Edit: Bánh
Lực tay của Văn Sở Dự rất mạnh, tôi đã trải nghiệm được điều đó vào năm lớp mười.
Tôi còn nhớ rõ đó là vào một mùa xuân, hoa bắt đầu nở, thời tiết cũng dần ấm lên, ngay cả những bạn nữ bình thường ít khi vận động cũng bắt đầu xuống dưới lầu chơi vào giờ giải lao.
Tôi đứng bên cạnh cửa sổ, nhìn xuống, xem các bạn học đang đánh cầu lông, chỉ biết nhìn mà thèm.
Tôi cũng muốn xuống chơi, nhưng tôi không thể. Hôm nay là thứ sáu, là ngày tổng vệ sinh, còn tôi lại là người trực nhật vào hôm nay, tôi đang chờ các bạn nữ trong lớp gom hết rác trong phòng học rồi mới quét lại một lượt.
Rảnh rỗi thì hay sinh nông nỗi, tôi chồm nửa người ra ngoài khung cửa sổ, nhìn chằm chằm các bạn học đang chơi đùa dưới kia, lặng lẽ đánh giá kỹ thuật đánh cầu của bọn họ.
Lúc tôi đang xem một cách hăng say, một quả cầu lông bay vèo về phía tôi rồi rớt vào cái ban công nhỏ phía dưới bên ngoài cửa sổ.
“Tạ Trạch Vũ! Vũ ca! Nhặt cầu ném xuống đây giúp bọn tớ với——” bạn nữ là ủy viên thể dục của lớp tôi gọi với lên.
Chuyện nhỏ như con thỏ, tôi không từ chối, sau khi làm một dấu “OK” cho bạn ấy thấy, tôi leo lên bệ cửa sổ, bước ra ngoài rồi nhảy lên cái ban công kia.
Tôi không hiểu tại sao kiến trúc sư thiết kế nên ngôi trường này lại muốn đặt một cái ban công như thế này dưới cửa sổ của mọi lớp học. Chắc có lẽ là để phòng chuyện học sinh muốn nhảy lầu tự tử, nhưng mà cũng có tác dụng gì đâu chứ —— trên ban công toàn là vỏ chai nước bị ném xuống, còn có cả một đống cầu lông đã cũ nát cùng bao cát, thậm chí còn có mấy cuốn sách giáo khoa nữa.
Tôi nhặt cầu lên rồi ném lại cho bạn nữ, cô ấy nói cám ơn, tôi nói có gì đâu. Lúc đang vỗ tay chuẩn bị leo lại vào trong thì cổ áo tôi bỗng bị túm lấy.
Tôi đang không cảnh giác, trọng tâm không ổn định dẫn tới cả người lảo đảo một chút. Cái ban công này ít nhiều gì cũng cách mặt đất tận 3 mét, lại còn không có lan can, cảm giác mất cân bằng khiến tôi sợ hãi, sau đó tôi liền không biết lựa lời mà chửi đổng: “***, điên rồi à? Thả tay ra!”
“Không thả. Cậu lên đi, tớ đỡ cậu.” Là tiếng của Văn Sở Dự.
Nghe thấy tiếng của cậu ấy, cơn tức của tôi bay hơn phân nửa, nhưng dù sao thì tôi vẫn không ưng hành động của người kia tí nào: “Con mẹ nó, cậu không buông ra thì tớ leo vào trong kiểu gì? Phải xoay người lại rồi mới có thể thò chân vào trong có biết không hả?”
Sau một lúc im lặng, Văn Sở Dự mở miệng: “Không cần xoay người nữa, tớ sẽ lôi cậu lên.”
Nói xong, cậu ấy liền duỗi hai tay luồn vào dưới hai bên nách của tôi, ôm ngực tôi rồi kéo tôi vào trong.
“Không phải chứ? Đừng mà……! Cậu buông tớ ra, tớ tự lên được!”
Đang ở giữa không trung, nỗi sợ hãi khi bị người khác khống chế khiến tôi nổi cả da gà. Nhưng hơn thế nữa, một thằng con trai cao 1 mét 85, lại bị một thằng con trai khác cũng cao 1 mét 85 lôi đầu vào trong lớp. Sự xấu hổ khiến tôi như mất tỉnh táo.
“Văn Sở Dự, cậu điên rồi đúng không?”
Cậu ấy kéo tôi lên cửa sổ, rồi lại ôm tôi vào trong. Chờ cho đến khi chân chạm đất rồi, tôi muốn tránh ra khỏi Văn Sở Dự, nhưng cậu ấy không cho. Vòng tay của người kia siết chặt đến mức tôi không thở nổi. Thi thoảng sẽ có vài bạn học đi ngang qua hành lang, bọn họ nhìn hai đứa chúng tôi bằng ánh mắt quái dị, cơn tức vừa mới nguôi ngoai trong tôi lại tiếp tục dâng trào, tôi nghiến răng, gân xanh trên trán cũng bật nhảy.
Lúc tôi đang muốn tìm từ để mắng tiếp thì Văn Sở Dự lại nói trước bằng giọng điệu rất tủi thân.
“…… Tớ làm cậu sợ rồi, tớ xin lỗi.”
Cậu ấy đã nói tiếng xin lỗi trước khi tôi nổi cơn tam bành, thế là tôi cứng họng, không thốt nên nổi một tiếng mắng mỏ nào nữa.
Vì vậy, tôi chỉ vỗ nhẹ lên mu bàn tay của người kia, ý bảo cậu ấy hãy buông tôi ra, mà cậu ấy cũng rất ngoan ngoãn mà thả tay ra.
Tôi xoay người lại nhìn Văn Sở Dự, trông cậu ấy rất đáng thương, cúi đầu khúm núm giống y hệt như một đứa con nít lỡ gây ra chuyện sai trái, cặp kính cận kia như sắp tuột xuống đên nơi rồi.
“Tớ bị sợ độ cao, thế nên…… thấy cậu như thế tớ sợ lắm. Tớ xin lỗi.”
Thấy dáng vẻ đó của cậu ấy, tôi chỉ muốn lại hôn một cái, kéo người kia vào trong lòng rồi xoa đầu.
Nhưng đang ở trường học, tôi không thể.
Tôi có chút ngây ngẩn mà nói tiếp: “Cậu sợ cao thì liên quan gì đến tớ.”
Vừa dứt lời, tôi liền ý thức được lời mình nói khó nghe đến cỡ nào, hối hận đến mức chỉ muốn tự cho mình một cái tát.
Tôi vội vàng sửa miệng: “Không phải thế… sao cậu lại sợ độ cao.”
Cậu ấy chỉ lắc đầu rồi lấy ra một tờ giấy đã có hơi nhàu được nhét bên trong ống tay áo khoác đồng phục, đưa nó cho tôi: “Lúc nãy tớ lên phòng khoa Toán để giúp thầy chấm điểm. Đây là đề trắc nghiệm hôm bữa, không trả lời đúng hết sẽ bị bắt làm thêm bài tập. Nhân lúc thầy không chú ý, tớ đã tranh thủ đổi lại thành điểm tối đa cho cậu rồi.”
Tôi không nhận lấy, Văn Sở Dự dúi thẳng tờ giấy vào trong tay tôi rồi quay người bỏ đi.
Tôi nghĩ chắc cũng do mình làm cậu ấy không vui rồi, thế là mãi cho tới tiết tự học buổi tối hôm đó, tôi đều không dám nhìn người kia.
Buổi tối tự học môn Toán, hiếm hoi lắm mới thấy cậu ấy nghe giảng mà lại không đeo mắt kính, không giơ tay phát biểu, chỉ yên lặng ngồi kiểm bài, cũng chỉ chừa lại cho tôi một cái ót, khiến tôi không nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt kia được.
Mãi cho đến lúc tan học, thầy giáo bắt đầu đọc danh sách những bạn phải làm thêm bài tập về nhà vào tuần tới, người kia mới lấy lại tinh thần rồi mỉm cười ghé sát vào tai tôi, nói: “Còn không cảm ơn ba ba của cậu hả, tớ giúp cậu giảm bớt gánh nặng rồi đấy.”
Tôi thấy biểu cảm của cậu ấy có chút chói mắt, nhưng tôi lại không thể nhìn ra được có điều gì không đúng trong nụ cười ấy.
Tôi hỏi tại sao lúc nãy cậu ủ rũ thế.
Văn Sở Dự dửng dưng nói rằng không phải là cậu ấy ủ rũ, mà là vì đang mắc đi WC mà thôi.
Thật ra thì tôi cũng không tin lắm, nhưng mà cũng đâu có lý do gì để không tin đâu.
Dù gì thì người kia vẫn luôn là một người tích cực, luôn hướng về phía trước, là một tia nắng có thể soi sáng cùng sưởi ấm cho những người xung quanh.
Nhưng càng ngày, tôi lại cảm thấy Văn Sở Dự đang giấu giếm tôi và kể cả mọi người xung quanh rất nhiều chuyện, mà tia nắng trên người cậu ấy, có vẻ như nó cũng không phải là ánh nắng ấm áp tự nhiên như ánh mặt trời.
Tôi hỏi tại sao lực tay của cậu lại mạnh như vậy, có thể kéo cả người tớ vào trong mà không tốn chút sức nào, cậu luyện kiểu gì vậy.
Lúc ấy, người kia chỉ im lặng một lúc lâu, tôi cứ tưởng cậu ấy đang chuẩn bị kể lại những chuyện cũ xa xăm nào đó, ai mà ngờ được, cuối cùng Văn Sở Dự chỉ búng tay một cái, nói rằng cậu ấy làm theo thủy thủ Popeye, ăn rau chân vịt.
Chuyện mà cậu ấy giấu tôi rất nhiều.
Nhưng từ sâu trong tiềm thức, tôi vẫn luôn tin rằng người yêu của mình rất hoàn hảo. Bởi vì cậu ấy là một tia sáng có thể chiếu rọi vào tim tôi một cách chính xác, là một người tựa như ánh mặt trời, có cậu ấy ở bên, tôi sẽ không thấy lạnh nữa.
Lúc nửa tỉnh nửa mơ, tôi vô thức tiến lại gần rồi ôm eo cậu ấy. Sau đó, tôi có thể cảm nhận được rất rõ rằng người kia đang từ từ đẩy cánh tay tôi ra.
Văn Sở Dự không cho tôi ôm, nhưng đôi môi kia lại dừng trên mắt, trên má tôi.
Tôi muốn mở mắt ra, hôn cậu ấy, nhưng cơn buồn ngủ đã kéo chặt mi mắt tôi rồi.
Lại một lúc sau nữa, tôi nghe thấy tiếng cậu ấy nói xin lỗi hết lần này đến lần khác bên tai mình, rồi kế tiếp là tiếng nức nở khe khẽ, hình như Văn Sở Dự đang khóc.
Tôi chưa từng thấy, cũng chưa từng nghĩ người như Văn Sở Dự sẽ khóc.
Cậu ấy là đóa hoa hướng dương, mà hoa hướng dương sẽ không khóc.
Chắc là tôi đang nằm mơ thôi nhỉ.
– ————–
Tôi nằm trên giường nghỉ ngơi thêm một ngày rưỡi nữa, mãi đến thứ Sáu mới quay lại trường —— không phải là do tôi muốn đến, mà là do tuần sau phải thi giữa kỳ, thế nên giáo viên chủ nhiệm mới gọi cho tôi, bắt tôi lên trường thu dọn bàn học.
Lúc tôi đến lớp thì Văn Sở Dự đã đi đâu mất, lớp trưởng nói hôm nay cậu ấy chỉ học hai tiết rồi chuồn luôn, nghe nói là trong nhà có chuyện riêng.
Tôi móc điện thoại ra nhắn cho cậu ấy trên QQ, hỏi sao hôm nay lại không đi học.
Cậu ấy trả lời rất nhanh: Không vì sao cả, cúp tiết cho vui. Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ.
Câu trả lời của tôi là một chuỗi dấu ba chấm thật dài.
Thứ Sáu không gặp được người kia, cả ngày cũng không được ở bên cậu ấy, trước khi thi thì cần phải ôn bài, cả hai người chúng tôi đều rất bận, thứ Hai tới, tôi bước vào phòng đi với một cái đầu trống rỗng.
Môn đầu tiên là môn Văn, làm tới bài cuối cùng, xém chút nữa là tôi quăng bút, bộ đề này chắc là do người soạn đề lên cơn lười, lấy đề thi đại học năm ngoái sửa lại một chút rồi cho chúng tôi làm đây mà.
Đề của bài viết là “Tả về bố hoặc mẹ.”
Tôi có cái đéo gì để tả về bố mẹ chứ, người bố trong trí nhớ của tôi thì không khác gì một vị khách ít khi ghé thăm nhà, tình yêu thương của một người cha mà tôi cảm nhận được từ ông có thể nói là bằng không.
Còn mẹ thì….. tôi không muốn tả bà ấy.
Bạn có thể bỏ bữa, nhưng không thể bỏ thi.
Phần viết văn dù gì cũng chiếm tận 60 điểm, ráng vớt được chút nào thì hay chút đó vậy, tôi cố động não, bịa ra một câu chuyện lâm li bi đát: Trời mưa to như trút nước, bão táp mưa sa. Người mẹ đang sốt cao 39 độ vẫn cố cõng đứa con đang sốt cao 42 độ là em, loạng choạng đưa em đến bệnh viện trên đôi chân yếu đuối của mình.
Tôi tự viết rồi tự thấy mắc cười, mà sự ngớ ngẩn đó của tôi đã khiến thầy giám thị cùng các bạn học xung quanh phải chú ý.
Chờ cho tới lúc tôi phun châu nhả ngọc, viết đủ 800 chữ xong, tôi cũng đã tự chuẩn bị tinh thần đứng đầu từ dưới lên trong bảng xếp hạng, cũng tự chuẩn bị cho cảnh bị thầy giáo kêu lên bục giảng, phê bình trước mặt cả lớp trong ngày công bố điểm rồi.
Lý do nhận lỗi tôi cũng nghĩ ra luôn rồi, chỉ còn chờ thầy tới bứng tôi lên bục thôi.
Nhưng điều mà tôi không ngờ được chính là, người bị bứng lại là Văn Sở Dự.
Cậu ấy bỏ giấy trắng môn Văn.
Thầy dạy Văn là một giáo viên rất nghiêm khắc, tiếng thầy ấy mắng Văn Sở Dự vang vọng ra tuốt ngoài hành lang.
Cả lớp không ai dám hó hé dù chỉ một tiếng, phòng học yên lặng tới mức có thể nghe thấy tiếng ong ong của đèn huỳnh quang. Không ai dám ngẩng đầu lên nhìn thầy, lại càng không ai dám quay lại nhìn Văn Sở Dự đang bị phê bình, ai cũng cúi đầu, ngơ ngẩn nhìn mặt bàn.
Tôi lợi dụng góc khuất dưới hộc bàn, lặng lẽ nắm lấy bàn tay đang rũ xuống của cậu ấy, mà tay của người kia giờ lại lạnh ngắt.
Lớp chúng tôi là lớp top đầu, giáo viên dạy học cũng đều là những giáo viên ưu tú nhất trong khoa, chắc là do đã lâu rồi thầy ấy chưa nhìn thấy ai dám để giấy trắng mà nộp bài, thế nên mới thẹn quá hóa giận.
Thầy dạy Văn vỗ một cái thật mạnh lên mặt bàn, quát một tiếng, hỏi tại sao cậu ấy lại không làm bài.
Văn Sở Dự nói lúc làm tới bài viết thì cậu ấy buồn ngủ quá, mới làm xong được một đề thì ngủ quên.
Cậu ấy nói dối.
Bài thi môn Văn của Văn Sở Dự đang nằm tá lả trên bàn, tôi nhìn vào tờ cuối cùng, chỗ được dùng để viết bài làm vào đã bị cậu ấy dùng bút lông tô đen thui, không còn nhìn thấy đề bài đâu cả.
Bên cạnh còn có 4 chữ to trông rất dữ tợn:
“Chết mẹ mày đi.”