Type: Bích Ngọc
5.
Không có tiền nộp viện phí, chiếc cáng có Uông Hòe nằm trên bị vất tại hành lang.
Uông Trường Xích đột nhiên nhớ tới một cậu bạn học, vội vàng nói:
– Bố gắng nằm đây nhé, con đi mượn tiền.
Uông Hòe gật đầu nhè nhẹ.
Uông Trường Xích chạy đến phố Tiểu Hà để gặp người bạn đồng cảnh ngộ không đõ đại học là Hoàng Quỳ. Gã nghệch đầu khi nghe nói Uông Trường Xích muốn mượn năm nghìn nhân dân tệ, nghĩ ngợi một lát bèn đi tìm bố. Bố gã là chủ một tiệm bán hàng tạm hóa trên phố Tiểu Hà, nghe xong bèn hỏi:
– Thằng bạn này bình thường đối đãi với con như thế nào?
– Thường giúp con làm bài tập. – Hoàng Quý đáp.
– Liệu nó có đủ sức để trả năm nghìn tệ không?
– Trả được. Nhà nó có hai con trâu, Hai con lợn.
– Thế thì bảo nó viết một tờ giấy mượn tiền.
Uông Trường Xích viết xong giấy mượn tiền thì bố Hoàng Quỳ dắt cả hai cùng đến ngân hàng.
Ba người đến trước cửa ngân hàng, bố Hoàng Quỳ đột ngột dừng lại đốt một điếu thuốc. Ông ta rít thuốc rất mạnh, ngay cả là ban ngày cũng nhìn thấy lửa ở đầu điếu thuốc lóe lên, hình như cũng rất tiết kiệm nên đốm lửa lan đến tận đầu ngón tay, ông ta mới vất xuống đất, dùng chân chà mạnh và trên mặt đất hằn lên một dấu chấm hỏi, nói:
– Đáng ra tao không nên hút điếu thuốc này!
Mặc dù câu nói của ông ta có vẻ vu vơ nhưng Uông Trường Xích cảm thấy có điều gì đó không hay. Quả nhiên, bố Hoàng Quỳ lấy ra hai tờ tiền giấy đưa cho cậu, nói:
– Uông à, đây là hai trăm tệ chú tặng cháu, không cho cháu mượn tiền được nữa.
Tuy đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý nhưng Uông Trường Xích vẫn rất ngạc nhiên, đứng lặng.
– Hai trăm không đủ cứu mạng bố cậu ấy! – Hoàng Quỳ kêu lên.
– Bố nhớ lại rồi, tiền trong tài khoản không còn nữa, mẹ mày đã rút hết để mua một cửa hàng mới rồi.
Uông Trường Xích lẳng lặng cúi chào, quay người đi thằng, vừa đi vừa xé vụn tờ giấy mượn tiền. Bố Hoàng Quỳ nhét hai tờ tiền giấy vào túi con trai, nói:
– Người nông thôn thật đáng thương, con đem tiền này đi mua một ít thức ăn cho bố nó.
Hoàng Quỳ quay người đuổi theo Uông Trường Xích, nói:
– Tớ đã hỏi bố tớ, quả thật là trong tài khoản không còn tiền, cậu thông cảm.
– Bóc cứt không tróc đừng trách đất cứng! Có trách thì tự trách mình!
Vừa nói, Uông Trường Xích vừa xòe bàn tay đang cầm những vụn giấy ra. Những vụn giấy gặp gió bay lên phấp phới rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đường.
Hoàng Quỳ mua một lốc nước lọc, một túi bánh bao và một xách cuộn giấy vệ sinh đặt bên cáng Uông Hòe. Ông đang cắn chặt răng, nhăn mày cau mặt, hình như đang cố dùng nghị lực để trấn áp những cơn đau, đôi môi trắng bệch, khô rộp. Uông Trường Xích mở một chai nước lọc nhẹ nhàng rót vào miệng bố. đôi môi Uông Hòe rung lên một tí rồi đột nhiên nhắm mắt lại, đầu ngoẹo sang một bên. Uông Trường Xích nghĩ bố đã chết nên đưa tay lên mũi bố. Vẫn còn thở. Cậu vội vàng mua một phích nước sôi, thấm vào khăn, vắt sạch rồi bắt đầu lau mặt cho bố. Lau xong mặt, đến cổ rồi đến ngực. Khi lau đến thắt lưng, Uông Hòe đột ngột kêu lên đau đớn. Vẫn đang ngồi bên cạnh, Hoàng Quỳ lên tiếng:
– Không có tiền, cậu định thế nào?
– Cướp ngân hàng!
Đột nhiên, Uông Hòe đưa tay trái lên, bàn tay bíu thật chặt hai ngón tay của Uông Trường Xích. Cậu cúi xuống, hỏi:
– Bố…bố định nói gì à?
Bàn tay nắm hai ngón tay chặt thêm. Uông Trường Xích nói:
– Có phải là bố sợ con đi cướp ngân hàng? Yên tâm, con không cướp thật đâu. Vừa rồi là con nói cho đỡ tức thôi.
Bàn tay Uông Hòe nới lỏng ra, cánh tay rơi xuống nền xi măng.
Uông Trường Xích thay cho bố một bộ quần áo sạch, mua một cái màn chụp chống muỗi hình tròn chụp lên người bố, nói:
– Bố có thể ráng chịu thêm hai ngày không?
Uông Hòe gật gật đầu.
Uông Trường Xích nhờ Hoàng quỳ trông coi bố rồi chạy ra bến xe, lên xe đêm về nhà. Cậu về đến nhà đúng vào mười hai giờ đêm. Toàn thôn đã tắt đèn. Không vội vàng gọi mở cửa, cậu đứng rất lâu ngoài cửa để nghĩ ra những câu đối đáp với mẹ. Con Vàng chạy lăng xăng quanh cậu, quấn quýt vẫy đuôi, mồm phát ra những tiếng gâu gâu thân thiết. Tiếng sủa của con chó vàng đánh thức Lưu Song Cúc. Bà ngồi dậy bật đèn, phát hiện Uông Trường Xích đứng ngoài cửa, liền nói vọng ra:
– Đã xảy ra chuyện gì rồi phải không. Bữa nay lúc trời mưa to, ngực mẹ đột nhiên như bị dao đâm mấy nhát.
Uông Trường Xích đã định nói dối mẹ nhưng cậu không hề có kỹ năng diễn kịch nên nước mắt đã trào ra. Lưu song Cúc nói:
– Với tính khí như con trâu của bố mày, mẹ đã biết là có chuyện mà.
Vừa nói, bà vừa mở chốt cửa trên, đột nhiên cúi gập xuống, thân thể trượt theo vách cửa cho đến khi ngồi bệt xuống trước ngạch cửa, thở dốc, hai tay đấm ngực thình thịch. Uông Trường Xích bước qua ngạch cửa, ngồi bên cạnh mẹ. Lưu Song Cúc hỏi:
– Vẫn còn sống đấy chứ?
– Còn sống.
Lúc này tiếng khóc mới bật ra khỏi miệng Lưu Song Cúc. Tiếng khóc vừa có vẻ vui mừng, vừa có vẻ bi thương, từ nhỏ đến lớn, từ ngắn chuyển dài, vần vũ trong không gian rồi lan ra ngoài khiến con chó Vàng đột nhiên sủa lên liên hồi.
Ngày hôm sau, hai mẹ con đánh tiếng bán cặp trâu – một cái một đực cho chú Hai. Chú Hai đến bên chuồng trâu, mở cổng chuồng, dắt con đực ra trước. Bốn chân con trâu như ghim chặt xuống đất, toàn thân nó như nghiêng về phía sau như muốn chống lại. Nhưng chú Hai cũng rất kiên nhẫn, dùng sức lôi dây thừng. Trông người và trâu lúc này chẳng khác gì thi kéo co. Có điều, cho dù chú Hai có dùng bao nhiêu sức, con trâu vẫn bất động, cuối cùng thì sống mũi của nó đã bị sợi dây thừng cứa rách, máu tuôn ra. Uông Trường Xích đứng trong chuồng, dùng vai hích vào mông con trâu đẩy tới. Bị một kéo một đẩy nhưng con trâu cũng chẳng xê dịch. Chú Hai cầm một cây gậy nhỏ đưa cho Uông Trường Xích bảo đánh vào mông nó. Cậu cầm lấy đánh nhẹ mấy gậy. Chú Hai bảo quá nhẹ, mạnh hơn tý nữa. Uông Trường Xích giơ gậy lên tiếp tục đánh nhưng trước sau vẫn nhẹ hều, chú Hai nói:
– Mày đi học chỉ được cái bộ dạng như thế à? Ngay cả việc đánh con trâu mà không khác nào gãi ngứa.
Uông Trường Xích nhắm mắt, giơ cao chiếc gậy quất mạnh. Chiếc gậy đập vào mông con trâu, tiếng chan chát vang lên, nhưng con trâu vẫn đứng yên, bất động. Lúc này Lưu Song Cúc mới lên tiếng:
– Trâu hai à, mày đi đi. Chúng tao không thể nuôi mày nữa. Bố mày bị thương, cần tiền chữa trị. Mày nghe lời, giúp tao đến nhà chú Hai nhé. May mà chú Hai không phải là người ngoài, ông ấy cũng họ Uông, mày về bên ấy vẫn là trâu của nhà họ Uông.
Con trâu như hiểu được tiếng người, bốn chân như mềm ra, đi khỏi chuồng, tròng mắt hình như ngấn đầy nước. Lưu Song Cúc nói:
– Còn cô ba nữa, mày đi cùng trâu hai nhé!
Mắt cô ba cũng đã ngấn đầy nước. Nó chần chừ giây lâu rồi xiêu vẹo rời khỏi chuồng đi cùng trâu hai. Uông Trường Xích kêu lớn:
– Chú Hai! Cho dù thế nào chú cũng đừng bán chúng cho lò mổ nhé. Chờ cháu kiếm đủ tiền, cháu sẽ mua lại chúng.
– Biết rồi!- Chú Hai nói cộc lốc.
Lưu Song Cúc chỉ có một đứa con trai nên bà lúc nào cũng xem con trâu đực là đứa con thứ hai, trâu nái là đứa con thứ ba của mình.
Việc mua bán trâu đã xong, Lưu Song Cúc còn đem cả cặp lợn bán cho nhà họ Quang mang tới hai chiếc rọ, nhờ đến bốn người đến giúp đỡ. Hai con lợn không ngừng kêu thét khi nhà họ Quang khiêng chúng khỏi chuồng. Buổi trưa, Lưu Song Cúc nhìn mãi những hạt cơm trong chén, nhìn đến độ thất thần. Uông Trường Xích nói:
– Đường xa lắm, mẹ không ăn bát cơm thì làm sao đi ra đường quốc lộ?
Lưu Song Cúc úp bát cơm đầy vào khay đựng thức ăn cho chó, hỏi:
– Con Vàng đâu?
Uông Trường Xích lớn tiếng gọi mấy tiếng “Vàng ơi! Vàng ơi!…”, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của nó. Lưu Song Cúc nói như khóc:
– Nó thấy chúng ta bán trâu bán lợn, nhất định là sợ chúng ta đem nó bán nốt đây mà.
– Loài vật như trâu lợn chó mà lại trọng tình cảm hơn hẳn con người. – Uông Trường Xích lẩm bẩm.