Hồi Đáo Lê Triều

Chương 4: Lệnh Tiến Cung



Thu Đào ngồi trong phòng sách cùng Thu Hằng và Nguyễn đại nhân, nàng lật hết trang này đến đến trang khác nhưng chỉ đọc được bập bẹ vài chữ làm cha và chị gái vừa ngạc nhiên vừa tiếc nuối cho văn tài trước đây. Thu Đào cũng “bất lực” tự trách bản thân lúc trước học tiếng Hoa không chịu học chữ phồn thể, để bây giờ trở thành kẻ “mù chữ”. Cô đấm ngực tự nghĩ:

– Thời này làm gì đã có chữ giản thể (*), biết trước thì mình đã chăm chỉ học chữ phồn (*) hơn rồi!

Thu Đào thở dài nhìn cha:

– Trước đây con giỏi chữ lắm sao?

Nguyễn đại nhân gật đầu:

– Nữ nhi của các quan đại thần chỉ có hai chị em con được cho học cùng với ba vị hoàng tử, con lúc trước tài học không kém nam nhi đâu!

Thu Đào nhìn sang em gái:

– Lợi hại vậy sao?

Thu Hằng cũng gật đầu:

– Muội cũng chỉ là nhờ tỷ mới được học ở Quốc Tử Giám, tỷ rất được Tư Nghiệp đại nhân khen ngợi, nên đã xin Hoàng Thượng và Thái Hậu đặc cách cho tỷ muội ta đó!

Thu Đào chớp mắt tò mò:

– Ngô Tư Nghiệp là ai?

Thu Hằng đáp:

– Là người thầy đã dạy chữ cho chúng ta từ nhỏ, Ngô Sĩ Liên đại nhân chứ còn ai?

Nghe đến Ngô Sĩ Liên thì Thu Đào há hốc mồm không nói nên lời.

Cô tiểu thư Thu Đào này đúng là quá lợi hại, bậc danh nhân như sử gia Ngô Sĩ Liên lại là thầy dạy chữ của cô ta! Thu Đào thích thú tự nhủ:

– Vậy là từ đây ta chính là học trò của Ngô Sĩ Liên sao? Trời ơi, quá ngầu! Trà My ơi mày thật là “không phải dạng vừa!”

Nguyễn đại nhân vuốt râu gật gù như vẫn còn chìm đắm trong niềm tự hào về đứa con gái tài giỏi. Nhưng thực tại lại kéo ông về ngay, ông nhìn Thu Đào tiếc nuối:

– Phận nữ nhi mà lại có văn tài võ lược, triều ta chỉ có con, vậy mà bây giờ con lại quên hết chữ nghĩa, võ nghệ lại càng không biết! Thật sự là đáng tiếc!

Chưa vui được bao lâu, Thu Đào đã phải cuối đầu hổ thẹn:

– Con xin lỗi!

Nguyễn đại nhân thông cảm xoa đầu con gái:

– Con vẫn bình an là cha vui rồi, nữ nhi không có tài thì trau dồi đức hạnh, không sao đâu con!

Xong ông nhìn sang Thu Hằng:

– Cha nghe hoàng thượng có chỉ vẫn cho phép chị con đến học, thôi thì con cố gắng chỉ dẫn thêm cho Thu Đào!

Thu Hằng gật đầu:

– Dạ, thưa cha!

Nguyễn đại nhân quay lưng bước ra khỏi phòng.

Thu Hằng nhìn chị gái lật giở từng trang sách mà bật cười. Nàng biết vui mừng vì chị mình mất hết ký ức và tài năng là điều không tốt, nhưng bản tính con người vốn ích kỷ, từ nhỏ Thu Đào luôn vượt trội hơn nàng về nhan sắc, học vấn, Thu Đào còn thông minh khéo léo làm cho cha mẹ và ân sư là Tư Nghiệp Ngô Sĩ Liên yêu quý hơn. Thu Hằng tự cảm thấy mình chỉ luôn là cái bóng của chị gái. Bất kỳ nơi nào nàng xuất hiện một mình thì đều bị mọi người hỏi: Thu Đào đâu rồi? Thu Hằng đã lớn lên trong sự so sánh như thế, vì vậy nàng luôn siêng năng hơn, rèn giũa lễ nghi để có phong cách đoan trang hiền thục, mong sẽ phần nào bù đắp lại, để không quá lu mờ trước Thu Đào.

Nhưng dù sao chuyện mất hết ký ức sau trọng bệnh vẫn thật kỳ lạ, Thu Hằng đã nhiều lần cố ý thử, nhưng Thu Đào quả thật không nhớ gì, nàng luôn tự hỏi:

– Tỷ thật sự không còn nhớ chàng sao? Nếu gặp lại nhau chàng và chị có tiếp tục phải lòng nhau không?

Về phần Thu Đào, từ lúc gặp Lê Hạo bên hồ thì không thôi suy nghĩ về chàng, về Sỹ Thành trong lòng nàng. Họ là hai người hay một người? Hay Lê Hạo chính là kiếp trước của Sỹ Thành giống như những câu chuyện luân hồi nàng đã đọc trong sách, hay họ vốn không liên quan gì nhau? Sao ánh mắt và thần thái của chàng cứ như chính là Sỹ Thành đã bị lạc về thời đại này cùng nàng vậy? Bao nhiêu câu hỏi không ngừng ám ảnh Thu Đào. Về “em gái” Thu Hằng thì lại là một sự ngạc nhiên khác, em gái ruột của nàng ở thời đại này lại có tên giống hệt với người bạn thân nhất tại thời hiện đại. Mọi chuyện cứ như có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt sẵn.

Đúng vậy, dù sao cũng không biết cách trở về năm 2022, nên trước mắt cứ xem như Thu Đào chính là tiền kiếp của Trà My, may mắn được quay về để sống lại kiếp này, nàng quyết định sống thật tốt để Trà My của sau này có hậu phúc. Còn nếu đây là một giấc mơ, khi tỉnh lại ít ra cũng đã có một giấc mơ thật tuyệt vời! Đấy là còn chưa nhắc đến việc Trà My lại được tiếp cận với những nhân vật lịch sử tiếng tăm lẫy lừng, đối với nàng thì chẳng còn gì hấp dẫn hơn được nữa!

Hai cô gái mãi mê theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Trong lúc đó Nguyễn Đức Trung đại nhân trở lại thư phòng, trên tay cầm thánh chỉ. Ông nhìn Thu Đào nói:

– Lúc trước cha đã định nói cho con biết, nhưng chưa biết bắt đầu thế nào thì đột nhiên con lại vô cớ ngã xuống hồ Cẩm Lý ở Huy Văn Tự rồi bệnh nặng.

Thu Hằng thấy thánh chỉ trên tay cha nên nóng lòng hỏi:

– Có thánh chỉ từ triều đình sao cha?

Nguyễn đại nhân chậm rãi:

– Mùa thu năm nay hoàng thượng tuyển tú, trước đây hoàng thượng có hỏi cha về Thu Đào, tỏ ý muốn nạp con làm cung tần, quả nhiên hôm nay đã có thánh chỉ, con được tấn phong trực tiếp làm Lục Giai Mỹ Nhân, không cần phải bắt đầu từ cung nhân. Ân sủng này không phải ai cũng có, là phúc hay họa, sau này là tuỳ vào bản lĩnh của con đó!

Thu Đào vừa nghe xong thì đứng phắt dậy lên tiếng phản đối:

– Không, con không chịu đâu, con có quen biết gì Hoàng Thượng đâu, tại sao vô cớ chọn trúng con! Cha ơi con chưa muốn lấy chồng!

Nguyễn đại nhân mắt tròn xoe lập lại lời của Thu Đào, vì nàng trót dùng từ hiện đại:

– Lấy chồng?

Thu Đào chắt lưỡi giải thích:

– À là “thành thân, gả đi” đó cha, mà quan trọng là con không muốn, xin cha cứu con!

Nguyễn đại nhân tỏ ý không đồng tình, dạy dỗ con gái:

– Xưa nay việc chung thân đại sự nữ nhi làm sao có quyền quyết định, huống chi con được bậc minh quân chọn, là người khác thì đã mừng còn không kịp, con lại từ chối là thế nào? Ý cha đã quyết, con liệu mà cẩn trọng ngôn hành, không khéo cả họ ta mang đại tội khi quân!

Nói xong Nguyễn đại nhân bỏ đi, mặc cho Thu Đào gọi với theo:

– Cha ơi, cha!

* * *

Lê Hạo đứng chấp tay trước bàn thờ Phật tại chính điện của Huy Văn Tự. Ngô phu nhân đứng sau lưng chàng, chờ con trai lễ Phật xong mới mở lời:

– Con nghĩ sao về lời đề nghị hồi cung của hoàng thượng?

Chàng nhìn mẹ như muốn xem ý của bà thế nào. Ngô phu nhân nói tiếp:

– Mẹ con ta đã chọn ẩn thân cầu bình an, cả gia tộc của Nguyễn đại nhân bị liên luỵ mà mất cả mạng sống, chẳng lẽ nay con lại muốn dấn thân vào hang hổ, phụ công người đã khuất sao?

Chàng trầm ngâm một chút rồi trả lời mẹ bằng ánh mắt cương nghị:

– Thưa mẹ, Nguyễn đại nhân cứu mẹ con ta khỏi tay kẻ gian, không đơn giản là để giữ lại mạng sống. Bậc khai quốc công thần như Nguyễn đại nhân chắc chắn lòng mang nghĩa lớn, tất cả đều suy nghĩ cho đại cuộc. Con nghĩ trong lúc kẻ gian có ý đồ mưu phản, muốn khuấy động thái bình của giang sơn phụ hoàng để lại, con thân là hoàng tử sao có thể khoanh tay đứng nhìn. Huống hồ tam ca đối đãi thật lòng với con, nếu tham sống sợ chết làm con rùa rụt cổ, kiếp này con sẽ phụ ơn cứu mạng của Nguyễn đại nhân, hổ thẹn là con cháu hoàng tộc!

Ngô phu nhân chưa hết lo lắng:

– Mẹ biết ý con đã quyết không thể thay đổi được, chỉ mong con cương nhu đúng lúc, không nên sớm tỏ rõ chính kiến mà đắt tội với thế lực nào, mẹ chẳng mong vinh hoa phú quý, chỉ mong con một đời bình an!

Lê Hạo nắm tay mẹ nói thêm:

– Xin mẹ hãy yên tâm, con sẽ biết cân nhắc. Con hứa với mẹ mọi việc đều sẽ nghĩ cho tâm trạng của mẹ mà hành động.

Ngô phu nhân ôm con trai vào lòng:

– Nếu đã vậy, con đi đâu mẹ cũng đi theo! Con của mẹ không thẹn là con cháu của Thái Tổ Hoàng Đế!

* * *

Tại đình hóng mát bên hồ sen phủ đệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ.

Nguyễn phu nhân ngồi cùng hai con gái, bà khuyên giải Thu Đào:

– Được hoàng thượng chọn tiến cung, lại còn được phúc lớn phong làm Mỹ Nhân, không cần bắt đầu từ một cung nhân bé nhỏ, tại sao con không đồng ý?

Thu Đào phân trần:

– Mẹ à, con biết nói ra suy nghĩ của mình thì cha mẹ khó lòng chấp nhận, nhưng con còn quá trẻ để thành thân, càng không muốn phải chung một phu quân với người khác. Hơn nữa con chưa từng quen biết hoàng thượng, làm sao có thể lấy người được?

Nguyễn phu nhân nghe con gái nói đến đâu thì há hốc miệng, mắt tròn mắt dẹt đến đấy, bà không hiểu nổi đứa con gái bà dốc lòng dạy dỗ mười lăm năm nay, thông hiểu lễ giáo con nhà quan lại có những suy nghĩ quái lạ như vậy. Bà cũng như Nguyễn đại nhân, rất phật lòng vì đứa con gái mang ý nghĩ kỳ lạ:

– Con nói gì lạ vậy, xưa nay chung thân đại sự đều do cha mẹ sắp đặt, không nhất thiết phải biết mặt phu quân trước. Phận nữ nhi thì chung một phu quân có gì là lạ, sao con dám nghĩ sẽ được một nam nhi nào chỉ cưới duy nhất một mình con? Ngày trước mẹ năm 16 tuổi đã sinh ra Thu Hằng, con năm nay đã 15, sao lại còn quá trẻ? Thôi, ý cha mẹ đã quyết, hơn nữa việc này còn liên quan đến con đường thăng quan tiến chức của cha con, con liệu mà suy nghĩ cho kỹ. Mẹ rất thương con, lẽ nào đẩy con vào chỗ không tốt?

Nguyễn phu nhân nhìn sang Thu Hằng đang lắng nghe nãy giờ, bà nói:

– Con hãy khuyên bảo cho chị thêm giúp mẹ!

Nói xong Nguyễn phu nhân đứng dậy rời đi. Thu Đào đứng lên nói với theo:

– Nhưng mẹ ơi!

Thu Hằng cầm tay chị gái rồi khẽ lắc đầu ra hiệu đừng phí công vô ích.

Thu Đào ngồi phịch xuống, ngửa mặt lên trời khẽ than:

– Trời ơi cứu con! Sao tự nhiên con lại ở đây, rồi tự nhiên phải đi lấy ông vua, trong cung ba nghìn giai lệ, chẳng lẽ con lạc đến đây để rồi chết già trong cung hả trời?

Trong lòng Thu Đào thật sự bế tắc, vì nàng biết rõ Nhân Tông Lê Bang Cơ sẽ bị ám sát khi còn rất trẻ, số phận cung nhân mỹ nữ của ông ta chắc chắn rất bi thảm, không bị giết cũng sẽ bị bắt làm thê thiếp cho quân làm đảo chính. Nghĩ đến đây nàng chỉ còn biết thở dài, làm sao thoát khỏi cục diện này đây!

Thu Hằng nhìn vẻ mặt chán nản của chị gái cũng thấy tội nghiệp. Nhưng chủ yếu là vì mưu tính riêng, nàng quyết định khơi lại nỗi hận của Thu Đào dành cho Lê Hạo, một là để Thu Đào cam tâm an phận làm người phụ nữ của hoàng đế, hai là để từ đây nàng có thể hoàn toàn yên tâm hai người họ mãi mãi không còn cơ hội đến với nhau.

Thu Hằng cầm tay chị khuyên nhủ:

– Hoàng Thượng hiện chưa có cung tần mỹ nữ nào bên cạnh, nếu tỷ vào cung cơ hội độc sủng xem như nằm trong tay, rạng danh gia tộc, tỷ nên vui mới phải chứ!

Thu Đào trợn tròn mắt:

– Trời ơi rạng danh đâu không thấy, chỉ thấy sẽ bị ở giá sớm, có nói muội cũng không hiểu!

Xong Thu Đào ôm đầu gục xuống bất lực.

Thu Hằng ngạc nhiên:

– Ở.. giá!

Thu Đào ngẩng mặt lên trời ngán ngẩm than:

– Chán thật, bây giờ thì một câu nói đơn giản của mình cũng không ai hiểu!

Thu Hằng ra vẻ nghi ngờ:

– Hay là tỷ tuy quên hết mọi người nhưng vẫn nhớ chàng? Cho nên mới không muốn hầu hạ Hoàng Thượng?

– Chàng? Là vị công tử của Ngô phu nhân, Lê?

Lúc gặp Lê Hạo bên bờ hồ Thu Đào chỉ mãi xem chàng là Sỹ Thành nên đã không để ý đến tên của chàng.

Thu Hằng tiếp lời:

– Là người đã lớn lên cùng tỷ muội ta, Lê Hạo!

Thu Đào nghe cái tên rất quen tai, dường như cô đã đọc được ở đâu đó, miệng lẩm bẩm:

– Lê Hạo.. nghe tên quen lắm, sao mình không nhớ ra!

Chẳng lẽ ở kiếp này chúng ta sớm đã có duyên nợ, nếu vậy tại sao lúc đó cũng chẳng thành đôi? – Nàng đau xót tự hỏi. Xong, lại ngập ngừng nhìn Thu Hằng thăm dò:

– Tỷ đã phải lòng chàng à?

Thu Hằng gật đầu:

– Nhưng mệnh trời trêu ngươi, trong lòng chàng sớm đã có người khác!

Theo lời của Thu Hằng, từ nhỏ Lê Hạo đã cùng Ngô phu nhân sinh sống tại Huy Văn Tự. Mặc dù là hoàng tử và Tiệp Dư của Thái Tông hoàng đế, nhưng hai mẹ con chàng đã chọn cách sống thanh nhàn nơi cửa Phật, tránh xa tranh đấu quyền lực chốn cung đình. Nguyễn Quốc Trung đại nhân lúc đó đã nhận uỷ thác của đại thần Nguyễn Trãi rằng hãy chăm sóc cho mẹ con Ngô Tiệp Dư, vì vậy từ nhỏ hai chị em cô rất thường xuyên theo cha tới lui Huy Văn Tự. Năm 12 tuổi, trong một lần Thu Đào theo Nguyễn Đức Trung đại nhân đến Quốc Tử Giám gặp Tiến Sĩ – Tư Nghiệp Ngô Sỉ Liên xử lý công vụ. Lúc đó Ngô Tư Nghiệp đang dạy học cho ba vị hoàng tử: Nghi Dân, Khắc Xương, Lê Hạo, và có ra một câu đố chữ:

“Đất thì là đất bùn ao,

Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.

Con ai mà đứng ở đây,

Đứng thì chẳng đứng vịn ngay cây sào!”

Thu Đào đứng ở bên ngoài chờ cùng với cha cũng nghe được câu đố, tuổi nhỏ chưa hiểu chuyện nên khi nghĩ ra đáp án, tiều cô nương chạy ngay đến bên cạnh Ngô Tư Nghiệp hớn hở thưa:

– Thu Đào biết, đó là chữ Hiếu (孝), Hiếu trong “Hiếu thuận”!

Ngô Tư Nghiệp ngạc nhiên thích thú xoa đầu Thu Đào:

– Con gái của Nguyễn Đức Trung đại nhân quả nhiên thông minh hơn người!

Nguyễn đại nhân tuy có hơi ngại ngùng vì con gái chưa hiểu lễ nghĩa, nhưng cũng khó giấu được niềm tự hào trong ánh mắt:

– Tiểu nữ tuổi nhỏ chưa biết khiêm nhường, xin tam vị điện hạ và Ngô Tư Nghiệp bỏ qua cho!

Từ đó Ngô Tư Nghiệp rất chú ý đến Thu Đào, phần vì nàng là con gái của bằng hữu, phần vì cô bé thật sự thông minh lanh lợi, vì vậy đã xin phép triều đình đặt cách cho hai vị tiểu thư của Nguyễn Đức Trung đại nhân được đến Quốc Tử Giám học cùng ba vị hoàng tử. Lúc đó Tuyên Từ thái hậu vừa trao lại quyền lực cho Lê Nhân Tông, Nhân Tông vốn ưa chuộng nhân tài, tấm lòng lại độ lượng nhân đức nên chuẩn tấu cho hai chị em Thu Đào được đi học. Và cũng vì vậy hai chị em Thu Đào cùng Lê Hạo thường xuyên gặp gỡ, trao đổi văn chương chữ nghĩa, tình cảm giữa ba người cứ thế lớn dần theo năm tháng..

* * * Hết chương 4 —-

Chú thích:

1. (*) Chữ Hán phồn thể (繁體漢字/正體漢字) hay chữ Hán chính thể là một trong hai bộ chữ in tiêu chuẩn của tiếng Trung. Dạng chữ viết phồn thể hiện nay đã xuất hiện lần đầu cùng với các văn bản ghi chép thời nhà Hán và ổn định từ thế kỷ 5 trong thời Nam Bắc triều. (Tương đương cuối thời Văn Lang, đầu thời kỳ Âu Lạc của nước ta).

Hiện nay, chữ Phồn thể được dùng nhiều ở Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao.

2. (*) Chữ Hán giản thể(简体字)cũng như tên gọi của nó là đơn giản hóa. Được xúc tiến từ sau Thế Chiến thứ II bởi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. So với chữ phồn thể thì chữ giản thể đã lược đi nhiều nét phức tạp tinh vi để chữ viết đơn giản dễ học hơn. Chữ giản thể được dùng phổ biến ở Trung Quốc đại lục, Singapore, Malaysia hay trong các ấn phẩm giáo dục cho người nước ngoài.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.