Mới bảy giờ sáng, chuông cửa nhà Minh reo inh ỏi. Lồm cồm bò dậy từ trong mền, Minh lầm bầm “ai mà mất lịch sự thế? Bốn giờ sáng tôi mới ngủ đó”. Mở cửa thấy người phụ nữ trung niên, tay đang cầm hộp cháo lòng nóng hổi đưa lên ngang mặt Minh cười thật tươi. Anh lắc đầu, ngáp rõ dài đi vào trong nhà ngồi phịch trên ghế sofa. Bà Phi Yến bước vô, đóng cửa rồi đổ cháo ra tô.
– Con làm vệ sinh rồi ăn cháo nè, không lại đau bao tử.
– Con lớn rồi, tự lo được mà mẹ.
– Ừ thì lớn nhưng vẫn là con của mẹ, nên mẹ vẫn lo. Khi nào lấy vợ thì mẹ không lo nữa.
Chợt bà im bặt, mặt Minh cũng sầm lại. Không khí có phần ngượng ngập căng thẳng. Minh không nói gì bỏ đi vô nhà tắm làm vệ sinh. Vẫn biết mẹ thương mình, lo cho mình, nhưng cứ nhắc đến “vợ” thì tim Minh lại đau. “Không biết em có chờ được tới ngày anh bước ra ánh sáng, nắm tay em dắt vào lễ đường. Nhưng nếu em và anh ấy là của nhau, anh cũng nguyện chúc hai người hạnh phúc.”Tạt nước lên gương mặt lạnh băng, Minh tự khóa trái tim mình để làm việc quan trọng hơn, lấy lại thân phận.
Ngồi ăn tô cháo nóng hổi, bên trong có trứng luộc không vỏ giống kiểu Nghi từng làm khi nấu mì, Minh ngước nhìn mẹ
– Là mẹ học từ Phương Nghi đó, rất ngon đúng không? Con bé đúng là cô gái tốt. Mẹ…mẹ…
Bà Phi Yến bỗng sụt sùi, kéo ống tay áo lau nước mắt. Minh đứng lên lấy hộp khăn giấy đưa cho mẹ, anh ngồi bên cạnh bà trầm ngâm không nói gì.
– Mẹ biết bao nhiêu năm qua con vì gia đình mình sống trong bóng tối. Con ra ánh sáng với thân phận Gia Khiêm chèo chống gia sản Trần Gia ngày càng lớn mạnh. Mẹ nợ con cả cuộc đời này Minh à. – bà lại khóc nhiều hơn.
– Mẹ không nợ gì con cả, chỉ có con nợ mẹ thôi. Nếu năm đó mẹ vì sức ép gia đình bỏ con, có lẽ mẹ đã không phải khổ sở như bây giờ, làm gì có Trần Gia Minh ngồi đây.
Bà Yến gật gù đứng lên nhìn xuống cửa sổ ban công, hồi tưởng lại chuyện hơn ba mươi năm trước.
Gia Bảo và Phi Yến yêu nhau, Gia Bảo làm giám đốc Trần Gia, còn Phi Yến chuyên thiết kế làm stylist cho nghệ sĩ. Khi Gia Bảo ngỏ ý lấy vợ, Trần Gia phản đối vì cho rằng nghề của Yến là “xướng ca vô loại”. Nhưng họ quyết định đến với nhau và sinh ra Gia Khiêm, Gia Bảo rời xa gia đình, bị thế lực Trần Gia ngăn cản nên không tìm được việc làm. Còn Phi Yến mang thai, sức khỏe yếu nên cũng nghỉ dưỡng ở nhà may đồ gia công. Tiền bạc sức khỏe đều túng thiếu nhưng họ rất hạnh phúc. Lúc sanh con, Phi Yến bị băng huyết phải truyền máu và chích thuốc cầm máu rất đắt tiền. Gia Bảo đành liều mình quỳ trước cửa Trần Gia xin cha mình giúp đỡ. Ba của Gia Bảo có hai con trai, Gia Bảo là con chính thất nên ông hết mực thương yêu, xem như đứa con duy nhất, nay có thêm cháu nội trai nên giận thì giận mà thương thì thương. Cuối cùng ông nhận cháu lẫn dâu, nhưng buộc Phi Yến không làm thiết kế nữa, an phận làm con dâu Trần Gia. Thương chồng, thương con nên Phi Yến đành chấp nhận từ bỏ ước mơ của mình. Trong Trần Gia, em của Gia Bảo là Gia Huy do con là con rơi, mẹ Gia Huy là kỹ nữ, nên ba hầu như không coi Gia Huy tồn tại. Huy luôn phải chịu lép vế anh mình. Huy căm hận, lập kế hoạch hại Gia Bảo để nắm trọn gia sản. Sau khi Gia Bảo và Phi Yến về Trần Gia, lại có con trai nên càng củng cố thêm địa vị. Gia Huy cho người bắt cóc Phi Yến cưỡng hiếp, để Yến vĩnh viễn bị nhơ nhuốc không thể bước chân vào Trần Gia. Sai người giúp việc nhốt Gia Khiêm vào trong nhà tắm xả nước, khóa cửa muốn cho cháu bị nhiễm lạnh chết cóng. Có gì vu cho người mẹ giết con để rảnh nợ theo trai. Kế hoạch dường như quá hoàn hảo. Nhưng đồng tiền không thể mua được lương tâm con người. Chị người làm đã báo cho Gia Bảo biết, thân phận thấp cổ bé họng nên dù rất muốn, bà cũng không thể vào cứu cậu chủ đang khóc khản cổ vì sợ và lạnh. Gia Bảo cùng ba mình đang đi khảo sát công trình vội vã lao về ngay trong đêm. Gia Bảo đạp cửa phòng tắm, đập vào mắt ông là đứa con trai tội nghiệp chưa đầy một tuổi đang ngồi run cầm cập dưới vòi sen, môi tím tái. Lấy khăn lông bao con lại, ông chạy ngay vào bệnh viện cấp cứu. Gia Khiêm qua cơn nguy kịch nhưng do nhiễm lạnh quá lâu bị viêm phổi, sốt cao hôn mê. Tỉnh dậy thì sức khỏe cũng sẽ yếu hơn người bình thường.
Riêng về Phi Yến, bị bắt đến khu nhà hoang, chúng tính cưỡng bức bà và quay phim lại, nhưng bà chống cự quyết liệt, sau đó lao đầu vào cột đá tự tử. Khi đang nửa tỉnh nửa mê, Yến nghe hình như có tiếng người con gái la thất thanh “Công an! Công an!” Nghe la, lại thấy đầu Yến đầy máu, bọn bắt cóc sợ tội giết người nên vội bỏ chạy, không kịp thu dọn máy quay phim. Sau một lúc, Yến tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong khung sau của một xe thồ, cố ngước lên nhìn, chỉ thấy bóng lưng của một phụ nữ đang ra sức đạp. Người phụ nữ thấy Yến tỉnh liền nói:
– Chị yên tâm. Tôi đạp xe nhanh lắm, chị sẽ tới bệnh viện nhanh thôi.
Yến chỉ kịp gật đầu rồi tiếp tục ngất đi.
Hai tháng sau, tin tức stylist tiếng tăm một thời, con dâu trưởng Trần Gia bị cưỡng bức đến mang thai đăng đầy trên báo, kèm theo là hình ảnh người phụ nữ quần áo tả tơi nằm trên sàn nhà. Ba của Gia Bảo tức giận, dưới sức ép của dòng tộc buộc Phi Yến phải bỏ bào thai oan nghiệt. Dù cố sức giải thích mình trong sạch, thai là đứa con của Gia Bảo nhưng không ai tin. Kể cả Gia Bảo dù rất yêu vợ, nhưng khi trông thấy bộ dạng của vợ trong tấm hình, ông cũng nghĩ vợ ông mang nghiệt chủng, dù biết vợ bị ép phá thai, ông chỉ im lặng. Ông sợ vợ nói dối vì nhục nhã, sợ Phi Yến cố sinh con thì Gia Khiêm sẽ mất mẹ, ông mất vợ nên chỉ biết đồng tình.
Phi Yến nhìn Gia Bảo, người chồng mình hết mực yêu thương, nay vì một chút địa vị mà giết con ruột của mình, thế mà Yến thà chết để giữ thân trong sạch cho người chồng nhu nhược này ư? Tại sao Yến phải giết con chỉ để được sống giàu sang. Không, Phi Yến này sẽ không đổi mạng con ruột của mình để đảm bảo vị trí cho một người dưng.
Gia Bảo thấy vợ nhất quyết không chịu phá thai, liền kéo vào phòng riêng nói chuyện.
– Phi Yến, em tính ương bướng đến bao giờ?
– Nếu sự bướng của em giữ mạng cho con em thì em sẽ bướng mãi mãi.
– Em!!! Mình còn trẻ, sẽ lại có con thôi mà.
– Đó là chuyện tương lai, còn hiện tại con đang sống trong em, em sẽ không giết nó vì tương lai không ai biết trước.
– Nhưng em có nghĩ nó sinh ra sẽ không có gia đình, mang tiếng con hoang và chẳng ai thừa nhận.
– Thế ba nó có nhận nó không?
– Anh! Anh! – Con em có mẹ là đủ rồi. Tiếng đời dị nghị thì sao? Đời có nuôi nó, cho nó ăn không mà nó phải chết vì đời. Con chỉ cần sống vì con là đủ.
– Yến à, em đâu chỉ có một đứa con, không lẽ em nỡ để Gia Khiêm mất mẹ vì đứa con chưa thấy mặt sao?
Lời Gia Bảo cứa sâu vào trái tim người mẹ. Gia Khiêm là mạng sống của bà, còn bào thai kia như là trái tim. Bắt bà chọn một trong hai chẳng khác nào kêu bà chọn cho mình án tử. Bà khụy xuống, ôm mặt khóc nức nở.
– Trong khi em thà chết giữ mình trong sạch, giữ tự trọng cho anh thì anh lại không tin em. Giờ anh vì chút danh vọng, anh ép vợ anh giết con ruột của mình, anh có còn là con người nữa không?
– Em nghĩ con người anh như vậy sao? Phi Yến! Em có nghĩ rằng đứa bé sinh ra vô thừa nhận, lại bị kì thị sẽ buồn tủi đau khổ cỡ nào không? Dù em yêu thương nó, cũng không bù được tình cảm một gia đình đầy đủ, có thân phận rõ ràng. Anh đã từng bị gia đình từ bỏ, anh hiểu cảm giác lạc lõng bơ vơ, lúc nào cũng phải trốn tránh ánh mắt xem thường của mọi người. Đường đường là giám đốc, vì người phụ nữ mà bỏ cha bỏ mẹ, bỏ cả sự nghiệp thì em nghĩ tình cảm anh dành cho em ít lắm sao.
– Vậy, anh nói cho em biết, anh có tin đứa bé là con anh không? Cái đêm trong bệnh viện đó, anh còn nhớ? Anh bất lực tự trách mình không bảo vệ được vợ con, tự trách mình nên anh đã uống rất nhiều rượu. Anh tới bệnh viện trong tình trạng say mèm, anh khóc quỳ xin em tha thứ, anh hôn em thật nhiều và…chuyện đó xảy ra dù em vẫn đang bị thương.
Ông Gia Bảo giật mình, nhớ lại đêm đó. Đúng là sau khi thấy Gia Khiêm bị hôn mê, còn vợ bị cưỡng bức thương tích đầy mình, ông dù giận thậm chí là hận chú ba đến xương tủy, nhưng không bằng chứng, lại là người nhà nên cũng chỉ có thể ngó họ sống nhởn nhơ. Ông đi uống rượu đến say mèm, xiêu vẹo vào phòng bệnh của vợ và…chuyện gì xảy ra, ông chỉ nhớ loáng thoáng. Sau khi tỉnh được chút, ông ăn năn vì vợ đang bị thương mà mình còn…nên vội vã chạy về nhà. Khi tỉnh hẳn đã nằm trên giường của mình nên ông nghĩ chuyện kia chỉ là mơ thôi. Nay Phi Yến nhắc, ông hiểu ra mọi chuyện là thật. Vậy đứa con là của ông, xém chút nữa ông hại vợ, giết con rồi. Ông quì sụp, choàng tay ôm vào lòng người vợ đang co rúm vì đau khổ. Cả hai vợ chồng cùng khóc, khóc cho đứa con vô tội sắp phải chia xa.
Hai người mở cửa phòng bước ra ngoài, đồng ý phá bỏ đứa bé. Nhưng xin được qua Mỹ định cư, phần chữa trị cho Gia Khiêm, phần tránh tai tiếng. Ba của Gia Bảo thấy cũng có lý nên chấp thuận.
Hôm sau, trong bệnh viện phụ sản. Gia Bảo bắt tay với vị bác sĩ sẽ phẩu thuật cho vợ mình, ngầm nhờ vả chăm sóc cho vợ. Vị bác sĩ nhìn ông gật đầu bước vô trong. Ba mươi phút sau, Phi Yến nằm trên băng ca được đẩy ra ngoài, gương mặt nhợt nhạt và đôi mắt vô hồn. Ba của Gia Bảo và Gia Huy chứng kiến mọi việc đã xong nên ra về. Riêng Huy còn nhếch mép cười, nụ cười hả hê.
Một tuần sau, Gia Bảo và Phi Yến lên máy bay đến vùng đất hứa. Tại Mỹ, dưới sự giúp đỡ của Lê Hoàng và Lê Sơn, ông trùm giới mafia, dưới vỏ bọc là công ty Protect ( công ty vệ sĩ) tại Việt Nam giúp thành lập nhóm Huyền Long, nhằm bảo vệ gia đình nhỏ của mình, nhất là hai cậu con trai. Huyền Long hoạt động chủ yếu tại Mỹ, nên không ảnh hưởng đến thị trường tại Việt Nam. Nhóm được trang bị những trang thiết bị hiện đại tinh vi nhất để nghe lén thu thập, đánh cắp mọi thứ khách yêu cầu, từ chính trị gia tới doanh nhân, nên tiền bạc thu về không nhỏ. Gia Bảo tập trung phát triển Trần Gia tại Mỹ thành tập đoàn lớn mạnh, dựa vào tin tức Huyền Long thu thập, Trần Gia khống chế nhiều doanh nhân, nhân vật trong chính phủ thu về nhiều hợp đồng béo bở, từ công ty lên tập đoàn tầm cỡ ai nghe cũng phải rét.
Tại Việt Nam, bác sĩ đọc được tờ giấy Gia Bảo nhét tay, vị bác sĩ già cũng không muốn làm chuyện thất đức nên đã cùng ông và bà Yến diễn màn kịch, bảo vệ một sinh linh bé bỏng được bình an chào đời. Tám tháng sau khi qua Mỹ, Gia Minh chào đời khỏe mạnh, tuy không được đại gia đình thừa nhận, nhưng bù lại được sống yên bình trong vòng tay mẹ cha, không phải nơm nớp lo sợ bị ám sát như Gia Khiêm.
Mười sáu năm sau, ba của Gia Bảo qua đời, họ trở về Việt Nam chịu tang cha, sẵn dịp này nhập tịch nhìn nhận Gia Minh. Đúng là lòng người hiểm ác, sau khi ba qua đời, Gia Huy tiếp tục làm ác. Lo sợ cháu mình cướp công việc làm ăn ở Việt Nam, nên thuê người tiếp tục ám sát Gia Khiêm.
Ngày đưa tang ông nội, Khiêm không khỏe nên Minh ôm tro cốt ông nội rải sông thay anh. Trên chiếc phà lớn, Khiêm đeo khẩu trang, nằm nghỉ trong khu tầng dưới buồng lái, chợt thấy bồn chồn không yên nên lẳng lặng muốn đi ra nơi rải tro ông nội. Gia Minh đang ôm hủ tro rải trên sông. Ngay buồng lái, tầng trên, một tên sát thủ cầm súng nhắm vào chàng trai đang ôm hủ cốt. Gia Khiêm nhìn thấy, chỉ kịp lao tới chắn viên đạn cho em và rơi xuống nước. Cả phà nháo nhào, Phi Yến nhìn con mình người đầy máu nhợt nhạt rơi vào dòng nước xiết, kinh sợ đến ngất xỉu. Nhóm vệ sĩ Protect lập tức lao xuống cứu Gia Khiêm, chẳng ai chú ý tên sát thủ nhảy xuống sông trốn thoát. Cũng may hắn chưa nhìn rõ mặt Gia Khiêm nên không biết sự tồn tại của hai anh em.
Gia Khiêm được cứu, nhưng lần này rơi vào trạng thái hôn mê sâu, phần mất máu, phần đuối nước bị phù não, tiên lượng khó tỉnh lại. Từ đó, Minh phải đóng vai của Khiêm và ẩn tên mình trong bóng tối. Minh được huấn luyện chuyên nghiệp bởi đặc công Việt Nam suốt năm năm trời, nghiêm chỉnh trở thành thủ lĩnh Huyền Long. Còn trong ánh sáng là tổng giám đốc Trần Gia Khiêm bí ẩn của công ty Trần Gia. Dù nhiều lần muốn diệt cỏ tận gốc nhưng chú ba vẫn không thể làm gì vì tin tức về cháu trai hoàn toàn bị bưng bít.
Minh ở lại học cấp ba ở Việt Nam để rành tiếng Việt, và để được đặc công Việt Nam huấn luyện, tiện bề sau này quản lý Trần Gia tại đây. Và cũng chính tại mảnh đất này, một mối lương duyên đã bắt đầu.