Chuyển ngữ: Linh
Biên tập: Trần
Cuối cùng, sản phụ chưa thành niên ở giường số 10 kia vẫn ở lại viện vài ngày. Cha mẹ của cô bé cũng chịu nán lại phòng bệnh. Bé gái sinh non được bế đi sau khi gỡ hết thiết bị, nhưng vẫn sống sót một cách thần kỳ. Giờ ăn tập thể, mấy cô y tá đều bàn tán về chủ đề này, kể rằng ông ngoại bé bế cháu không rời tay, còn đút sữa bột cho đứa bé, dường như được khơi dậy vô vàn tình thương.
Đón Tết là việc của đón Tết, chứ khoa bệnh lý và khoa phụ sản còn bận rộn hơn cả ngày thường. Hễ đến lễ tết là bệnh viện thị trấn sẽ tống hết những bệnh nhân có vấn đề dù là nhỏ nhất lên đây. Các y tá cũng chẳng có nhiều thời gian để tán gẫu, chỉ có lúc ăn trưa, họ mới nói chuyện phiếm vài câu. Ngoài ra, được bàn luận đến nhiều nhất còn có bệnh nhân giường số 23. Phòng cô này có một người đàn ông, ngoài cửa phòng lại thường có một người đàn ông khác nữa. Dáng vẻ nhã nhặn lịch sự, dáng người cao gầy, ngoại hình thật sự rất khá, thoạt nhìn cũng rất có phong độ. Mỗi ngày hắn đều ngồi đó, đọc những cuốn sách chữ in dọc kiểu xưa. Quả thực quá kì lạ, rốt cuộc mối quan hệ giữa ba người này là gì?
Giường số 23 là A Liên. Người đàn ông ở cửa kia hiển nhiên là thầy bói. Hắn chẳng hề để tâm người đến người đi xúm lại vây xem, cũng chẳng yêu cầu A Ba ngừng giam lỏng hắn. Mỗi lần Ngô Đình Phương vào để khám bệnh, hắn đều gật đầu chào hỏi, hết sức thân thiện tử tế, cứ như đang tiếp khách tại nhà riêng của mình vậy.
Ba ngày sau, A Liên phá thai. Hai vợ chồng đi xem “bộ phận sinh dục” của đứa bé, xem xong xém chút nữa thì ngất xỉu. A Liên gào khóc thảm thiết, A Ba mặt tái dại. Bọn họ không dám tin, gọi Ngô Đình Phương đến nhận định. Mà suốt cả quá trình, thầy bói xem xong thì phủi bụi trên góc áo, đủng đỉnh nói với A Ba: “Không còn chuyện gì nữa thì tôi về trước đây.”
Nhưng vào lúc này Ngô Đình Phương lại bị y tá trưởng gọi vào trong phòng làm việc. Y tá trưởng kề tai anh nói nhỏ: “Mau để người nhà ở giường số 10 bế đứa bé đi đi! Chết ở đây thì phiền lắm.”
“Đứa trẻ trong tình trạng nguy kịch lắm ư? Không phải hôm nay giường số 10 sẽ xuất viện sao? “
“A Băng thấy ông bố của bệnh nhân giường số 10 kia lúc nào cũng bế đứa bé, ban đầu còn tưởng đang dỗ cháu, sau đó phát hiện, ông ta hễ nhìn thấy y tá là cái tay lại sai sai thế nào đó. Nhìn trộm một hồi mới trông thấy, mỗi lúc không có ai để ý, ông ta lại bịt mũi đứa trẻ, có người đến thì liền thả tay ra, môi của đứa bé đã thâm đen cả lại rồi! Chúng ta làm sao mà coi quản ông ta suốt ngày được, mau đuổi bọn họ đi đi! Ai biết được chết rồi có đổ vấy cho chúng ta hay không!”
Ngô Đình Phương đi đến giường số 10, đúng là ông ngoại vẫn luôn bế đứa bé. Thấy Ngô Đình Phương đến, thì làm ra vẻ tay trái sờ lên mặt bé. Đứa trẻ khóc òa lên.
Còn khóc được tức là vẫn còn sống.
Ngô Đình Phương nói với bọn họ rằng bệnh viện có quy định, nếu đứa trẻ từ bỏ quyền điều trị thì phải mau chóng rời khỏi bệnh viện. Ông ngoại đứa bé tỏ vẻ đã hiểu, bảo lát nữa mẹ bé xuất viện thì sẽ bế đứa bé đi cùng. Có thể do nhận ra mình đã bị phát hiện, sau đó ông ta không tiếp tục động thủ nữa.
Lúc này, A Ba lại đến tìm anh, vẻ mặt ủ rũ đưa đám, không còn hùng hổ như lúc đe dọa thầy bói nữa.
Ngô Đình Phương khẳng định lại lần nữa với A Ba rằng, cái thai bị phá ra chính là một bé trai, A Ba bèn chẳng nói chẳng rằng gì nữa.
A Liên khóc mãi không dứt, buổi chiều từ trước khi bước vào phòng phá thai đã khóc. A Ba vắng mặt khi A Liên đang nạo thai, thay vào đó là mẹ anh ta – A Nhữ. A Nhữ buông tiếng thở dài, nói A Ba đòi đi giết A Tuấn, bảo đã nhờ ba người chị của gã đi khuyên ngăn, chỉ mong sao gã đừng làm ra việc gì ngu ngốc.
Giường số 10 đã vội vàng xuất viện ngay từ trưa. Đứa bé cuối cùng cũng không xảy ra chuyện gì trong bệnh viện như y tá trưởng lo lắng. Nhưng sau khi xuất viện có lẽ sẽ ngay lập tức lành ít dữ nhiều, nó vốn dĩ đã là trẻ sinh non từ bỏ điều trị, cho dù có xảy ra vấn đề gì thì cũng chẳng ai nghi ngờ.
Chập tối, Đình Phương rời khoa Nội trú. Vừa ra khỏi thang máy, gió bắc từ cửa sau khoa Nội trú thổi ào ào vào mặt anh kèm theo cả nước mưa. Y tá ở phòng điều trị nhập viện rét run cầm cập, co ro chào hỏi Ngô Đình Phương. Các cô ấy không thể khoác thêm quần áo khác bên ngoài đồng phục, cũng không thể đóng cửa chính, thậm chí không thể rời khỏi bàn tư vấn, chỉ có thể chịu lạnh chờ đến giờ tan làm. Đình Phương gật đầu chào bọn họ, rồi đi về phía phòng phát thuốc, xe của anh đỗ ở hướng đó.
Ghế bành ngoài cửa phòng phát thuốc là dành cho người nhà hoặc bệnh nhân ngồi trong khi chờ đợi lấy thuốc. Lúc này một người đàn ông mặc áo khoác nhung kẻ sọc đang ngồi đó, trên tay còn bế một đứa bé. Bất kể là người lớn hay chiếc chăn bông bọc lấy đứa trẻ, thoạt trông đều rất quen mắt. Người này nhìn thấy Đình Phương, liền đứng dậy.
Ngô Đình Phương không phải là một người phản ứng chậm, nói cách khác, từ trước đến nay, người khác chỉ cần nói nửa câu là anh đều hiểu hết. Nhưng hiện giờ Ngô Đình Phương lại vô cùng bối rối khi trông thấy thầy Trần – thầy bói ở phố Nha Hương của bọn họ đang bế một bé gái – phỏng chừng chính là đứa bé ở giường số 10, đi về phía anh.
“Giờ này rất khó bắt xe về, đành ở đây đợi anh, định phiền anh chở tôi về cùng.” Thầy bói gật đầu với anh, “Xin hỏi bác sĩ, xưng hô với anh thế nào cho phải?”
“Tôi họ Ngô, Ngô Đình Phương. ” Đình Phương liếc nhìn đứa bé. Chiếc chăn bọc của bé bị dính một ít vỏ hoa quả và tàn thuốc, nom đến là bẩn thỉu, nhưng sắc mặt lại không xanh xao, mà lại rất hồng hào.
Vẫn còn sống. Vẫn còn cơ hội sống tiếp. Ngô Đình Phương nhìn thầy bói. Hắn chỉ cười với anh, cũng chẳng giải thích gì thêm. Sự dồn nén trong lòng mấy ngày qua tràn lên hốc mắt, lại bị anh đè ép từ cổ họng xuống khí quản.
“Dù thế nào đi nữa, vậy là tốt quá rồi.” Anh nhủ thầm trong bụng.
Không thể nhúng tay, không thể nhắc đến, bằng không có thể sẽ bị cho là bắt cóc trẻ sơ sinh. Những đứa trẻ như vậy, dù có xuất hiện, bọn họ cũng không thể làm bất cứ điều gì. Trong trường hợp có người nhà ở đây, thì bệnh viện hay công an đều không thể can thiệp được.
“Đưa đến đâu đây?”
Thầy bói nói: “Về nhà.”
Dưới sự tiếp tay của bác sĩ Ngô Đình Phương, đứa trẻ đáng lẽ phải giao cho cảnh sát lại được đưa về phố Nha Hương. Ngô Đình Phương không hỏi thầy bói Trần muốn mang đứa bé này về nhà làm gì. Suốt chặng đường lái xe trở về, cả hai người đều lặng thinh không nói. Mãi đến lúc xe chạy đến đầu phố Nha Hương, khi họ chuẩn bị xuống xe, đứa bé mới khóc òa lên.
Thầy Trần vẫn luôn tỏ ra bình tĩnh điềm đạm cũng bắt đầu cảm thấy bối rối sau khi cố vỗ về đứa bé một cách vô ích. Đình Phương khóa xe lại, bế lấy đứa bé từ trong vòng tay Trần Tắc. Đứa bé khóc nhỏ dần, nhưng lại cho ngón tay vào trong miệng mà mút.
“Có sữa bột không?”
“Uống sữa bột? “
Đình Phương sững người, nhìn về phía Trần Tắc. Hắn vẫn bình tĩnh ung dung như vậy. Trong lòng Đình Phương nổi lên dự cảm không lành: “Anh định để ai chăm đứa trẻ này?”
Trần Tắc nói: “Tôi chăm.”
“Có từng chăm trẻ con chưa? “
“Chưa từng.”
“Vậy anh định cho nó ăn gì?”
“Tìm một bà vú.”
Cuộc trò chuyện đến đó là ngắt ngang. Đình Phương đang cân nhắc xem lời này của Trần Tắc có bao nhiêu khả năng là nói đùa, còn Trần Tắc cũng đang suy tính đến vấn đề chọn người làm vú em.
“Hiện giờ người ta ít đẻ, sữa thường còn chẳng đủ uống, vú em có thể rất khó tìm, mua sữa bột cho trẻ sinh non là được rồi.” Sau khi dám chắc rằng thầy bói hết sức nghiêm túc, Ngô Đình Phương bèn tiến hành phổ cập khoa học cho hắn.
Anh biết thầy bói chưa kết hôn chưa có con, nhưng không ngờ hắn lại thiếu thường thức đời sống cơ bản như vậy.
Ngô Đình Phương đành phải lần nữa quay xe, đưa tên người lớn ngơ ngác và đứa trẻ đói bụng đến cửa hàng mẹ và bé ở trung tâm thị trấn, nhưng ở đó lại không bán sữa bột cho trẻ sinh non. Đình Phương buộc lòng phải gọi điện cho một đồng nghiệp ở khoa Sơ sinh, bảo rằng họ hàng nhà mình cần gấp sữa cho trẻ sinh non. Sau khi nhận được sự đồng ý, anh lại lái xe quay về khoa Sơ sinh, lấy chịu hai hộp sữa.
Đi đi về về mất gần một tiếng đồng hồ, lại quay về chiếc ghế bành ở tầng một của bệnh viện. Lúc đứa bé trong lòng bắt đầu mút sữa chùn chụt rồi, Ngô Đình Phương chợt cảm thấy hết sức mệt mỏi. Anh ngẩng đầu nhìn Trần Tắc, hắn cũng đang nhìn anh chằm chằm.
“Có chuyện gì thì nói đi.”
“Con bé có duyên với anh đấy.”
Đôi mắt sau tròng kính của Trần Tắc là đôi mắt hai mí, mí mắt rất sâu. Sau khi nói lời này, hắn dùng đôi mắt như vậy mỉm cười với Ngô Đình Phương.