Chương 10
Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua, cuộc thi đầu tiên trong đời chậm rãi gõ cửa.
Đầu buổi thi, học sinh xếp hai hàng dài ngoài cửa lớp để đợi giám thị ghi số báo danh lên bàn. Cô giáo canh lớp chỉ mới ngoài ba mươi, gương mặt được trang điểm nhẹ, môi đỏ mím chặt, nom rất nghiêm khắc.
Hoài An cầm hộp bút nhỏ đứng ngoài bồn chồn, lâu lâu cậu bé lại ghé vào cửa lớp để nhìn xem cô đã ghi số đến bàn nào rồi.
Các cuộc thi tại trường đều xếp số báo danh theo bảng chữ cái ABC, tên của cậu bé bắt đầu bằng chữ “A”, đương nhiên được ưu ái hơn, đứng xếp hàng hay đi thi luôn nằm ở vị trí đầu.
Hoài An: “…”
Ngược lại với cậu, chữ “V” của Khôi Vĩ lại xếp cuối, thằng bé đứng ở chót hàng, mặt mày hăm hở nhìn qua ô cửa sổ.
Sau khi viết xong số báo danh lên bàn, giám thị cầm danh sách, đứng ngoài cửa đọc tên các bé:
“Lý Hoài An số 1.”
“…”
“Ngụy Khôi Vĩ số 25.”
Các bé lần lượt bước vào phòng thi, ngồi tại bàn ghi số báo danh của mình. Trên mỗi bàn để hai tờ giấy bao gồm giấy làm bài thi và giấy nháp, cuối giờ chỉ thu giấy làm bài thi, còn đề thi và giấy nháp thì cho mang về làm kỷ niệm.
Hoài An ngồi bàn đầu, đối diện với bàn giám thị, cậu bé vốn đã rất căng thẳng nay còn hồi hộp hơn.
Giám thị đứng trên bục giảng giải thích về quy định phòng thi cho các bé, không quên những câu nói kinh điển của giáo viên: hạ hạnh kiểm, xếp hạng kém, gửi thư mời cho phụ huynh,…
Khi tiếng trống vang lên, bọn nhóc im lặng, chăm chú nhìn vào giám thị trên bục giảng, cụ thể là sấp đề kiểm tra đang được cô cầm trên tay.
“Bây giờ cô sẽ phát cho mỗi bạn một tờ đề, các em phải úp nó lại, khi nào cô kêu lật thì các em mới được lật, nghe chưa.” Nói xong, cô ôm sấp giấy đi xuống, phát cho mỗi bé một tờ để úp xuống.
Sau khi phát hết, giám thị quay trở lại bục giảng, dặn: “Các em lật lại tờ đề, xem xem có chỗ nào không rõ hoặc bị mờ thì giơ tay nói cho cô.”
Tiếng lật giấy thi vang lên soàn soạt, có trời mới biết đám này chỉ lo nhìn câu hỏi, nào quan tâm đến chỗ mờ hay bị lỗi đâu.
Tiếng trống vang lên, dưới câu nói bắt đầu làm bài của giám thị, đám nhỏ cặm cụi viết lên giấy.
Không khí trong phòng thi im ắng, lâu lâu chỉ có tiếng cao gót của giám thị đi qua từng bàn để canh.
Hoài An cắn bút nhìn qua tờ đề một lượt: toàn những dạng bài mà cậu đã từng gặp, chỉ đổi số thôi, cậu còn nhớ cách làm. Cậu bé vừa cảm thấy bản thân may mắn, vừa cặm cụi viết dựa vào trí nhớ của mình.
Đến khi tiếng trống cuối cùng vang lên, báo hiệu kết thúc cuộc thi, Hoài An cũng vừa hoàn thành xong phần kiểm tra lại kết quả cuối cùng của mình. Giám thị đi từng bàn thu bài, sau khi kiểm tra không thiếu bé nào mới đồng ý mở cửa thả học sinh ra khỏi lớp.
Đám nhỏ chạy ùa lên bục giảng lấy cặp rồi ra ngoài đứng, ồn ào hỏi nhau kết quả để so sánh.
Khôi Vĩ bá vai cậu, chỉ vào một câu trong đề rồi hỏi: “Này mày ra kết quả bao nhiêu?”
Câu hỏi nó chỉ là câu cuối cùng, nằm trong phần lấy điểm mười của học sinh giỏi, đây là câu hỏi mà hồi trước Chí Uy đã chỉ cho cậu lúc cả hai ngồi chơi ở bờ sông, đến giờ cậu vẫn còn nhớ cách làm: “Hình như là 5.”
“Phải thế chứ!” Khôi Vỹ cười lộ cả răng nanh, bá vai cậu bạn ra khỏi cửa phòng thi.
“Về thôi! Nay tao đi bộ với mày nè.”
Ra đến sân trường thì hai đứa bị Chí Uy níu lại, nhóc cũng vừa mới thi ra, bình tĩnh hỏi han tình hình thi cử của hai đứa bạn: “Các cậu làm bài thế nào?”
“Mưa điểm mười!” Khôi Vĩ hất mặt ra vẻ tự đắc.
Chí Uy mỉm cười gật đầu: “Vậy là tốt rồi.”
Miệng thì nói nhưng tay nhóc lại dúi một hộp sữa nhỏ cho Hoài An: “Các cậu định ra cổng đợi phụ huynh đón hả?”
Cậu bé được cho hộp sữa thì đơ ra, còn Khôi Vĩ bên cạnh lại nhanh nhảu đáp: “Đâu, bọn tớ sẽ đi bộ về.”
Chí Uy giơ tay chào hai đứa: “Vậy tạm biệt nhé, chiều tối gặp, dì tớ đến đón rồi.”
Hai đứa nhóc cũng giơ tay vẫy vẫy tạm biệt bạn mình.
Khi Chí Uy đi xa, Khôi Vĩ quay sang nhìn hộp sữa trên tay cậu: “Sao nó lại nhét sữa cho mày?”
Hoài An: “…Cậu ấy bảo ghét uống sữa.”
“Không uống sữa sẽ lùn đấy.” Mặt thằng bé nghiêm túc, mặc dù so về chiều cao thì nó lại không cao bằng Chí Uy.
Hai đứa bá vai nhau đi về, giữa đường còn ghé vào xe đẩy cá viên mua hai cây.
“…”
Mùa thi đến nhanh mà đi cũng nhanh, chớp mắt lũ trẻ lại học tiếp nửa kỳ học còn lại.
Tháng 9 gõ cửa, mang đến một lễ hội mà đám trẻ nào cũng thích: trung thu!