Tôi Vô Tội

Chương 10: Thám tử poirot đến nhà bà y tá hopkins



Thám tử Poirot đang ngồi trong nhà bà y tá Hopkins.

Bác sĩ Lord đưa ông đến đây và giới thiệu với chủ nhà. Sau đó, viên thám tử nháy mắt ra hiệu, thế là viên bác sĩ cáo lui, để ông ngồi nói chuyện riêng với bà y tá Hopkins.

Sau khi quan sát kỹ càng ông khách, bà y tá trung niên cảm thấy yên tâm.

– Đúng là một nỗi bất hạnh lớn – Bà ta nói – Mary là một đứa con gái rất xinh đẹp, đám ông bầu ở Hollywood mà nhìn thấy nó thế nào cũng bám ngay. Đẹp và lại sống nghiêm túc nữa chứ. Nghiêm túc mà không kiêu kỳ, mặc dù người ta đánh giá nó rất cao.

Thám tử Poirot luồn ngay vào câu chuyện một câu hỏi khôn ngoan:

– Bà nói “người ta” là phu nhân Welman phải không?

– Đúng thế. Phải nói là bà cụ mê con bé.

Poirot lẩm bẩm:

– Mọi người khác chắc lấy làm lạ lắm?

– Tùy người thôi. Tôi thì cho rằng bà cụ yêu nó là chuyện dễ hiểu…

Bà y tá cắn môi, lúng túng nói thêm:

– Tôi muốn nói rằng con Mary rất khéo chiều bà cụ… Cách ăn nói cũng như cử chỉ của nó đều làm bà cụ hài lòng. Người già thích có những khuôn mặt non trẻ, dễ thương bên cạnh.

– Chắc tiểu thư Elinor Carlisle về thăm bà cụ luôn?

Bà y tá Hopkins khô khan đáp:

– Cô ấy chỉ về thăm khi nào cô ấy thích về.

– Có vẻ bà không ưa tiểu thư?

Bà Hopkins kêu lên:

– Ưa thế nào được con mụ giết người ấy?

– Tôi thấy bà có định kiến.

– Định kiến sao?

– Bà hoàn toàn tin rằng cô Elinor bỏ thuốc moóc-phin cho cô Mary!

– Còn ai khác nữa? Hay ông nghĩ tôi bỏ?

– Tất nhiên không phải bà rồi, nhưng hiện nay chưa đủ chứng cứ để kết luận ai đã bỏ.

Giọng bình tĩnh, bà Hopkins nói:

– Chính mụ ta là thủ phạm. Tôi thấy cách cư xử của ả ta rõ ràng là của kẻ có tội. Hôm đó ả cố giữ tôi trên phòng ngủ của phu nhân Welman thật lâu… Rồi khi tôi phát hiện Mary đã chết, tôi nhìn ả ta, thấy rõ ràng lúng túng. Nó hiểu là tôi đã biết ai đầu độc con Mary.

– Quả là tôi thấy, không thể nghi cho ai khác Elinor Carlisle được. Trừ phi… cô Mary tự tử.

– Ông nói sao? Mary mà tự tử? Bây giờ tôi mới nghe thấy có người nghĩ như thế đấy. Đúng là vớ vẩn!

– Đấy cũng là một khả năng chứ sao? Mà tôi cũng chỉ nêu lên thế thôi, vả lại ai dám nói chắc rằng cô Mary không tự cho moóc-phin vào tách nước trà?

– Tách trà của nó?

– Chứ sao? Bởi có phải lúc nào bà cũng nhìn đâu?

– Đúng là tôi không theo dõi thật. Mà cũng có thể nó tự tử… Không, tôi không tin! Vì sao nó phải tự tử kia chứ?

Poirot lắc đầu:

– Bà thừa biết, tâm hồn các cô gái trẻ dễ bị thương tổn lắm… Chẳng hạn cô ấy gặp một nỗi đau khổ trong tình yêu…

– Đám con gái tự tử vì tình hiếm lắm, nếu có thì phải là một tình yêu say đắm lắm, nhưng con Mary thì không phải trường hợp ấy.

Bà ta nói và nhìn thẳng vào mắt viên thám tử như thế khiêu khích.

– Cô Mary ấy có đang yêu ai không?

– Không. Nó là đứa con gái rất coi trọng tự do. Hơn nữa, nó bận lo công việc, đâu có thời giờ thừa thãi?

– Nhưng chắc chắn có nhiều cậu mê cô ấy chứ? Mary đẹp thế kia mà?

– Nó không thuộc loại con gái ngu ngốc, chạy theo đám con trai.

– Có cậu trai nào làng theo đuổi Mary không?

– Có. Thằng Ted con ông Bigland. – Bà y tá đáp.

Viên thám tử hỏi cặn kẽ về cậu này. Bà ta kể:

– Thằng Ted mê con Mary lắm. Nhưng như tôi đã nói với con bé tội nghiệp kia, là cô ta cao giá hơn thằng kia cả trăm mét…

– Bị khước từ, hẳn cậu ta uất lắm?

– Nó rất đau khổ và còn đổ tội cho cả tôi nữa chứ.

– Cậu ta cho rằng tại bà mà Mary từ chối cậu ta?

– Tất nhiên. Tôi yêu con Mary và tôi có quyền khuyên nó chứ? Tôi là người lớn tuổi, hiểu đời, tôi không muốn con Mary tự chôn vùi tương lại cuộc đời của nó.

Viên thám tử dịu dàng hỏi:

– Vì sao bà mến cô Mary đến thế?

– Thú thật là chính tôi cũng không cắt nghĩa được tại sao.

Bà ta ngập ngừng rồi nói khẽ:

– Con bé có một chất gì đó rất lãng mạn…

– Đấy là thuộc về tính tình cô ấy. Nhưng còn về vị trí xã hội thì… Có phải cô ấy là con gái ông bảo vệ lâu đài của phu nhân Welman không nhỉ?

– Đúng thế… Tất nhiên rồi… nghĩa là…

Bà ta nhìn viên thám tử và thấy ông ta lộ vẻ có thiện cảm với bà. Đột nhiên cảm thấy muốn tâm sự, bà bèn thú nhận:

– Thật ra Mary không phải con lão bảo vệ Gerrard. Chính lão ta kể với tôi. Bố Mary là một nhà quý tộc.

– Còn mẹ cô ấy?

Bà y tá cắn môi, nói:

– Bà ta trước kia làm hầu phòng cho phu nhân Welman. Sau khi sinh con Mary, bà ta mới lấy lão Gerrard.

– Quả là mối tình lãng mạn… lãng mạn và bí mật.

Nét mặt bà y tá rạng rỡ lên.

– Ông thấy không? Chúng ta không thể không quan tâm đến một con người khi chúng ta biết được điều bí mật trong lai lịch người ấy! Do tình cờ, tôi biết được khá nhiều điều xung quanh lai lịch của nó, nhưng đấy lại là chuyện khác. Đúng như ông nói, con người ta ai cũng tò mò muốn biết sâu về lai lịch người khác. Rất nhiều tấn bi kịch bị người trong cuộc giấu kín. Cuộc đời nhiều chuyện đáng buồn lắm, ông Poirot ạ.

Viên thám tử thở dài. Đột nhiên bà y tá hốt hoảng, vội nói:

– Lẽ ra tôi không nên nói ra với ông những chuyện đó. Mong ông đừng nói lại với ai. Những chuyện đó không liên quan gì đến vụ đầu độc con Mary, đối với tất cả mọi người, nó vẫn là con của bác bảo vệ lâu đài Hunterbury, còn chuyện tôi vừa kể với ông, xin ông giữ kín cho. Ta chẳng nên nói xấu những người đã khuất. Mọi người chỉ cần biết Mary là con gái ông Gerrard, thế là đủ.

Viên thám tử Poirot nói khẽ:

– Có lẽ bà biết cha thật của cô Mary là ai chứ?

Bà y tá bĩu môi nói:

– Có thể tôi biết, mà cũng có thể không biết. Thật ra tôi biết, nhưng không bảo đảm chính xác, do tôi đoán ra là chính “Cái bóng của tội lỗi bao giờ cũng tỏa ra rất xa” câu tục ngữ nói như thế. Nhưng tôi không có thói thóc mách cho nên tôi sẽ không nói thêm gì nữa.

Thám tử Poirot tế nghị chuyển sang đề tài khác:

– Tôi muốn được hỏi bà một vấn đề rất tế nhị, và tôi hy vọng bà sẽ giữ kín cho.

Bà y tá ưỡn người lên, nở một nụ cười rạng rỡ.

– Hình như ông Roddy mê cô Mary, có phải thế không?

– Đúng. Say như điếu đổ ấy chứ!

– Mà lúc bấy giờ ông ta đã đính hôn với tiểu thư Elinor, có đúng như thế không?

– Nếu nói thật ra, thì cậu ta chưa yêu mụ.

– Liệu có phải cô Mary đã chủ động đẩy tình cảm của ông Roddy ấy lên không?

– Mary có tính tự trọng rất cao. Nó không có gì đáng trách xung quanh việc cậu Roddy kia mê nó.

– Nhưng cô Mary có yêu ông ấy không?

– Không! – Bà Hopkins trả lời dứt khoát.

– Nhưng cũng có mến chứ?

– Mến thì có.

– Vậy thì rồi mối tình đó sẽ thành chứ, tất nhiên không phải ngay mà là qua thời gian?

– Tôi nghĩ có thể thành. Con Mary bao giờ cũng xử sự đúng đắn. Nó bảo tôi rằng nó chưa thể trả lời cậu Roddy được trong khi cậu vẫn còn đính hôn với cô chủ Elinor. Hôm cậu ta đến gặp nó ở London, nó vẫn nói thẳng với cậu ta đúng như vậy.

Thám tử Poirot hỏi, giọng rất vô tư:

– Riêng bà, bà đánh giá ông Roddy Welman thế nào?

– Tôi thấy cậu ta là người đáng mến. Có tính dễ bị kích động, giống như những người mắc bệnh khó tiêu ấy. Nói chung những người hay dễ bị kích động đều có bệnh trong người cả.

– Ông ta có yêu quý phu nhân Welman nhiều không?

– Tôi nghĩ rằng có.

– Trong thời gian phu nhân nằm liệt giường, ông ta có hay đến ngồi bên giường bà cụ không?

– Sau lần thứ hai bà cụ bị tai biến, cậu ta với Elinor có về Hunterbury, nhưng cậu ta không vào phòng bệnh của bà cụ lần nào.

– Thật thế sao?

Bà y tá vội vã đáp:

– Bà cụ không yêu cầu cậu ta vào, vả lại lúc đó không ai nghĩ bà cụ sẽ chết nhanh đến thế. Đàn ông rất nhiều người ngại vào phòng bệnh. Không phải họ lạnh lùng, mà vì họ sợ bị xúc động.

Poirot gật đầu:

– Bà có biết chắc ông Roddy không vào phòng phu nhân Welman trước lúc phu nhân tắt thở không?

– Tôi chỉ biết trong thời gian tôi trực ở đó thì cậu ta không vào. Lúc ba giờ sáng, chị O’Brien thay tôi. Cũng có thể chị ấy gọi cậu Roddy vào. Tôi không thấy O’Brien kể lại.

– Nhưng ngay trong lúc bà trực, rất có thể cậu Roddy đã vào, thí dụ lúc bà có việc gì đó phải ra ngoài chẳng hạn. Có khả năng ấy không?

Bà y tá Hopkins tự ái:

– Trong phiên trực, không bao giờ tôi bỏ mặc bệnh nhân để đi đâu, dù chỉ một giây, thưa ông Poirot!

– Bà tha lỗi! Tôi không định nói với ý chê trách bà, thưa bà Hopkins. Tôi chỉ định nói, liệu có thể lúc nào đó bà phải ra ngoài để lấy thứ gì, hoặc đun siêu nước, hoặc lấy thuốc…

Bà y tá đã nguôi cơn nóng, đáp:

– Quả là có một lần tôi ra để thay nước nóng trong các chai chườm, vì tôi biết dưới bếp có nước sôi.

– Bà ra ngoài khoảng bao nhiêu phút?

– Khoảng năm phút.

– Rất có thể trong năm phút đó, ông Roddy đã ghé vào phòng phu nhân Welman.

– Nếu vậy thì phải là ông ta vào loáng một cái rồi ra ngay.

Poirot thở dài nói:

– Vừa rồi bà nhận xét rất đúng. Đàn ông thường rất lúng túng trước người ốm, cho nên chỉ phụ nữ mới làm được chức năng của các nàng tiên phúc hậu chăm nom người ốm. Nếu nhân loại không có các bà các cô thì không biết đàn ông chúng tôi làm được cái gì? Nhất là những phụ nữ làm nghề y tá… Quả là một thiên chức cao quý!

Bà Hopkins hơi đỏ mặt một chút, đáp:

– Ông quá khen. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ như thế. Chúng tôi quá bận, chẳng còn thời giờ đâu nghĩ đến giá trị của nghề chúng tôi.

– Bà có thể cho tôi biết thêm về cô Mary Gerrard nữa được không?

Sau một sự im lặng kéo dài, bà y tá nói:

– Tôi chẳng còn gì để nói thêm với ông về cô ấy nữa.

– Thật thế chứ, thưa bà Hopkins?

Bà ta nói, có phần lúng túng:

– Ông chưa hiểu ý tôi. Tôi rất yêu nó…

– Nghĩa là bà không muốn nói gì thêm về cô ấy nữa?

– Không. Tôi không nói gì thêm một lời nào nữa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.