Hôm đó Huyền và Thành phải mỏi miệng dỗ dành, ngọt nhạt từ sáng tới chiều tối thì con bé mới chịu chấp nhận bỏ qua.
Việc Huyền, Thành và Nhi dính nhau như sam đứa nào trong lớp cũng biết. Trước đó Thành và Nhi không quá mức thân thiết, chỉ là quan hệ hàng xóm nên có gần gũi hơn so với những bạn khác, nhưng sau khi Huyền chuyển tới trường mẫu giáo số hai thì mối quan hệ này bỗng tiến bộ vượt bậc. Thành là một bé trai nổi bật trong lớp, không khỏi khiến nhiều bé gái nhìn vào bộ ba này mà cảm thấy bực bội.
– Huyền, sao con lại ném vỡ bát?
Cô giáo chỉ thẳng tay vào mặt Huyền, những nếp nhăn trên trán co rúm lại, đôi mắt điểm những vết chân chim sâu hoắm trợn trừng lên, trông đáng sợ vô cùng. Con bé cố gắng kìm nén sự hãi hùng trong lòng, cố gắng ngăn không cho nước mắt trào ra, vững giọng nói:
– Con thưa cô, con không làm vỡ bát. Là bạn Lan Anh xô con ngã ạ.
– Á à, còn nhỏ mà sao đã nói dối thế này, sau này lớn có phải định đi ăn cắp ăn trộm luôn không?!
– Con không nói dối mà ạ! Con không có mà cô!
Huyền cố gắng phủ nhận nhưng cô giáo hoàn toàn không lọt tai. Bà cứ tiếp tục bất chấp rủa xả, chửi bới, sau đó phạt con bé đứng úp mặt vào tường. Có lẽ với người lớn, việc đó chỉ đơn giản là nhục nhã, sau này cũng không còn ai nhớ đến. Còn với một đứa bé như Nhật Huyền, đó như một vết nhơ đeo bám nó suốt những tháng ngày thơ ấu, là hình phạt cho một đứa trẻ hư đốn không biết điều, là minh chứng cho một tội lỗi không thể cứu chữa được. Ánh mắt chạm phải những mảnh sứ trắng vỡ tan dưới sàn, Huyền vô thức rơi nước mắt, vội vàng quay mặt và lầm lũi đi về phía tường. Yến Nhi tức giận đến mức mặt đỏ bừng, tay chỉ thẳng vào cô giáo mà gào lên:
– Cô không công bằng! Lan Anh rõ cao to, đẩy Huyền với bát cơm dễ ợt, cô mù à!? Cô phạt kiểu gì đấy!? Quá đáng vừa thôi! Con ghét cô! Ghét cô!!! Cậu buông tớ ra, tớ phải đánh vào mặt cô, tớ phải đánh!!!
Nếu không bị Thành dốc sức lôi kéo vạt váy thì Nhi đã xông lên cào mấy đường cơ bản trên mặt cô giáo rồi. Nhưng Huyền không cần gì thêm nữa. Mặc dù có nhiều đứa trẻ đứng xung quanh hùa vào cười nhạo nhưng hai người bạn này đã đứng về phía con bé, đứng lên đòi lại công bằng cho nó, vậy là tốt lắm rồi.
Con bé đứng hết cả buổi trưa, chân như muốn nhũn ra, khi các bạn đang ngủ chỉ muốn ngồi xuống một chút, ai ngờ vừa mới động đậy chân đã không giữ vững được cơ thể mà ngã xuống, bàn tay đập thẳng vào chỗ vỡ của viên gạch cũ mà xước một đường dài. Cô giáo mở cửa đi từ ngoài vào, thấy vậy liền tức giận kéo đứa trẻ đáng thương ấy ra ngoài, không thương tiếc tát một cái vào má con bé rồi hung ác đe dọa:
– Đứng đấy! Đứng luôn đấy! Trời nắng chết mày luôn đi! Thứ láo toét mất dạy! Vô giáo dục! Đồ đ*, bé tí đã dám giành đồ với con tao! Mày chết luôn ngoài đấy đi!
Cảm giác lúc ấy, Huyền cũng chẳng còn nhớ rõ lắm. Nhưng ánh nắng buổi trưa hôm đó, lời thóa mạ chửi rủa của giáo viên, những giọt nước mắt kinh hoàng, con bé đều không quên được, đến mãi sau này vẫn nhớ như in.
Có lẽ cũng là từ lúc ấy, Hoàng Nhật Huyền mới bắt đầu xuất hiện suy nghĩ rằng bản thân đúng là một thứ rác rưởi.
Hoàng Gia Tâm bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ trường mẫu giáo vào đầu giờ chiều. Lúc cô đạp xe đến nơi, con gái cô đã hôn mê bất tỉnh, mặt đỏ bừng, cơ thể hơi co giật nhẹ. Cô vội vàng bế thốc con ra để đến trạm xá, cô giáo của con bé còn chạy theo một đoạn, nói với theo:
– Con gái em buổi trưa không ngủ mà chạy ra ngoài nên giờ cảm nắng, chị không quản được, nó tự làm tự chịu! Lại còn nôn cả ra lớp này!
Tâm chỉ vội cảm ơn cô giáo rồi đem con đến trạm xá ngay gần đó. Nhân viên y tế kiểm tra triệu chứng của con bé, nhận thấy là say nắng nặng liền nhanh chóng gọi thêm người, cởi bỏ bớt quần áo của nó, cắm ống truyền tinh thể, giúp nó lau người và chườm đá; sau khi xong xuôi, xác định bệnh nhân đã ổn liền quay về phía người mẹ sốt ruột đứng bên cạnh, thở phào nói:
– May mà đưa đến kịp, không là không cứu nổi đâu.
Hoàng Gia Tâm bật khóc, một lúc sau mới nghẹn ngào cảm ơn nhân viên y tế. Huyền mơ màng tỉnh lại, ngơ ngác nhìn xung quanh một hồi mới mở miệng:
– Đây… là đâu vậy ạ?
Con bé lại nhìn sang mẹ mình, hỏi tiếp một câu:
– Cô là… ai vậy ạ?
Hoàng Gia Tâm suýt thì ngất xỉu tại chỗ, vội vã giải thích:
– Mẹ đây! Mẹ của con đây! Con không nhớ gì à!?
Nhân viên y tế trấn an nói:
– Đừng lo, có thể là do mới tỉnh lại từ cơn say nắng, đầu óc còn lơ mơ nên vậy thôi, một lát là hết.
Quả nhiên chỉ một lát sau con bé tỉnh táo hơn, trở lại trạng thái bình thường. Trong lúc đợi mẹ nói chuyện với nhân viên y tế, Huyền ngồi ở mép giường đung đưa chân, rướn cổ nhìn ra ngoài. Con bé vẫn nhớ kĩ lời cô giáo nói, nếu như dám mách mẹ chuyện cô bắt nó đứng phạt ngoài sân, cô nhất định sẽ đến tận nhà nó chém chết cả gia đình.
Nếu nó nói ra thì liệu cô giáo có đến thật không nhỉ?
Mẹ nói chuyện xong thì chở Huyền về nhà.
Con bé bị đánh.
– Mẹ đã dặn thế nào!? Buổi trưa không ngủ ra ngoài nghịch cái gì?! Cho mày đi học để mày trồi trổ[1] thế à? Sao mày hư thế?! Con gái con đứa nhảy nhô nhảy nhào còn ra thể thống gì nữa! Mày muốn mẹ mày nhục mặt đúng không!?…
Mẹ vừa đánh vừa tức giận quát con bé. Ngoài vườn nhà nó có bụi mây rất lớn. Một đọt mây ngắn róc gai sạch sẽ dùng làm roi quất người đau cực kì. Da con bé bắt đầu hằn lên những vệt đỏ rực, cây roi mây cứ quất không ngừng vào đùi, vào bắp chân, có lúc trúng cả vào tay nó. Đến lúc tưởng chừng sắp chảy máu thì mẹ đột nhiên dừng lại.
Con bé không dám kêu lấy một lần trong lúc bị đánh, chỉ cắn chặt răng mà khóc. Mẹ đánh xong chỉ nhìn con bé, một lúc sau chợt cúi người xuống ôm lấy nó, giọng hơi lạ:
– Huyền. Mẹ đánh con vì con hư, con sẽ không ghét mẹ chứ?
Huyền hơi nấc lên, cả mặt toàn là nước mắt, đưa hai tay bị đánh tím đỏ lên ôm lấy mẹ, sụt sịt nói:
– Kh… Không ghét ạ…
– Mẹ đánh con thế thôi, chứ mẹ thương con lắm. – Mẹ thủ thỉ bên tai con bé, vuốt mái tóc dày hơi ngắn của nó – Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Nghe lời mẹ, lần sau không được làm như vậy nữa nhé. Lúc nào mẹ cũng chỉ muốn tốt cho các con thôi…
Mẹ thương con lắm. Lúc nào mẹ cũng chỉ muốn tốt cho các con thôi.
Mẹ chỉ muốn tốt cho con thôi.
Huyền nhẩm đi nhẩm lại trong lòng, nấc lên một cái, tự nhủ với mình như thần chú: Không đau, không đau.
Đứng trước ngã rẽ của tin tưởng và thực tế, con bé lựa chọn tin tưởng. Nó thà ép bản thân tin rằng những vết roi tím đen trên cơ thể không đau chút nào, còn hơn thừa nhận việc mẹ đánh nó chỉ là để trút giận. Nó tin rằng bà ngoại không lừa nó. Nó tin rằng trên đời này, mọi điều mẹ nói đều là chân lý, đều là sự thật.
Mẹ là người yêu thương nó nhất trên đời này.
#hnld
[1] trồi trổ: từ địa phương, tui dựa theo khẩu âm để viết, động từ này mang nghĩa nghịch ngợm, chạy nhô nhảy nhào lung tung khắp nơi, không quản được. Hàm ý của nó thiên về hướng xấu, mang nghĩa trách mắng, thường dùng để mắng đám trẻ con.
Tác giả có lời muốn nói:
Thật ra không phải chương nào cũng có cái đoạn chữ nghiêng ở đầu đâu… Tại nhiều lúc tui lười quá hổng muốn nghĩ á QAQ