Thời Hoàng Kim

Chương 20: Vấn đề của tín sứ vasizmo



Theo dã sử ghi lại, Vasizmo – một quốc gia cổ ở Trung Á có một phong tục kỳ lạ, người đưa tin (tín sứ) mang tin tốt lành đến cho vua thì được thăng chức, mang tin xấu bị dẫn đi cho hổ ăn thịt. Cho nên tướng soái đi chinh chiến xa, đều cử người có công mang tin tốt lành về tâu vua để cho anh ta được thăng chức và cử người có tội mang tin xấu về để bị trừng phạt. Có thật vương quốc Vasizmo có phong tục ấy không, điều ấy không quan trọng, điều đáng nói là câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc, có thể lật đi lật lại vấn đề. Bạn đọc nhạy bén lập tức nhận ra rằng, vua nước này có tính cách gần như ngây thơ, ông ta nghĩ rằng thưởng cho người mang tin tốt đến là khuyến khích cái tốt, trừng phạt người mang tin xấu đến là triệt cái xấu. Hơn nữa giả sử chúng ta sống ở vương quốc đó và là một tín sứ tận tụy với nghề, nếu một hôm bị dẫn đến chuồng hổ sẽ tỉnh ngộ ra rằng bất hạnh của mình là do đem tin xấu về. Sau cùng bạn sẽ nghĩ tôi kể câu chuyện kỳ quặc này là có dụng ý. Về điểm này, trước tiên tôi phải thừa nhận. 

Theo một ý nghĩa nào đó, hình tượng của nhà khoa học có chỗ giống với tín sứ của vương quốc Vasizmo, nhưng không bị ăn thịt. Trước hết ông ta nhằm vào đối tượng nghiên cứu và đưa ra những kết luận liên quan, lúc này thì chưa giống tín sứ của vương quốc Vasizmo. Sau đó báo cáo kết quả nghiên cứu tới công chúng, kể cả nhà cầm quyền. Cuối cùng tùy theo phản ứng của người khác, ông ta mới biết kết luận của mình có được đón nhận hay không, bây giờ mới giống tín sứ của vương quốc Vasizmo. Trong giới nghiên cứu cận hiện đại Trung Quốc, “tín sứ tin tốt” nhiều lắm, nhất là các nhà khoa học nhân văn. Thí dụ, ngày nay người ta phát hiện ra văn hóa Trung Hoa là tốt nhất, tiền đồ của thế giới dựa vào văn minh phương Đông. Nhưng cũng có “tín sứ tin xấu”, người này tên là Mã Dần Sơ. Đầu những năm năm mươi, ông đưa ra lý thuyết mới về dân số. Hồi đó người ta nghĩ rằng chỉ cần “đánh” cho gã họ Mã thối tha một trận là giải quyết tận gốc vấn đề dân số Trung Quốc, về sau mới nhận ra rằng vấn đề không đơn giản như thế. 

Nếu nhà khoa học biết được báo cáo của mình là tin tốt hay tin xấu thì vấn đề sẽ đơn giản. Tôi có một thí dụ thiết thân. Năm 1989 tôi và Lý Ngân Hà bắt đầu một đề tài nghiên cứu xã hội học, lần đầu phát hiện Trung Quốc có một quần thể yêu đồng tính rất rộng rãi, hơn nữa có văn hóa yêu đồng tính. Lúc đó tưởng rằng phát hiện này rất có ý nghĩa bèn đem công bố, kết quả không chỉ mình mang vạ, lại còn liên lụy, một chuyên san xã hội học bị cảnh cáo. Chưa hết, nó còn làm giật mình một cố vấn (ông đã hơn tám mươi tuổi) của tạp chí, ông liên tục từ chối làm cố vấn. Lúc này tôi mới biết rằng phát hiện của mình không được đón nhận. Bạn đọc có thể hiểu cho chúng tôi ân hận và hổ thẹn đến thế nào. Nếu cấm chúng tôi ra sách, đóng cửa tạp chí mà có thể làm cho vấn đề yêu đồng tính không phát triển nữa thì làm thế là có lý. Nhưng khuynh hướng yêu đồng tính là có tính di truyền, đóng cửa tòa báo không giải quyết được vấn đề, cho nên biện pháp đó hoàn toàn vô lý. Điều may mắn là hồi đó hổ trong vườn động vật Bắc Kinh không thiếu thịt. Do đó kết luận thứ nhất về vấn đề tín sứ tại vương quốc Vasizmo là: Đối với nhà khoa học, kết luận của nghiên cứu có liên lụy gì đến chính bản thân mình hay không, là một vấn đề cốt lõi. Điều đó tùy thuộc vào việc xung quanh nhà khoa học có loại người như vua Vasizmo không. 

Nếu nói lý với vua Vasizmo, thì có thể bảo ông ta rằng, trước hết phải có thực tế xấu thì mới có tin xấu, tín sứ là trung gian của tin tức, không có tội. Nếu chống cái xấu thì hãy chống cái sự thực xấu, có thế mới giảm được tin xấu. Nhưng lý lẽ đó có sự phức tạp nhất định, vua không hiểu được. Hơn nữa nếu có thể nói lý với ông ta, thì ông ta không còn là vua nữa. Vua bao giờ cũng đúng, thần dân bao giờ cũng sai. Tính khí của vua không sửa được, thần dân phải thích nghi với sự thực đó. Nếu trong các tín sứ của Vasizmo có người ranh ma, thì khi phải đưa tin xấu, anh ta sẽ ỉm đi, thậm chí còn thêm bớt. Trong một bài tạp văn, Lỗ Tấn đã nói đến hai số phận khác nhau, một của anh chàng khôn ngoan và một của anh chàng dại dột, chính là nói hiện tượng này. Theo tôi biết các nhà khoa học không gian ngoan đến mức đó, họ chỉ đề phòng cho chính mình, không nên đưa ra kết luận không được đón nhận. Do mải đề phòng cho nên rơi vào tâm trạng rối trí, đó là  stress  . Mặt khác, ai cũng mong có được kết luận được đón nhận, do đó cũng không tự nhiên sống như một con người bình thường. Bây giờ người ta nói khủng hoảng khoa học nhân văn, tôi nghĩ nguyên nhân chính là ở đó. Còn một nguyên nhân về kinh tế: kiếm được ít tiền quá. Nếu thoải mái làm khoa học, lại kiếm được nhiều tiền thì chẳng có khủng hoảng gì cả. 

Theo cá nhân tôi, có ba cách có được tin để được đón nhận: Một là, lấy trong thực tế và sàng lọc. Hai là, sửa sang lại tin đã có. Ba là, bịa đặt ra. Cách thứ nhất là khó nhất. Cách thứ ba tiện lợi nhất, về mặt này, các nhà khoa học có điều rất bất lợi, bịa đặt tức là gian trá. Giả sử có ông vua chỉ thích nghe tin tốt thì thà nuôi bọn tiểu nhân vô liêm sỉ còn hơn đi nuôi các nhà khoa học. Trong lịch sử Trung Quốc, kẻ tử thù của các nho sĩ là bọn hoạn quan. Nếu các nhà khoa học thêm bớt, bịa đặt thông tin thì là đi vào con đường tự sát về học thuật. Do đó, giữa hai thứ: tìm tòi sự thật và được hoan nghênh, các nhà khoa học luôn luôn lao tâm khổ tứ để tìm ra con đường trọn vẹn cả hai, các nhà khoa học văn sử lại càng như vậy. Khi chúng tôi học đại học, thầy giáo bảo làm lịch sử hiện đại phải nhớ kỹ hai nguyên tắc, một là nguyên tắc trị sử, hai là nguyên tắc tính đảng. Như vậy có nghĩa là, để cho sự thật lịch sử xảy ra theo nguyên tắc tính đảng. Nói theo đúng lương tâm, tiết học đó tôi nghe không hiểu. Về mặt văn sử, rất nhiều điều tôi còn mù mờ. Nhưng tôi hiểu được nỗi khổ tâm của các nhà khoa học. 

Trong lịch sử Trung Quốc, học giả nào cũng cố gắng chứng minh học thuyết của mình có hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội to lớn. Mạnh Tử đã từng đề cao học thuyết của mình, đề ra thuyết: “Nhân giả vô địch”- người nhân đức không có kẻ thù, có hiệu quả quân sự, có điều tuyệt diệu là tuy khác cách làm nhưng có cùng hiệu quả như học thuyết “bom nguyên tử tinh thần” của Lâm Bưu   (   [1]  )  . Học thuật phải có hiệu quả, thế là thành một Vasizmo khác. Học thuật có thể thực sự có hiệu quả nhưng nó đến rất chậm, ít nhất cũng không thể nhanh bằng hiệu quả đưa ra nơi đầu lưỡi, huống hồ đối với vị vua thì “hiệu quả” chỉ là tin tức mà thôi. Hiệu quả tốt nhất là lập tức nghe thấy tin tốt lành. Do đó các nhà khoa học chịu một sức ép, phải thi đua phét lác với lũ bịp bợm, lấy sắc mặt người khác làm học vấn, anh cần cái gì tôi làm cái ấy. Cần phải nói rõ là nhà khoa học chưa hoàn toàn biến thành xảo trá, điều này thì tôi tin chắc. 

Giả sử so sánh tất cả những lý giải của tất cả các nhà khoa học trên thế giới về ích lợi của khoa học, có thể chia thành hai loại, một nửa nói khoa học có thể giải quyết vấn đề, nhưng như thuốc Đông y bán ở cửa hàng có thể dùng để chữa bệnh, trước tiên phải có hiểu biết, sau đó mới có thể bốc thuốc theo đơn để chữa bệnh cho người ta. Theo quan điểm đó thì phép chữa bệnh bây giờ chỉ là làm sao cho cửa hàng có đủ thuốc, còn thì không đảm bảo chữa được bệnh. Bên kia thì bảo phép chữa bệnh của tôi là lập tức có câu trả lời đối với mọi thứ bệnh gặp phải hiện nay, điều này giống như bán đại lực hoàn, chữa trăm thứ bệnh, uống vào có bệnh thì khỏi bệnh, không có bệnh thì khỏe người. Các học giả Trung Quốc xưa nay có truyền thống bán đại lực hoàn, thích dùng những lời động trời. Điều này tạo ra một cảm tưởng ngoài học vấn kiểu đại lực hoàn ra, còn thì tất cả đều không phải học vấn. Dưới sức ép như thế, chúng tôi cũng muốn đưa ra vài câu nghe cho ghê người, nhưng hiềm một nỗi thiếu sức tưởng tượng quá. 

Tôi còn nhớ ông Phùng Hữu Lan đã từng muốn sửa cuốn “  Lịch sử Triết học Trung Quốc  ” của mình, để cho phù hợp với thời đại và lãnh tụ, đây là một thí dụ về xảo trá hóa – Ông La Tố từng viết cuốn “  Lịch sử Triết học phương Tây  ”, chưa hề nói phải sửa cho vừa lòng người khác, cho nên ông Phùng xảo trá hơn ông La – nhưng ranh ma cũng không ranh ma bằng kẻ nịnh. Nhìn từ góc độ học vấn, ông Phùng đã hy sinh nhiều lắm, nhưng bề trên vẫn không để mắt đến. Người nịnh không làm học vấn, anh cần gì tôi viết nấy, nhanh nhẹn lắm. Hai ba chục năm trước một trận thủy triều đỏ nhấn chìm sạch sành sanh văn-sử-triết-kinh. So với Lâm Bưu thì người ta chẳng gian trá bằng, khủng hoảng nhân văn, về thực chất xảy ra từ ngày đó. 

Ông La Tố sửa Lịch sử Triết học phương Tây, nêu ra rất nhiều học giả giảo quyệt (thí dụ Leibniz), tôi ngẫm nghĩ và cũng phát hiện ra một số, thí dụ sau khi phát minh ra ba định luật lớn, tại sao Newton lại nói, trước hết chính thượng đế là lực đẩy làm cho mọi vật chuyển động? Rõ ràng là lấy lòng thượng đế. Nhỡ ra thượng đế là có thật thì khi chết gặp ông ta cũng dễ nói chuyện. Theo tiêu chuẩn đó thì chuyện thánh hiền ranh ma ở nước ta cũng khá nhiều, đâu đâu cũng đầy những người sờ đít ngựa của vua, nếu sưu tầm kỹ càng có thể viết cuốn “  Lịch sử gian trá Trung Quốc  ”. Kẻ thống trị thời cổ Trung Quốc đều ít nhiều có tính khí của vua Vasizmo. Trong truyền thống văn học Trung Quốc có thuyết “văn tử gián”, có nghĩa là Trung Quốc cũng thường là Vasizmo, truyền thống này kêu gọi mọi người hãy là một tín sứ yêu nghề, dám đưa mông và đưa sọ cho vua xử lý. Rõ ràng là, nếu không chán đời thì chẳng ai dám hy sinh cái mông và cái sọ cả. Vậy thì lời kêu gọi ấy cũng phát ra từ cái miệng của kẻ ranh ma, nói vua có lý, kêu gọi như thế chỉ có phản tác dụng. Đối với văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của Trung Quốc, chỉ hiểu mặt thành thực là không đủ mà còn phải hiểu mặt ranh ma nữa. Tán dóc đến đây thì nên đưa ra kết luận thứ hai, đó là sớm muộn gì thì tín sứ của Vasizmo cũng phải trở nên ranh ma, bởi vì con người ta giỏi thích nghi với hoàn cảnh lắm. Lấy ngay thí dụ về tôi và Lý Ngân Hà, chẳng bao giờ chúng tôi nghiên cứu về vấn đề yêu đồng tính nữa. 

Trên thực tế chẳng cứ nhà khoa học, tất cả những người làm văn hóa đều là tín sứ vì họ sản xuất thông tin và đều không thừa nhận rằng những thông tin đó do mình chế tác ra, lấy cái đó để phân biệt với kẻ xu nịnh. Ai cũng nói thông tin đó lấy từ gốc, người bảo là học thuật, người bảo là nghệ thuật, lại có người bảo cái mình truyền đi là thông điệp. Tóm lại trước mặt công chúng và lãnh đạo thì ai cũng là tín sứ và cũng chơi trò ranh ma tí chút: Chọn những cái hay để nói và luôn đề phòng, không nên nói ra những điều khó nghe – làm ăn không được suôn sẻ thì hãy xem lại có phải miệng lưỡi mình chưa đủ ngọt hay không. Về chuyện tín sứ tôi nói đã nhiều rồi. Còn vua thì tôi cũng chia làm hai loại, một là thô bạo, không nghe thấy tin tức thuận tai thì ném tín sứ cho hổ ăn thịt, hai là mềm mỏng, đi đâu cũng làm công tác tư tưởng cho tín sứ để họ tự giác tự nguyện chỉ đem đến những tin tức được hoan nghênh. Như thế trong khu vườn ông ta cai quản đều là những thứ làm người ta êm tai vui mắt. Loại vua này cho đến nay chúng ta vẫn trông đợi. Nói thực lòng, tôi cảm thấy sự trông đợi đó có phần ớn lạnh, nhưng tôi thừa nhận rằng chịu đựng công tác tư tưởng, cho dù dai dẳng kỹ càng đến mấy cũng dễ chịu hơn là vào chuồng hổ. 

Trước khi đi đến kết luận thứ ba, nên nói thêm một chút – có một câu nói xưa “ở lâu trong hàng mắm chẳng còn thấy thối”, nghĩa là người ta không biết mình có phải đang ở Vasizmo hay không cho nên cũng không biết mình có ranh ma tí nào không, càng không biết được cái mình tưởng là học thuật và nghệ thuật là thật hay giả. Nhưng tôi biết giả sử một người bỗng nhận ra rằng mình đang ở chuồng hổ thì có thể đoan chắc rằng anh ta là tín sứ thật sự. Đó là kết luận thứ ba. Muộn rồi, chẳng kịp dùng câu nói đó để an ủi ông Mã Dần Sơ, cũng chẳng kịp an ủi Giordano Bruno   (   [2]  )   trên giàn thiêu, nhưng giữ lại câu nói đó chắc cũng có ích. 

Bây giờ tôi rút ra kết luận cuối cùng, đó là, giả sử tồn tại học thuật thật và nghệ thuật thật thì khi người ta trở nên ranh ma chúng sẽ bỏ đi, đến lúc mọi chuyện qua rồi người ta sẽ có thể gọi nó quay lại – chuyện đó gọi là “phục hưng văn nghệ”. Bây giờ chúng ta đang kêu gọi rầm rộ, nhưng tôi muốn nghe ngóng một chút, kêu gọi cái gì. Nếu kêu gọi cổ Hy Lạp, tôi tán thành, nếu kêu gọi Vasizmo, tôi phản đối. Tôi tin rằng những người như Mã Dần Sơ thích cổ Hy Lạp, nếu ông là công dân Hy Lạp thì ông sẽ đi lại khắp thành phố để nói với mọi người rằng: Bây giờ dân số đông quá, các bạn hãy tiết chế một chút. Nếu là kẻ ranh ma thì sẽ thích Vasizmo, ở đó họ sẽ tạo ra tin tốt lành và dễ tìm ra người mua. Trong đám văn nhân và trí thức bây giờ chẳng có mấy ai bì được với ông Mã về sự chân thành để mà tức giận tôi ăn nói khó nghe. Cho nên họ kêu gọi cái gì thì đến nghe ngóng thôi tôi cũng chả dám. 

[1]  Nguyên soái, người thứ hai sau Mao Trạch Đông trong cách mạng văn hóa (ND). 

[2]  Giordano Bruno (1548-1600): Triết gia Italia (ND).


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.