lê Hạo một cái rồi tự đắt nhủ thầm:
– Chẳng qua là nữ nhi thường tình cũng khiến ngươi điên đảo như thế! Quả thật là kẻ vô dụng không có chí lớn!
Rồi hắn phất tay áo ra sau lưng bỏ đi, miệng cười nhếch mép tỏ thái độ khinh nhờn.
Lê Hạo biết bản thân mình đang có lỗi với Thu Hằng, nay vì Thái Hậu ban hôn mà lại bất đắc dĩ có lỗi với nàng lần thứ hai, trong lòng áy náy nên cứ đứng tần ngần chờ đợi. Chàng thật sự lúng túng trước hai vị cô nương, chẳng dám đến đứng cạnh ai, lại càng không dám bắt chuyện với ai trước, chỉ đành lặng im chờ đợi một cơ hội nào đó để giải vây. Lúc ấy, Thu Đào vừa rời khỏi bàn tay Lê Tuấn rồi không nhanh không chậm bước đến chỗ Thu Hằng và Kim Ngọc đang chờ đợi. Lê Hạo rơi vào tình cảnh gọi trời không thấu, gọi đất không hay, Thu Đào bước đến chẳng những không giúp chàng đỡ khó xử mà còn làm đầu óc chàng thêm rối tung rối mù. Hai vị cô nương là của mình thì lại chẳng có tình cảm với ai, người mình yêu đứng trước mặt thì lại xa vời không với tới. Tiến thoái lưỡng nan, Lê Hạo cứ như trời trồng giữa sân chẳng nói được nửa lời.
Thấy tỷ tỷ bước đến, Thu Hằng như vỡ òa tủi thân, nàng chụp lấy tay Thu Đào giọng run run như sắp bật khóc:
– Tỷ tỷ, muội..
Nắm lấy bàn tay Thu Hằng vỗ vỗ ra chiều an ủi, Thu Đào nhìn sang Kim Ngọc đang đứng đấy tròn mắt lên nhìn biểu cảm của Thu Hằng, rồi nói:
– Kim Ngọc cô nương, thật không ngờ lại gặp lại nàng ở đây!
Kim Ngọc ngây thơ cũng nở một nụ cười tươi tắn đáp:
– Ta thì biết sẽ gặp lại nàng, ta là tỳ nữ theo hầu chính thất của Lê Hưu đại nhân, may mắn được người nhận làm nghĩa nữ. Vừa hay nghĩa phụ không có con gái để dâng cho Bình Nguyên Vương, nên ta..
Kim Ngọc thẹn thùng không nói hết được, chỉ cúi mặt nhoẻn miệng cười.
Thu Đào khẽ gật đầu vẻ cảm thông, đoạn hướng mắt về muội muội nói tiếp:
– Đây là muội muội song sinh của ta, Thu Hằng. Muội ấy và Bình Nguyên Vương là thanh mai trúc mã, lần này tham gia tuyển tú cũng chính là muốn hầu hạ cho chàng!
Nghe xong Kim Ngọc lập tức ngẩng đầu nhìn Thu Hằng, nàng cảm giác bản thân quá bé nhỏ trước vị tiểu thư danh môn nhan sắc kiều diễm, tự nghĩ chẳng thể nào đủ tư cách so sánh với Thu Hằng. Sau vài giây bối rối, Kim Ngọc hạ mình xếp hai tay ngay ngắn trước bụng rồi hành lễ như một nô tỳ với chủ tử:
– Bái kiến nhị tiểu thư! Kim Ngọc tự biết thân phận mình, tuyệt đối không có ý tranh giành sủng ái của Vương Gia, chỉ mong ngày ngày được bên cạnh chàng hầu hạ, mong nhị tiểu thư chấp nhận.
Tỷ muội Thu Đào đều bất ngờ trước hành xử của Kim Ngọc, nàng ta quả thật đã xinh đẹp dịu dàng lại còn khiêm hạ lễ phép, cả hai đồng loạt đưa tay đỡ nàng ta đứng dậy. Thu Hằng đôi mắt ưu tư khẽ nhìn sang phía Lê Hạo vẫn đang đứng từ xa trông về phía ba người, quyết không để thua kém Kim Ngọc về ngôn hành ứng xử, Thu Hằng nhẹ nhàng đáp lời:
– Kim Ngọc tiểu thư đường đường là nghĩa nữ của tam phẩm văn quan, xin chớ tự ti hạ mình. Ngày tháng sau này xin được chỉ giáo!
Thấy nét mặt của hai vị cô nương đã giãn ra, Thu Đào mới xin từ biệt để còn cùng Lê Tuấn dùng thiện:
– Hoàng Thượng đang chờ ta, hai người hãy về Quảng Hằng Các trước, hôm khác ta sẽ đến thăm!
Thu Hằng nét mặt u buồn nhưng vẫn mỉm cười với tỷ tỷ:
– Vẫn là tỷ tỷ tốt số! Hoàng Thượng quả thật đối với tỷ không bạc!
Thu Đào vốn không còn tâm trí nghĩ đến việc làm sủng phi gì cả, lòng đang rối bời vì Lê Tuấn chính là người ba năm sau bị thích sát, hơn thế nữa Thu Đào cũng không muốn đem sự may mắn của mình ra mà cứa thêm vết dao nào vào lòng Thu Hằng, nàng chỉ cố nặn ra một nụ cười rồi gật đầu từ biệt. Đi ngang qua chỗ Lê Hạo, Thu Đào khẽ sựng lại vài giây nhìn chàng với một loại cảm xúc hỗn tạp, đáy mắt long lanh như muốn nói một lời rằng từ đây nàng sẽ triệt để chấm dứt mọi tơ tưởng về chàng, nhưng rốt cuộc lại như có gì đó chắn ngang cổ họng bắt Thu Đào phải nuốt ngược vào trong. Cuối cùng, nàng chỉ lặng lẽ bước qua mà không nói gì, bỏ lại Lê Hạo loay hoay đánh vật tìm cách giải quyết mớ hỗn độn do sự đào hoa của chàng mang lại.
* * *
Về đến Thừa Càn Cung, Lê Tuấn kéo tay Thu Đào vào chính điện nơi chàng thường ngồi phê duyệt tấu chương, vẽ tranh viết chữ. Nhìn qua ngó lại thấy cung nữ thái giám đã tuân lệnh lui ra hết, chàng mới nâng hai tay Thu Đào lên rồi dùng giọng thân mật như thường ngày hỏi:
– Ta đã hứa sẽ không để nàng lấy người mình không yêu, dám hỏi đại tiểu thư ta có thực hiện được lời hứa ấy chưa!
Thu Đào nhìn thẳng vào mắt chàng mà tim lại nhói đau một cách kỳ dị, hệt như cái đêm ở Huy Văn Tự nhìn chàng từ phía sau lưng. Muốn mở miệng ra nói hết tất cả sự thật nhưng cơ hàm cứ cứng lại. Thu Đào biết phải nói thế nào đây? Bảo chàng phải đề phòng Lê Nghi Dân, phải tìm cách giết hắn chăng? Hay là khuyên chàng bỏ cả ngai vàng để bảo toàn tính mạng? Rồi thì phải dựa vào đâu để chứng mình lời mình nói là đúng sự thật? Hay nói ra xong sẽ bị người khác cho là kẻ điên? Nói ra không được, không nói lại càng không được. Bế tắc và lo sợ, trong phút giây cảm xúc lên cao trào, nàng không ngăn nổi giọt lệ tuôn ra nơi khóe mắt rồi òa lên như than như trách:
– Tại sao chàng lại là Hoàng Thượng? Tại sao vậy? Ta chỉ muốn chàng là thị vệ Lê Tuấn, ta chỉ muốn chàng được một đời bình an..
Lê Tuấn thấy biểu cảm của Thu Đào thì vô cùng thắc mắc, vì theo lý mà nói chàng là Hoàng Thượng chẳng phải tốt hơn sao, có thể đường đường chính chính cưới nàng làm thê tử, cùng nhau sống một đời bình an đến bạc đầu, như vậy có gì khiến nàng phải buồn phiền đến phát khóc như vậy? Chàng nắm lấy hai vai Thu Đào để giữ nàng trấn tỉnh lại và nói:
– Sao ta không thể là Hoàng Đế được? Ta vẫn có thể sống một đời bình an cùng nàng mà!
Hai gương mặt đối diện nhau chỉ cách trong gang tấc. Lê Tuấn khẽ đưa tay lên lau giọt nước mắt trên má Thu Đào rồi kéo nàng lại ôm trọn trong vòng tay. Chàng an ủi:
– Có phải nàng sợ Trẫm là Hoàng Đế thì sẽ tam thê tứ thiếp không? Trẫm vẫn nhớ lời nàng nói lúc ở Quốc Tử Giám, ở “nơi nàng sống” trước kia mỗi người chỉ được thành thân với một người. Vì nàng, Trẫm quyết không nạp thêm cung tần mỹ nữ nào hết, dẫu cho có bị ép lập thêm hậu phi thì cũng chỉ độc sủng mình nàng! Số phận do mình tự định đoạt, nàng yên tâm, Trẫm quyết không phụ nàng!
Thu Đào hai tay buông thỏng đứng yên trong ngực chàng lắng nghe hai trái tim đang cùng nhịp đập. Phải! Nguyễn Du cũng đã có nói “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (*), rõ ràng lịch sử ghi chép chàng không có thê thiếp và con cái, vậy nếu một năm sau Thu Đào được sắc phong Chiêu Nghi thì xem như sử sách đã chép sai rồi! Hoặc giả thời không nay đã nghịch đảo, cho Lê Nhân Tông được một lần sống lại, lịch sử sẽ thay đổi chăng? Tâm trí Thu Đào bỗng le lói một niềm hi vọng rằng thế sự có thể chuyển xoay, nếu không phải thế thì nàng bị vận mệnh đẩy ngược về sáu trăm năm để làm gì đây? Đưa tay lau nước mắt, Thu Đào khẽ lách ra khỏi vòng tay chàng, cố nuốt tiếng nấc nghẹn xuống mà hỏi:
– Lê Tuấn! Chàng có tin ta không? Tất cả những gì ta nói chàng đều tin hết phải không?
– Trẫm tin nàng! – Lê Tuấn gật đầu quả quyết.
Thu Đào cười méo xệch để thay lời cảm ơn. Sau khi bình tâm lại, nàng nghĩ sẽ vạch kế hoạch trong vòng một năm khiến Lê Tuấn hoàn toàn tin vào việc nàng chính là Trà My trở về từ thế kỷ hai mươi mốt. Vì chuyện này đối với những người ở đây quả thật quá hoang đường, gượng ép nói ra cũng chẳng ai tin. Hơn nữa, nếu nàng may mắn có thể làm thay đổi số mệnh của Nhân Tông, chàng không bị giết thì Lê Thánh Tông làm sao lên ngôi? Một trang sử vàng son của Đại Việt dưới thời Hồng Đức thịnh trị (*) lẽ nào lại biến mất? Liệu hiệu ứng hồ điệp (*) xảy ra do có ai đó lọt vào lỗ hỗng thời gian trở về quá khứ gây ra có thật sự tồn tại hay không? Và rất nhiều hậu quả khó lường sẽ kéo theo. Vì vậy Thu Đào chọn cách từng bước một mang Lê Tuấn thoát khỏi hiểm nguy trước rồi mọi thứ tùy cơ ứng biến. Nghĩ là làm, Thu Đào hạ quyết tâm thực hiện bước đầu tiên: Làm cho tài liệu lịch sử bị sai, Lê Nhân Tông phải có phối ngẫu. Đoạn nàng nắm lấy tay Lê Tuấn thì thầm như sợ ai nghe thấy:
– Vậy chàng hãy nghe ta! Một năm sau lập tức sắc phong Hoàng Hậu, không nhất thiết phải là ta, là bất cứ ai cũng được! Van xin chàng phải nghe ta!
Lê Tuấn quả thật bối rối trước lời đề nghị của Thu Đào, chàng tròn mắt ngạc nhiên hỏi:
– Vì sao?
– Tạm thời ta không thể nói rõ cho chàng hiểu. Nhưng điều quan trọng là nếu chàng có Hoàng Hậu, sớm có hoàng tử công chúa, thì hoàng vị mới vững chắc được! – Thu Đào khổ sở giải thích bằng một lý lẽ bình thường mà ai cũng có thể nghĩ ra được.
Lê Tuấn nghe xong cười xòa, vuốt má nàng rồi lại giọng trêu chọc:
– Nàng bắt đầu giống mẫu hậu rồi đấy! Lúc nào cũng “mau có hoàng tôn”!
Nét mặt dịu lại nhìn Thu Đào chăm chú, chàng vén mấy sợi tóc hai bên thái vào mép tai cho nàng rồi hứa từng câu từng chữ chắc nịch:
– Được! Chỉ cần là nàng muốn Trẫm đều đáp ứng. Một năm sau Trẫm dẫu có chống lại cả thiên hạ vẫn sẽ sắc phong nàng làm Hoàng Hậu!
Quá cảm động trước tình cảm của Lê Tuấn, Thu Đào chợt không kiềm nổi lòng mình mà âu yếm nhìn kỹ gương mặt chàng thêm một chút. Lê Tuấn cũng đáp lại bằng một nhãn quang vô cùng ấm áp nồng hậu, chàng lướt ánh nhìn lên trán, mắt, mũi, rồi dừng lại trên đôi môi chúm chím ửng hồng. Gương mặt Thu Đào nóng rang lên như thể ánh nhìn của Lê Tuấn có phát ra lửa thiêu đốt hết từng nơi trên người nàng. Một bàn tay chàng luồng ra sau gáy khẽ kéo gương mặt Thu Đào lại gần hơn, bàn tay còn lại hư hỏng đặt sau lưng eo nàng ghì chặt, đôi môi chàng cứ thế hạ xuống càng lúc càng gần. Biết rõ sắp xảy ra chuyện gì tiếp theo, Thu Đào nhanh chóng “tỉnh táo” lại, nàng vả nhẹ lên má chàng một cái rồi thẹn thùng quay mặt đi và mắng:
– Chưa đủ mười tám tuổi mà chàng hư hỏng thế!
Bất ngờ trước hành động của Thu Đào, Lê Tuấn vờ xoa xoa lên má như thể là bị tát đau lắm, rồi ngang ngược nói:
– Sao lại hư hỏng? Sao lại phải đủ mười tám tuổi? Phụ Hoàng của Trẫm năm mười chín tuổi đã có cả tứ đệ rồi đấy!
– Còn nói chàng không hư hỏng? Chưa đường đường chính chính làm đại hôn với ta mà đã muốn “ăn kem trước cổng” (*) à! – Thu Đào ngượng chín mặt nhưng vẫn ngông nghênh đáp trả!
Lê Tuấn bày ra vẻ mặt uất ức:
– Đại hôn thì Trẫm hiểu! Trẫm xin lỗi đã mạo phạm nàng! Nhưng còn ‘ăn kem.. “gì đấy là thế nào? Có thể ít dùng ngôn từ kỳ dị của nàng đi được không? Trẫm nghe không hiểu!
Thu Đào chỉ muốn lập tức chạy khỏi nơi này cho đỡ thẹn nên ném ra một câu bất cần:
– Không hiểu cũng mặc xác chàng!
Xong nàng liền quay lưng bỏ chạy, nhưng Lê Tuấn nhanh như cắt đã chụp được tay Thu Đào kéo mạnh. Bị giật ngược về phía sau bất ngờ nên Thu Đào chới với ngã ngữa ra, không thừa không thiếu lại ngã ngay vào lòng Lê Tuấn lần nữa như chàng đã cố tình sắp xếp.
– Nè, nàng phải ở lại dùng thiện với Trẫm chứ!
– Chàng cố tình ức hiếp ta?
Thu Đào vừa thẹn vừa bực bội đưa tay đấm lên ngực Lê Tuấn một cái rõ đau khiến chàng kêu lên:
– Á! Nàng là nữ nhi mà mạnh tay quá vậy!
Hai người cứ ta đánh chàng một cái, chàng đánh ta một cái, tiếng cười đùa cợt nhã làm Đào Biểu đứng phía ngoài không muốn hiểu lầm cũng không được. Đào Biểu vốn định đến mời Hoàng Thượng sang phòng bên dùng thiện nhưng lại ngại không muốn quấy rối phút giây vui vẻ hiếm có của chàng nên cứ đứng bên ngoài mà che miệng cười khúc khích. Đang loay hoay chưa biết sẽ mở lời gọi như thế nào thì ông ta bị một dáng vẻ hấp tấp từ xa đang tiến đến Thừa Càn Cung làm chú ý.
Thừa tướng Lê Thụ bước đi như đang chạy, hối hả nói với theo mong Đào Biểu nghe thấy sớm chừng nào tốt chừng ấy:
– Đào công công, mau báo bẩm báo Hoàng Thượng, bổn Thừa Tướng có việc hệ trọng xin cầu kiến!
Đào Biểu còn chưa kịp hiểu việc gì đang xảy ra thì Lê Thụ đã đến trước mặt cầm lấy tay ông mà lay lấy lay để, vừa thở hồng hộc vừa nói:
– Không xong rồi! Hôm nay ta và Lê Khả đại nhân thay Hoàng Thượng thiết triều, nghe các triều thần đồng loạt bẩm báo hiện khắp nơi từ Đông Kinh (*) đến Tây Kinh (*) đều có quan lại phú hào địa phương cầm đầu muốn chất vấn triều đình. Chúng nói Hoàng Thượng không phải là huyết thống của Thái Tổ!
– Cái gì? – Đào Biểu bàng hoàng đánh rơi cả phất trần trên tay xuống đất.
* * * Hết chương 26 —-
Chú thích:
1. (*) Đôi hia: Đôi giày có cổ cao đến khuỷu chân, gần giống với đôi ủng xuất xứ từ phương Tây.
2. (*) Lưỡng long triều nhật: Một loại hoa văn thêu hai con rồng cùng với mặt trời. Họa tiết này rất thường gặp trên áo mũ dành cho vua ở thời phong kiến của nước ta và Trung Quốc.
3. (*) Phạm húy: Nói hoặc viết ra tên thật của vua.
4. (*) Nguyễn Xí và Lê Lăng: Hai võ quan có công phò tá nhà Lê từ thời Lê Thái Tổ.
5. (*) Ngọ thiện: Bữa trưa của vua
6. (*) Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều: Một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
7. (*) Hồng Đức thịnh trị: Thời Lê Thánh Tông làm vua Đại Việt.
8. (*) Hiệu ứng hồ điệp: Hiệu ứng bươm bướm (tiếng Anh: Butterfly effect), còn được gọi là hiệu ứng cánh bướm, là một khái niệm trong lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc (tiếng Anh: Sensitivity on initial conditions). Hiệu ứng này được nhà toán học Edward Norton Lorenz khám phá ra. Khi thực hiện mô phỏng các hiện tượng thời tiết, Lorenz nhận thấy rằng nếu ông làm tròn các dữ liệu đầu vào, dù với sai số bé thế nào đi nữa, thì kết quả cuối cùng luôn khác với kết quả của dữ liệu không được làm tròn. Một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả. Tên gọi hiệu ứng cánh bướm bắt nguồn từ hình ảnh ẩn dụ: Một cơn bão chịu sự ảnh hưởng của một con bươm bướm nhỏ bé vỗ cánh ở một nơi nào đó rất xa cơn bão.
Vốn được sử dụng ban đầu như một khái niệm khoa học đơn thuần, hiệu ứng cánh bướm sau đó đã được nhắc đến nhiều lần trong văn hóa đương đại, đặc biệt là trong các tác phẩm có đề cập tới quan hệ nhân quả hoặc nghịch lý thời gian.
Tham khảo thêm trong: Wikipedia Tiếng Việt.
9. (*) Ăn kem trước cổng: Từ nói lại của” ăn cơm trước kẻng”, chỉ những người chưa thành hôn mà đã sống như vợ chồng.
10. (*) Đông Kinh: Thăng Long (Hà Nội)
11. (*) Tây Kinh: Quê hương của Lê Lợi. Khi dời đô về Thăng Long ông đã đặt cho Thanh Hóa là Tây Kinh.