Quay ngược về buổi tối vào ba ngày trước. Khi mà cuộc đụng độ của Minh Duy và Quân Đen vừa kết thúc, khi mà Quân Đen đã rời đi cùng sự hả hê, khi mà Minh Duy đã biến mất ngay trước mắt Quân Đen.
Buổi đêm hoang vắng ở ngôi trường cũ, chỉ có tiếng ếch nhái đang kêu ngoài đồng ruộng và tiếng hú của những cơn gió lạnh buốt. Khung cảnh lúc này như mặt hồ lúc nửa đêm, im lìm, phẳng lặng nhưng chẳng biết bên dưới đang chất chứa những nguy hiểm gì. Những ngày cuối cùng trước khi vào hạ, nhiệt độ không thấp nhưng trước không khí kì dị này, con người ta không tự chủ mà sởn cả tóc gáy.
Bịch!
Tiếng của vật gì đó rất nặng đập xuống nền xi măng, không, là một ai đó. Vì ngay sau tiếng động đó, giữa không gian im lặng như tờ đó vang lên vài tiếng mắng chửi khe khẽ. Vài đốm máu rơi xuống nền đất, không thấy rõ trong bóng đêm.
“Mẹ nó, chẳng hiểu sao mình lại phải đi đến nơi khi ho cò gáy này.” Giọng the thé của người phụ nữ mắng, tay lau vội vết thương đang rỉ máu ở bắp chuối.
“Xây trường kiểu gì mà đi rải thủy tinh lên hàng rào. Bộ bị khùng hay gì?” Cô ta chật vật đứng dậy, phủi sạch đất cát trên quần áo vì té ngã lúc nãy. Đoạn, cô ta đi đến khe cửa lấy túi đồ được mình nhét vào, sau đó vác túi đồ đến cạnh phòng bảo vệ. Tiếng va chạm của đồ đạc trong túi vang lên những âm thanh lạch cạch, cùng với đó là tiếng guốc gỗ lộp cộp của người phụ nữ.
“Ông già chết tiệt cùng thằng cháu vô dụng của ông ta, chiều thằng đó cho dữ vào rồi sai mình đi dọn hậu quả cho nó. Chó thật! Đã vậy bà mày phá cho hôi luôn.” Dứt lời cô ta lấy trong túi ra một lư hương bằng sứ có hoa văn màu xanh lá, đi đến cạnh lư hương đã vỡ kia, dùng tay hốt ụ cát trắng lẫn lộn chân nhang vào lư hương mới.
Cô gái tập trung làm việc nhưng miệng không ngừng càu nhàu: “Làm việc nguyên sáng muốn liệt hai tay, đui hai mắt mà tối cũng không được nghỉ hơi. Thấy đời chưa đủ khổ hay gì mà cứ thích đày ải người ta.”
Làm việc xong xuôi, cô phủi tay, bê lư hương trở về chỗ cũ của nó. Để chắc chắn việc mình vừa làm đã thành công, cô gái thắp ba nén nhang cắm vào lư hương mới sau đó lấy từ trong túi ra một lá bùa vàng chữ đỏ giống hệt Quân Đen.
Trong cái im lặng của trường học, gió nổi lên những cơn dữ dội, cột khói xám từ ba nén nhang bay loạn. Khung cảnh dần trở nên quái dị. Cô gái ngồi đó, bình tĩnh đến kì lạ. Bỗng nhiên, kế bên cô gái dần xuất hiện hình bóng của Minh Duy. Một tay anh ôm lấy ngực trái, vẻ mặt đau đớn.
“Ông bình tĩnh, một tí là sẽ bình thường lại thôi.” Cô gái nhìn ba nén nhang vẫn đang cháy, đốm lửa phản chiếu trong đôi mắt to tròn xinh đẹp.
Ngót nghét khi nhang cháy đến phân nửa, Minh Duy đã thôi ôm ngực. Anh đứng cạnh cô gái nhìn vừa lạ vừa quen. Thấy anh mãi không nói câu gì, cô cười mở lời trước.
“Không nhớ tôi à bạn?”
“Bà là… Trà đấy à?” Minh Duy do dự hỏi.
Trà lại cười tươi thêm, gật đầu xác nhận: “Chính xác.”
Ánh trăng sáng vằng vặc thoát khỏi sự bao trùm của những đám mây, chiếu ánh sáng dịu êm của mình xuống ngôi trường cũ.
Dưới ánh sáng của màn đêm tăm tối, có đôi bạn gặp lại nhau.
“… Bà ra trường chưa đấy?” Minh Duy ngồi xuống cạnh Trà. Thay vì hỏi tại sao cô lại đến đây, anh chọn cách hỏi thăm về cuộc sống của bạn mình.
“Tôi không có học đại học, chính xác là không được học.” Trà bình thản đáp, như thể chuyện này chẳng liên quan gì đến cô.
“Hả? Tại sao chứ?” Duy bất ngờ trước câu trả lời của Trà.
“Tại ông già chết tiệt đó hết. Ông già cổ hủ trọng nam khinh nữ chỉ cưng chiều mỗi thằng cháu đích tôn bất tài của ông ta. Thằng cháu là cái thằng hại ông mém chết lần hai đó ông Duy.” Nhắc đến hai con người mà mình căm ghét nhất, Trà không giấu nỗi sự căm thù hiện rõ trong ánh mắt.
“Cái gì cơ? Theo tôi biết, người duy nhất mà nhỏ bạn Phan Lê Ngọc Trà thân thiện, nổi tiếng lễ phép của tôi chỉ không lễ phép với ông nội của nhỏ thôi. Nhưng mà, thằng chơi chó với tôi là Trần Nhật Quân, cháu nội của Trần Nhật mà. Chẳng lẽ…” Minh Duy nghi ngờ nhìn Ngọc Trà.
Trà nghe câu cuối của Duy mà cười trừ, cô xoè bàn tay ra cho Minh Duy xem lá bùa trong tay mình.
“Thấy quen không?” Song, không đợi anh hỏi tiếp, Trà giễu cợt: “Sao nào? Ông muốn nghe chuyện nào trước. Chuyện vị thầy pháp Trần Nhật hắt hủi vợ lớn, nghe lời vợ bé nên không cho cháu gái học đại học hay là chuyện cháu nội đích tôn Trần Nhật Quân của Trần Nhật nghĩ mình cao siêu nên đi trừ tà, sau đó Trần Nhật lại đi kêu cô cháu gái nọ đi dọn dẹp đống hậu quả đó.”
Nghe Trà nói mà Duy đau cả đầu, không ngờ phía sau một Ngọc Trà ưu tú là cả câu chuyện oái oăm như vậy. Mà khoan đã, quá khứ của anh cũng có khác gì mấy đâu mà lại đi lo cho quá khứ của người khác. Duy cười gượng.
“Vậy đó là lý do bà ở đây à?”
“Ừa, thằng ôn con ấy dựa vào chuyện ông già mắt nhắm mắt mở cho qua mấy chuyện nó làm nên mới dám đi quậy như này. Chịu thật, mấy đứa được cưng chiều mới cho có tí quyền lực mà chúng nó đã nghĩ mình oai như cóc.” Trà lại nói, vẻ mặt không giấu được sự khinh thường đến từng cọng chân lông.
“Ừm, tôi tưởng mình sắp hồn bay phách lạc rồi.”
“Không có đâu cha, việc đập cái lư hương này không có làm ông nghẹo lần 2 đâu. Tệ lắm là ông bị đau giống lúc nãy cho đến khi siêu thoát thôi.” Ngọc Trà lắc đầu không đồng tình, sau đó giải thích cho Duy nghe.
Tuy nhiên, sau khi nghe lời giải thích của Trà, anh lại càng nhăn nhó hơn: “Cái này còn ớn hơn nữa.”
Nhìn biểu cảm hài hước của Minh Duy mà Trà cười khúc khích. Bất chợt cô khựng lại, ngẩn người mà suy nghĩ. Hình như lâu lắm rồi Ngọc Trà mới cười nhiều như vầy? Hình như từ sau khi bị tư tưởng phân biệt giới tính kia phá hoại đi ước mơ của mình, Ngọc Trà chưa từng có một ngày vui? Sau khi hoài bão được tiếp tục học lên cao của Trà bị đạp đổ, cô bị buộc phải bước ra xã hội để kiếm tiền. Sống trong một gia đình họ ngoại có tư tưởng cổ hủ và người cha nhu nhược, Trà luôn cố gắng làm việc trong nhà máy để kiếm tiền gánh vác giúp mẹ. Có đôi lúc Ngọc Trà đã quên mất rằng hiện tại mình chỉ là một cô gái mới 23 tuổi.
Nghĩ xong cô cũng chỉ biết thở dài. Lời tự phong về bộ đôi “Trường M có Trà, trường N có Duy.” của đám học sinh năm đó cũng đã đi vào dĩ vãng. Bộ đôi trong lời tự phong năm ấy rốt cuộc cũng chẳng trở thành người có tài cán gì cho xã hội.
Trà lại nhớ về tin sét đánh sau khi được giải thoát khỏi căn phòng tối đó. Bạn thân ôm lấy cô, khóc vì thương cô rồi lại khóc khi báo tin người bạn thân ở ngôi trường đối thủ đã mất.
“Năm ấy… sau khi được thả ra, tôi mới biết ông đã… như vậy.”
“Tôi hiểu mà. Nhớ thời tụi mình, nhà này cách nhà kia cả mấy miếng ruộng mà mạng Internet cũng có xịn như lúc này đâu. Hơn nữa bà cũng có nỗi khổ riêng mà. Tôi không trách bà đâu.” Minh Duy an ủi cô bạn, anh ước mình có thể ôm hay vỗ vai an ủi nhưng rất tiếc là trong tình trạng như thế này anh không thể làm được gì.
“Haizz… Cũng gần nửa đêm rồi, tôi phải về thôi, mai phải đến nhà máy làm việc nữa. Mấy ngày này ông tạm tránh mặt ở đâu đi, đừng để thằng ôn dịch kia cảm nhận được.” Rồi Ngọc Trà đứng dậy, phủi hết bụi trên quần áo. Cô để lại lời gửi gắm cuối cùng: “Đây chắc có lẽ cũng là lần duy nhất tôi và ông gặp được nhau. Mạnh khoẻ nhé, Minh Duy.”
Duy im lặng không đáp. Anh lẳng lặng nhìn Trà leo ra khỏi trường, đến khi bạn mình đã yên vị ngồi trên xe máy. Minh Duy gọi với theo: “Trà! Nhớ sống thật tốt đấy nhé!”
“Biết rồi, khỏi lo.” Trà bĩu môi làu bàu. Nhưng trong ánh mắt cô vẫn không giấu được sự nhẹ nhõm.
Trong khoảnh khắc đó, Ngọc Trà như nhìn thấy được cậu bạn Minh Duy vào năm 23 tuổi, khi anh vẫn còn sống và thậm chí là sống thật tốt.
Còn Minh Duy, trong giây phút ngắn ngủi đó, anh như được quay về gặp cô bạn Ngọc Trà năm 17 tuổi, khi mà cô vẫn còn giữ được nụ cười hồn nhiên trên môi, khi mà mọi bất hạnh của cô chưa xảy ra.
Sáu năm gặp lại, họ vẫn là bạn, dù ở hình hài nào đi chăng nữa.