Sáu giờ sáng, tất cả chúng tôi tập trung ở từ dường, ông trẻ và mấy ông cụ biết chuyện đều được mời tới.
Đường cống ngầm kia đã bị chú Ba lèn đá vào thật chặt, sau đó đổ xi-măng trộn cám trấu vào, ngoài ra, chú Ba còn chặn hết tất cả những đường ống thoát nước trong nhà nữa. Lũ ốc bị xúc qua một bên, đập bể hết rồi dùng lửa thiêu đốt.
Sáng sớm mùa đông, trời còn chưa sáng hẳn, chỉ độc một màu xam xám mờ mờ, lễ cúng chín cỗ quan tài đã xong xuôi, đến trưa nay là có thể hạ táng. Nhưng bây giờ, nghi thức long trọng như vậy đã chẳng còn quan trọng nữa rồi, chúng tôi ngồi quây quần quanh lò lửa, chỉ cảm thấy bầu không khí rất âm u đáng sợ.
“Thằng cha đạo sĩ nào nói phải phóng sinh lũ ốc, để bố mày dìm nó xuống hố xí chết tươi.” Chú Ba giận dữ nói.
Ông trẻ lầm bầm một tiếng: “Bây giờ mày có dìm nó xuống hố xí cũng vô dụng.” Ông ho khùng khục mấy tiếng, hiển nhiên đêm qua không ngủ ngon: “Suy nghĩ xem chuyện này là thế nào đi thì hơn.”
“Tôi thấy, chắc chắn là do ma hành mẹ nó rồi.” Một người nói.
“Mày đã gặp con ma nào như thế này chưa?” Tào Nhị Đao Tử ngồi một bên chế giễu. “Hoặc là con ma Tam gia nhà mày vốn như thế vậy.”
Người vừa nãy là người của chú Ba, lập tức trợn mắt quát, “Mày thì biết cái đéo gì, mày đã bao giờ xuống đất chưa?”
Ông trẻ xua tay cản hắn lại: “Được rồi, có cái đếch gì thì cũng để giải quyết xong chuyện này hẵng tính, bây giờ tao không muốn nghe chúng mày nói nhảm.”
Người nọ rụt về. Ông trẻ liền nói với chú Hai: “Ngô Nhị Bạch, con vốn là Cẩu đầu sư gia, bình thường con là người thấu đáo nhất, đừng cứ im lặng mãi thế, thử nói xem con nghĩ gì về chuyện này nào.”
Bình thường trong các tình huống như thế này, chú Hai không bao giờ nói gì, bây giờ đã bị hỏi tận mặt rồi, chú đành phải nhíu mày nói: “Con không chắc được, nhưng mà, con nghĩ trong chuyện này ắt có kẻ ngấm ngầm giở trò.”
“Giở trò?” Ông trẻ lắc đầu, nhắc lại chuyện canh chừng cái bóng ma bằng ốc bùn tụ lại kia suốt ba tiếng đồng hồ mà vẫn không hề suy suyển, rồi nói: “Ta đây tận mắt nhìn thấy, sao có thể là giả được?”
“Việc gì cũng có cách giải thích của nó. Vấn đề chỉ là khả năng lớn hay nhỏ mà thôi.” Chú Hai nói.
“Thế à, thế thì con nói thử xem nào.” Ông trẻ có vẻ hứng thú, nói.
“Ví dụ như ông là kẻ giở trò kia chẳng hạn, thế thì có thể giải thích được mọi chuyện rồi.” Chú Hai nói: “Ai biết là ông nói thật hay giả, ốc bùn, nơi này là nông thôn mà, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu đều được.”
Ông trẻ đập bàn cái rầm: “Láo toét!”
“Con chỉ ví dụ thôi.” Chú Hai nói: “Muốn lý giải thì thế nào cũng có cách lý giải cả, con cũng có thể nói là hồn ma của cái xác phụ nữ kia đã ám lên lũ ốc, nói thế nào chẳng xuôi, suy nghĩ vấn đề này vô ích.”
Tào Nhị Đao Tử nói: “Thế ông anh nghĩ bây giờ chúng ta phải làm gì? Huy động cả thôn đi giết ốc à?”
Chú Hai lắc đầu nói: “Điều chúng ta phải làm, đó là làm rõ tại sao trong mộ tổ lại dư ra cỗ quan tài này, đây mới là căn nguyên của mọi vấn đề, giải quyết được nó thì phần còn lại dễ đoán rồi.”
Cả đám người lặng thinh, hiển nhiên, chú Hai nói đúng.
“Sợ là việc này khó, cỗ quan tài này lâu quá rồi, mấy cụ phía trên cũng không còn tại thế nữa, e là sẽ trở thành câu đố vĩnh viễn không giải được.” Ông trẻ nói.
“Chẳng lẽ không còn một ai cả sao?” Chú Hai hỏi.
“Hình như đúng là…”
Khi ông trẻ vừa nói, bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng quen thuộc, nghĩ một chút mới sực nhớ ra: “Ông ơi, không phải ông từng nói ở thôn bên kia có một cụ tên Từ A Cầm hơn 100 tuổi đó sao? Ông cụ đó còn từng giúp nhà ta sửa từ đường mà, chúng ta có thể đi hỏi thăm thử xem sao.”
Nghe đến đó, hai mắt ông trẻ sáng bừng lên: “Đúng rồi, đúng là có một Từ A Cầm.” Nhưng ngay sau đó lại cau mày nói: “Nhưng ta không biết bây giờ ông ta ra sao nữa, hơn 100 tuổi, liệu có còn nhớ chuyện năm xưa chăng?”
“Từ A Cầm?” Chú Ba lẩm bẩm một tiếng, như thể có chút ấn tượng gì đó.
“Chuyện này quái gở như thế, nếu ông ta biết, thì chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức ông ta.” Chú Hai nói: “Bất kể thế nào, bây giờ chúng ta cũng chỉ có mỗi nước đó thôi, con không muốn sau này phải nhìn thấy ốc chạy đầy đường đâu.”