Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 12: Hỉ sự. Liên hoa tiểu thư



Một chiều hè cuối tháng năm năm Kỷ Tỵ, ta đang ngồi bên hiên chờ chiều xuống, hóng gió mát; đợi đêm về để xem rơi bay ra bắt muỗi, rồi cười vui cùng các thị nữ. Ta những ngày tháng này chính là cứ làm ngơ đi mà sống, được đâu vui đó mà không suy nghĩ gì nữa như vậy.

Giữa lúc đó thì thấy họ Đinh mặt mày tía tai, tóc râu dựng ngược hùng hổ đi vào cổng. Hai thị vệ mặt mày tái xanh, chân phải, chân trái líu ríu vào nhau chạy theo ở phía sau mà vẫn không theo kịp.

Ta với thị nữ đang ngồi ở thềm, ai nấy đều bất ngờ vì thấy họ Đinh về sớm hơn mọi ngày, chưa kịp đứng lên thi lễ thì họ Đinh đã đi vụt qua, đạp vào cánh cửa một cái rồi lao thẳng vào phòng.

Thấy cảnh tượng ấy ai nấy đều mặt cắt không ra giọt máu, dồn hết cả ánh mắt về phía ta cầu cứu. Ta thấy thế, ta cũng cứ mặc kệ một lúc, rồi mới theo vào trong nhà. Vào đến nơi đã thấy họ Đinh cởi phăng Hoàng bào vứt ở trên sàn nhà, đang ngồi thở phì phò trên ghế.

Ta vội đi lại giót một chén nước để xuống bên cạnh bàn rồi bảo:

– Hoàng Thượng hãy uống nước đi cho mát. Triều đình có việc gì không vừa ý người hay sao?

Họ Đinh không thèm nhìn ta, đập tay “bốp” một cái xuống bàn rồi gầm lên.

– Thật bực mình không thể chịu nổi nữa! Cái tên tiểu tướng ấy ăn phải gan hùm, mật gấu rồi hay sao hôm nay lại dám không vâng lời ta! Thật làm ta bực mình muốn chết mà!

Nói chưa kịp dứt lời, đã tự mình đứng phắt dậy rồi đá một cái vào chiếc ghế vừa ngồi. Chiếc ghế đổ mạnh xô vào chiếc bàn làm ấm nước và chén trà lăn lông lốc trên mặt bàn. Nước đổ lênh láng.

Thấy cảnh tượng ấy, thừa biết cái tính nóng nảy, cục cằn của họ Đinh một khi đã phát tác thì khó mà hạ hỏa ngay được, ta lẳng lặng đứng dậy định bỏ vào nhà trong để ngồi. Không ngờ khi ấy họ Đinh lại giơ chân đạp thẳng vào chiếc bàn. Chiếc bàn bị xô mạnh thúc vào ta đang đứng cạnh đó, làm ta ngã dúi dụi xuống mặt đất. Chỉ kịp “Á” lên một tiếng. Xong ta cứ thế nằm đó mà khóc ngon lành. Thực tình không đau đến mức phải khóc. Nhưng bị họ Đinh làm ngã một cách vô lý như vậy, ta thấy tủi ở trong lòng nên khóc cho vui thôi.

Lúc này như người mất hồn được nhập hồn rở lại, họ Đinh giật mình lao đến đỡ ta lên:

– Vân Nga! Vân Nga! Nàng có làm sao không? Ta xin lỗi!

Nói rồi tự nhiên khuôn mặt dịu lại, vội vội vàng vàng bế thốc ta vào giường, miệng không ngừng hò hét gia nhân đi gọi ngự y. Đến khi ta kiên quyết bảo ta không sao thì mới chịu thôi, dẫu vậy vẫn phải tự mình kiểm tra một lượt từ chân nọ sang chân kia, từ tay nọ sang tay kia, thấy không bầm dập, xước xát ở đâu mới thở phào ra, bảo.

– Không bị thương ở đâu cả. Nhưng nàng có thấy đau ở chỗ nào không?

– Không, thiếp không còn đau ở đâu nữa. Chỉ là bị bất ngờ nên nhất thời hoảng loạn thôi.

– May quá! Nhưng ta nghĩ vẫn phải gọi ngự y kiểm tra cho nàng ta mới yên tâm được.

Ta ngồi dậy trên giường bảo:

– Nếu vậy để mai thong thả thiếp sẽ cho truyền ngự y qua. Chứ giờ vội vội vàng vàng qua gọi không phải là bắt tội người ta hay sao?

– Nàng nói cũng phải. Vậy cứ theo thế mà làm đi! Xin lỗi nàng ta đã quá nóng giận không kìm chế được. May mà nàng không bị trọng thương ở đâu, chứ nếu nàng có vấn đề gì thì ta biết làm sao đây?

– Thiếp không sao rồi mà. Người đừng băn khoăn về việc ấy nữa. Hãy nói xem vì sao mà người lại bực mình như vậy?

Vừa hỏi đến đó thì họ Đinh đã liền sa sầm nét mặt. Nhưng may sao lại không đến mức nổi khùng nổi đóa lên mà đấm, đá linh tinh.

– Hôm nay ta bàn đến chuyện kén phò mã cho các tiểu nữ. Nàng biết đấy, chỉ còn vài bữa nữa là mãn tang Ngọc Nương, như vậy nên bàn dần đi là vừa rồi. Phất Kim thì ta định gả cho Ngô Nhật Khánh tướng quân, Phù Dung ta đã chọn Trịnh Tú. Ai cũng đều vui vẻ đồng ý cả. Riêng đến Lê Hoàn, ta muốn kén cho Liên Hoa. Vì ta thấy hai bọn họ đều là người ưa tự do, phóng khoáng, lại đã từng giáp mặt trên xa trường, hẳn là sẽ tâm đầu ý hợp. Vậy mà tên tiểu tướng đó đã từ chối. Nàng bảo ta không tức giận sao được đây!

A! Lên Hoàn! Lê Hoàn! Cái tên ấy vừa vang lên thì bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu tâm tư lại đua nhau trỗi dậy như nấm sau mưa ở trong đầu ta. Đã bao lâu rồi ta không nhắc tới cái tên ấy. Đã bao lâu rồi ta trùm chăn lên quá khứ đang ngủ yên. Vậy mà nay..

Lê Hoàn với Liên Hoa tiểu thư ư?

– Nàng làm sao vậy? Đau ở đâu sao?

Thấy ta chợt thất thần như người mất hồn, họ Đinh vội nắm lấy tay ta lắc mạnh. Ta vội vàng chống chế:

– Không, chỉ là thiếp đang tưởng tượng ra hình ảnh Lê Hoàn tướng quân sánh vai với Liên Hoa tiểu thư, thấy quả tình rất hợp. Vậy mà tiếc thay lại không thành hay sao? Thế Lê tướng quân đã trả lời ra sao?

– Nàng cũng thấy rất hợp sao? Vậy là đâu phải ta không có con mắt nhìn người chứ! Chỉ tiếc là tên tiểu tướng đó nói không thể đồng ý được. Hắn bảo thân bắn bồ côi bồ cút bao nhiêu năm nay. Cha mẹ đẻ không may vì ốm bệnh, nghèo khó đã qua đời. Rồi hăn được Lê Giám sát nhận về nuôi dưỡng, hết lòng yêu thương, thế mà mấy năm trước cha nuôi cũng qua đời. Trong lòng hắn vì vậy không tránh khỏi thương xót, không muốn nghĩ tới việc hôn sự, mà cũng không muốn làm lỡ mất chuyện đại sự của Liên Hoa.

Nói đến đó họ Đinh lại đứng bật dậy, quay phắt ra phía cửa, tay nọ đấm vào lòng bàn tay kia hết sức bứt rứt, khó chịu.

– Vậy Hoàng Thượng đã xử trí ra sao?

– Còn sao nữa! Ta cho hắn ba ngày để suy nghĩ, sau đó liền bỏ về đây. Hắn là một trong những tướng trẻ rất được ta trọng dụng mà lại có ý làm những việc ngông cuồng ấy là sao?

– Nếu tới đây Lê tướng quân vẫn khăng khăng quan điểm của mình thì Hoàng Thượng tính sao?

– Hắn dám ư? Họ Đinh lại nổi khùng lên một lần nữa, thét to giữa nhà đến khản cả tiếng: Nếu hắn dám ta không bao giờ tha cho hắn! Ta sẽ tước chức vị của hắn rồi thả hắn vào chuồng cọp cho xé xác! Dứt lời lại đưa chân đá tung tấm bình phong tùng cúc, trúc mai đặt giữa cửa ra vào và giường của ta. Đám người hầu kẻ hạ trong nhà nghe tiếng đổ vỡ lại kéo nhau vào. Nhưng thấy họ Đinh đằng đằng sát khí nên chẳng dám lại gần dọn dẹp, chỉ thập thò bên cửa chờ nghe lệnh.

– Nhưng thiếp nghĩ là câu trả lời trong mấy ngày tới của Lê tướng quân sẽ không thay đổi đâu.

– Sao nàng biết! Hắn dám sao!

Họ Đinh quay lại thét về phía ta như thể chính ta là kẻ từ chối chứ không phải là Lê Hoàn vậy. Ta lẳng lặng cúi nhìn xuống sàn nhà, thấy một nỗi sầu muộn dâng lên ở trong lòng. Nhưng ngoài mặt lại làm vẻ dửng dưng, nở nụ cười rồi nói:

– Năm xưa Lê Tướng quân là môn sinh trong Võ đường Dương Xá, Hoàng Thượng còn nhớ chăng? Khi đó dù ít qua lại bên Võ đường vì thiếp vốn không có hứng thú với mấy trò võ biền, nhưng người ở bên Võ đường và Trang Đông Lỗ không ai không biết tấm lòng hiếu thảo của Lê tướng quân. Song thân của Lê Tướng quân mất sớm, năm nào tới ngày giỗ chạp cũng xin về để tang cha mẹ rất chu toàn. Khi ngài Lê giám sát qua đời cũng đã hết sức đau đớn, không ăn không uống, khóc lóc bao nhiêu ngày trời. Nên thiếp nghĩ nếu Lê tướng quân đã nói vậy thì thực tình là vậy. Có lẽ trong lòng vẫn chưa hết thương nhớ những người đã sinh thành, dưỡng dục nên chưa muốn nghĩ tới chuyện đại sự, chứ không hề có ý gì khinh thường Hoàng thượng cả đâu.

– Vậy nàng bảo ta phải tính sao chứ? Giọng họ Đinh lúc này đã dịu đi đôi chút.

– Thiếp nghĩ dù trong lòng bực tức vì Lê tướng quân dám kháng chỉ, thì ngoài mặt Hoàng Thượng cũng nên tỏ ra hoan hỉ rồi bỏ qua việc ấy. Thậm chí người còn nên đem việc này mà khen ngợi trước quần thần, bá tánh. Tại sao? Nếu Lê tướng quân vì có ý giữ chữ hiếu với cha mẹ mà bị phạt tội, há chẳng phải thiên hạ sẽ không còn ai dám để chữ hiếu lên đầu nữa hay sao? Nếu bá tánh biết được việc ấy, mai sau Hoàng Thượng còn có thể lấy chữ Trung, chứ Hiếu ra mà dăn dạy trăm họ được nữa chăng? Thêm vào đó, mấy năm qua Lê tướng quân cũng đã cùng Hoàng Thượng và Công tử Đinh Liễn lăn lộn xa trường, nay vừa mới thái bình, nhưng công việc kiến thiết còn bề bộn, thành ra vinh hoa phú quý chưa hề được hưởng. Nay vì việc này mà phải bỏ mạng, thiệt thân, thế chẳng phải là công lao bao nhiêu năm đổ xuống sông, xuống biển hết hay sao? Nếu xảy ra như thế thì các tướng lĩnh năm xưa đã cùng Hoàng Thượng vào sinh ra tử về sau có ai còn có thể toàn tâm, toàn ý với người đây?

Họ Đinh lúc này đã hết hẳn vẻ tức giận nhưng không nói gì, chỉ ngồi im lặng vẻ trầm ngâm không hiểu là đang nghĩ gì trong đầu. Ta khẽ thở dài một cái! Nói hết lời hết ý như vậy mà không ích gì thì thôi ta cũng đành chịu. Bỗng thấy toàn thân mệt mỏi rã rời, những nỗi chán nản đã dâng lên đầy ứ nơi cuống họng. Chợt họ Đinh cất giọng bảo:

– Nàng nói cũng phải. Có lẽ ta đã quá nóng giận mất khôn. Nếu xét về khía cạnh làm cha ta có chút mất mặt. Nhưng với tư cách là Hoàng Đế ta cũng nên quay sang ca ngợi tấm lòng hiếu đễ của Lê Hoàn mà bỏ qua việc này. Có như vậy mới lấy được lòng thiên hạ về sau. Thật may có nàng nếu không ta đã làm hỏng bét mọi việc rồi. Nói rồi ngưng một lát, lại bảo: Ở trong này nóng bức quá, chúng ta hãy ra ngoại đi dạo loanh quanh cho thoải mái thôi.

– Vậy hay chúng ta ra đầm sen bơi thuyền?

Không hiểu sao lúc đó ta lại buột miệng nói ra điều đó, dù lúc trước đó chưa từng nghĩ đến việc này. Nói xong lại thấy hối hận. Không hiểu sao ta lại muốn đi bơi thuyền, lại là bơi thuyền với họ Đinh? Chắc hẳn sẽ bị cười cho một trận rồi bị từ chối. Họ Đinh không có vẻ hợp với việc này. Nghĩ thế xong thầm cầu trời khấn Phật, mong sao cho họ Đinh từ chối..

Vậy mà không ngờ họ Đinh lại cười vui vẻ bảo:

– Bơi thuyền ngoài đầm sen ư? Ta chưa đi bao giờ! Nhưng nghe có vẻ vui đó! Chúng ta đi thôi!

Thế là không còn cách nào khác, không thể rút lại lời nói của mình được. Đành phải đi thôi.

Để tránh phiền phức và rườm ra, họ Đinh không cho bất kỳ gia nhân, thị vệ nào theo hầu cả. Chỉ có nàng thị nữ trông coi việc thuyền bè đi theo phụ trách việc chèo thuyền. Như thế ta lại càng thấy thoải mái!

Đây là lần thứ hai bơi thuyền ngoài đầm sen. Nhưng là lần đầu tiên đi bơi thuyền đúng giữa mùa sen nở. Tiếc sao lại không phải là đi cùng với Đinh nương.

Ta với nàng đã hứa hẹn nhau mấy lần đợi mùa sen nở rộ sẽ cùng bơi thuyền ngắm hoa. Vậy mà chưa khi nào thực hiện được. Nhớ năm xưa, lần đầu ta cùng nàng bơi thuyền trong đầm sen, chính là năm đầu tiên khi ta về đây. Khi đó hoa sen đã tàn lâu rồi, lá sen cũng chỉ còn lác đác ba, bốn phần. Vậy mà cũng vui vẻ, thanh tao biết mấy.

Giờ hoa sen đang độ, nở bát ngát cả một góc đầm. Lá sen to, xanh mướt, ken dày đặc. Lại thấy rối rắm, vướng víu và khó chịu. Hay chỉ tại lòng ta không được vui? Vì ta không được đi ngắm sen cùng nàng? Người ta vẫn bảo rằng rượu ngon thì phải có bạn hiền đó hay sao?

Thuyền bơi chầm chậm giữa hồ.

Nàng thị nữ đứng ở mũi thuyền vừa thong thả cắm xào, đẩy con thuyền từ từ, nhẹ lướt về phía trước, vừa cẩn thận chọn những đường đi ít sen mọc nhất, tránh làm hỏng, nát hoa sen. Vậy mà đôi khi hoa sen, lá sen vẫn ghé sát sạt vào mạn thuyền. Chỉ cần chìa tay ra là có thể hái được.

Họ Đinh không mấy quan tâm tới hoa sen, chọn một chiếc ghế dài bên mạn thuyền rồi nằm khểnh lên, chân bắt chữ ngũ, lim dim nhắm mắt như đang ngủ.

Ta ngồi ở mạn thuyền bên này, cũng chỉ là lơ đễnh mà ngắm hoa.

Lê Hoàn! Vì sao chàng quyết định từ chối Liên Hoa tiểu thư?

Liên Hoa tiểu thư chính là con gái của họ Đinh với người vợ cả là Đặng Thị. Nàng chính là em gái của Công tử Đinh Liễn và là chị của Phù Dung tiểu thư. Năm nay nàng mười tám tuổi. Phù Dung tiểu thư thì mười bảy.

Ta chưa từng chính thức đối diện nàng, nhưng đã nhìn thấy nàng ấy một vài lần trong các nghi lễ quan trọng của Hoàng gia cũng như trong đám tang và nghi lễ cúng cơm cho nàng Ngọc Nương. Nàng thường ăn bận gọn gàng, tinh giản theo lối nhà binh và trang điểm rất nhẹ, nhưng vẫn có thể thấy rõ những đường nét thanh tú trên khuôn mặt nàng. Lê Hoàn và nàng lại đã từng gặp mặt nhau ngoài xa trường. Vậy hà cớ gì mà từ chối?

Có một chút tự mãn đàn bà dù mỏng mảnh như sợi chỉ len lỏi trong ý nghĩ của ta, phải chăng trong lòng chàng vẫn có ta? Thời gian trôi qua cùng bao nhiêu biến cố, vậy mà phải chăng trong lòng chàng vẫn có chỗ cho ta? Nhưng mà như thế thì cũng để làm gì cơ chứ? Chàng không nghĩ đến sự an nguy của bản thân mình hay sao mà làm thế? May sao vì mấy lời nói nhảm của ta mà họ Đinh lại bỏ qua việc này. Chẳng rõ vì những lời nói ấy thấu tình đạt lý, hay chỉ là vì ta hiện tại đang được sủng ái nên bỗng lời nói thành có trọng lượng. Nếu không phải như thế thì chàng tính sao đây?

Mà, có phải ta quá ảo tưởng về bản thân mình rồi không? Đã mấy năm trôi qua rồi. Lời thề xưa ta đã bội bạc. Tình cảm xưa cũng chỉ còn là chuyện của hôm qua đã rất xa. Giờ ta đã là gái có chồng. Có lẽ chàng cũng đã quên ta rồi. Vậy mà sao ta cứ làm như thể ta vẫn còn một vị trí nào đó trong cuộc đời chàng vậy? Ta không tự thấy xấu hổ sao sau bấy nhiêu chuyện xảy ra, lại vẫn có thể ngồi đây tỏ ra lo lắng cho chàng! Ta lấy tư cách gì chứ? Liệu chàng có cần đến sự lo lắng của ta? Liệu chàng có quan tâm tới việc ta đang lo lắng cho chàng hay không?

– Bơi thuyền ngoài hồ như thế này quả thật rất thú vị. Ai bày ra cái trò này vậy? Họ Đinh lúc này đã ngồi dậy trên băng ghế, cất tiếng hỏi khiến ta giật nảy mình.

– Vậy mà thiếp nghĩ Hoàng Thượng đang ngủ nên không dám cất lời.

– Ta không ngủ. Chỉ là thấy cảnh hồ gió mát hiu hiu nên nhắm mắt nghỉ ngơi một chút thôi.

– Cái trò bơi thuyền này chính là do Đinh nương bày ra cho thiếp đấy. Sen trong đầm cũng chính là do nàng ấy bỏ nhiều công phu đầu tư mà thành vậy.

– Đúng là việc này chỉ có nàng ấy mới nghĩ ra được.

Nói rồi họ Đinh bất ngờ đi đến đứng ở phía sau ta rồi vòng tay ôm ta vào lòng.

– Nàng có biết là nàng ngồi ở đây, màu hoa màu lá hắt vào trông nàng đẹp như tiên giáng trần không?

Thế rồi đưa tay nâng cằm ta dậy, liền đó cúi xuống mà hôn. Một nụ hôn dài, ướt rượt.

Kỳ lạ là một người thô lỗ, cục cằn như họ Đinh lại làm một hành động lãng mạn như vạy giữa khung cảnh này. Chỉ tiếc là lúc này đầu óc ta ở tận đâu đâu, chả còn cảm nhận được điều gì. Lúc thì đáp lại, lúc thì thờ ơ. May sao họ Đinh không để ý, hoặc có để ý cũng không quan tâm, vẫn cứ tiếp tục ôm lấy khuôn mặt ta mà hôn. Thế rồi bất chợt cúi xuống bế thốc ta lên, đặt vào giữa lòng, lại bắt đầu hôn, mỗi lúc một cuồng nhiệt. Và đôi bàn tay bắt đầu trượt đi khắp nơi trên cơ thể ta. Ta phút hoảng hốt, vội vàng gạt tay họ Đinh ra, dừng lại bảo:

– Giữa thanh thiên bạch nhật như thế này, lại còn có cả thị nữ chèo thuyền ở đây, Hoàng Thượng còn định làm gì chứ?

Họ Đinh đưa mắt nhìn ra đầu mũi thuyền, từ đây nhìn ra thì chỉ thấy từ đầu gối nàng thị nữ trở xuống, nhưng cũng có thể cảm nhận được nàng vẫn đang chăm chỉ cắm mũi xào xuống đầm rồi đẩy khẽ, đưa con thuyền nhẹ nhàng lướt về phía trước. Tuy vậy cũng không thể thản nhiên coi như không có người được.

Họ Đinh cất tiếng cười vang rồi đặt ta xuống, đứng dậy, đi lại trong lòng thuyền, bảo:

– Khi chuyển về kinh thành mới rồi nhất định ta sẽ cho sai người đóng một chiếc du thuyền thật lớn để chúng ta có thể du ngoạn sơn thủy. Đoạn sông Sào Khê dọc núi Mã Yên ta sẽ dành để thủy quân của triều đình luyện tập, còn đoạn phía bên trên ta sẽ cho xây nhiều thành quách dọc bờ sông, làm nhiều bến thuyền để chúng ta có thể du ngoạn, nghỉ ngơi. Chắc là sẽ vui đó!

Ta lim dim đôi mắt như thể cũng đang mường tượng về khung cảnh tráng lệ của kinh đô mới, cười bảo:

– Mới tưởng tượng ra thôi thần thiếp đã thấy rất thú vị rồi. Thiếp mong sao chúng ta sớm được chuyển về kinh thành mới!

– Đúng vậy chứ! Ta cũng rất mong chờ. Rồi đây nàng sẽ thấy, kinh thành của chúng ta sẽ to lớn và tráng lệ không kém gì kinh đô của bất kỳ quốc gia lân bang nào, sẽ trở thành niềm tự hào dân tộc của tất cả người Việt.

Nói rồi lại cười một tràng dài, vang động cả một vùng non nước hai bên đầm.

Ở phía tây mặt trời bắt đầu lặn. Ráng chiều đỏ ối bắt đầu dâng lên.

Ngày tàn!

Tháng Tám năm Kỷ Tị, Động Hoa Lư lại được một dịp chộn rộn, bận bịu vì hai việc hỉ lớn, đó là đám cưới của hai nàng Phất Kim và Phù Dung.

Phất Kim tiểu thư chính là con thứ của Dương Nương nương – Dương Nguyệt Nương phu nhân. Năm nay nàng vừa tròn hai mươi mốt tuổi. So với phong tục dân gian mà nói thì nàng đã khá lớn tuổi rồi. Nhưng so với phò mã là Ngô Lãm Công – Ngô Nhật Khánh khi ấy tròn hai mươi lăm tuổi thì cũng là vừa đôi, vừa lứa.

Phất Kim tiểu thư tuy không có vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà, nghiêng thành nghiêng nước, nhưng gương mặt với đôi mắt to cùng cái nhìn đắm đuối lại ẩn chứa một cái duyên ngầm rất lạ. Lần đầu nhìn nàng có thể không để lại ấn tượng gì, nhưng nếu đã nhìn đến lần hai, lần ba thì lại bị thu hút một cách kỳ lạ, khó mà rời mắt khỏi nàng được.

Tuy nhiên ta không thích phò mã Ngô Nhật Khánh. Cũng thân hình cao lớn, to khỏe, vạm vỡ, cũng bộ râu quai nón rậm rạp mọc tua tủa rất gợi nhắc đến họ Đinh; nhưng trong đôi mắt lại thiếu cái nhìn thẳng thắn, khảng khái và bộc trực. Giọng cười của chàng đôi khi khiến người ta hoảng sợ. Và tiếng nói của chàng, nó mềm mại như nhung, du dương như những làn gió biển và ngọt ngào như mật ong, nhưng tạo một cảm giác bất an hơn là tin tưởng. Không hiểu vì sao họ Đinh lại chọn con người này làm con rể của mình. Để ràng buộc một một thế lực. Đã đành. Nhưng cứ nhất thiết phải giao những người thân của mình cho những con người như vậy hay sao? Như vậy cũng có thể an tâm được hay sao?

Ngược lại với Phò mã Ngô Nhật Khánh, việc Phù Dung tiểu thư được gả cho Trịnh Tú tướng quân thì yên tâm quá rồi. Chỉ có điều, giá mà biết được trong lòng chàng đang nghĩ gì thì tốt biết mấy.

Suốt cả buổi lễ chàng không ngừng cười nói, uống rượu, bá vai, bá cổ các tướng lĩnh đến chúc tụng, như thể chàng đang ngất ngây trong hạnh phúc vì lấy được nàng Công chúa xinh đẹp, dịu dàng dù có hơi mong manh, yếu đuối, đúng như loài hoa mà nàng mang tên. Ta không sao đọc được gì trong đôi mắt và cử chỉ của chàng.

Tại sao ta lại cứ muốn đọc được điều gì đó trong đôi mắt và cử chỉ của chàng? Vì không hiểu sao suốt lễ cưới của chàng ta chỉ nghĩ tới hình ảnh chiếc du thuyền đẹp đẽ chàng đã sai đóng để tặng Đinh nương dạo chơi. Chẳng phải việc ấy rất là lãng mạn sao? Có thể nào trong đó cũng có một chút tình?

Nhưng có tình để mà làm gì chứ? Ta tự cười vì những ý nghĩ đảo điên của mình! Không có tình chẳng phải tốt hơn sao!

Chứ như ta và người ấy thì có gì là tốt đâu. Lê Hoàn! Hôm nay con người ấy cáo ốm không tới. Có lẽ cũng nên như thế. Bởi nếu chàng đến, không phải rất khó xử, rất khó để đối mặt với Liên Hoa tiểu thư sao? Không phải nếu chàng không cố cãi lệnh họ Đinh, thì hôm nay cũng là ngày vui của chàng và Liên Hoa tiểu thư sao? Nếu hôm nay cũng là đám cưới của chàng thì sẽ như thế nào? Không biết ta sẽ vui hay buồn đây? Ta có nên chúc phúc cho chàng không?

Nghĩ tới đó liền lặng lẽ buông một tiếng thở dài..

– Sao Dương Nương nương lại thở dài như vậy?

Tiếng nói trong trẻo của ai đó vang lên bên cạnh làm ta giật nảy mình. Quay lại nhìn thì ra chính là Liên Hoa tiểu thư.

Tiệc rượu ồn ào, kẻ ra người vào làm ta bí bức quá, vừa tranh thủ trốn ra ngoài ghế đá ngoài vườn ngồi một lúc cho thoáng đãng, tưởng không ai phát hiện ra, không ngờ lại vẫn bị bắt gặp. Mà người đó lại là Liên Hoa tiểu thư.

Chưa khỏi ngỡ ngàng thì nàng đã tiến lại gần, ngồi xuống bên cạnh ta bên ghế đá.

– Năm nay thời tiết thật là khác thường! Đã sang cuối tháng Tám rồi mà vẫn oi bức quá, chưa có một chút mát mẻ nào cả đúng không Dương nương nương?

Nàng phe phẩy chiếc quạt thêu trên tay, nói. Giọng vừa như mệt mỏi, vừa như lơ đễnh.

Miệng ta khô khốc.

Xét về mặt vai vế, ta là Nương nương, là vợ lẽ của cha nàng. Nhưng về tuổi tác cũng chỉ hơn nàng đúng một tuổi. Trong khi ta chỉ là một nữ nhi thường tình, bị gả về đây làm vợ lẽ của cha nàng; thì nàng là một võ tướng đã cùng cha mình và anh trai là Công tử Đinh Liễn và các tướng lĩnh lăn lộn mấy năm ngoài xa trường, vào sinh ra tử. Mới nghĩ đến đó thôi đã thấy hổ thẹn, thấy mất tinh thần. Huống hồ lại gặp nàng ở đây, trong hoàn cảnh này, một cách đường đột như thế.

Thấy ta hồi lâu không trả lời, một nụ cười phớt qua trên gương mặt nàng, nàng đứng dậy rồi bảo:

– Chắc tiểu nữ làm Nương nương khó chịu rồi. Vậy tiểu nữ xin phép cáo lui.

Nói rồi dợm bước đi. Chiếc quạt vẫn phe phẩy trên tay.

– Không phải vậy đâu! Chỉ là không ngờ lại gặp Tiểu thư ở đây nên ta hơi có chút ngỡ ngàng. Tiểu thư cứ ngồi đi!

Nàng lấy chiếc quạt che hững hờ nửa khuôn mặt, bật cười ra thành những tiếng nho nhỏ rồi dừng lại, nhưng cũng không ngồi xuống mà chỉ đứng trên lối đi.

Không hiểu sao ta lại nói vậy nhỉ? Thật thà đến ngớ ngẩn! Có thể nói rằng tại trời đang nắng nóng nên có hơi mệt, như vậy không phải hay hơn sao?

– Đó chính là lỗi của tiểu nữ rồi. Trở về kinh thành đã lâu mà không thường xuyên qua thăm hỏi Nương nương được. Âu cũng tại trước kia vẫy vùng trên lưng ngựa cùng cha anh đã thành quen, nên giờ về ở đây cảm thấy rất đỗi tù túng, bởi vậy vẫn thường cùng thị nữ mải chơi ở khu rừng ngoài thành mà quên hết lễ nghĩa. Hi vọng Nương nương không trách phạt!

– Tiểu thư không phải khách khí như vậy. Có gì mà phải trách phạt chứ. Chúng ta không phải đều là người một nhà hay sao?

Ta vội vã đáp lời nàng. Nhưng nói xong lập tức lại thấy mình rõ ràng bị lỡ lời. Chắc gì nàng đã coi ta là “người một nhà” với nàng chứ? Ta suy cho cùng cũng chỉ là vợ lẽ nàng hầu của cha nàng, nào có quan hệ máu mủ gì với nàng? Lấy tư cách gì mà ta nói vậy với nàng cơ chứ?

Nghĩ thế rồi thoáng chút chán nản. Đành ngồi im lặng ở trên ghế. Nhưng cũng không thấy nàng bắt bẻ gì câu nói đó. Có thể nàng chẳng thèm để ý, hoặc có thể nàng cũng nghĩ tới điều đó ở trong đầu, nhưng may sao nàng chọn cách không nói ra. Nàng chỉ mỉm cười bước đi loanh quanh trên lối đi. Lúc thì dừng lại quạt, lúc lại ngắm những chậu thược dược đang nở rực rỡ ở bên đường.

Hoa thược dược đón những tia nắng chiều lấp lánh từ trên cành cây, kẽ lá giót xuống, hắt màu hồng, màu đỏ lên khuôn mặt nàng, làm nổi bật làn da trắng ngần như những cánh hoa huệ chớm nở. Kỳ lạ là mặc dù đã lăn lộn trên xa trường từ thuở mười ba, mười lăm đến giờ, nhưng làn da của nàng không hề mang một dấu vết của nắng gió, vẫn giữ được vẻ trắng ngần và vẻ tươi trẻ, mượt mà. Nổi bật trên khuôn mặt đẹp như hoa ấy là đôi mắt tròn xoe, đen lay láy, chiếc mũi nhỏ xinh và khuôn miệng nhỏ với đôi môi mọng đỏ, chúm chím như một nụ sen đang he hé nở.

Nhìn ngắm nàng một lúc mới để ý thấy, hôm nay nàng mặc một bộ váy áo hết sức nữ tính và trang nhã, khác hẳn với những bộ quần áo hơi hướng nhà binh tối giản, tiện cho việc di chuyển, vui chơi của nàng. Chiếc áo yếm của nàng có màu hồng cánh sen đậm, chiếc váy màu hồng rất nhạt và chiếc áo khoác mùa hè bằng lụa trắng. Trông nàng dịu dàng, tươi mát mà thoát tục như thể một nàng tiên vừa hóa thân từ một bông hoa thơm ngát nào đó ở góc vườn.

Bình thường trong những bộ quần tối giản, trông nàng đã rất xinh đẹp. Thế mà khi trang điểm, ăn diện vào nàng lại càng xinh đẹp và lộng lấy gấp bội.

Ấy vậy mà vừa qua nàng đã bị một người con trai từ chối hôn sự.

Chuyện đó về nguyên tắc thì chỉ có các quan lại trong buổi chầu hôm đó biết. Nhưng kiểu gì mà chẳng bị lọt ra ngoài. Bao nhiêu người hầu, kẻ hạ, thị vệ ở quanh đấy cơ mà. Không biết nàng có buồn không? Không biết cái “bông hoa sen” này có đang âm thầm héo úa ở một cõi lòng xa xăm nào đó hay không? Có thể nàng không biết. Hoặc biết mà cũng chẳng thèm quan tâm thì sao? Trông vẻ tươi mát của nàng thì khó mà đoán ra được.

– Nương nương là người Đạo Ái đúng không?

Nàng bất ngờ cất tiếng hỏi khi ngồi lại xuống ghế.

Ta thực lòng không biết nàng đang muốn nhắm tới điều gì.

– Quả vậy. Nhưng nguyên quán thì lại chính là ở Đại Hoàng này. Năm xưa cả cha mẹ ta và gia nhân đều bị sát hại trên đường đi lễ chùa về, chỉ còn mình ta sống sót. Vừa kịp lúc đó Chương Dương Công, nguyên là Dương Bình Vương, là con thứ của Thứ sử Hoan Châu Dương Đình Nghệ, cùng đoàn tùy tùng đi qua. Hai vợ chồng Chương Dương Công đã nhận ta làm con nguôi và đem theo ta về vùng Ái Châu.

– Vậy dòng họ Dương chính là đã sáng lập ra võ đường Dương Xá?

À ra vậy, ta dường như lờ mờ nhận ra cái hồng tâm mà nàng đang hướng đến. Có lẽ nàng cũng đã biết chuyện và cũng có quan tâm, hoặc đơn giản chỉ là tò mò muốn tìm hiểu về con người đã dám từ chối nàng? Hay thực ra đó cũng chỉ là một câu hỏi vô nghĩa mà nàng vu vơ cho có chuyện?

– Đúng vậy. Chính là Tổ phụ Dương Đình Nghệ đã sáng lập ra. Từ đó đến nay Võ đường chính là nơi đã đào tạo ra rất nhiều thế hệ anh hùng hào kiệt cho nước Việt..

Ta cố tình bỏ lửng câu nói để thăm dò xem ý của nàng như thế nào. Vẫn thấy nàng tỏ ra hết sức bình thản. Có lẽ nàng cũng đang cân nhắc có nên tiến xa hơn không?

– Sống ở Hoa Lư này Nương nương có thoải mái không? Có thấy nhớ quê nhà không?

Vậy là mũi tên của nàng đã chuyển hướng!

Hoặc là chính ra nàng đã không hề giương cây cung của mình lên.

– Thoải mái lắm! Dương nương nương và các phu nhân khác đều hết sức giúp đỡ ta. Tuy vậy cũng không tránh khỏi đôi lúc hết sức thương nhớ quê nhà. Vì nghĩa phụ và nghĩa mẫu của ta ở nhà, năm nay cũng đã cao tuổi rồi. Định một vài năm nữa thư thư, mới xin Hoàng Thượng cho về thăm nhà.

– Quả nên vậy! Đợi tới đây chuyển sang kinh thành mới, thư thư một, hai năm nữa cho mọi thứ đi vào quy củ là Nương nương có thể xin về thăm quê. Cha ta, đối với việc này mà nói hết sức rộng lượng.

– Thật vậy sao? Có tiểu thư nói như vậy thì ta yên tâm rồi.

Nàng khẽ gật đầu rồi thong thả đứng dậy, sau đó cất những tiếng nho nhỏ, nhưng là kêu ca với chính mình hơn là nói chuyện với ta:

– Sang tháng tám rồi mà sao chưa thấy trời dịu đi chút nào nhỉ? Còn nóng bức hơn cả mùa hè!

Cả hai chưa kịp nói gì thêm thì đã thấy Lan Nhi tất tả chạy từ xa tới:

– Nương nương, thì ra ngồi đây hóng mát cùng Liên Hoa Tiểu thư mà làm em tìm người hết cả hơi! Đinh nương đang muốn gặp người đó, mau trở vào thôi! Vừa nói dứt lời vội cúi người thi lễ với Liên Hoa Tiểu thư.

– Vậy sao? Có chuyện gì?

– Em cũng không rõ! Người mau đến đó thì hơn.

Ta đứng dậy, quay sang Liên Hoa tiểu thư bảo:

– Vậy ta đi trước nhé!

Nàng khẽ cúi người đáp lại, cũng không nói gì thêm. Rồi ta và Lan Nhi một chủ, một tớ vội vã rời đi.

Chẳng rõ nàng còn ngồi lại trong vườn lâu không hay cũng rời đi luôn.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ta ngồi nói chuyện với nàng ở Động Hoa Lư.

Sau cuộc gặp gỡ ấy ít lâu, nàng xin phép họ Đinh và Công tử Đinh Liễn rồi cùng những gia nhân thân tín, người ngựa, tay nải lên đường đi ngao du sơn thủy. Từ tấm bé đã theo cha và anh miệt mài trên lưng ngựa, nên cuộc sống bó buộc chốn cung đình không hợp với nàng. Nàng muốn đi đó đi đây để xem cảnh non sông gấm vóc, tìm hiểu về con người và phong tục ở muôn nơi, sống một cuộc đời tự do, phóng khoáng.

Ban đầu họ Đinh và Công tử Đinh Liễn hết sức phản đối. Nhưng không thể khuất phục được nàng. Cuối cùng vẫn phải để nàng đi. Ngày nàng đi, họ Đinh khóc lên khóc xuống. Mấy ngày sau không chịu thiết triều, chỉ ngồi ở nhà ủ rũ. Mỗi khi chợt nhớ tới nàng lại không sao cầm được nước mắt. Mỗi lần như vậy, dù ta cố an ủi rằng “chắc là đi một thời gian, chán rồi nàng sẽ lại trở về” vẫn không làm cho họ Đinh bớt buồn. Đành để mặc cho họ Đinh ngồi thương nhớ con gái của mình.

Kỳ lạ là một người thô lỗ và cục cằn như họ Đinh lại có những giây phút yếu mềm như thế!

Liên Hoa xinh đẹp! Hôm đó ở trong vườn, nàng có định hỏi ta điều gì nữa không? Sao nàng không cất lời? Không biết việc nàng ra đi có phần nào vì người ấy không? Vốn dĩ nàng đã có ý định ra đi, hay chỉ là vì sự từ chối ấy mà đi? Giả sử khi đó người ấy đồng ý, thì có giữ chân được nàng không? Không làm sao mà biết được..

Mong sao ở nơi xa đó nàng được nhàn nhã, thảnh thơi. Mong sao một ngày nào đó nàng sẽ gặp được người tâm đầu ý hợp với mình rồi đêm ngày cùng ngắm mặt trời lặn, mặt trăng lên


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.