Chúc Một Ngày Tốt Lành

Chương 12



12

Ông chủ tịch tỉnh hết sức bối rối trước ý kiến chỏi nhau chan chát giữa các cán bộ tham mưu. Ba chọi ba, họ đang chờ tảng đá của ông, xem nó được thảy lên đĩa cân bên nào.

Trong thâm tâm ông nghĩ ông cần một quyết định dù để lại tật nguyền cho nền kinh tế nhưng bù lại nền an ninh sẽ không phải đối diện với sự bất trắc.

Tối đó, ông đem chiếc đĩa ghi hình lũ súc vật nhóc trong vườn nhà bà Đỏ về nhà, bật lên xem lần thứ mười tám, tay lăm lăm cây bút đỏ.

Trong khi ông gạch đầu dòng những tác hại mà hiện tượng bất thường này có thể đem lại thì thằng con năm tuổi của ông bất thình lình reo lên từ phía sau:

– Ngộ quá ba!

Ông quay nhìn thằng con, chả biết nó đứng sau lưng ông từ lúc nào:

– Con nói gì?

Thằng bé không nhìn ba nó, mắt vẫn hút chặt vào màn hình:

– Ba xem kìa! Con heo kêu “cục cục”, con gà sủa “gâu gâu”… Ôi, con thích các con vật này quá!

Chìa khóa giải quyết vấn đề nan giải này, rốt cuộc ông chủ tịch bất ngờ tìm thấy ở thằng con chưa biết cách tự mặc quần.

Ông ném cây bút lên đống giấy tờ ngổn ngang trước mặt, thở hắt ra và tự cho phép mình xem các hình ảnh trên màn hình trước mặt bằng một thái độ hồn nhiên, thoạt đầu hồn nhiên một cách rón rén nhưng khoảng năm phút sau ông bị các con vật lý thú kia quyến rũ đến mức reo ầm như một đứa trẻ, không nhận ra mình đang lặp lại thằng con:

– Con xem kìa! Con heo kêu “cục cục”, con gà sủa “gâu gâu”… Ôi, ba thích các con vật này quá!

Sau khi biết được ý kiến của ông chủ tịch, ông động vật hoang dã múa tay múa chân rất ư là… hoang dã, ông du lịch bắn người lên không khoảng ba mét, tự nghĩ mình là nắp chai sâm banh, còn bà kế hoạch đầu tư gương mặt nở ra đến mười lăm phân vuông y như bà mới mua lại được năm mươi mốt phần trăm cổ phiếu của hãng Apple.

Ở chiều ngược lại, ông thuế vụ và bà y tế quạu quọ soi mặt vào nhau để đau khổ nhận ra nỗi bất bình của người này đôi khi nhảy múa điên cuồng trên mặt người kia.

Ông an ninh buồn đến mức bỏ quên súng ở cơ quan khi về nhà vào cuối ngày và bắt đầu học cách đổi mới lý luận về trật tự trị an bằng cách vùi đầu xem phim Walt Disney.

Ở trong khu vườn của mình, bà Đỏ phải tự công nhận mình rất… đỏ.

Trong vòng bảy ngày, xe chở vật tư và thực phẩm nườm nượp kéo tới, biến khu vườn của bà thành nơi thèm muốn của người nghèo lẫn người không nghèo.

Các nẻo đường dẫn đến nhà bà đều được đổ bê tông.

Cây cối được trồng thêm trong vườn, nhiều loại bà chưa từng thấy, thân cây uốn lượn, các tán lá được tỉa thành hình cầu, giăng mắc đủ loại dây nhợ lủng lẳng các bóng đèn be bé đủ màu, buổi tối ánh sáng chớp nháy không ngừng như cả thế giới đang chìm trong hội hoa đăng.

Các con vật dĩ nhiên dư dả thức ăn. Hũ gạo nhà bà Đỏ cũng đầy lên mà không cần bán các lứa gà con, heo con.

Du khách đến từ khắp nơi thi nhau trút tiền vào ngân sách tỉnh, huyện, xã và dĩ nhiên bà Đỏ được chia lợi nhuận hằng tháng.

Thằng Cu bây giờ suốt ngày ở nhà, chơi với các con vật vừa chăm sóc cây cối và thay các máng ăn.

Lý do tu tỉnh: Mẹ nó trả lương cho nó đàng hoàng.

13

Từ nhà ra vườn, không khí đã như ướp mật. Chị Nái Sề đã thôi than vãn, trừ những lúc chị than vãn vì quá béo do dạo này ăn ngon và ăn nhiều.

Chị Vện tiêu thời gian vào việc ngồi gặm chiếc đuôi của mình từ sáng đến tối – tự coi đó là một thú giải trí lành mạnh.

Chị Mái Hoa nhàn rỗi trên nóc chuồng heo, thỉnh thoảng vỗ cánh chỉ để làm dáng, tiếc hùi hụi đã quên làm thế khi các nhà báo giương ống kính cách đây mấy ngày.

Chả bà mẹ nào mất công truy lùng lũ con hoang đàng nữa. Thực phẩm ăm ắp, lũ trẻ không nhất thiết về đúng giờ ăn như trước đây. Dường như không ai có khả năng mô tả được cái đói trong thời điểm này. Chị Mái Hoa khi mổ được một con giun, không buồn kêu bọn trẻ đã đành, ngay cả chị cũng ngậm miếng mồi một cách thờ ơ. Rồi buồn chán quá, chị há mỏ để con giun rớt xuống, ngạc nhiên bỏ đi.

Tất nhiên trong không khí thần tiên đó, chị Nái Sề cũng hóa thành một bà tiên. Chị đâm ra dễ tính, thân thiện, cởi mở và nếu thỉnh thoảng dãy vú chị rung rinh là vì vui vẻ chứ không phải do bực bội

– Cũng hay chứ nhỉ? – Một buổi trưa đứng gió, chị dò mắt lên nóc chuồng tìm chị Mái Hoa, giọng chia sẻ.

– Hay gì hả chị? – Chị Mái Hoa vẫn đậu trên thanh gỗ ưa thích, dè dặt hỏi lại.

– Bọn trẻ ấy mà! – Chị Nái Sề kéo dài giọng ngân nga như hát – Chúng kêu loạn cả lên làm mình phát bực. Không ngờ nhờ vậy mà chúng ta dư ăn dư để. Thật là một kết thúc có hậu.

– Cái trò ấm đầu này còn hơn cả có hậu ấy chứ! – Chị Mái Hoa chưa kịp đáp, chị Vện nằm cạnh đống rơm trước cửa chuồng đã vọt miệng – Nếu hai thằng cu nhà chị Nái Sề và lứa con của chị Mái Hoa bị bán đi, thế nào chúng cũng sẽ bị giết thịt không sớm thì muộn thôi.

Chị Vện nói như xổ ấm ức, giọng ra chiều hả dạ. Có vẻ chị chưa quên lần chị heo đổ vấy trách nhiệm cho mình và chị Mái Hoa về trò tinh nghịch của lũ trẻ.

Mặc dù biết chị Vện nói đúng, nếu đó không phải là chân lý thì cũng chẳng cách xa chân lý là bao, chị Mái Hoa vẫn phấp phỏng xếp cánh, nơm nớp chờ chị Nái Sề bùng nổ. Chị biết chị Vện nhắc lại từ “ấm đầu” không hoàn toàn do ngẫu nhiên.

Chị Mái Hoa không biết rằng khi một con người (hay một con heo) đột ngột trở nên no đủ, đồ ăn thức uống thừa mứa, không còn phải lo lắng cho cuộc sống, tinh thần họ thư thái hơn, tính tình cũng hiền lành hơn và dĩ nhiên không phải những gì gắn với họ đều mang vẻ chanh chua, đanh đá.

– Chị nói đúng, chị Vện à. Tôi đã trách oan lũ trẻ, và cũng hơi nóng nảy với chị và chị Mái Hoa. – Chị Nái Sề tự phê bình bằng giọng từ tốn, hòa nhã, theo cung cách của một bà tiên đội lốt heo.

Thái độ phục thiện của chị heo khiến chị gà suýt rớt khỏi chỗ đậu. Cũng may chị kịp giương cánh vỗ phành phạch để giữ thăng bằng khiến con thằn lằn đang rình mồi trên thanh gỗ sợ hãi chạy quắn đuôi.

Buổi trưa hôm đó tự nhiên trở thành buổi trưa lịch sử.

Ba bà mẹ khen lẫn con của nhau, ru nhau qua cái nóng hầm hập bằng cách nghĩ ra những lời có cánh để tôn vinh con nhà hàng xóm cốt được nghe hàng xóm nức nở tôn vinh con mình.

Cho đến hai giờ chiều thì lũ heo con được phong danh hiệu “thiên tài ngôn ngữ”, lũ gà con được khóac chiếc áo mỹ miều “ca sĩ ngôi sao”.

Còn chú cún Mõm Ngắn, sau một hồi lục tung kho từ vựng vốn chẳng giàu có gì đã thế lại quanh năm khóa cửa im ỉm, các bà mẹ đành bằng lòng với cụm từ “nhà ảo thuật phi thường”. Và chú cún ngây thơ, học trò nhút nhát của hai con heo con, bỗng chốc trở thành David Copperfield bốn chân trong vườn nhà bà Đỏ.

14

Nhưng, như vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, lũ nhóc tì (là người hay chó heo gà thì cũng thế) không bao giờ có cách nhìn đời giống các đấng sinh thành.

Lũ heo con gà con chó con trong vườn chẳng xem các từ ngữ diêm dúa như “thiên tài”, “ngôi sao” hay “phi thường” ra cái củ cà rốt gì.

Thực ra thì thoạt đầu nghe các bà mẹ hơn hớn khen ngợi, lại được các nhà báo ra rả tụng ca, chúng cũng hơi khoai khoái. Nhưng chỉ khoái được một ngày thôi. Rồi chúng đâm ra bực mình.

– Chán thật! – Thằng Lọ Nồi sau một tuần bấm bụng chịu đựng cảnh giàu sang phú quý đã bắt đầu thở ra – Hết đám người này đến bọn người nọ lũ lượt kéo tới, tụi mình chẳng có lấy một ngày yên!

Bọn chíp hôi nhà chị Mái Hoa ủn ỉn hùa theo bằng giọng bất mãn:

– Đèn chớp nháy từ tối đến sáng, tụi em không sao chợp mắt được!

Chú cún con cục cục tố cáo:

– Mấy bác gà trống ở khu vườn trại kế bên thấy ánh đèn ngỡ trời sáng, thế là thi nhau gáy điếc cả tai. Em cũng có ngủ được chút nào đâu, thầy!

– Trò không ngủ được là chuyện nhỏ như lông con thỏ. – Thằng Đuôi Xoăn nhún vai sủa gâu gâu, nhưng vì vai nó liền với đầu và lưng nên bộ tịch của nó trông rất buồn cười – Ta đây vừa mất ngủ vừa ngứa ngáy vừa mắc tè suốt đêm, thế mới khốn khổ khốn nạn!

– Tại sao cuộc sống chúng ta đột ngột đen tối như vậy hở trò Mõm Ngắn? – Lọ Nồi lừ mắt nhìn tên cún đệ tử, nghiêm nghị hỏi.

– Dạ… dạ… thưa thầy… tại vì… – Thằng cún đảo tròng mắt mười lăm vòng, thè lưỡi liếm mép hai mươi sáu vòng vẫn không biết câu trả lời nằm ở đâu dưới lớp vỏ não đang chuẩn bị kêu răng rắc vì vận động quá mức kia.

Thằng Đuôi Xoăn xoáy mắt vào mặt chú cún, ra oai:

– Tại vì sao? Hả?

Đệ tử cún giơ chân trước lên gãi tai:

– Thưa thầy… tại vì… vì…

Mõm Ngắn lắp ba lắp bắp, sắp xỉu lăn quay ra đất vì lần đầu tiên trong đời nó tự ép mình suy nghĩ nhiều đến thế.

Đã vậy, thằng Đuôi Xoăn cứ quát nhặng:

– Vì sao? Vì sao? Vì sao chứ?

Nó cào tung vạt cỏ trước mặt, thở phì phì:

– Trò làm ta phát cáu rồi đây nè!

Mõm Ngắn cụp đuôi giữa hai chân, lấm lét:

– Thưa thầy, thực tình thì em cũng… không biết tại vì sao ạ?

– Trò đúng là đồ ngốc!

– Thưa thầy, – thằng cún rúm người lại nhưng vẫn tò mò giương mắt hỏi, giọng rụt rè – thế cuộc sống chúng ta đột ngột đen tối như thế là tại vì sao hả thầy?

– Tại vì sao hả? – Tới lượt thằng Đuôi Xoăn lúng túng – tại vì… tại vì…

Sư phụ Đuôi Xoăn rơi thẳng vào vũng lầy cách đây năm phút đệ tử của nó còn lóp ngóp trong đó.

Nó bắt đầu lên giọng mắng mỏ, chủ yếu để kéo dài thời gian:

– Ta thực chưa thấy ai đần độn như trò. Hừm, ta muốn lấy tên trò đặt tên cho một giống chó quá!

Sực nhớ mình đang quát mắng một con chó con, Đuôi Xoăn đâm tẽn tò (nếu da của một con heo không quá dày chắc chắn chúng ta sẽ thấy nó đỏ bừng mặt). Nó chữa thẹn bằng cách quay sang thằng Lọ Nồi, hùng hồn:

– Thằng này nó chậm hiểu quá anh à! Anh giải thích cho nó nghe đi!

Lọ Nồi lườm em, nhưng không muốn Đuôi Xoăn bẽ mặt trước đệ tử cún và lũ gà con, nó chỉ khìn khịt chiếc mũi hồng.

– Nói chung là như thế này. – Quay lại phía bọn nhóc, Lọ Nồi ve vẩy hai tai (mặc dù nó muốn giơ cao hai chân trước hơn, theo kiểu các diễn giả vẫn giang rộng hai tay trước đám đông nhưng lại sợ té) – Sở dĩ tình trạng sống của chúng ta ngày càng tồi tệ là vì loài người muốn chăm sóc chúng ta theo cách của họ.

– Đúng rồi đó, thầy. – Thằng Mõm Ngắn nhanh nhẩu tán thành.

– Sở dĩ họ chăm sóc chúng ta theo cách của họ là vì họ xem chúng ta là những động vật quý hiếm. – Lọ Nồi tiếp tục diễn thuyết.

– Anh nói đúng quá! – Đến lượt bọn gà con hớn hở reo lên.

– Sở dĩ họ xem chúng ta là những động vật quý hiếm là vì chúng ta loài này có thể kêu tiếng của loài kia.

– Sở dĩ loài này có thể kêu tiếng của loài kia là do anh bày ra. – Cánh Cụt hồn nhiên tiếp lời diễn giả Lọ Nồi, trông nó rất sung sướng vì phát hiện của mình.

Trong khi thằng Đuôi Xoăn giận tím gan vì lời nhận xét không đúng chỗ của con gà bẻm mép thì Lọ Nồi vẫn tỏ ra bình tĩnh.

– Em nói chính xác. – Nó thản nhiên – Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, bọn người kia lúc nào cũng xem là quan trọng điều chúng ta chỉ xem là trò chơi nhí nhố. Rốt cuộc họ làm cuộc đời chúng ta rối tung cả lên.

– Nhưng họ cung cấp cho chúng ta thức ăn. – Con Cánh Cụt được khen đang bẽn lẽn chùi mỏ vào mớ lông cánh, nghe Lọ Nồi nói vậy bèn vươn cổ cãi – Trước đây khẩu phần của chúng ta vẫn thiếu trước hụt sau. Tụi em phải ra vườn bới giun, nhặt sâu…

– Nghe đây nè, Cánh Cụt. Tự mình bươn chải kiếm ăn, chính điều đó đem lại giá trị cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất dạy cho em bài học làm người, à quên, bài học làm gà. Là loại bài học mà các em không thể học bằng cách nào khác. Nếu sống mà chỉ ườn ra cho người khác lo liệu thì gần như là không sống, em có hiểu không?

– Em hiểu rồi, thưa anh. – Cánh Cụt gật đầu, nhìn nhà thông thái Lọ Nồi bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Mõm Ngắn chớp mắt:

– Nhưng bây giờ chúng ta làm cách nào để thoát ra khỏi tình cảnh này hả thầy?

Lọ Nồi nghiêm giọng:

– Từ nay trở đi, chúng ta loài nào kêu tiếng loài nấy.

– Trở lại như cũ hả thầy?

– Đúng vậy. – Lần này Đuôi Xoăn giành là người trả lời, vì nó biết anh nó thế nào cũng nói như vậy – Trở lại y xì như cũ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.