Một Thời Ta Đuổi Bóng

Chương 15



Qúy Phi vừa đập nhẹ cửa vừa nói vọng vào: 

– Ba ơi! Con vô được không ba? 

Tiếng ông Huỳnh vọng ra: 

– Vô đây đi con. 

Qúy Phi đẩy cửa, ló đầu vào nhìn. Rồi bước hẳn vào phòng: 

– Mẹ đâu rồi ba? Sao chiều giờ con không thấy mẹ? 

– Bà ấy đưa khách đi tham quan, có lẽ tối mới về. 

Từ “bà ấy” của ông làm Qúy Phi chú ý hơi nhiều. Bình thường, cô không để ý cách nói chuyện của ba mẹ. Mà thật ra, ông bà cũng rất ít nói chuyện với nhau. Qúy Phi chưa bao giờ thấy ba mẹ ngồi chung mà nói chuyện khi cả nhà ngồi vào bàn ăn. Hầu như chỉ có cô là điểm trung gian, hết nói với người này đến nói với người kia. Không hiểu tại ba mẹ cô khéo léo phơi bày trước mặt cô sự hạnh phúc viên mãn, hay chính cô vô tư không để ý. 

Nhưng bây giờ, đầu óc luôn bị chi phối cái điều Trần Nghiêm nói, nên cô đâm ra quan sát ba mẹ mình hơn. Cô muốn biết tại sao anh nói ba mẹ trí thức kiểu ngu xuẩn. Cô tin Trần Nghiêm đến nổi đâm ra hoài nghi hạnh phúc của mình. Chẳng lẽ đó là giả tạo. 

Qúy Phi đang ngồi nghĩ lẩn thẩn thì có tiếng chuông reo. Cô thôi nghĩ nữa. Và nhìn ba đến nhấc máy. Ông đưa qua cho cô: 

– Mẹ muốn nói chuyện với con đó. 

Qúy Phi đón lấy ống nghe: 

– Mẹ hả mẹ? 

– Ừ! Con đang làm gì đó? 

– Con ngồi chơi với ba, chừng nào mẹ về. 

– Mẹ đang ở nhà dì Lan, mấy dì muốn con qua chơi đó. 

– Ủa! Chứ không phải mẹ đi với khách hàng sao? 

– Khách hàng nào? Con nói gì vậy? 

– Dạ, đâu có nói gì. Vậy từ chiều giờ mẹ Ở nhà dì Lan hả? 

– Ừ, con qua ngay đi nhé. 

– Dạ thôi, con muốn ở nhà xem phim. 

– Thì thôi vậy, tối mẹ về. 

– Dạ, 

Qúy Phi gác máy. Cô quay qua nhìn ông Huỳnh. Rồi thừ người suy nghĩ. Tại sao ba phải nói dối như vậy? Mẹ nói một đằng, ba nói một nẻo, như vậy là sao? 

Cô đến ngồi gần ông Huỳnh: 

– Mẹ Ở nhà dì Lan, sao ba nói là đi với khách? 

Ông Huỳnh buông tờ báo xuống, mỉm cười: 

– Vậy chắc ba nghe lầm. Bà ấy dặn con cái gì vậy? 

– Không dặn gì hết. Chỉ hỏi con đang làm gì thôi. 

– Vậy hả? 

“Vậy là ba không biết mẹ đi đâu, ba nói dối mình”. Nếu là trước đây, có lẽ cô chẳng mấy để ý. Nhưng bây giờ, điều đó lại như hé ra cái gì đó. Một điều gì đó giả tạo bất ổn, làm cô mơ hồ khổ sở. 

Thấy vẻ mặt bồn chồn của cô, ông Huỳnh có vẻ lo: 

– Con buồn chuyện gì vậy? Công ty có chuyện gì không con? 

– Dạ không. 

Bất chợt cô nhìn ông chăm chăm: 

– Ba có biết ai tên Trần Nghiêm không ba? 

Vẻ mặt ông Huỳnh lúng túng hẳn đi. Một sự lúng túng rất không hợp với ông chút nào. Qúy Phi đã quen nhìn phong cách đường bệ của ông, nên cử chỉ nhu nhược đó là cô chịu không nổi. Đến nổi cô phải quay mặt đi chỗ khác. 

Một lát sau, ông Huỳnh hỏi với vẻ lo ngại: 

– Làm sao con biết cậu đó? 

– Ảnh là phó giám đốc trong công ty con. 

Ông Huỳnh nhìn sững cô: 

– Vậy à? 

– Tại sao ảnh ghét nhà mình vậy, ba? 

Ông Huỳnh gần như chết đứng: 

– Con với cậu ta thân nhau lắm à? 

Qúy Phi cười lạnh giá: 

– Ảnh ghét nhà mình làm sao chịu thân với con hả ba? Ba có biết tại sao lúc trước ảnh cho con làm công nhân không? Là ảnh muốn con chịu không nổi phải nghỉ việc đó. 

Thấy vẻ mặt xuống sắc của ông, cô buồn buồn: 

– Vậy là ảnh nói thật phải không ba? Chắc chắn là ba biết anh rồi. 

Giọng ông Huỳnh khàn khàn: 

– Nó ghét con lắm à? Nó có làm khó gì con không? 

– Ảnh không làm khó. Ngược lại, vẫn sắp cho con làm khâu quan trọng. Nhưng ảnh luôn tránh con, và muốn con nghỉ làm. 

– Vậy tại sao con không nghỉ? Con đâu có sợ thiếu chỗ làm. Mà nếu vậy đi nữa, ba mẹ cũng đâu cần con phải kiếm tiền. 

– Con không cần tiền, nhưng không thể rời bỏ ở đó được. 

Tự nhiên cô mủi lòng òa lên khóc, khóc một cách tức tưởi. Và cô kể hết những chuyện xảy ra giữa Trần Nghiêm và cô. 

Ông Huỳnh chỉ biết lặng thinh mà đau khổ. Thậm chí không dám nhìn con gái. 

Thái độ của ông chẳng khác nào sự đe dọa đối với Qúy Phi, cô khóc thút thít: 

– Ba đừng giấu con nữa. Ba mẹ đã làm sao để anh ấy thù hận, con không tin ảnh dựng chuyện đâu. 

– Bình tĩnh đi con gái. Nếu con đã biết rồi thì ba giấu cũng vô ích. Nhưng con phải hiểu nếu ba mẹ sống dối mình thì tất cả cũng vì con thôi. 

Qúy Phi thì thào: 

– Ba mẹ sống dối mình, có nghĩa là cả ba lẫn mẹ đều thiếu tình thương với nhau. Và sự hạnh phúc của mình đều là giả dối, con suy luận có đúng không? 

– Con chỉ nên biết mơ hồ thôi con gái ạ. Thật ra, có biết bao nhiêu gia đình tưởng như hạnh phúc, chỉ có người bên trong mới hiểu được sự gắng gượng của mình. 

Qúy Phi cười buồn rầu: 

– Con biết chuyện đó, nhưng con nghĩ nó là ở đâu đó xa xôi, của ai đó chung chung, chứ không phải với chính ba mẹ con. 

Rồi cô buộc miệng: 

– Trong lúc nóng giận, anh Nghiêm đã bảo ba và mẹ là mẫu người giả dối. 

Nói xong câu đó, cô im lặng, cảm thấy mình đã quá đáng. Cô nói nhỏ: 

– Con không dám phê phán ba mẹ đâu. 

– Cậu ta có nói hơn vậy, ba cũng không giận đâu. Ba hiểu sự căm giận đó. Thậm chí ba nghĩ, mẹ con cậu ta yên lặng đến ngày nay là đã vị tha lắm rồi. 

Qúy Phi nhìn ông đau đáu: 

– Nhưng sự rạn nứt của ba mẹ thì có liên quan gì đến họ? Liên quan gì hả ba? 

Ông Huỳnh im lặng, phân vân đến mức dằn xé, cuối cùng ông lắc đầu chịu thua. Ông bỗng thấy con gái mình như một vị quan tòa. Con bé đã lớn và đã có quyền biết, quyền phán xét người mà nó xem là thần tượng. 

Để có được danh vị giáo sư tiến sĩ như ngày nay, ông đã hai lần phản bội. Lần đầu tiên ông phản bội mẹ Trần Nghiêm để cưới bà Hoàng Qúy. Lần thứ hai ông trở thành người lừa dối, để giữ cho con gái mình một gia đình yên ổn. 

Ông không ngờ đến lúc này, sự hy sinh của ông theo mây khói. Qúy Phi đã biết, sẽ thất vọng đau khổ. Và điều tệ hại hơn là nỗi thất tình. Chẳng lẽ sự lầm lỗi của ông lại đổ lên đầu con gái. 

Bỗng nhiên ông thấy mình già đi vì sự sụp đổ tinh thần. 

… 

Qúy Phi rời khỏi phòng, cô không kết tội ba, cũng không có một nhận xét nào. Cô im lặng suốt khi nghe ba cô nói sự thật. Và bây giờ đây, cô hiểu sâu sắc rằng: Trần Nghiêm thù hận ba cô chứ không phải ghét cô. Và điều kinh khủng hơn, làm cô vỡ mộng là ánh hào quang của ba mẹ cô đã vụt tắt ngấm. 

Cô ngồi một mình trong bóng tối, đau đớn với những ý nghĩ tuyệt vọng. Trần Nghiêm đã nói đúng. Cô sẽ đau khổ khi hiểu chuyện của người lớn. Bây giờ cô khổ sở hơn cả sự hình dung của mình. 

Hôm sau, cô đi làm với gương mặt phờ phạc mất ngủ. Cô vừa ra khỏi nhà xe thì gặp giám đốc Phú Hoàng đang đi với Trần Nghiêm. Thấy cô, ông Hoàng dừng lại, mỉm cười thân mật: 

– Thế nào rồi, cô kỷ sư trẻ? Công việc ổn định chưa? 

– Dạ, cũng bình thường rồi ạ. 

– Sao nhìn con xuống sắc vậy? Có bệnh gì không? Nếu không khỏe thì cứ nghỉ một buổi. 

– Dạ, con không sao hết ạ. 

– Ba con có khỏe không? 

– Dạ, vẫn bình thường chú ạ. 

Qúy Phi muốn đi, nhưng ông cứ hỏi cô hết câu này đến câu khác. Hỏi một cách quan tâm thật sự. 

Qúy Phi biết ông chú ý đặc biệt đến cô, nên cô cố gắng trả lời để đáp lại sự quan tâm đó. Còn thật sự là cô đang muốn khóc. 

Không hiểu sao, sáng nay thấy TRần Nghiêm, cô lại muốn khóc. Cô thấy anh nhìn cô tò mò. Rồi vẻ mặt anh như đã hiểu một điều gì đó. Như muốn hỏi “đã có gì xảy ra trong gia đình cô phải không?” Cô thật ngu dại khi cứ cố hiểu chuyện của người lớn. 

Giám đốc Hoàng chợt thay đổi nét mặt: 

– Con làm sao vậy? Có gì không? Nhìn con không được bình thường đó. 

Qúy Phi cố cười, nhưng cô không biết nụ cười của mình trông như mếu. Cô vội chào hai người rồi đi nhanh như bỏ chạy trước cái nhìn khó hiểu của giám đốc. 

Buổi chiều, sau giờ làm việc, Qúy Phi đi lên phòng Trần Nghiêm. Nhưng anh đã về. Thế là cô thất vọng đi trở xuống. 

Sau giờ làm, công ty trở nên vắng tênh. Các phòng đều im lìm trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều. Đi một mình trên dãy hành lang vắng lặng, Qúy Phi có cảm tương cuộc đời mình đang hiu hắt như chiều tà. Cô cảm nhận được mình cô đơn và hoang mang. Cảm giác đó xa lạ với tính vô tư của cô. 


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.