[Ngôn Tình] Thích Khách

Chương 32: Lời cuối truyện



Giấc mộng ban ngày của kẻ tầm thường

Nói thật thì, quay lại lật xem lời cuối sách viết lúc hoàn thành “Nửa chén rượu” hơn ba năm trước, đã sớm không còn hùng tâm tráng chí khi ấy nữa.

Hai ngày trước, giáo viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đăng một bài thơ nhỏ lên trang cá nhân, viết: “Khi còn trẻ, con gà nào cũng hết lòng tin rằng mình là phượng hoàng, một sáng nọ, rốt cuộc chúng cũng bay lên cây ngô đồng thật cao, lại phát hiện ra: chỉ biết gáy.” Lại chẳng đúng quá, thời niên thiếu tự cho là tài hoa hơn người, lòng cao hơn trời, quay đầu nhìn lại cũng chỉ là một trong số muôn vàn chúng sinh mà thôi. Với sáng tác, tôi vẫn có nhiệt tình từ tận thâm tâm, nó đã cùng tôi vượt qua rất nhiều thời điểm khó khăn, chẳng hề khoa trương, ba năm nay, mỗi khi rơi vào điểm lõm của cuộc sống, sầu não hoang mang, đều là sáng tác lấy lại tinh thần cho tôi, nhiệt tình đem lại năng lượng rất lớn, chính tôi cũng không kịp chuẩn bị; mặt khác, tôi đã chấp nhận rằng mình bình thường, nhưng bình thường cũng có sao, có thể tạo ra giấc mộng ban ngày thuộc về chính mình đã xem như thành công rồi.

Nếu nhớ không lầm, chương đầu tiên của “Thích khách” viết vào đêm trước giao thừa 2017, hình như là đêm cúng ông Công ông Táo, tình huống cụ thể thì đã sớm không nhớ nổi, chỉ nhớ là tương đối thỏa mãn phấn khích. Từ hồi cáp ba, tôi đã tâm tâm niệm niệm muốn tạo ra một đôi trai gái tương ái tương sát, liếm vết thương cho nhau trong bối cảnh võ hiệp từ ngòi bút mình, đáng tiếc trước đây bút lực chưa đủ, nháp hỏng hết thiên này đến thiên khác, mãi vẫn không ra được tác phẩm hài lòng. Thế nên sau khi viết xong chương đầu tiên của “Thích khách”, tôi khá hưng phấn – đây chính là cảm giác tôi mong muốn, hoàn mỹ hết sức. Cũng chính vì có mở đầu tuyệt vời như vậy nên tôi không nỡ có chút qua quýt lấy lệ nào với câu chuyện này, độc giả cũ hẳn là biết tuy dàn ý toàn truyện đã trải qua mấy lần sửa đổi thậm chí là xóa đi viết lại, nhưng từ đầu đến cuối nội dung chương thứ nhất vẫn không thay đổi. Tôi rất cảm ơn bản thân của hơn ba năm trước đã viết ra một mở đầu tuyệt đẹp như thế, đầu voi đuôi chuột là chuyện tôi không sao chịu đựng được, nếu không phải có chương đầu tiên khiến tôi hài lòng đến thế thì có lẽ tôi đã chẳng cách nào duy trì được đến giờ.

Mọi việc đều khó mở đầu, mở đầu rồi mới có cuối. Tính từ lúc đăng chương thứ nhất, tác phẩm gần một trăm mười ngàn chữ này viết suốt ba năm lẻ tám tháng, toàn truyện tổng cộng xóa đi viết lại hai lần, tháng 4 năm 2017 viết được năm chục ngàn chữ rồi xóa đi viết lại, tháng 6 năm 2018 viết được một trăm ngàn chữ lại lần nữa xóa đi viết lại, khung sườn sửa mấy lần, thiết lập nhân vật, tên họ của vai chính vai phụ đều trải qua vài bận thay đổi, tháng 11 năm 2020 tuyên bố hoàn thành, quả thật ban đầu không lường trước được sẽ viết lâu như vậy.

Trải qua quá trình giày vò lên xuống này, có ba khuyết điểm tương đối rõ rệt: Một, khả năng sắp xếp bố cục không đủ, dẫn đến tác phẩm này vốn dự kiến dài hai trăm ngàn chữ, sau quyết định xóa đi viết lại lần hai đã bẻ đôi số chữ, cuối cùng chỉ viết được hơn một trăm ngàn, với bút lực của tôi hiện tại, tôi sợ rằng sẽ không thể khống chế độ dài hai trăm ngàn chữ, thế nên nếu không ngoài dự liệu thì truyện sau vẫn chỉ khoảng một trăm ngàn chữ. Hai, lúc sáng tác rất khó viết liền một mạch, sau khi viết xong một chương thi thoảng còn phải quay lại sửa, bất kể là chỉnh lại tình tiết hay tăng giảm các loại miêu tả, điều chỉnh tên họ nhân vật, thậm chí ngay cả phần lời cuối sách này tôi cũng đã sửa đi sửa lại nhiều lần, số chữ từ không đến một ngàn bây giờ đã lên đến bốn ngàn, trước sau mất hơn nửa tháng. Điều này dẫn đến việc các độc giả đã đọc từ trước sẽ nảy sinh cảm giác cốt truyện trước sau không ăn khớp, đáng tiếc là tôi quả thực không có cách nào khác, thiên phú sáng tác đúng là tầm thường, chỉ có thể đạt được hiệu quả mình muốn bằng cách sửa đi sửa lại. Thứ ba, không đủ chăm chỉ, quá lệ thuộc vào cảm hứng, “Cảm hứng đến như tia chớp chiếu lòa mặt đất”, tôi chưa từng lập dàn ý, bởi tôi cho rằng sự tồn tại của dàn ý sẽ hạn chế trí tưởng tượng phát huy, điều này dẫn đến lúc có cảm hứng văn vẻ như suối tuôn, lúc không có đầu khô như đất nẻ. Một trong những phương pháp quan trọng nhất để được nhiều người biết đến khi làm tác giả kí hợp đồng ở Tấn Giang là lên bảng thông báo, với tôi mà nói có cũng như không, bởi tôi không thể nào viết được một, hai chục ngàn chữ có chất lượng trong vòng một tuần, trong quá trình đăng “Thích khách” thậm chí từng có ba tháng không cập nhật một chương nào, mỗi người làm sáng tạo lại có một thiên phú khác nhau, hiển nhiên tôi thuộc loại trì độn, không hợp làm cây bút mạng nhất. Với tôi, viết văn cần sự lắng đọng trong một thời gian dài, hai lần xóa đi viết lại toàn bộ truyện, có một nguyên do rất lớn trong đó chính là vì định cố cho lên được bảng thông báo, không suy xét kĩ càng tình tiết và ngôn ngữ nên dẫn đến cốt truyện phát triển sai lệch, làm thế nào cũng không viết tiếp được nữa, ngoài viết lại ra chẳng còn cách nào khác. Thật sự đáng tiếc, từ nay về sau sợ rằng tốc độ cập nhật của tôi vẫn sẽ như cũ, các độc giả đương nhiên sẽ phải thất vọng, nhưng đó là tôi.

Ngoảnh đầu nhìn lại, tác phẩm này tuy ngắn, bình luận tích cực kể ra cũng thường thường nhưng đối với tôi thì rất ấm áp, rất có sức nặng. “Nửa chén rượu” là nhân chứng chứng kiến tôi từ học sinh lớp mười hai trở thành sinh viên, mà trong hơn ba năm sáng tác “Thích khách”, tôi ngoài đời thực đã từ sinh viên năm nhất trở thành lính mới đi làm. Một mặt, trong tác phẩm này chứa đựng buồn vui mừng giận, chua ngọt đắng cay của tôi trong gần bốn năm, xem lại một vài chương, thậm chí tôi có thể nhớ rõ lúc viết những chương này, ngoài đời thực tôi đang trải qua biến cố gì; mặt khác, đúng như đầu đề của lời cuối truyện, tác phẩm này thỏa mãn ảo tưởng của tôi về võ hiệp.

Trong “Người sáng tác và giấc mộng ban ngày” của Freud viết: “Chúng ta có thể khẳng định rằng một người hạnh phúc chắc chắn không biết ảo tưởng, chỉ người có ước vọng không được thỏa mãn mới biết. Động lực của ảo tưởng là ước vọng không được thỏa mãn, mỗi một lần ảo tưởng là một ước vọng được thực hiện, nó có liên quan với thực tế khiến người ta không thể cảm nhận sự thỏa mãn.” Lần đầu tiên tiếp xúc với võ hiệp đồng thời nảy sinh hứng thú và ảo tưởng là lúc xem phim “Thần thám Địch Nhân Kiệt” cùng mẹ hồi tiểu học, cực kì thích cặp trai gái võ công thượng thừa Lý Nguyên Phương và Như Yến trong phim, mà nay đi tìm căn nguyên, chấp niệm viết nên một cặp đôi nhân vật giỏi võ công, tương ái tương sát của tôi có lẽ là từ đấy. Đếm tiếp là lần đầu tiên tiếp xúc với truyện võ hiệp qua series Thính Tuyết Lâu của Thương Nguyệt, lần hai lần ba là một lượng lớn tác phẩm của Kim Dung. Hiện giờ quay lại phân tích lí do thích võ hiệp, đúng như lời của Trương Táo trong “Trung kính”: “Chuyện nguy hiểm cố nhiên mỹ lệ.” Giết người trong đêm không trăng lộng gió, đao quang kiếm ảnh máu tung tóe, chỉ e điều khiến thế giới võ hiệp u mê từ thời tấm bé đến giờ hấp dẫn tôi chính là ngoài đời thực không tiếp xúc được với mỹ cảm mà vũ khí lạnh và những miêu tả đầy kích thích máu me của văn học đem lại. Động lực của ảo tưởng là ước vọng không được thỏa mãn, tôi ngoài đời thực thật ra là một người khá nhát gan, không mạnh mẽ, rất ít khi có thể phản kích hữu hiệu khi bị người khác gây khó dễ, mà trong tiểu thuyết thì không, trong thế giới võ hiệp thì không, một đao một kiếm một mạng người, tuôn ra dưới ngòi bút chính là mọi thứ tôi có thể ảo tưởng.

Nếu không có gì bất ngờ, có lẽ sau này tôi sẽ không viết truyện võ hiệp nữa, ít nhất là không hoàn toàn viết truyện với bối cảnh võ hiệp, bởi câu chuyện này tôi viết đã đủ tận hứng rồi, mọi ảo tưởng tôi muốn thể hiện đối với võ hiệp đã được biểu đạt xong.

Quay trở lại với bản thân tác phẩm này, tôi thấy có độc giả bình luận rằng “Nửa chén rượu” cho người ta cảm giác biểu đạt cảm xúc nhiều hơn, giang hồ trong đó là một “giang hồ cảm xúc”, còn “Thích khách” thì thiên về tự sự nhiều hơn. Xem được đánh giá nghiêm túc của độc giả đối với tác phẩm có lẽ là thời khắc vui sướng nhất của người sáng tác, tôi vô cùng hạnh phúc khi đọc được bình luận như vậy, đây đúng là sự khác nhau tôi muốn biểu lộ ở hai câu chuyện. Lúc viết “Nửa chén rượu”, tôi chú trọng làm nổi bật cảm xúc, lúc viết “Thích khách”, tôi định viết một tác phẩm tự thuật cặn kẽ, cảm xúc để lại cho người đọc tự mường tượng, hiện giờ xem ra, về tổng thể đã đạt được hiệu quả tôi mong muốn, coi như hài lòng.

Vẫn là bình luận của vị độc giả này, nói giang hồ trong “Thích khách” không có nhiệt huyết của khí phách thiếu niên mà đa số là kể về đấu tranh mệnh chẳng do mình của tiểu nhân vật, thậm chí có thể đọc được cảm xúc bi thương trong giang hồ dưới ngòi bút của tôi, con sâu cái kiến sống tạm bợ không sao thoát khỏi số mệnh trở thành quân cờ, khó lòng địch lại số mệnh, thỏa hiệp mà đi. Tôi rất rất vui khi thấy bình luận như vậy, điều này có nghĩa các độc giả cũng cảm nhận được ý đồ tôi muốn truyền tải, chứng tỏ được điều gì? Chứng tỏ ngôn từ của tôi có khả năng biểu ý, có thể giãi bày thâm tâm, đây là một khẳng định rất cao dành cho sáng tác của tôi. Tôi vẫn luôn cho rằng các tác phẩm văn học mạng và phim ảnh hiện giờ quá thiên về sáng tạo nhân vật theo chủ nghĩa anh hùng, nhân vật được tôn sùng là huyền thoại kiểu Mĩ, trên thực tế cái chân chính đáng chú ý là những tiểu nhân vật mệnh chẳng do mình, giãy giụa trong trần thế chiếm đa số kia. Đúng như cái tên Tiết A Ất, Giáp Ất Bính Đinh, anh ta chỉ là một trong số muôn vàn chúng sinh, tiểu nhân vật tuy nhỏ nhưng một đòn bẩy cũng nâng được cả địa cầu, tiểu nhân vật cũng có thể trở thành mấu chốt thay đổi cục diện lớn.

Rất dễ để nhận ra, tuyến chính của câu chuyện “Thích khách” này thật ra được triển khai quanh tình thân, tình yêu chỉ là phụ liệu. Xét từ tuyến chính, nhân vật chính thực thụ của câu chuyện này là Tiết A Ất, bộ phận chủ thể thì là một gia đình sụp đổ trong loạn thế. Đó chính là lúc mưa to chẳng ai khỏi ướt hay bụi bặm thời đại đè lên trăm họ là ngọn núi khổng lồ mà người ta thường nói – cái chết của Tiết Côn Ngọc, hôn nhân bất hạnh của Thúy Thúy, dự tính nương nhờ Giang Đô vương của Tiết A Ất ban đầu và cái còn lại sau cùng. Mà xuyên suốt quá trình nhà họ Tiết trải qua một loạt những trắc trở này là tình cảm giữa cha và con gái, giữa cha và con trai, giữa mẹ và con trai và giữa anh em gái. Quay trở lại mở đầu của câu chuyện, nếu không phải Tiết A Ất vì bệnh của phụ thân, vì tình yêu của em gái thì gia đình này vốn đã chẳng gặp trắc trở như vậy. Một nhà bốn người dần sụp đổ, đến cuối chỉ còn lại một mình Tiết A Ất, cũng may cuối cùng còn tìm được cậu em trai mồ côi cùng mẹ khác cha, còn có người phụ nữ tinh tế hiểu mình, có thể nương tựa lẫn nhau làm bạn, số mệnh đối xử với anh ta cũng chẳng tính là quá tàn nhẫn. Lại nhìn tuyến phụ, nguyên nhân cơ bản cho sự tàn nhẫn và nhân từ của Phùng Thiếu Mị đối với gia đình nguyên sinh của ả, hành động báo thù thay con của cha giọng vịt đực, hay sức hút hấp dẫn lẫn nhau của cặp nam nữ si tình Tạ Thiêm – Tào Ngọc Doanh nằm ở chỗ họ là đồng loại trong công cuộc phản kháng phụ quyền đại gia trưởng, có mong ước giống nhau nên nảy sinh lòng đồng cảm. Trong viết truyện, sau khi người sáng tác quyết định được thiết lập ban đầu cho nhân vật, hướng đi sau cùng của cốt truyện dường như nên là kết cục mà nhân vật với tính cách như thế đáng nhận, nhưng viết đến cùng tôi mới phát hiện ra, trong mọi tuyến tình cảm, tình thân, tình yêu, tình bạn, tình anh em, tình sư môn, chiếm lớn nhất lại là tình thân, đây không thể nói là hết thảy đều nằm trong dự tính ban đầu của tôi, có lẽ cũng là một trong số những điểm thú vị của sáng tác.

Về tình tiết và ý tưởng của câu chuyện này, không lắm lời nữa, tôi chỉ muốn nói: Dẫu không ai được toại nguyện – điều Tiết A Ất quan tâm duy nhất là những người chí thân, kết quả nhà họ Tiết tan tành, anh ta coi di vật của Tiết Côn Ngọc, hộp đao và những thanh đao Tiết Côn Ngọc rèn như của báu, cuối cùng lại vứt hết toàn bộ để thuận lợi thoát khỏi truy sát; Phùng Thiếu Mị chỉ muốn trôi theo sóng nước, yên ổn làm một tử sĩ, cuối cùng lại lựa chọn phản bội và phản sát chủ nhân của mình; Thúy Thúy toàn tâm toàn ý muốn lấy người mình yêu, cuối cùng lại phóng hỏa thiêu chết người trong lòng; Tạ Thiêm tràn đầy hoài bão chuẩn bị áo gấm về làng cho cha mẹ rửa mắt, cuối cùng Vô Nhai Tông mình nương nhờ không còn, nhà họ Tạ cũng mất, còn cụt mất tay phải quan trọng nhất của người tập võ; Giang Đô vương trọn đời mong mỏi leo lên vị trí cửu ngũ, cuối cùng thất bại; Tô Ngạo một lòng một dạ muốn phục hưng tông môn, cuối cùng chọn nhầm phe, thân bại danh liệt; nửa phần đầu của câu chuyện, mỗi một nhân vật đều nỗ lực để tiến vào đích đến thành Lạc Dương, đến cuối, ai nấy đều cố gắng thoát khỏi Lạc Dương; đa số nhân vật vẫn còn sống, nhưng cuộc đời họ đã hoang tàn, giống như tất thảy đều tiến hành theo hướng ngược lại với kì vọng – song, mọi nhân vật đều có được kết cục trọn vẹn cho mình. Có lẽ ngoại lệ duy nhất là Tào Ngọc Doanh, nàng giống như nhân vật trong truyện cổ tích, trải qua trăm ngàn đắng cay, rốt cuộc đạt được tình yêu và tự do, tuy rằng ngọc có tì vết là què mất một chân nhưng không tổn hại đến đại thể, nàng quả thật giành được thứ mình muốn – nhưng, cặp đôi không lành lặn Tào Ngọc Doanh và Tạ Thiêm này, hai cô cậu còn chưa đủ trưởng thành này, có thật là sẽ tay nắm tay chung sống cả đời không? Đúng như trong giới thiệu, cuộc đời là một chuỗi truân chuyên kéo dài, mà ai cũng là thích khách tay cầm lưỡi đao sắc bén, bất kể kết cục thế nào, mỗi người đều đang kháng cự số mệnh theo cách của mình.

Vốn muốn nói rất nhiều, dẫu sao tuy tác phẩm cũng chỉ có vậy nhưng quả thật đã hao tổn rất nhiều tâm huyết của tôi, viết tới đây mới phát hiện ra chẳng muốn nói gì cả. Về nội dung và ý nghĩa của câu chuyện này, tôi không viết đáp án cho bài đọc hiểu nữa, dầu gì sáng tác cũng là như vậy, tác giả sáng tạo ra tác phẩm, tác phẩm hoàn thành rồi thì giao lại cho độc giả bình luận. Sáng tác cũng như hiệp khách múa đao, thành tức là thành, ít nhất thì khoảnh khắc viết xong câu chuyện này, tôi biết rằng mình hài lòng, đơn giản mà nói thì là tôi viết rất sảng khoái, rất thống khoái, rất vui vẻ.

Truyện sau “Đao mã đán” được tôi ấp ủ rất lâu, là truyện cuối cùng trong series với “Nửa chén rượu” và “Thích khách”, giữa hai bên có chút ít liên quan nhưng dính dáng không lớn, coi như tự thành một tiểu thế giới. Cái gì không hay nói luôn, chuẩn bị tâm lí sẵn cho quý vị, độ dài không ngoài dự liệu vẫn sẽ tầm một trăm ngàn chữ, sau khi mở hố khả năng cao là cập nhật tùy duyên. Kỳ vọng đối với sáng tác tiếp theo cũng rất đơn giản: hi vọng có thể có đột phá so với truyện trước, có thể biểu ý, trước sau vẹn toàn, đừng đầu voi đuôi chuột, quan trọng nhất là hi vọng mình có thể viết nhanh hơn chút, gắng cho liền mạch, đừng xuất hiện tình huống xóa hết cả truyện đi viết lại nữa, suy cho cùng thì điều này cũng thật sự quá hành hạ.

Tôi cũng cảm thấy bản thân là một tác giả không xứng chức, tuy thật sự nhiệt tình đối với sáng tác. Tôi từng trần tình rằng tôi đã suy ngẫm rất lâu tại sao phải sáng tác, đọc rất nhiều câu trả lời của những người sáng tác khác, nhưng câu trả lời của bản thân thì vẫn không rõ. Qua hơn ba năm, tôi nghĩ có lẽ tôi đã tìm được đáp án của mình cho câu hỏi này: Sáng tác là con đường duy nhất cứu rỗi linh hồn tôi, là ánh sáng duy nhất có thể kéo tôi ra khỏi tối tăm trong cuộc sống, nếu không có sáng tác, có lẽ tôi cũng chẳng tệ hại hơn bây giờ, nhưng chắc chắn là không tốt hơn.

Tuy tầm thường nhưng tôi sẽ không dừng sáng tác.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.