Bình minh đang lên, ánh mặt trời buổi sáng mùa đông lặng lẽ nhô lên khỏi mặt biển. Tuy không thật rạng rỡ, lung linh nhưng cũng đủ ấm áp để xua đi sự lạnh lẽo đang ngự trị trên bãi biển. Sóng biển nhẹ nhàng tràn lên bờ cát, khiến những chiếc thuyền thúng tròn vo cứ dập dềnh trên mặt nước. Sự yên tĩnh của buổi sớm mai càng làm cho bản tình ca rì rào của sóng biển thêm phần du dương, êm ái. Hạnh ngồi trên bãi cát, ánh nắng sớm đang mơn man trên tóc, trên mặt cô, tặng cho cô một chút hơi ấm hiếm hoi của buổi sáng mùa đông. Mặt trời dần nhô lên khỏi mặt biển, nhưng chiếc cầu ánh sáng lung linh của nó vẫn nhảy múa trên sóng biển, chiếu thẳng vào mắt Hạnh. Những tia nắng nhuộm vàng lên cánh rừng Phi Lao đang xào xạc phía sau lưng cô. Đúng như Phan đã từng nói, Biển mùa đông thật đẹp. Nhưng sao với Hạnh, vẻ đẹp đó mới lạnh lẽo, buồn bã và đơn côi làm sao?
Tiếng cười đùa lao xao phá tan sự yên tĩnh mong manh buổi sớm mai. Những đưa trẻ làng chài ra biển sớm để đón những chiếc tàu đánh cá nhỏ không đủ sức ra khơi xa, đành phải đánh bắt gần bờ. Bọn trẻ ở vùng này phải làm việc từ rất sớm, cho dù chúng mới chỉ khoảng 12, 13 tuổi. Đứa nào cũng ăn mặc phong phanh, gầy gò, đôi môi tím tái lại vì lạnh và da đen trũi, tóc cháy nắng vàng hoe. Dấu ấn của mùa hè gay gắt nắng cháy không dễ gì phai nhạt cho dù mùa đông đã đi đến cuối chặng đường ngự trị của mình. Hạnh uể oải đứng dậy, sự bình yên hiếm hoi của cô đã vừa trôi qua, cô cần phải trở về để giúp người mẹ nuôi bày biện quán nước bé nhỏ của bà, chuẩn bị cho một ngày khám bệnh vất vả và đến thăm đứa nhỏ. Đã hai hôm rồi cô không đến thăm, nhưng chắc là nó đã ổn. Nghĩ tới đứa nhỏ, cô mỉm cười, nụ cười đã chạy trốn cô từ lâu nay đã theo những hạt nắng sớm để quay trở lại. Bởi giờ cô đã là “bác sỹ riêng” của cả một xóm chài nghèo, dù chỉ là khám bệnh miễn phí, nhưng với cô đó còn hơn là một niềm hạnh phúc. Ước mơ được chăm sóc những đứa trẻ đã quay trở lại với cô, như một giấc mơ và bằng một cách mà cô không ngờ tới nhất.
Bị đánh thức trong đêm bởi tiếng kêu khóc từ bên nhà hàng xóm, trong khi đàn ông trong xóm đã ra biển hết cả. Hai mẹ con Hạnh hốt hoảng bật dậy, vội vàng chạy qua. Trong nhà, người hàng xóm đang ngồi sụp bên cạnh đứa bé đang nằm phủ phục trên giường, kêu khóc thảm thiết. Người mẹ trẻ cũng sụt sùi khóc, không dám động vào con bởi đứa bé cứ khóc thét lên vì quặn đau nếu thay đổi tư thế. Rất nhanh, Hạnh lao tới đứa bé, chẩn đoán ban đầu là có thể đứa bé bị Giun chui ống mật hoặc viêm tụy cấp. Bởi nó đang nằm chổng mông lên cao, hai tay cứ ôm lấy thượng vị, và bên cạnh, một vài vũng thức ăn bị nôn ra còn lẫn dịch màu vàng. Hạnh gạt người mẹ ra, ôm lấy đứa bé, rồi thét lên nhờ người dẫn đường tới trung tâm y tế của thị xã ngay gần đó. Phải nhanh lên mới kịp.
Trung tâm y tế của thị xã là một dãy nhà cấp bốn được xây dựng từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Những bức tường sơn vàng đã bong gần hết sơn và phủ đầy rêu mốc. Một dãy dài những chiếc bóng đèn sợi đốt tỏa xuống hành lang thứ ánh sáng mờ mờ, leo lét. Nữ y tá Thu Trang đang nằm trong phòng trực, trời lạnh quá, nhưng may mắn là chiếc chăn dày mà cô quấn quanh mình như một chiếc kén đang giúp cô có một giấc ngủ say. Bỗng có tiếng kêu cứu bên ngoài đánh bật cô ra khỏi mùa xuân ấm áp trong chiếc kén của mình. Vội vàng khoác thêm áo vì ngoài trời đang rất lạnh, và còn có cả mưa. Cô lao ra phía cửa, không một tiếng phàn nàn, hay tỏ vẻ phật ý khi cô gái trẻ đang ôm đứa bé cứ quát sa sả vào mặt cô đòi cô phải nhanh nhanh mở cửa phòng cấp cứu. Mười năm trong nghề y tá dạy cho cô sự kiên nhẫn và cảm thông sâu sắc. Tuy nhiên cô không thể không phật ý khi cô gái với giọng nói rõ ràng không phải người vùng này, cứ lên giọng dạy cô phải làm gì. “Cô ta làm như cô ta là sếp của mình không bằng? Hay cô ta nghĩ cô ta là bác sỹ còn mình chỉ là sinh viên thực tập?”. Nhưng rồi cô nhanh chóng hạ nhiệt khi cô gái chứng tỏ bản lĩnh của mình dù vẫn nói như ra lệnh:
– Chẩn đoán ban đầu của tôi, có thể là viêm tụy cấp hoặc giun chui ống mật, nhưng tôi nghiêng nhiều hơn về viêm tụy cấp. Làm xét nghiệm Amylase và lipase để xác định chính xác hơn.
Hạnh dứt lời, cô nhìn người y tá vẫn đứng sững giữa phòng, định quát lên hỏi sao cô ta vẫn đứng đó nhưng rồi chợt nhớ ra mình đang ở đâu thì kịp ngưng ngay lại, bối rối xin lỗi vì mình đã quá lo lắng mà tỏ ra quá đáng. Nhưng người y tá không có tâm trí nào để quan tâm tới chuyện đó, cô ta cũng đang bối rối vì trung tâm y tế quá neo người và đang là nửa đêm, lấy đâu ra người để làm xét nghiệm Amylase hay Lipase? Mà cái loại xét nghiệm quái quỷ đó, thề có trời là cô không hề biết làm dù chỉ là một công đoạn bất kỳ. Hạnh nhanh chóng đọc được ý nghĩ của cô y tá:
– Đưa tôi đến phòng xét nghiệm, tôi có thể làm được. Bây giờ mà đợi cô gọi bác sỹ hay đưa lên tuyến trên thì muộn mất.
– Nhưng…
– Xin đừng chần chờ nữa. Tôi là bác sỹ, làm ơn tin tôi đi. Trong khi tôi làm xét nghiệm, giúp tôi theo dõi và ghi lại các triệu chứng của bệnh nhân, được chứ?
Không còn cách nào khác, cô y tá đành chỉ cho Hạnh căn phòng nằm im lìm ở cuối hành lang tối tăm. Hạnh lắc đầu ngao ngán, căn phòng xét nghiệm tồi tàn chỉ vẻn vẹn có một chiếc máy sinh hóa máu bán tự động Screen Master cũ kỹ của Ý, một chiếc kính hiển vi hai mắt để đếm công thức máu thay cho máy huyết học. Một chiếc máy xét nghiệm nước tiểu Clinitek 50 cũ kỹ đến nỗi cô tưởng nó được lấy ra từ một viện bảo tàng nào đó. Cô thở dài, chỉ cầu trời cho chiếc máy sinh hóa không dở chứng giữa chừng.
Cuối cùng, cô cũng có kết quả xét nghiệm sau cả tiếng đồng hồ vật lộn với chiếc máy Screen Master cổ lỗ sỹ nhưng đỏng đảnh quá mức. Vội vã chạy trên hành lang leo lét ánh đèn để trở về phòng cấp cứu, cô nói trong tiếng thở hổn hển:
– Giúp tôi đặt ống sond thông mũi – dạ dày, chúng ta cần làm ngay mới được. Cho tôi một liều Somatostatin. Đề phòng bội nhiễm, không loại trừ khả năng có thể đề nghị dùng thêm Ampicillin kết hợp với Amikacine và Metronidazole. Tôi sẽ đọc và cô sẽ giúp tôi kê toa, được chứ? Chúng ta cần theo dõi thêm, rồi có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên làm thủ thuật siêu âm hoặc chụp cắt lớp để phân loại Balthazar. Kìa, cô đặt ống sond ngay đi, còn chờ đợi gì nữa?
“Chẳng lẽ điều mình yêu cầu là một đòi hỏi quá đáng?”, cô bực bội nghĩ thầm khi thấy cô y tá vẫn đứng sững như một bức tượng. Nhưng hóa ra Hạnh đang đòi hỏi những điều thực sự là quá đáng thật. Bởi người y tá có thừa sự tận tâm và nhiệt thành, nhưng chuyên môn thì không đủ để có thể làm thủ thuật đặt ông thông mũi – dạ dày. Mà giữa đêm khuya, làm sao có thể đợi bác sỹ tới kịp? Quá sốt ruột vì tiếng kêu khóc của đứa trẻ và cả mẹ nó, Hạnh xin một đôi găng tay khác và nhanh chóng bắt tay vào công việc.
Chiếc đồng hồ trên tường vừa boong boong lên tiếng than vãn rằng bây giờ đã là hai giờ sáng.