Tháng Ba, nắng xuân ấm áp đã rũ sạch hơi gió lạnh của mùa đông, vẫn chưa trở nên đỏng đảnh và hay gắt gỏng như nàng nắng hạ. Đôi khi, trời lại đổ một vài cơn mưa bóng mây. Những hạt mưa lất phất bay, chẳng đủ để ướt áo, chỉ để lại một vệt cầu vồng lấp lánh trong thoáng chốc rồi tan đi, theo những hạt mưa. Những cánh hoa mai rơi rụng, vàng rực từng khoảng sân. Dường như chúng muốn trút bỏ đi tất cả nhan sắc đã từng thổ lộ với mùa xuân, không còn lưu luyến gì nữa, vì sợ bị làm phiền trong giấc ngủ dài của mình. Hoa xoài bắt đầu nở, như muôn ngàn con sâu róm đang đung đưa giữa trời, phát ra mùi hương the thé quanh quẩn dưới gốc cây.
Tháng Ba, tháng của mơ mộng, tôi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa lớp, nghe lời giảng của cô giáo mà tưởng như tiếng gió vi vu. Tôi đang muốn viết một bài thơ tặng con Vy, đúng hơn là tặng sinh nhật nó. Kể từ hồi lớp Tám, tôi cũng tự viết được kha khá những bài thơ của riêng mình, nhưng xem đi xem lại thì chẳng bài nào dùng được. Sau những tiết học thả hồn theo mây bay, những lần mải làm thơ mà trễ hẹn, tôi cũng viết được vài bài mới, nhưng không biết nên tặng nó bài nào. Khi viết xong bài thứ nhất, tôi thấy không hay lắm và viết lại bài thứ hai. Nhưng khi viết xong bài thứ hai, tôi lại thấy bài thơ trước cũng được. Trong lúc cứ đắn đo như vậy, tôi viết thêm bài thứ ba, thứ tư. Trên những vòng quay của chiếc xe đạp, tôi mải mê nhìn những hàng cây bên đường, bên dưới bầu trời đang buông nắng vàng rực rỡ, và những áng mây bềnh bồng trôi.
– Ê, – Con Vy đạp xe lên trước mặt tôi – Mày bị sao vậy?
– Hả? – Tôi giật mình, suýt tông vào nó.
– Hả cái gì mà hả, tao kêu mày cả chục lần rồi đó. – Con Vy ngồi trên chiếc xe đạp mới của nó, chống chân trái xuống đất và nói.
– À, có chuyện gì không?
– Tao hỏi mày câu đó mới đúng, bữa giờ mày làm gì lơ tao hoài vậy hả? – Nó phập phồng cánh mũi thanh tú nhìn tôi.
– Có chuyện đó? – Tôi gãi gãi đầu.
– Hứ! – Nó xuống xe, dắt bộ đi về phía trước.
– Xin lỗi, – Tôi cười hì hì, tiến lên đi bên cạnh nó – Tao không để ý.
– Chứ mày để ý cái gì? Để ý đến con nào rồi đúng không?
– Đâu, làm gì có con nào đâu.
– Hứ! Ngu mới tin.
– Tao xin lỗi, nhưng mày tin tao đi mà.
– Ý mày nói tao ngu?
– Không, không, không, tao không có ý đó. – Tôi vội vàng bào chữa.
– Hứ!
Chúng tôi cứ thế bước đi trong ánh chiều tà. Thỉnh thoảng con Vy vẫn hay giận tôi như vậy. Đôi lúc là lỗi của tôi, nhưng đôi lúc tôi lại chẳng biết mình đã làm sai điều gì. Nói chung là cứ bị giận. Những khi ấy, chỉ cần xin lỗi vài câu là mọi chuyện lại xong xuôi. Nhưng lần này thì khác, đã gần tới nhà tôi rồi mà trông nó có vẻ như vẫn còn giận.
– Mày biết ngày mai là ngày gì không hả? – Nó dừng lại và hỏi.
– Biết, ngày Quốc tế Phụ nữ.
– Mày! – Nó đẩy chiếc xe đạp về phía tôi, tôi vội cầm lấy tay lái rồi dắt đi, mỗi tay một chiếc xe. Việc dắt xe như vậy có vẻ khó, nhưng nhiều lần như vậy thì tôi cũng quen rồi.
Tôi biết nó giận mình vì điều gì nên chỉ im lặng, và kín đáo nở một nụ cười. Hôm sau chính là sinh nhật con Vy, trùng với ngày Quốc tế Phụ nữ. Tôi muốn cho nó một điều bất ngờ nên chưa thể nói ra được. Lần trước gọi điện về nhà, chị Nhã đã dặn là dù có chuyện gì cũng phải giữ bí mật. Nếu nó càng giận, tức là nó càng mong chờ, và sau đó thì niềm vui của nó cũng sẽ càng lớn.
Chợt tôi nhìn thấy một bông hoa nhỏ màu trắng trong giỏ xe của con Vy. Tôi dừng lại, dựa chiếc xe của tôi vào tường, nhặt bông hoa lên và hỏi:
– Hoa này hoa gì nhỉ?
– Sứ. – Nó quay lại, liếc bông hoa và nói.
– Đẹp nhỉ, mày hái à?
– Không, – Nó trả lời cộc lốc – Tự rụng.
Tôi chợt nhớ trong sân nhà nó hình như có trồng một cây hoa giống thế này. Vuốt nhẹ cánh hoa trăng trắng, mịn màng, tôi xoay nhẹ cuống hoa trong tay và đưa lên mũi, hít vào hương thơm dìu dịu ấy.
– Vy!
– Muốn gì? – Nó quay lại hỏi.
Tôi nhìn nó và mỉm cười. Gương mặt đang cố tỏ ra giận dỗi ấy bỗng có chút ửng hồng dưới ánh hoàng hôn. Tôi nhẹ nhàng đưa tay lên, xua tan sự bướng bỉnh trong đôi mắt con Vy. Nó bắt đầu e thẹn và hơi cúi mặt xuống, và sự ngại ngùng ấy đã làm cho nắng không còn tươi nữa. Trong mắt tôi, không gì còn có thể tỏa sáng hơn gương mặt của nó lúc này. Cánh hoa nhỏ trong tay tôi đã nằm im trên mái tóc mềm mại tựa dòng suối, tỏa ra hào quang dìu dịu như một vầng trăng nhỏ. Bông hoa này giống như được sinh ra là để đặt vào nơi ấy vậy. Cơn gió chiều lướt qua làm những sợi tóc trôi bềnh bồng, mơn man lấy gương mặt thuần khiết. Con Vy trông như một cô dâu trong ngày cưới, thẹn thùng, dè dặt, nhưng cũng không kém phần rạng rỡ.
– Còn giận tao à? – Tôi hỏi khi đã về đến con hẻm vào nhà mình. Một câu hỏi khá ngớ ngẩn, tôi không biết mình mong chờ điều gì khi hỏi một câu như vậy nữa.
– Giận! – Con Vy nói, giật lấy chiếc xe rồi quay đi.
Tôi mỉm cười nhìn theo bóng lưng ẩn hiện bên dưới mái tóc đang tung bay trong gió chiều ấy rồi bước vào nhà. Tôi lên gác, ngồi ngay vào bàn học mà quên cả việc tắm rửa, ăn cơm. Những ý thơ cứ không ngừng tuôn ra trong đầu, nhưng tôi chỉ kịp giữ lại được một chút. Và tôi bắt đầu nắn nót viết từng chữ lên trang giấy:
Hoa sứ trắng ẩn trong tàn lá xanh
Nắng lung linh vui đùa trên cánh nhỏ
Gió ghé qua đưa hương về trước ngõ
Khẽ thẹn thùng, hoa khép cánh mong manh.
Hương hoa sứ thoang thoảng bên nhà nàng
Anh mơ màng, hồn theo về bên ấy
Chợt xuyến xao trước môi hồng mấp máy
Lòng bâng khuâng từ dạo ấy đến giờ.
Hoa sứ trắng như bờ má hững hờ
Lòng anh thầm thương nhớ bấy lâu nay
Hoa sứ trắng anh muốn đưa tay hái
Nhưng lại sợ hương nồng sẽ nhạt phai.
Tối hôm đó, tôi bị mẹ la vì ăn cơm lúc chín giờ tối và không chịu tắm, nhưng tôi vẫn thấy rất vui và cứ cười mãi. Tôi đặt tên cho bài thơ mới viết là Hoa Sứ Trắng, cẩn thận gấp tờ giấy theo kiểu gấp thư tay rồi kẹp vào trong hộp quà, món quà mà tôi đã mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Chiều Chủ Nhật của một tuần trước, tôi đạp xe đến Siêu Thị Sách và mất hai tiếng đồng hồ đi lang thang trong đó. Có rất nhiều thứ ngộ nghĩnh, dễ thương có thể dùng để làm quà cho con Vy nên tôi không biết chọn cái nào. Những quả cầu pha lê đầy tuyết, bên trong là một nàng công chúa xinh đẹp nhưng tôi chẳng biết tên. Những chiếc chuông gió treo lơ lửng giữa không trung, phát ra tiếng kêu thanh thúy khi tôi đưa tay lắc những quả chuông. Tôi lật lại những chiếc đồng hồ cát, đồng hồ nước có đủ màu xanh, đỏ, và đếm xem mất bao nhiêu giây để chúng chảy xuống hết. Tôi cầm những bức tượng gỗ, tượng sứ nhỏ bé xinh xinh lên và quan sát như một nhà khảo cổ. Đôi lúc, tôi cũng mải mê ngắm nghía những chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa, niềm đam mê to lớn của tôi thuở nhỏ.
– Em đang tìm mua quà sinh nhật cho bạn gái à? – Một giọng nói quen thuộc vang lên làm tôi giật mình. Là chị gái lần trước giới thiệu sách cho tôi. Tôi có chút bất ngờ vì sau nhiều năm như vậy chị vẫn còn ở đây, trong khi những người khác thì đã lần lượt đến rồi lại đi.
– Dạ, – Tôi gãi đầu nói – Bạn thôi ạ, nhưng là con gái. Nhiều thứ hay quá nên em không biết chọn cái nào.
Chị ấy nhìn lướt qua những món đồ trên kệ, chống cằm lên ngón tay trỏ và suy nghĩ. “Đi theo chị” – Chị ấy nói rồi dẫn tôi đi đến cuối một gian hàng và chỉ vào một thứ trên đó. Một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, phía trước là một bãi cỏ xanh với những bông hoa hồng đua nở và hai chú chó đang tung tăng nô đùa. Phía bên trái là một cái xích đu nhỏ, có hai đứa trẻ đang ngồi cười nói vui vẻ. Phía bên phải là một cái cối xay gió, trên ba cánh quạt là những nét chữ xinh xắn màu cà phê: “You’re so cute”, “I love you”, “Alway be mine”. Có một chỗ sai chính tả, nhưng sau một hồi đắn đo, tôi cảm thấy điều đó cũng không ảnh hưởng gì lắm. Đặt ngón tay lên cánh quạt của chiếc cối xay và quay theo chiều kim đồng hồ, tôi cảm nhận được tiếng dây cót vang lên “cành cạch”. Khi thả tay ra, những cánh quạt chầm chậm quay theo hướng ngược lại, ngôi nhà thì vang lên những tiếng “đính đoong” vui tai, và chiếc đèn màu đỏ trên ống khói nhấp nháy theo điệu nhạc.
– Cảm ơn chị. – Tôi nói, nhẹ nhàng nâng ngôi nhà ấy ra khỏi kệ. Ra tới quầy tính tiền, tôi nhờ chị thu ngân cho vào trong một cái hộp rồi gói lại bằng tờ giấy màu hồng có hình những con Kitty đáng yêu bên trên. Tôi có chút đau lòng, vì với số tiền ăn sáng ít ỏi của mình, tôi đã phải tích góp hơn hai tuần mới mua được món quà đó. Tôi nhìn về nơi chị gái khi nãy đang đứng, hơi cúi người và nói cảm ơn chị lần nữa trước khi ra về.