Nguyễn Toàn là thái giám Thủ đẳng, giữ chức vụ Điển sự, trực tiếp hầu cận bên cạnh nhà Vua. Ông vốn là “giám sinh” – tức là người sinh ra vốn đã khiếm khuyết, không thể làmngười đàn ông bình thường.
Được đưa vào cung từ nhỏ, do khôn khéo hiểu lòng người, ông rất sớm được cất nhắc, theo hầu nhà Vua hiện tại đã được gần hai chục năm.
Là người thân cận nhất của vua và biết rất rõ về đời tư của ngài, nhưng có những hành động, lời nói của Vua ông không tài nào lý giải được. Bản thân lại không toàn vẹn, ái tình lục dục cái biết cái mơ hồ, có những lần thật đã làm khó vốn hiểu biết nông cạn của ông.
Như mấy ngày trước, Vua phê tấu chương mệt mỏi, sinh nhã hứng ra chái hông điện cần Chánh nghe chim Vàng Anh hót.
Con chim Vàng Anh với bộ lông vàng rực rỡ, điểm xuyết đen tuyền vốn rất được Vua ưu ái, hôm ấy quả thực muốn chết, Vua gọi rồi đến ông suỵt thế nào nó cũng không chịu hót nữa.
Vua Sai ông nhắc cái lồng xuống, trong lúc ông còn đang bê, Vua đột nhiên thò tay vào trong bắt lấy chú chim tội nghiệp, không nói thêm lời nào tự tay bóp chết nó. Con chim xinh đẹp mới nãy còn nhảy nhót, phút chốc mỏ há ra, sự sống tắt ngúm trong đôi mắt tròn xoe. Xong Vua vứt con chim đi, còn thong thả lấy khăn chậm chạp lau từng ngón tay dính máu.
Quả thực khi ấy, kẻ vốn đã từng trải, chai lỳ như ông cũng không khỏi lạnh toát sống lưng.
Ông còn nhớ, lúc quay đi Vua bỗng nói một câu vô thưởng vô phạt:
– Ngươi bảo, nàng chơi đùa đã đủ chưa? Trẫm thì buồn chán thật rồi!
Chẳng phải là đánh đố kẻ hèn mọn như ông sao!
………………………..
– Ngươi tự mình xem đi!
Nguyễn Toàn cúi đầu nhận mệnh, vội vàng nhặt lên quyển tấu chương Vua vừa quăng xuống đất. Nếu ông không nhầm, trong giọng Vua có một sự hưng phấn kỳ lạ. Thật trái với nội dung không hay của quyển tấu chương này.
Từ lâu, để tránh sự lộng quyền của các thái giám trong cung cấm, triều đình đã sử dụng hệ thống thái giám vào những việc sai vặt chứ nhất định không cho can dự vào triều chính. Ông cũng không phải là ngoại lệ, vì đối với Vua, chức vụ thần tử càng cao, nguy cơ càng nhiều. Nhưng là thi thoảng, khi Vua hứng khởi, sẽ cho ông xem một hai điều, sẽ phân tích cho ông thế cuộc. Ông hiểu, Vua coi mình như cái hòm kín, nghe được điều gì chỉ có thể sống để bụng chết mang theo mà thôi.
– Thưa hoàng thượng, việc này….
– Hừm, Bát giai Mỹ nhân thế mà to gan, dám hạ độc mạn đà la vào thuốc nhuộm y phục dâng Hoàng thái hậu, trẫm thật muốn biết, ai cho nàng ta cái lá gan đó.
– Kính thưa Hoàng thượng, Bát giai Mỹ nhân vốn là em ruột của An tần…
– Gan ngươi lớn rồi đó, Toàn – Trước cái nhìn sắc nhọn của Vua, thái giám Nguyễn Toàn vội vàng quỳ sụp xuống. Tay tự giác liên tục vả miệng mình “ Nô biết tội, xin hoàng thượng khai ân”.
– Ngừng đi – Nhà Vua vẻ phiền chán phất tay – Ngươi cứ diễn mãi cái trò ấy. Quân pháp bất vị thân, Mỹ nhân có tội còn phải xử nặng hơn dân thường.
Lại đây mài mực cho trẫm.
Nguyễn Toàn vâng dạ, nhanh nhẹn đến bên thư án vén tay áo mài mực, quả thực mắt nhìn mũi mũi nhìn tâm, không dám tơ hào gì nội dung Vua viết.
Chẳng biết có phải do hoa mắt không, ông lại thoáng thấy khóe miệng Vua khẽ cong lên.
………………………
– Là anh trai con thật mà ! Tấm đưa tay lên lau mồ hôi, thật khổ khi phải nhắc lại mãi câu này.
Bà con thôn làng mới rất đáng yêu, cởi mở, chỉ tội hơi quá quan tâm chuyện riêng nhà người ta. Cô đã nói bao lần rằng Khoai chỉ là anh trai mình, nhưng họ lại bĩu môi mà bảo, có anh trai nào chăm sóc em, nhìn em theo cách đó. Khoai cũng ghóp phần giải thích, càng giải thích càng đen. Mọi người nhìn đôi trẻ, cứ cười cái kiểu chúng tôi biết tỏng rồi nhé làmTấm thật rầu lòng.
Khoai lại càng làm cho cô tức giận. Đã chuẩn bị chỗ ở cho cô tươm tất xong, anh vẫn lần lữa không chịu về làng ở. Biến mất một thời gian, chỉ về qua làng rồi lại lên núi săn bắn, kiếm chút đồ đổi chác đồ sinh hoạt cho Tấm. Tấm tỏ ý ngại, anh sẽ lên ở luôn trên lán, chỉ thi thoảng xuống thăm cô.
Ánh mắt thâm tình khiến cho nước sông cũng sôi ùng ục, bảo là anh em có quỷ mới tin. ĐếnTấm cũng dần dần không còn tin tưởng vào sự quyết tâm của mình nữa.
– Mà con từ đâu tới nhỉ? – Bà bác đang giặt đồ bên cạnh chợt thắc mắc. Tấm xinh đẹp như thế, hiền dịu, chất phác, thật giống cô con gái quê. Nhưng làn da Tấm lại ngọc ngà, hình dung yểu điệu như thể tiểu thư được nuôi dưỡng trong khuê phòng.
– Bà này thật lắm chuyện – Một Bà nhiều tuổi hơn xen vào trách móc – Đã nói là bố mẹ mất sớm, anh em nó lưu lạc nhiều nơi ấy đâu…
– Là tôi hỏi vậy thôi, vì á, nếu cháu nó từng sống ở làng bên kia núi, hẳn là biết chuyện nhà đấy…
– Bà bảo cái chuyện phi tử của Vua phạm tội bị giải về quê chờ xử ấy à?
– Đấy đấy…thật là ác quá đi, đến cả mẹ vua cũng muốn làm hại, tôi còn nghe mẹ con nhà ấy từng giết con riêng của chồng để cướp chỗ trong cung kia đấy…
– Lạy phật bà…..thật là thất đức quá đi- Bà lớn tuổi hơn chép miệng – Chúng ta á, người nghèo đừng có cố với cành cao, với cao té đau mà..
Tấm không nghe nổi hai bà nói gì nữa. Tiếng cười nói vang một khúc sông, truyền vào tai cô chỉ như tiếng cả đàn ong vù vù. Cô xây xẩm mặt mày chợt ngồi phịch xuống. Nước té ra xung quanh làm ướt cả mấy người phụ nữ. Vội xin lỗi, thoái thác mình có việc gấp, Tấm ôm mấy bộ quần áo hẵng còn sũng nước chạy như bay về nhà.
Cô tự nhủ, phải về làng ngay bây giờ, nhưng bằng cách nào? Anh Khoai có biết việc này không, sao chưa nghe anh bảo với cô?
Hẳn là sự thật rồi, vì hồi hôm thấy anh có vẻ là lạ. Đầu óc Tấm quay cuồng trong nỗi sợ, chân đi qua lại đến phát đau.
Cám à, em phải chờ chị, nhất định em không được có việc gì! Tấm thầm cầu nguyện, thầm tính toán cách cứu Cám, trong khi chính cô đã xem nhẹ một việc, bây giờ, trên danh nghĩa, cô đã là người chết rồi.