Hồi Đáo Lê Triều

Chương 25: Điển Lễ



Tuyên Từ Thái Hậu ngồi ở chiếc bàn tròn giữa đình hóng mát tại hoa viên Diên Ninh cung. Tay cầm chiếc quạt phe phẩy trước ngực, bà nhìn Thu Đào từ đầu đến chân. Áo giao lĩnh (*) hai lớp màu tím nhạt, tóc rẽ ngôi giữa, hai bên thái dương được chải cao gọn gàng rồi búi thành một lọn xinh xắn trên đỉnh đầu, hai chiếc trâm bạc đơn giản nằm sóng đôi trên nền tóc đen óng ả. Tóc mai sợ vắn sợi dài ôm lấy gương mặt khả ái.. Nàng như một phiên bản thiếu nữ tuổi mười lăm của Lê Mỹ Nhàn đang đứng trước mặt Thái Hậu. Thu Đào đứng thẳng lưng ngay ngắn, hai bàn tay xếp gọn trước bụng, đầu không cúi nhưng mắt phải nhìn xuống đúng theo nghi lễ đã được học. Chờ đợi chán chê, hai chân tê đi vì đứng quá lâu mà không thấy Thái Hậu nói gì, Thu Đào tò mò trộm liếc mắt lên nhìn thử thì chạm trúng ngay cặp phụng nhãn đang dán chặt vào người mình dò xét, nàng giật mình vội cụp mắt xuống như cũ.

Thái Hậu hạ giọng hỏi:

– Ngươi là con gái của Nguyễn Đức Trung?

– Bẩm Thái Hậu, đúng vậy! – Thu Đào vẫn cúi đầu mà đáp.

Sau vài giây im lặng suy nghĩ, Thái Hậu lại dùng thái độ răn đe mà nói tiếp:

– Ngươi từ khi nào đã có tình cảm với Hoàng Thượng? Khiến cho Hoàng Thượng nhất mực chỉ chọn ngươi làm cung tần, không nạp thêm bất cứ một ai! Bản lĩnh của ngươi quả không nhỏ đấy!

Thu Đào thấy Tuyên Từ Thái Hậu có vẻ không thích mình, lại nghe sử sách chép bà có khả năng là người tâm cơ thâm sâu, và chính là người gây ra thảm án diệt môn cho Nguyễn Trãi, thì nàng bất chợt thấy rùng mình, nghĩ đến cảnh mình làm phật ý một người như thế thì hậu quả khó lường! Hơn nữa, lại còn nghe đến việc Nhân Tông không chọn ai làm phi ngoài mình, Thu Đào lại chuyển từ lo sợ sang ngạc nhiên cảm động. Nàng bẽn lẽn ngước nhìn Thái Hậu:

– Bẩm Thái Hậu, thật ra.. tiểu nữ chưa có duyên được diện thánh, nên cũng không biết vì sao được Hoàng Thượng hậu ái như thế..

Rồi nàng ngập ngừng bỏ dở câu nói trong sự ngạc nhiên của Thái Hậu.

– Sao? Chưa được gặp Hoàng Thượng à?

– Bẩm Thái Hậu, đúng vậy!

Thái Hậu khẽ nhếch mép cười nghĩ đến đứa con trai của mình, biết bao lần lui tới Huy Văn Tự và phủ Điện Tiền, lẽ nào lại chưa được gặp mặt? Bà thoáng nét buồn trong ánh mắt nhớ lại lúc Thái Tông Hoàng Đế tiếp cận với Lê Mỹ Nhàn năm xưa, cũng dùng cách che giấu thân phận để thử lòng nữ nhi như thế này. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ vì nhan sắc mà đến, vì nhan sắc phai tàn mà thay lòng đổi dạ, yêu ai cũng chẳng có được một chút thật lòng! Thái Hậu chua chát nghĩ thầm:

– Nam nhi trong thiên hạ đều như vậy cả!

Nỗi ghen hờn với Lê Mỹ Nhàn năm nào trỗi dậy, bà đứng lên tiến lại gần Thu Đào, cho phép nàng ngẩng mặt lên nhìn mình, bà vuốt nhẹ lên đôi má mịn màng, nở một nụ cười khinh khỉnh không mang chút gì thân thiện. Đoạn dùng thái độ cảnh cáo nói:

– Chẳng qua là một chút nhan sắc tầm thường giữa rừng mỹ nhân chốn hậu cung! Sủng ái của Hoàng Đế chỉ như phù dung sớm nở tối tàn! Hoàng Thượng là quân chủ một nước, chuyện tam cung lục viện chỉ là sớm muộn, đừng nghĩ mình có thể độc sủng mà sinh kiêu!

– Tiểu nữ cẩn tuân Thái Hậu giáo huấn!

Thu Đào lại cúi đầu xuống, chấp hai tay hành lễ và thưa một câu đúng với cung quy đã học, trong lòng nhận định vị Thái Hậu này quả nhiên tâm thuật khó đoán, các sử gia đưa ra nhận định bà mưu hại Thái Tông để đoạt ngôi ắt có lý do chính đáng. Thu Đào chọn cách nép mình, tỏ ra nhút nhát ngu ngốc để tránh rước họa vào thân.

Thái Hậu nói xong thì phất tay áo ra sau lưng bỏ đi, nhưng được vài bước thì bỗng sựng lại, quay đầu ra phía Thu Đào nói:

– Bổn cung sẽ chọn thêm hai tú nữ nữa, một năm sau làm đại điển sắc phong lục giai Mỹ Nhân, lục giai Tiệp Dư! Ngươi nên học thêm nữ huấn của triều ta mà biết cách dung hòa các phi tần với nhau, dù sao ngươi cũng là người Hoàng Thượng thích, bổn cung sẽ chuẩn y cho ngươi được làm Chiêu Nghi, ngôi cao nhất trong hậu cung của Hoàng Thượng!

Không biết nói gì hơn, Thu Đào chỉ hành lễ tạ ơn rồi tiễn Thái Hậu hồi cung.

Đối với một người biết trước tương lai như Thu Đào, mọi tranh đoạt hơn thua của Thái Hậu hoàn toàn vô nghĩa, chỉ như mây khói thoáng qua cuộc đời mênh mông này. Cuối cùng rồi thì cũng nằm xuống, nhưng ra đi trong bình an mãn nguyện vẫn tốt hơn chấm dứt tàn sinh trong nỗi uất hận bị hành thích soán ngôi, để lại biết bao thị phi điều tiếng ngàn đời sau. Rồi nàng chợt nghĩ đến mình, rõ ràng trong các tài liệu sử học hiện hành đều ghi chép Lê Nhân Tông không có phối ngẫu (*), không có con cái, vậy nếu nàng là Chiêu Nghi của Người ở một năm sau thì tại sao không ai nhắc đến? Chẳng lẽ có cơ duyên nào giúp mình thoát được việc tiến cung chăng? Số phận có thật do mình tự quyết định được? Lịch sử có vì lần quay ngược thời không này của Thu Đào mà thay đổi không?

Thu Đào đứng lặng nhìn theo bóng lưng của Tuyên Từ Thái Hậu đang bước qua lớp cửa lớn, tâm trí mãi đuổi theo hàng vạn câu hỏi của một người đứng ngoài cuộc nhìn thế sự chuyển xoay..

* * *

Đêm đầu đông trời rét căm căm.

Trăng rọi vào soi sáng ô cửa sổ, ngoài sân vườn chẳng còn thấy đóa Quỳnh nào nở. Cảnh xưa còn, hương xưa mất! Người xưa còn, tình xưa đã mất.

Lê Hạo hai má đỏ lựng vì hơi men, tay cầm vò rượu nằm tựa lưng trên ghế, mắt lờ đờ nhìn lên mảng trăng lơ lửng nơi cành trúc. Dưới chân chàng la liệt những vò rượu đã uống cạn nằm lăn lóc. Chàng cứ một ngụm rồi một ngụm nhấm nháp nổi tơ vương trong tâm khảm. Từ nhỏ lớn lên nơi cửa Phật, Lê Hạo sớm đã biết buông bỏ ham muốn danh vọng, hiểu đạo nghĩa quân thần, huynh đệ, chàng chưa bao giờ mảy may tranh đoạt quyền lực hay bất cứ thứ gì với người khác. Nhưng giờ đây, người con gái mình yêu thương nhất sắp thành thân với kẻ khác thì trái tim chàng như ai cào ai xé. Đã bao lần cố dặn lòng quên đi quá khứ, quên đi mối tình đầu vừa chớm nở, tự ép mình không được nhớ nhung tơ tưởng, thậm chí muốn nuôi dưỡng tình cảm với Thu Hằng để lấp đầy khoảng trống.. Nhưng tất cả đều vô ích! Khi bắt gặp ánh mắt yêu hận đan xen của Thu Đào lúc nàng vừa tỉnh lại, cầm bàn tay nàng như thuở xưa đã từng, Lê Hạo không thể nào xua tan được ý nghĩ phải cướp lại nàng từ tay Lê Tuấn.

Lấy trong ngực áo ra chiếc trâm hoa mai đã mua ngày trước, Lê Hạo cầm trên tay ngắm nhìn âu yếm. Nhớ lúc đầu xuân, chàng đã cùng Thu Đào lén ra khỏi kinh thành đến tận Cổ Loa Thành (*) để thưởng ngoạn khung cảnh cố đô thời Âu Lạc, xong lại ngược về hoàng thành đi khắp mấy vòng liền quanh Lục Thủy Hồ (*) chỉ để được lặng yên bên nhau nghe chim hót, ngắm mây bay. Lê Hạo khi ấy cứ chăm chú nhìn lên búi tóc mượt mà ngát hương của Thu Đào, rồi không kiềm lòng được chàng đã ngắt một đóa hoa lê trắng muốt mà cài lên cho nàng. Hai mái đầu tựa sát vào nhau bên mặt hồ trong xanh sắc ngọc, cái nắm tay bẽn lẽn thưở ban đầu ấy suốt đời chẳng thể quên. Cho đến bây giờ Lê Hạo cũng không hiểu được vì sao ngày ấy không mạnh dạn cầu thân để đi trước một bước cưới nàng về làm thê tử, để rồi phải đón lệnh vua lập nàng làm phi tần, chấm dứt hết mọi mơ mộng của mối tình đầu, khiến chàng dù không muốn vẫn phải nói lời tuyệt tình, hại nàng gặp nạn mất đi cả trí nhớ. Trong nỗi hối tiếc không cùng, Lê Hạo tức giận vứt cây trâm xuống đất thật mạnh rồi ngửa cổ uống một hơi cạn vò rượu, đoạn chàng lại vung tay ném xuống đất đánh “xoảng!”.

– Không được! Ta phải quên! Phải quên nàng! Ta sẽ quên nàng!

Lê Hạo gào lên giận dữ.

Sau khi hét lên cho thõa nỗi lòng, chàng ngã phịch xuống ghế, mắt lim dim, hơi thở sâu dần như sắp chìm vào giấc ngủ.

Thu Hằng vốn định nghe theo lời mách của Ngô phu nhân mà mang canh giải rượu đến cho Lê Hạo. Khi đến nơi, nàng đã đứng ngoài cửa mà chứng kiến hết cảnh tượng một vị hoàng tử thường ngày ôn hòa điềm tĩnh, nay lại vì tình ái mà đau buồn đến không kiểm soát được cảm xúc. Thấy Lê Hạo đã ngã xuống ghế mà ngủ, Thu Hằng mới chầm chậm bước vào, nàng khẽ khàng nhặt chiếc trâm đặt lên bàn viết chữ. Chiếc ghế dài Lê Hạo đang nằm kê sát tường nơi cửa sổ, thấy chàng đã say lại sợ tiết trời trở lạnh sẽ nhiễm phong hàn, Thu Hằng nhẹ nhàng bước đến, chồm qua người chàng rồi với tay kéo cửa sổ đóng lại. Lúc ấy, Lê Hạo nghe tiếng động nên trở dậy làm Thu Hằng giật mình, nàng trượt chân ngã nhào lên người Lê Hạo đang tựa lưng trên gối nửa nằm nửa ngồi, theo phản xạ chàng đã đưa tay ra chụp lấy vai Thu Hằng kéo sát vào lòng. Gương mặt Thu Hằng vô tình chạm phải má chàng làm nàng hít phải một làn hơi thở ngập men say. Hai mắt mở hờ hững nhìn cảnh vật khi mờ khi tỏ, Lê Hạo bất động đối mặt Thu Hằng một lúc lâu. Nửa mê nửa tỉnh, chàng thấy gương mặt của Thu Đào đang sát cạnh mình. Chẳng cần biết là mơ hay thật, Lê Hạo nhoài người ôm chặt Thu Hằng vật xuống ghế, đặt lên môi nàng một nụ hôn cuồng nhiệt. Thu Hằng kinh ngạc mở to mắt nhìn chàng, toàn thân cứng đờ vì nửa muốn phản kháng nửa lại không. Lê Hạo vẫn nhắm nghiền mắt, đôi tay chuyển từ vai lần xuống cổ tay Thu Hằng.

“Cộp!”, lúc kéo tay nàng ấn xuống ghế, chiếc vòng ngọc va vào lớp gỗ cứng gây ra tiếng động, kéo Lê Hạo trở về thực tại. Chiếc vòng ngọc đã giúp chàng nhận thức được cô gái trong tay mình là ai. Rồi như vừa bị tạt một gáo nước lạnh, Lê Hạo bừng tỉnh ngồi bật dậy, chàng vừa chỉnh trang y phục vừa ấp úng:

– Ta.. Ta uống say! Xin lỗi nàng! Ta không cố ý..

Thu Hằng thẹn đỏ mặt cũng ngay lập tức ngồi dậy, vuốt lại mái tóc cho đỡ rối xong, nàng không dám nhìn vào mặt Lê Hạo mà cúi đầu chỉ vào bát canh trên bàn nói chữa thẹn:

– Ngô phu nhân bảo ta mang đến cho chàng!

Xong, Thu Hằng bỏ chạy một mạch ra khỏi phòng.

Lê Hạo bước chân xiêu vẹo rồi ngã xuống ghế ngồi bóp trán, hối hận vì hành động thiếu kiểm soát vừa rồi.

Ánh trăng vàng rọi xuống khoảnh sân soi bóng cô gái bé nhỏ cố bỏ chạy, càng cố chạy cái bóng hằn trên mặt đất lại càng bám riết chẳng chịu buông tha.

Cổ kim trong nhân thế mấy ai qua được ải tình! Càng buông lại càng chặt, càng nắm càng rời xa.

* * *

Mười lăm ngày nữa trôi qua..

Hoàng cung tất bật người qua kẻ lại, ai nấy hối hả chuẩn bị lễ vật và trang hoàng phòng ốc để đón các vị tú nữ từ khắp nơi trên cả nước nhập cung.

Từ sáng sớm, Thu Đào đã được các cung nữ đánh thức để trang điểm thay y phục, nàng ngồi trước gương mà ngủ gà ngủ gật vì chỉ mới canh tư thôi đã bị lôi khỏi chăn. Nếu không đích thân trãi nghiệm thì chẳng ai có thể ngờ ở thời phong kiến người ta đã có những quan niệm về nghi lễ vô cùng trang nghiêm cẩn trọng, từ phục sức đến cách vái lạy những nơi thờ cúng linh thiêng, nhất nhất đều phải đúng theo điển lễ đã quy định.

Tắm gội bằng cả một bồn nước đầy cánh hoa xong, hai người cung nữ đã thoa lên người Thu Đào một loại nước hoa thời cổ, mùi hương nhẹ nhàng thanh tao rất dễ chịu. Đoạn lại mỗi người một bên mà chải tóc cho Thu Đào. Hôm nay nàng được điểm trang theo đúng quy cách của một cung tần, tóc búi hết lên cao, hoa cài tóc có đến hơn mười chiếc thi nhau lấp lánh trên đầu nàng. Kết thúc việc búi tóc cài trâm, một người cung nữ dáng vóc quen thuộc từ ngoài bước vào, cúi đầu dâng lên một hộp nhỏ màu đỏ đang được mở sẵn, Thu Đào nhìn thấy một chiếc nơ cài đầu màu xanh lục rất đẹp, nơ kết hình bướm chừa ra hai sợi dây nhỏ dài ước chừng khi đặt lên đầu sẽ rủ xuống tận lưng. Nàng tò mò hỏi:

– Đây là thứ gì?

– Thưa Nguyễn tú nữ, đây là chiếc nơ cài đầu dành cho cung nhân chưa được Hoàng Thượng sủng hạnh, dùng để phân biệt với các phi tần đã được hầu thánh giá, để Hoàng Thượng nhìn vào đó mà biết và không bỏ sót ai!

Giọng nói êm ái pha chút tinh nghịch này đích thị là của Xuân Mai, Thu Đào nghe xong liền bước ngay đến đỡ gương mặt nàng cung nữ ấy lên và nói như reo:

– Xuân Mai! Sao em lại ở đây! Ta nhớ em quá!

Xuân Mai cũng cảm động ôm chầm lấy Thu Đào mà kể lể những nỗi mong chờ được tiến cung gặp lại chủ nhân của mình. Nguyên cớ của sự bất ngờ hôm nay là do Hoàng Thượng biết Thu Đào và Xuân Mai tình cảm chủ tớ rất nồng hậu, chàng muốn phá lệ cho Xuân Mai vào trước một ngày để hầu Thu Đào tiến hành điển lễ, cho nàng một niềm vui nhỏ trong ngày chính thức làm cung phi, ở dân gian thì cũng xem như là lễ xuất giá rồi! Ngoài ra còn có Nguyễn phu Nhân đang chờ ở sảnh chính Diên Ninh Cung, đợi đến giờ lành bà sẽ được chính tay dắt con gái lên kiệu để đi đến điện An Khánh bái tế tổ tiên và hành lễ với Thái Hậu.

Một lần nữa được đặc ân của Hoàng Thượng, Thu Đào chợt có cảm giác muốn diện kiến Lê Nhân Tông vô cùng. Nàng trộm nghĩ không ngờ bản thân lại có duyên với vị vua này đến thế, một vị vua nổi tiếng tài đức, cần chính yêu dân, nay chính Thu Đào xác nhận thêm chàng còn có cái tính yêu chiều vợ hết mực nữa, thật là một người tốt hiếm có. Cớ sao trời lại chẳng xót thương, để số phận chàng bi thảm đến vậy!

Đang mãi suy nghĩ thì bốn vị cung nữ khác bước vào, trên tay mỗi người là một khay gỗ đặt có đặt một lớp lễ phục phía trên. Cha mẹ ơi! Trên người đang mặc một lần áo lót mỏng, lại thêm bốn lớp ngoài nữa, Thu Đào cảm thán kêu lên:

– Trời ơi, lại thêm cả bốn lớp áo quần thế này sao?

Xuân Mai cười khúc khích, nàng ta dùng hai tay đưa lên một lớp áo khoát ngoài nhìn Thu Đào mà nói:

– Đây nữa là năm!

Chế phục cung đình quả thật rất cầu kỳ! Sau lần áo yếm và lót là lớp áo giao lĩnh bắt chéo cột dây sang bên phải, gấu áo dài chạm gót chất vải mềm rủ thướt tha, tiếp theo là lần giao lĩnh ngắn hơn một tí, bắt chéo ngược lại sang bên trái, tạo thành một cổ áo hình tim lớp trong đậm lớp ngoài nhạt vô cùng đặc sắc. Quây thắt lưng kiểu dài buộc ngang eo ôm lấy lần áo khoát ngoài cùng tạo thành một lớp gấu váy thứ ba vô cùng hài hòa. Hai ống tay áo không quá rộng được điểm trang bởi một dãy phi bạch (*) choàng phía sau lưng ra đến hai tay. Thu Đào như một thanh y tiên nữ dịu dàng thướt tha, nhan sắc xinh đẹp động lòng người!

Bước ra sảnh chính, Nguyễn phu nhân đã ngồi chờ sẵn từ bao giờ. Bà nhìn con gái từ đầu đến chân rồi đứng lên cảm động xoa đầu vuốt má Thu Đào, giọng cảm thán:

– Con gái của ta! Hôm nay xem như đã xuất giá, con nhớ phải cẩn thận ngôn hành, chuyên tâm hầu hạ Hoàng Thượng. Mẹ chẳng mong con độc sủng hậu cung, chỉ mong con được một đời bình an viên mãn!

Nhìn đôi mắt ngấn lệ mừng vui của Nguyễn phu nhân, Thu Đào bất giác cảm động nắm chặt tay bà chẳng muốn rời xa! Thì ra con gái ngày xưa xuất giá theo chồng là thế này đây! – Thu Đào trộm nghĩ rồi cảm thán nhớ đến người mẹ của mình ở thời hiện đại, chẳng biết nếu mình đi lấy chồng mẹ có khóc vì vui mừng như thế này không?

Đoạn nàng đảo mắt nhìn quanh như tìm kiếm một ai đó rồi hỏi Nguyễn phu nhân:

– Thu Hằng đâu mẹ? Hôm nay chắc muội muội cũng đã vào cung để kịp làm lễ đúng không?

– Ngô phu nhân sẽ đưa Thu Hằng đến An Khánh Điện! – Nguyễn phu nhân đáp với nụ cười mãn nguyện.

Làm sao mà không mãn nguyện cho được! Bà có hai cô con gái vàng ngọc, một được đương kiêm Hoàng Thượng ra mặt độc sủng, một được ngầm chỉ định là Vương Phi của Bình Nguyên Vương đương triều, còn phúc phận nào bằng!

Thu Đào nghe đến Ngô phu nhân cũng tự hiểu trước sau gì Thu Hằng cũng sẽ là Vương Phi của Lê Hạo, nàng vui mừng cho muội muội nhưng đâu đó lại xen lẫn cảm giác man mác bi thương khó tả dành cho chính mình. À không! Dành cho đại tiểu thư Thu Đào mới đúng!

Kiệu vàng tám người khiêng đã sẵn ngay trước Diên Ninh Cung. Mười lăm vị tú nữ khác đều là được đưa vào từ cổng phụ Nam Môn, rồi các thái giám cung nữ sẽ sắp xếp cung nhân đưa từng vị đến An Khánh Điện. Duy chỉ mỗi Thu Đào nghiễm nhiên được kiệu vàng đến rước, duy chỉ nàng được thân mẫu đưa vào làm điển lễ, duy chỉ nàng được Nhân Tông mong chờ gặp mặt, chàng định sẽ công khai thân phận ngay điển lễ, cho nàng một hạnh phúc lớn bất ngờ!

* * *

Điện An Khánh lợp ngói hoàng lưu ly tỏa sáng dưới nắng vàng rực rỡ. Giữa sân lớn đặt một chiếc bàn dài có hương án và các lễ vật, chiếu chỉ sách phong cũng nằm ngay ngắn trong khay gỗ chờ được mở ra tuyên đọc.

Cả thảy mười sáu tú nữ xếp thành bốn hàng, mỗi hàng bốn người, đứng đầu là khuê nữ của vị quan có thứ bậc cao nhất. Tuân theo quy chế điển lễ thì không ai được ngẩng đầu lên nhìn trừ khi được cho phép, mười sáu vị lần lượt thắp hương rồi quay về hàng ngũ, đứng ngay ngắn cúi đầu trước Lê Nhân Tông, Thái Hậu, cùng Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân, Tân Bình Vương Lê Khắc Xương. Hôm nay chỉ là điển lễ công nhận các tú nữ nhập cung, tương lai sẽ hầu hạ Hoàng Thượng hay vị Vương Gia nào còn chưa biết được, các tiểu thư đều trang điểm lộng lẫy, y phục tuân theo quy chế cho tú nữ nhưng màu sắc thì vô cùng đa dạng cốt sao lọt được vào mắt Hoàng Đế đương triều. Ai nấy đều nhan sắc khuynh thành, cứ như một rừng hoa bướm dập dìu trước mặt Lê Nhân Tông. Ấy thế mà chàng chẳng mảy may nhìn đến một ai ngoài vị tiểu thư thanh y đang đứng ngay ngắn trước mặt. Nhìn dáng vẻ yểu điệu đoan trang này Lê Tuấn không kiềm được mà cứ che miệng cười vì không giống Thu Đào tinh nghịch hằng ngày của chàng chút nào.

Thu Hằng hôm nay được Ngô phu nhân đích thân đưa đến rồi cố tình sắp xếp cho đứng ngay vị trí đầu tiên trước mặt Lê Hạo. Theo chỉ bảo của Ngô phu nhân, nàng mặc chế phục màu hồng đúng như sở thích của Lê Hạo, chốc chốc cứ liếc mắt trộm nhìn chàng, nhưng do không thể ngẩng đầu nên chỉ trông thấy được giày và gấu áo của Hoàng Thượng và ba vị Vương Gia.

Nội Giám Quan trịnh trọng tuyên đọc lại một lần nữa tên tuổi quê quán của các tú nữ, chỉ định phòng ở của họ tại Quảng Hằng Các phía Tây hậu cung để Thái Hậu tiện bề quản thúc. Cứ hai vị vào cùng một phòng, riêng Thu Đào đã được ban Diên Ninh Cung rồi nên Thu Hằng được sắp xếp ở riêng một mình. Sau đó là một thôi một hồi các quy củ khô khan nhàm chán làm Thu Đào nghe mà cứ ngáp dài trong trạng thái cố không mở to miệng. Xong quy củ lại còn đến phần giáo huấn của Thái Hậu, chẳng biết buổi lễ gò bó này sẽ kéo dài đến tận bao giờ. Thu Đào trong lúc chờ đợi đã lén quay sang bên phải nhìn Thu Hằng cho đỡ buồn, nhưng Thu Hằng quả đúng là khuê nữ danh gia vọng tộc chính hiệu, từ đầu chí cuối đều nghiêm túc lắng nghe không bỏ sót chữ nào, chẳng thèm nhìn sang Thu Đào lấy một khắc. Rồi vô tình, Thu Đào có cảm giác vị tú nữ đứng sau lưng Thu Hằng đang dán mắt lên người mình từ nãy đến giờ. Theo phản ứng tự nhiên Thu Đào cũng đưa mắt nhìn lên gương mặt của nàng ta.

Sự bất ngờ làm Thu Đào phải há hốc miệng, suýt chút là đã reo lên thành tiếng. Lần thứ hai trong ngày từ lúc gặp lại Xuân Mai, Thu Đào hưởng được cảm giác lâu ngày gặp lại bạn bè trong niềm hân hoan khó tả. Vị cô nương ấy cũng tươi cười nhìn nàng với ánh mắt long lanh thương mến.

Đúng lúc ấy, Thái Hậu đã kết thúc phần “diễn thuyết” về nữ đức dài như sớ táo quân, nhường chỗ cho Nội Giám Quan tuyên bố thêm một việc trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, đặc biệt là Thu Hằng, sau đó là Lê Hạo.

Trong mười sáu vị tú nữ, tiểu thư Nguyễn Kim Ngọc vốn là trẻ mồ côi, nhưng nàng đức hạnh đoan trang, thông minh xinh đẹp nên được Thái Bảo Giản Cung Hầu (*) Lê Hưu nhận làm nghĩa nữ. Trở về sau lần bị bắt cóc, cảm mến trước bậc nam tử như Lê Hạo, nàng bày tỏ nguyện vọng với nghĩa phụ muốn được hầu hạ bên cạnh Bình Nguyên Vương. Thấy nàng dung nhan mỹ miều, Lê Hưu vừa hay lại là tay mắt của Thái Hậu trong triều đình, ông đã tâu lên Thái Hậu dâng nàng cho Bình Nguyên Vương, vừa để thành toàn cho nghĩa nữ, vừa để thay Thái Hậu đặt tai mắt bên cạnh mẹ con Ngô Tiệp Dư. Thái Hậu tất nhiên vui vẻ bằng lòng, bà dựa vào quyền lực của mình mà trực tiếp chỉ định Kim Ngọc sẽ gả cho Lê Hạo, làm Vương Phi hay thê thiếp do chàng tự định đoạt.

Kim Ngọc theo lệnh của Thái Hậu bước ra đứng trước mặt Lê Hạo, nàng được phép ngẩng đầu nhìn chàng rồi hành lễ ra mắt.

– Kim Ngọc cô nương! – Lê Hạo sửng sốt gọi.

Thu Đào cũng vô cùng chấn động trong lòng. Không ngờ trời xui đất khiến thế nào mà Kim Ngọc lại trở thành thê thiếp của Lê Hạo. Như vậy chẳng phải là quá bất lợi cho muội muội Thu Hằng của nàng rồi hay sao? Nàng ái ngại nhìn sang muội muội thăm dò, hi vọng dùng ánh mắt an ủi được phần nào đau xót của Thu Hằng.

Thu Hằng không hổ là một danh môn khuê nữ, nét mặt chẳng động chút cảm xúc, vẫn thanh thoát điềm nhiên như thường. Chỉ là sau lớp ống tay áo phủ che, bàn tay trái cấu chặt vào bàn tay phải đến xướt cả lớp da ngà ngọc..

* * * Hết chương 25 —-

Chú thích:

1. (*) Áo giao lĩnh: Tức bộ y phục gồm chiếc áo 6 thân có cổ giao nhau (giao lĩnh) đi cùng với chiếc váy quây (thường) – là phục trang phổ biến nhất trong dân gian thời Lê, có thể thấy qua tranh vẽ lẫn điêu khắc. Giao lĩnh có dạng vạt ngắn và vạt dài.

2. (*) Phối ngẫu: Người chính thức kết hôn. Thường là chỉ Hoàng Hậu hoặc Hoàng Quý Phi.

3. (*) Thành Cổ Loa: Di tích thời Âu Lạc ở ngoại thành Hà Nội.

4. (*) Lục Thủy Hồ: Tức hồ Gươm ngày nay, do nước trong xanh nên gọi là “Lục Thủy Hồ”.

5. (*) Phi bạch: Dãi lụa luồng sau lưng rồi khoát lên tay của các phi tần thời phong kiến.

6. (*) Thái Bảo Giản Cung Hầu: Một chức quan văn thời Lê Sơ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.