Nàng Gia Sư Siêu Ngầu

Chương 26



Vốn dĩ Kiên cũng hay uống cafe nên Dung không để ý nhiều mà trả lời vâng rồi đi nhanh về phòng làm việc cất đồ trước, chỉ có Thành là cười muốn sặc luôn…

Ha ha…

– Cậu bỏ ngay cái kiểu cười ấy đi nhé!

– Có ý với người ta lại còn sĩ diện.

– Khiến cậu để tâm chuyện của tôi à?

– Đấy! Nhường cho hai kẻ cô đơn đi cùng nhau nhé! Em tranh thủ về nghỉ chút đây! Mắt díp cả vào rồi!

– Đi theo mà trả tiền cafe đi. Miệng nói mời người ta cơ mà?

– Gớm! Em đi thật thì ai đó lại hậm hực muốn ch.ết. Tạo cơ hội cho mà còn không biết đường cảm ơn. Mai mà còn thái độ với em thì em đuổi nhân viên nhỏ của anh khỏi công ty đấy!

– Đuổi thì cậu lấy cơm đâu mà ăn?

– Không cần! Ra căng tin là có hết!

– Vậy cậu đuổi tôi trước đi!

Nghe tới câu này Thành lại không nhịn nổi mà cười phá lên, đúng là kẻ già cả biết yêu lại cũng có cái hay đấy chứ. Nhưng thế này cũng tốt! Thôi thì duyên trước phận mỏng thì để duyên sau nối tiếp, hy vọng người còn gái này sẽ khiến cuộc sống tẻ nhạt của mấy bố con Kiên từ nay được sưởi ấm…

– Thôi! Em nghĩ lại vẫn là nên ăn cơm nhà nấu sẽ ngon hơn.

– Biết điều thế thì tốt!

– Chúc buổi trưa vui vẻ nhé Sếp!

– Biến đi!

Câu chuyện giữa hai người đàn ông trưởng thành kết thúc nhưng hôm nay Kiên đã rõ trong lòng mình đang nghĩ gì, chỉ là cái không biết sẽ làm như thế nào để vẹn cả đôi đường thôi.

Kiên đóng cửa phòng là việc rồi đi xuống quán cafe trước cổng công ty thì lúc sau mới thấy Dung đi tới. Không đợi cô hỏi đến Thành thì anh đã chủ động nói trước:

– Cậu Thành có việc đột xuất nên chỉ còn cô với tôi thôi.

– À… Dạ.

– Cô ngại à?

– Dạ không!

– Thời gian không có nhiều nên tôi có gọi cho cô trà đào cam sả rồi đấy! Cô uống được chứ?

– Sao anh biết tôi thích uống thứ đó ạ?

– Tôi không biết chỉ là gọi theo thực đơn thôi.

– Thế mà trúng thật mới hay.

Vừa mới ăn cơm no đấy nhưng đúng món đồ uống ưa thích nên Dung vẫn rít luôn một hơi dài luôn. Kiên nhìn điệu bộ của cô thì tủm tỉm cười…

– Đúng là thích nên ăn no rồi vẫn uống ngon đúng không?

– Hihi… Vâng.

– Có thích đi khám phá mấy nơi đặc sắc ở đây không?

– Sao ạ?

– Thì con gái các cô vẫn thích đi checkin còn gì?

– À… Vâng. Nhưng tôi đi một mình cũng ngại.

– Nay cuối tuần cho bọn trẻ ra ngoài ăn cơm, mấy cô cháu sau đó muốn đi đâu thì tôi chở đi!

– Thật ạ?

– Ừ.

– Cảm ơn anh nhiều!

Hai người ngồi nói chuyện thêm một lúc nữa thì Dung nhớ ra việc quan trọng, chút nữa cô lại quên béng đi mất.

– À… Tôi có chuyện muốn nói với anh!

– Sao vậy?

– Nhà tôi có việc nên chắc hai ngày cuối tuần này tôi xin nghỉ ạ!

– Ngày cuối tuần cô muốn về thăm mẹ và em trai thì cứ về.

Dung giờ này cũng tự nhiên nên tâm sự với Kiên thoải mái hơn:

– Dạ, ngày mốt là giỗ bà ngoại tôi nên mai tôi sẽ đưa mẹ và em trai về quê một chuyến!

– Nếu thế cho cô nghỉ thêm ngày thứ hai nữa để đi về cho đỡ vất vả!

– Không cần đâu ạ! Buổi trưa hôm ăn giỗ xong thì chiều muộn mẹ con tôi bắt xe ra cũng được!

– Mẹ cô cũng lâu mới về quê, mà anh chị em cũng cần bàn bạc chuyện giỗ chạp nên cứ nghỉ thêm cho thoải mái.

– Vậy, tôi cảm ơn anh trước ạ!

– Uống hết đi rồi vào làm việc!

– Vâng.

Hai người vừa rời khỏi quán về tới công ty thì giáp mặt Kiều đang đứng chờ thang máy, cơn điên khùng hôm qua còn chưa có nơi trút nay lại gặp cảnh hai người đi cùng nhau thì trong lòng cô ta lại nổi đầy sóng dữ. Có điều lúc này Kiều cũng không dám tỏ thái độ sỗ sàng như hôm trước, tuy nhiên cô ta cố tình coi Dung như không khí mà chỉ chào hỏi Kiên:

– Em chào anh!

– Ừ.

Thang máy tới, cả ba bước vào trong và Kiều vẫn tiếp tục nói chuyện với Kiên bằng giọng điệu nũng nịu mà không hề nhớ đến thái độ của anh từ sau chuyện hôm qua:

– Anh! Bố mẹ em nhắn tối nay anh qua nhà em ăn cơm đấy ạ!

– Bảo cô chú để khi khác, tối nay tôi bận rồi!

– Em vừa hỏi thư ký của anh nói tối nay anh không phải đi tiếp khách mà!

– Tôi có hẹn tối nay đưa bọn trẻ ra ngoài ăn cơm rồi!

– Vậy đưa luôn các cháu qua nhà em đi! Bố mẹ em cũng mong mấy đứa!

– Để lần tới bố mẹ tôi đến thì đưa cả nhà sang luôn, còn hôm nay thì khất hẹn với cô chú giúp.

Nói tới đây thì tiếng thang máy tinh tinh báo hiệu đến tầng của Thùy Dung nên cô xin phép ra trước, còn lại Kiên và Kiều, cô ta lại tiếp tục tỏ bày:

– Anh! Chẳng lẽ đến giờ này anh không nhận ra ý tứ của em ư?

– Ý gì?

– Chị Hòa cũng đã m.ất lâu rồi, còn em thì vẫn chờ anh!

– Dù vợ tôi mất đã lâu nhưng giữa chúng ta cũng chỉ có thể dừng lại ở mức anh em bạn bè. Em tốt nhất là nên tìm một người con trai khác cho mình chứ em không hợp làm mẹ kế của các con tôi đâu.

– Anh…

– Đây là lời thật lòng tôi muốn khuyên em!

Kiên đã từ chối cũng như nói thẳng và thật như thế nhưng hình như không cố chấp không phải là tính cách của cô ta hay sao đó.

– Em có gì không được chứ?

– Đừng hỏi mấy câu như thế! Tôi đã nói rất rõ rồi!

– Tại sao nó thì được mà em thì anh lại từ chối?

Đã dứt khoát bước về hướng phòng làm việc của mình thế nhưng khi cô ta cất lời hỏi một câu như thế khiến cho bước chân của Kiên phải dừng lại.

– Ý gì đây?

– Anh đã thay đổi rồi! Với một đứa gia sư nghèo, một con nhân viên quèn thì anh lại quan tâm săn sóc nó chu đáo. Còn em, người đã theo anh từ bé lại bị hắt hủi. Tại sao vậy?

– Em đừng có dùng mấy từ ngữ không lịch sự đó để nói về người khác!

– Anh trả lời vào trọng tâm câu hỏi đi!

Thật sự không muốn tiếp chuyện với Kiều nhưng cô ta cứ mãi lải nhải làm cho Kiên không còn muốn nể mặt nữa:

– Không tại sao cả và chuyện tôi có thay đổi hay không cũng không hề liên quan tới em!

– Như vậy là anh có ý với nó thật đúng không?

– Chuyện này tôi càng không phải báo cáo!

Kiều nhìn bóng lưng Kiên rời đi mà lòng đau đớn, cô ta có làm bao nhiêu việc cũng không khiến cho anh để tâm đoái hoài dù chỉ là chút ít mà lần nào cũng nhận cái kết đắng về cho bản thân. Càng cố gắng càng thua thiệt, mà thua ai không thua lại thua một cô gái nghèo như Thùy Dung thì cô ta không can tâm chút nào…

Buổi tối đến, Kiên đưa mấy cô cháu đi ăn cơm ở nhà hàng lần trước mà Dung được nhận Voucher, thực sự thì món ăn ở đây rất hợp khẩu vị với cô và bữa nay bọn trẻ cũng ăn rất chi là ngon miệng.

Nhìn mấy cô cháu ăn uống, cười đùa vui vẻ khiến tâm tình của Kiên cũng vui theo, nhất là bé An. Con bé thật sự là quấn Thùy Dung, mà cô đối với con bé cũng rất yêu chiều, giữa hai người nếu ai không biết lại tưởng lầm là mẹ con. Tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua đầu anh, một gia đình vui vẻ liệu có được không? Nhưng khi Kiên đánh ánh mắt qua hai đứa lớn thì ý nghĩ ấy của anh thực sự không biết được bao nhiêu phần trăm thắng lợi?

– Bố!

– …

– Bố ơi?

Ngọc Anh phải gọi tới câu thứ hai thì Kiên mới thoát ra khỏi tâm trạng ấy, anh vội vàng trả lời con gái:

– Ừ. Sao vậy con?

– Bố mải nghĩ gì mà con gọi mãi bố mới nghe thế ạ?

– À… Bố đang nghĩ chút việc thôi. Các con ăn xong rồi à?

– Vâng. Giờ mình đi chơi đi bố!

– Thế mấy cô cháu muốn đi đâu đây?

– Hôm nay chúng con nhường em An nên cả nhà mình đi ra khu vui chơi đi ạ! Em ấy thích thế!

– Vậy mọi người ra cửa chờ bố!

Kiên thanh toán xong thì chở cả nhà đến khu vui chơi, mặc dù được đi nhiều lần rồi nhưng Bảo An vẫn cứ phấn khích như lần được cùng Thùy Dung đến đây khi hai cô cháu mới gặp nhau. Lần này có hai anh chị lớn đi cùng nên Dung không phải theo con bé nữa mà ba anh em tự chơi với nhau. Còn lại hai người, Kiên lấy chai nước suối đưa cho Dung rồi mở đầu câu chuyện bằng lời hỏi thăm cái tay đau của cô:

– Tay cô đến giờ thấy sao rồi?

– Dạ. Cũng cử động thoải mái rồi ạ!

– Chịu khó bôi thêm vài lần thuốc cho khỏi hẳn đi!

– Vâng.

Hết chuyện cái tay thì Kiên lại chuyển sang việc ngày mai của Dung:

– Mà mai cô về quê mấy giờ?

– Dạ. Tôi bắt chuyến xe lúc 8h sáng về Thái Bình.

– Vậy để tôi nói bọn trẻ về cho cô còn nghỉ sớm.

– Không cần đâu ạ! Cứ để cho chúng chơi thêm lúc nữa!

– Hôm khác chơi bù cũng được!

– Bảo An cũng chỉ tầm chín giờ là mệt nhoài rồi nên không cần giục đâu ạ!

Nghe Thùy Dung nói vậy thì Kiên cũng không có ý kiến nữa mà nói sang chuyện khác:

– Ờ… Thực sự tôi không có ý gì đâu, chỉ là hơi tò mò về gia đình cô một chút. Có thể nói cho tôi biết tại sao bố cô lại không sống cùng mấy mẹ con không?

– À…Tôi…

– Nếu không muốn nói cũng không sao.

Thùy Dung cầm chai nước lên uống một ngụm nhỏ rồi mới tiếp tục câu chuyện với Kiên:

– Không phải là tôi không muốn nói mà thực sự là tôi thấy xấu hổ khi kể chuyện của nhà mình với anh.

– Nếu coi tôi là bạn thì cô đừng ngại. Tôi không có ý gì mà chỉ muốn chia sẻ với cô.

– Bố tôi là một người nghiện cờ bạc nên nhà tôi từ một gia đình căn bản mà trở thành hộ nghèo nhất thôn. Người ta có bố để hãnh diện còn chúng tôi có bố lại thấy xấu hổ và tủi thân, nhưng mẹ tôi mới là người khổ nhất. Những năm tháng vì để chúng tôi được đi học đầy đủ, có bố như người ta mà mẹ tôi chịu đủ mọi đắng cay khổ cực vẫn bám víu vào căn nhà trống không ấy. Cứ nghĩ bố tôi ham mê cũng không đến nỗi gán nợ cả chỗ che nắng che mưa của mẹ con tôi nhưng không ngờ ông ấy chẳng màng đến cuộc sống khổ cực mà chúng tôi khi ấy hứng chịu, thế chấp luôn căn nhà vào những cuộc đỏ đen.

– Có phải vì thế mà mấy mẹ con cô phải rời quê nhà đi không?

– Không hẳn. Lúc ấy không còn nhà nhưng các bác tôi vẫn cho mấy mẹ con tá túc nhờ, chỉ đến khi đám người cho vay nặng lãi đến đòi nợ thì mẹ con tôi mới phải rời khỏi quê. Chúng tôi không thể vì hoàn cảnh của mình mà liên lụy đến người khác được…

Giọng Thùy Dung nói tới đây thì nghẹn lại, trong ánh mắt lúc này toàn là sự bi thương, đủ thấy quãng thời gian đó mấy mẹ con cô khổ sở như nào…

– Nếu cô không ngại thì từ nay có gì cứ nói tôi giúp!

– Có phải anh nghĩ tôi yếu đuối lắm không?

– Ơ…

Đúng là Kiên có suy nghĩ ấy và thực lòng lo lắng cho tâm trạng của cô nhưng không ngờ Thùy Dung mạnh mẽ hơn anh tưởng. Vừa nãy còn nhìn rõ ra tâm sự trùng trùng nhưng đúng là cô rất lạc quan, không để ai thương hại dù cho là mình thân cô thế cô…

– Không… Không phải. Ý tôi là nếu đã coi tôi là bạn như cậu Thành thì có gì cứ nói, không cần phải để trong lòng.

– Thực ra anh đã giúp tôi rất nhiều rồi đấy chứ! Trong lúc tôi đang chới với, khó khăn nhất thì anh đã cho tôi một công việc, không những lương cao mà đãi ngộ cũng rất tốt. Dù không phải lâu dài nhưng lại rất hữu ích cho mấy mẹ con tôi lúc cùng cực đó.

– Nếu tôi nói muốn cô ở lại lâu dài thì cô có đồng ý không?

Đang đà nói chuyện công việc nên Thùy Dung lại hiểu câu nói này của Kiên theo ý khác, cô đơn thuần nghĩ là anh mong muốn cô làm gia sư giúp mấy đứa trẻ lâu hơn mà cười cười trêu anh:

– Anh định chiếm hết thời gian tôi đi tìm bạn trai hay sao mà thuê tôi làm gia sư lâu dài cho bọn trẻ?

– Đúng là tôi có ý này!

– Sao cơ?

– Không phải cô đang muốn tìm bạn trai hay sao? Vậy tôi có cơ hội không?

Trong lúc Thùy Dung á khẩu vì câu hỏi quá bất ngờ của Kiên thì bọn trẻ chạy ùa ra, cũng may vừa đúng lúc chứ không cô chẳng biết phải trả lời sao nữa. Bảo An nô hăng quá nên mồ hôi nhễ nhại, Thùy Dung vội lấy khăn trong ba lô ra lau cho con bé rồi giục mọi người đi về thì cả nhà cùng nhau tiến ra xe. Mấy đứa trẻ không phát hiện ra sự ngại ngùng của hai người lớn mà cứ thao thao bất tuyệt nói lần sau chơi trò này tiếp và thử sức với trò chơi kia cho đến khi về tới nhà thì mới hết nhốn nháo.

Về tới phòng Thùy Dung tắm vội cho Bảo An rồi cho con bé đi ngủ, lúc nằm trên giường cô tự nhiên lại nhớ đến câu hỏi của Kiên khi nãy. Bấy lâu nay cô biết mình đã rung động vì ai nhưng ngàn lần cô cũng không dám nghĩ rằng người đàn ông hoàn hảo, giàu có như anh lại để tâm tới một cô gái nghèo như cô. Thực sự là quá bất ngờ…

Tinh… Tinh…

Thùy Dung giật mình vì tiếng tin nhắn gửi tới, cô vuốt nhẹ lồng ngực vài cái mới cầm chiếc điện thoại lên xem thì thấy là tin của Kiên với nội dung:

– Ngủ chưa?

Tự nhiên lại nhắn không có chủ ngữ thế này càng khiến cho con tim nhỏ bé của Thùy Dung lỗi nhịp, định coi như không biết thì Kiên lại nhắn tới tiếp:

– Có muốn ăn đêm không?

Không trả lời là cô có lỗi với chính bản thân mình nên sau vài giây đắn đo cô liền soạn một tin gửi đi:

– Anh nấu sao?

– Ừ. Muốn ăn gì?

– Gì cũng được.

Thùy Dung nhắn xong thì nhẹ nhàng ngồi dậy, chèn chăn cẩn thận cho Bảo An rồi mới đi ra khỏi phòng. Tới phòng bếp thấy Kiên đang lúi húi nấu mì thì tim của cô lần nữa lại xao xuyến, hình ảnh này khiến cô thật sự xúc động…

– Ơ… Định hù tôi hay sao mà đi đến im lặng thế?

– Tôi cũng vừa mới ra tới đây. Để tôi giúp cho.

– Không cần. Ngồi đó đợi đi!

Dung ngồi đó lại ngắm người ta từ phía sau lưng, trông Kiên vừa giống người cha tỉ mẩn vì con lại giống như người bạn trai hết lòng chiều chuộng bạn gái. Mặc dù anh đã quá tuổi lãng mạn yêu đương nhưng những hành động ân cần cũng đủ làm đối phương cảm giác ấm áp và tin tưởng.

– Anh có muốn uống gì không?

– Đêm khuya rồi uống nước lọc đi! Mai cô còn dậy sớm về nữa.

– Tôi là sâu ngủ nhưng cũng quen nề nếp lắm nên anh không cần lo đâu.

– Giữ sức mai đi xe cho đỡ mệt. Xong rồi, ăn thôi!

Mặc dù bụng không đói lắm nhưng nhìn bát mì bò nóng hổi và hơn hết là tấm lòng của người nấu nên Thùy Dung tận hưởng rất chi là ngon lành.

– Cảm ơn anh! Rất ngon!

– Tôi biết mình nấu còn vụng nhưng vẫn nhận lời khen này của cô.

– Không. Tay nghề của anh lên hơn trước rồi!

– Thật à?

– Vâng.

Kiên ngẩng mặt lên hỏi thì Dung cũng dừng ăn để trả lời mà vô tình hai ánh mắt chạm nhau. Có một chút ngượng ngùng nhưng lần này Kiên không trốn tránh nữa mà cả Thùy Dung cũng vậy. Có những thứ tình cảm chẳng cần nói anh yêu em hay em thích anh mà đôi khi chỉ một ánh mắt đã đủ diễn tả hết rồi và đối với Kiên hay Thùy Dung cũng vậy.

– Ngon thì ăn hết đi!

– Vâng.

Thùy Dung trả lời rồi với tay lấy thêm tương ớt cho vào bát mì của mình thì Kiên vội ngăn lại:

– Đỏ cả bát rồi còn định cho thêm nữa hả?

– Cay chút nữa mới ngon.

– Ăn cay nhiều đau bụng mà còn nổi mụn đấy! Hết sợ xấu rồi à?

– Thì có người rủ ăn đêm cho béo rồi thì lo gì xấu vì mụn nữa chứ!

– Cái miệng lại tài chống chế! Không cho thêm nữa, ăn cay thế này đủ rồi!

– Ăn cay để biết ghen.

Kiên đến cạn lời với cô gia sư này luôn rồi, câu nào cũng nói được nhưng anh thật sự thấy vui khi nghe câu cuối này nên hỏi lại:

– Ghen với ai?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.