Tôi và Tống Tiếu có một bí mật mà chỉ hai chúng tôi mới biết.
Bí mật đó chính là, tên của tôi vốn là Tống Yên chứ không phải Đại Yên.
Người ba tên Tống Cảnh Dương của cô ta cũng là ba của tôi.
Không, nói chính xác hơn là đã từng là ba của tôi.
Chẳng có ai sinh ra đã là con cái của gia đình đơn thân, tôi trở thành đứa trẻ không có ba chỉ bởi vì Tống Cảnh Dương đã ngoại tình trong hôn nhân. Ngay lúc mẹ tôi đang mang thai thì ông ta nói dối rằng mình vẫn độc thân, rồi ỷ vào tướng mạo thanh tú của mình để dụ dỗ cô con gái của chủ tịch một công ty hậu cần, sau đó cô gái kia mang thai con của ông ta.
Tống Cảnh Dương quỳ gối trước mặt mẹ tôi khóc lóc thảm thiết, nói rằng nếu ông ta không ly hôn để lấy người phụ nữ kia thì bà ta sẽ không tha cho ông ta sống yên ổn.
Chuyện năm đó đã quá xa xôi, tôi không thể biết được khi ấy mẹ tôi đã lựa chọn ly hôn với tâm trạng thế nào.
Tống Cảnh Dương rời khỏi nhà với hai bàn tay trắng.
Vốn ông ta cũng chẳng có tiền, căn nhà hai phòng ở này và một ít tiền gửi ngân hàng đều để lại cho mẹ tôi.
Sau đó ông ta phủi mông một cái rồi thản nhiên bước vào biệt thư nhà vợ mới, đi làm ở công ty nhà bà ta, trở thành cậu con rể chính thức được kén tới nhà giàu.
Ngày sau cũng thành kẻ ra hình ra dạng, còn được xưng một tiếng giám đốc Tống.
Nhưng tôi biết, bên ngoài nhìn phong quang vô hạn nhưng thực tế Tống Cảnh Dương bị người nhà kia bắt bí đến nỗi không thở nổi.
Ông ta không dám tới gặp tôi và mẹ tôi, bởi vì khi còn nhỏ có lần ông ta bộc phát lương tâm tới nhà thăm tôi một chuyến, còn mua rất nhiều đồ chơi cho tôi nữa, nhưng sau đó bị vợ mới của ông ta phát hiện, suýt nữa thì bà ta làm loạn lật cả trời.
Thực ra là do ông ta nghĩ quá nhiều thôi, ông ta vừa quay lưng đi thì mẹ tôi đã bắt tôi đem đám đồ chơi đó vứt hết vào thùng rác dưới lầu.
Tôi ôm chặt chúng không chịu buông, bà ấy đánh tôi. Tôi khóc, bà ấy cũng khóc.
Đời này của bà ấy bị một tay của Tống Cảnh Dương hủy hoại không còn gì.
Từ khi còn rất nhỏ tôi đã biết rằng tôi cũng có ba.
Nhưng đến khi học lớp sáu tôi mới biết được sự tồn tại của Tống Tiếu.
Khi ấy thành tích học tập của tôi rất tốt nên được thầy cô đưa đi tham gia cuộc thi viết văn cấp thành phố, trùng hợp là Tống Tiếu cũng tham gia.
Cô ta ăn mặc đẹp đẽ như một cô công chúa nhỏ, váy đính ngọc trai, giày da màu đỏ, hai bím tóc vừa đen vừa mượt.
Hơn nữa người đưa cô ta đến thi đua chính là ba của cô ta, Tống Cảnh Dương.
Lẽ ra tôi cũng cần phụ huynh đưa tới nhưng tiếc là mẹ tôi phải đi làm, bà ấy không nỡ xin nghỉ nên chỉ có thể làm phiền giáo viên.
Tôi nhìn thấy cảnh tượng cha hiền con ngoan của Tống Cảnh Dương và Tống Tiếu, dáng vẻ của ông ta rất nho nhã, ngồi khuỵu xuống đất bẹo đôi má phúng phính đáng yêu của cô ta rồi nói một cách cưng chiều: “Tiếu Tiếu không cần phải khẩn trương đâu, có ba ở đây rồi. Đợi lát nữa thi xong ba dẫn con đi ăn Mc Donald.”
Năm ấy tôi mới mười một tuổi, cũng không quá hiểu chuyện, khát vọng với tình thân và tình cha trong nội tâm đã chiến thắng hết thảy, tôi ước mong Tống Cảnh Dương có thể nhìn thấy tôi cho nên tôi đã chủ động đi đến trước mặt ông ta, khẽ gọi một tiếng: “Ba.”
Ngay sau đó tôi liền nhìn thấy vẻ mặt nghi hoặc của Tống Tiếu, cùng với vẻ mặt sợ hãi kèm theo xấu hổ của Tống Cảnh Dương.
Châm chọc hơn chính là đề thi của lần thi đua viết văn đó lại là nói về cha.
Quả nhiên mới thi xong Tống Cảnh Dương đã đưa Tống Tiếu đi ăn Mc Donald.
Lúc cô giáo đưa tôi lên xe buýt thì vừa ngồi được một trạm tôi liền xuống xe, liều mạng chạy về.
Sau đó tôi ngồi ở ngoài cửa Mc Donald, cách một lớp kính trong suốt nhìn đôi cha con kia cười đùa vui vẻ, vô cùng ấm áp.
Khoảnh khắc khi Tống Cảnh Dương nhìn thấy tôi, tôi cùng không biết diễn tả ánh mắt đó của ông ta phức tạp đến cỡ nào.
Có sợ, có bực, có bất đắc dĩ, có ghét bỏ, cũng có trách cứ chỉ trích.
Cuối cùng ông ta mua một phần Mc Donald, thừa dịp Tống Tiếu đang tập trung ăn khoai tây chiên thì đi ra ngoài cửa ném phần ăn đã được đóng gói đấy cho tôi.
Không sai, là ném.
Ông ta cau mày nói: “Đi về nhà đi, đừng có đi theo tao!”
Từ ngày ấy, vào cái năm tôi mười một tuổi ấy, bắt đầu từ khi tôi một thân một mình đi vài trạm xe về đến nhà, lúc tới cửa chung cư tôi đưa túi Mc Donald kia cho một cậu bé thường hay lục thùng rác ở nơi đó thì trong lòng tôi cũng đã đồng tình với lời nói của mẹ.
Đại Yên tôi đây, không có ba.
Trong lòng tôi và Tống Tiếu đều biết rõ đối phương là ai.
Mà quan hệ của cô ta và Trương Giai Giai lại rất tốt.
Đêm cuối cùng trước khi khai giảng mà còn hẹn nhau tới Kim Cương hát hò.
Có lẽ đây đều là sự an bài của vận mệnh.
Đám người đó có nam có nữ, lúc bọn họ cười giỡn đi tới lầu ba thì Chu Tẫn đã ở đấy.
Khi đó anh đang nằm ngủ trên ghế sô pha bên ngoài, thuận tay lấy một cái áo khoắc đắp lên che nửa mặt.
Dù là như vậy Tống Tiếu vẫn nhận ra anh, chạy tới với vẻ mặt ngạc nhiên cực độ—
“Chu Tẫn! Trùng hợp quá, thế mà cậu lại ở đây thật.”
Vẻ mặt bị đánh thức từ giấc ngủ của Chu Tẫn có hơi mờ mịt, đôi lông mày đen hơi nhíu lại: “…Tống Tiếu, sao cậu lại tới đây?”
Không ngờ hai người họ lại biết nhau.
Tôi nhớ lại rất lâu trước đây, khi tôi vẫn còn ở chung một ký túc xá với Trương Giai Giai thì đã từng nghe thấy bọn họ nói chuyện phiếm rằng đại học Cửu Kinh và trường dạy nghề kỹ thuật hóa chất đã từng tổ chức một buổi thi đấu bóng rổ hữu nghị. Với tư cách là đội trưởng mỹ nữ của đội cổ động viên, Tống Tiếu đã trúng tiếng sét ái tình với đội trưởng của đội bóng rổ trường bên.
Lúc đó Trương Giai Giai nói: “Hôm nay mình lại đi học viện hóa chất với Tống Tiếu, cậu ấy cố chấp thật đấy, lần nào cũng vồ hụt mà vẫn kiên trì chạy tới đó trồng cây si.”
“Sức hấp dẫn của trai đẹp đúng là đỉnh, không biết Tống Tiếu có thể tóm được cậu kia không nữa.”
Tống Tiếu có thể hay không thì tôi không biết, tôi chỉ biết nhất định cô ta nghe được Chu Tẫn ở đây nên mới đến thử vận may.
Hơn nữa hôm đó lại đúng lúc là sinh nhật cô ta.
Một cô bạn đi cùng trong đám cầm bánh sinh nhật, nũng nịu nói với Chu Tẫn: “Hôm nay là sinh nhật của Tiếu Tiếu nên tụi mình tới KTV tổ chức cho cậu ấy, lát nữa Chu Tẫn nhớ qua nha, qua cùng chúc mừng sinh nhật Tiếu Tiếu.”
Vẻ mặt của Tống Tiếu tràn ngập mong đợi mà nhìn anh.
Chu Tẫn kéo áo khoác trùm vào đầu: “Buồn ngủ, tôi muốn đi ngủ.”
Dù cách rất xa tôi vẫn thấy Tống Thiến che miệng cười, giọng nói dịu dàng chưa từng thấy: “Vậy cậu ngủ đi ha, khi nào chuẩn bị cắt bánh kem thì mình tới gọi cậu được không?”
“Được không Chu Tẫn?”
“Ừ.” Chu Tẫn thuận miệng đồng ý, giọng nói vẫn vương chút buồn ngủ.
Thấy vậy Tống Tiếu cười rộ lên, lưu luyến nhìn anh mãi mới đi vào phòng riêng với đám người kia.
Tôi cảm thấy tôi hẳn nên tránh xa ra chút.
Nhân lúc mấy cô nàng đó còn chưa phát hiện ra tôi làm thêm ở đây thì tôi phải xin nghỉ rồi rời khỏi đây ngay.
Lúc tôi ra ngoài, lướt ngang qua sô pha thì Chu Tẫn vẫn cuộn người nằm ở trên đó, chỉ có mái tóc đen xốc xếch lộ ra dưới áo khoác.
Giây phút đứng đợi thang máy trong đầu tôi đột nhiên hiện ra một ý nghĩ vớ vẩn cực kỳ.
Đó là một Đại Yên đứng trong góc tối âm u, nội tâm đê hèn.
Tôi xoay người đi tới tước mặt Chu Tẫn, ngồi xổm xuống gọi anh một tiếng: “Chu Tẫn?”
Người mà tưởng đã ngủ rồi lại chợt ngẩng đầu lên, dưới mái tóc rồi bời lộ ra một khuôn mặt bất cần, mày rậm anh tuấn, mắt một mí xinh đẹp, con ngươi đen láy chứa đựng vẻ kinh ngạc.
“Ơi?”
“Có muốn ra ngoài căng gió không?”
Tôi thử dò hỏi anh, lúc bốn mắt chạm nhau tôi thấy vẻ kinh ngạc của anh dần rút đi, thay vào đó là vài phần nghiền ngẫm: “Chị à, chị đừng có trêu chọc tôi.”
“Không chọc anh, tôi mời anh đi uống coca.”
Chu Tẫn bật người từ sô pha dậy, đứng thẳng lên còn cao hơn tôi một cái đầu, cười một cách xấu xa, lộ ra hàm răng trắng với tôi: “Đi!”
Hôm đó anh lái xe máy chở tôi xuyên qua hang cùng ngõ hẻm.
Chúng tôi cùng đi chợ đen náo nhiệt ăn đá bào, bắn bóng bay.
Anh rất lợi hại, đứng rất xa cũng có thể dùng súng ngắn bùm bụp mà bắn hết bóng bay, thắng đến nỗi làm chủ quán sầm mặt, cũng thành công khiến tôi ngỡ ngàng.
Đến cuối tôi mua cho anh một lon coca, anh tặng tôi một con thỏ lưu manh rất lớn khi nãy thắng được.
Sau đó chúng tôi lại lái xe đi một vòng quanh công viên cạnh núi Cảnh Sơn.
Cảnh đêm phố thị rất đẹp, công viên rất lớn, thi thoảng lại có vài đoàn người kết bè kết đội đi tập thể dục chạy ngang qua.
Ánh đèn lóng lánh chiếu lên từng hàng cây, gió đêm xào xạc, hai chúng tôi đứng trên cây cầu dài câu được câu không mà tán gẫu vẩn vơ.
Cách đó không xa có một đôi trẻ yêu nhau, họ ngồi ở băng ghế dưới tàng cây ôm ôm ấp ấp, lát sau còn hôn nhau nồng nhiệt.
Tôi hơi xấu hổ còn Chu Tẫn lại ho nhẹ một cái, ngại ngùng dời mắt đi chỗ khác.
Điều này làm tôi hơi bất ngờ, gã lưu manh như anh, người khiến Tống Tiếu vẫn luôn kiêu kỳ cũng chẳng màng xấu hổ mà theo tới KTV lại là một gã trai ngây thơ như thế.
Lúc chúng tôi đi ra thì điện thoại của anh có vang lên vài lần, anh nhìn thoáng qua liền bỏ lại vào túi.
Tôi đoán đó là Tống Tiếu.
Cho nên tôi trực tiếp hỏi anh: “Tống Tiếu thích anh, anh thích cô ta sao?”
Ban đầu anh còn kinh ngạc với việc tôi cũng quen Tống Tiếu, sau lại mau chóng lên tiếng giải thích: “Tôi với cô ta không quá thân quen, tổng cộng cũng mới gặp được mấy lần, chị à chị đừng hiểu lầm tôi.”
Nhìn đôi mắt đen láy mà trong trẻo của gã trai, tôi không nhịn được nhếch miệng: “Vậy nghĩa là không thích?”
“Không thích, tôi có người trong lòng rồi.”
Dưới màn đêm vô tận, giọng nói của Chu Tẫn chứa đựng ý cười, anh nghiêm túc nhìn tôi, đôi mắt sáng ngời tựa như đong đầy hàng vạn vì sao.
Ánh mắt nóng bỏng ấy tức khắc làm tôi tỉnh táo lại, cười một tiếng: “Anh thích tôi?”
“Ừ.”
“Tại sao?”
“Bởi vì em là người tốt.”
“Xì…”
Tôi bật cười ra tiếng, vô cùng vui vẻ: “Anh nói thiệt hay giả vậy?”
“Haiz, quả nhiên chị chẳng có tí ấn tượng nào với tôi cả.”
Chu Tẫn thất vọng thở dài một tiếng mới nhìn tôi cười: “Lần đầu tiên nhìn thấy em tôi đã thấy quen mắt rồi, xuống lầu tìm Vương Đức Hưng lấy sơ yếu lý lịch của em xem xong liền biết. Đại Yên, nhà ở chung cư Vịnh Táo, hồi tôi mười tuổi thường ở khu đó nhặt ve chai bới thùng rác.”
“….”
Tôi lập tức sửng sốt, chớp mắt một cái rồi mới hỏi anh một cách thăm dò: “Tôi đã cho anh rất nhiều chai nhựa, còn đưa cho anh bánh nướng với kẹo que?”
“Ừ, sau này em còn đưa cho tôi một phần Mc Donald nữa, đó là lần đầu tiên tôi ăn hambuger, cũng là lần đầu được uống coca.”
“Anh mà lại là cậu nhóc kia ư?”
Tôi cảm thấy không thể tưởng tượng nổi, sao trên đời này lại có chuyện trùng hợp đến như thế.
Chu Tẫn vẫn nhìn tôi cười, ánh mắt của anh sâu thẳm, anh nói một cách chân thành: “Tôi chính là cậu nhóc đó, tôi còn nhớ vì em đưa hết mấy chai nhựa không trong nhà cho tôi mà còn bị mẹ em cầm dép đuổi theo xuống tận dưới chung cư đánh cho một trận.”
“Ha ha, mấy cái bình đó là do mẹ tôi thu gom lại, bình thường đi trên đường thấy chai không bà ấy đều nhặt về bán lấy tiền.”
Tôi cười đến suýt gãy cả lưng, một mặt là cảm thấy vận mệnh kì diệu, mặt khác cũng thấy quả thực rất thú vị.
Chu Tẫn thấy tôi đang cười liền khoát tay lên bệ cầu, gió đêm thối rối loạn tóc anh, dưới anh đèn mờ tối, đôi mắt của anh lóe lên những ánh sáng lấp lánh.
Lúc này trông anh rất dịu dàng.
“Năm mười tuổi tôi đã bị thím tôi đuổi ra khỏi nhà, cả một đoạn đường tôi đi xin cơm, nhặt ve chai, gặp phải người xấu, cũng gặp được rất nhiều người tốt. Tỷ như ông chủ của quán net đầu tiên trên đường Khánh Ninh đã chứa chấp tôi hơn nửa năm; lại tỷ như anh tôi, cho tôi đi học, dẫn tôi kiếm cơm.”
“Nhưng thật ra khi vừa vào thành phố, người đầu tiên tôi gặp được là em, em là người đầu tiên mua bánh nướng mà còn chia một cái cho tôi, hơn nữa còn ngồi cạnh ăn chung với tôi.”
Hồi tôi lên tiểu học mẹ tôi luôn rất bận rộn.
Cửa thành bách hóa đẩy mạnh các mặt hàng giảm giá, vì chút tiền tăng ca ấy nên bà ấy thường về rất trễ.
Vậy nên bà ấy sẽ cho tôi tiền tiêu vặt trước để sau khi tan học tôi đi mua bánh nướng ăn dằn bụng nếu bị đói.
Một cái bánh nướng giá năm hào, ban đầu tôi sẽ mua một cái rồi bẻ đôi chia một nửa cho cậu bé thường hay lục thùng rác ở dưới chung cư nhà tôi.
Sau lại dứt khoát mua luôn hai cái, mỗi người một cái, hai đứa ngồi xổm một bên ăn cho xong rồi mới phủi mông về nhà.
Khi ấy quần áo của Chu Tẫn rất cũ, cũng rất dơ.
Nhưng anh luôn rửa mặt rất sạch, cậu nhóc nhỏ xíu, thân thể gầy gò nhưng mặt mũi sạch sẽ, còn thấp hơn tôi một cái đầu.
Lúc đưa bánh nướng cho anh thì tôi sẽ luôn giả bộ giống như người lớn, gọi anh một tiếng: “Bé này, cho em đấy.”
Anh sẽ nhỏ giọng đáp lại một câu: “Cảm ơn chị.”
Âm thanh rất nhẹ nhàng.
Thật kỳ lạ, cậu bé ngày xưa còn thấp hơn tôi một cái đầu nay đã đứng trước mặt tôi, dáng người cao ráo, mày rậm mắt sáng, cười đến rực rỡ lại sáng chói.
Vận mệnh đúng là kỳ diệu.
Ở thời điểm tôi còn học tiểu học nó đã đưa Chu Tẫn đến trước mặt tôi, dùng một cách kỳ quái đan chéo quỹ đạo cuộc đời của chúng tôi lại với nhau.
Tôi và Chu Tẫn có lẽ là số mệnh đã an bài.
Nhưng khi đó tôi hoàn toàn không biết gì cả, trên cây cầu bắc qua công viên, gió đêm hiu hiu thổi, anh nghiêm túc nói với tôi: “Chị à, chị là người tốt, cho nên tôi thích chị, hồi đó thích, bây giờ cũng thích.”
Đối mặt với nụ cười tủm tỉm của anh tôi khẽ thở dài, ánh mắt nhìn về phía xa xăm: “Chu Tẫn, tôi không phải người tốt.”
Anh nhìn tôi bằng vẻ mặt khó hiểu, tôi bất đắc dĩ cười một tiếng mới chậm rãi nói: “Anh có biết tại sao tôi kéo anh ra ngoài không? Tống Tiếu là em gái tôi, là em gái cùng cha khác mẹ.”
Chúng tôi học cùng một trường đại học, vào cùng một lớp, bây giờ lại kỳ dị mà ở cùng một ký túc xá.
Cô ta chưa từng đắc tội với tôi, cùng chưa từng trêu chọc tôi.
Thậm chí vào lúc mấy đứa Trương Giai Giai chỉ cây dâu mà mắng cây hòe để nói bóng nói gió tôi thì cô ta còn khuyên ngăn, bảo bọn họ không nên nói nữa, coi như xong đi.
Tống Tiếu trắng trẻo, tính cách hồn nhiền, đối xử với ai cũng rất tốt.
Nếu như không có tầng quan hệ này với Tống Cảnh Dương thì có lẽ tôi sẽ không chán ghét cô ta như thế.
Đúng vậy, chán ghét.
Tôi còn nhớ như in khi tôi vừa nhận được thư thông báo trúng tuyển của Cửu Kinh, thì ngay ngày hôm sau tôi liền gặp được Tống Cảnh Dương đã nhiều năm không thấy.
Ông ta đến, chọn lúc mẹ tôi không có nhà rồi nói với tôi: “Con không thể học chung một trường đại học với Tiếu Tiếu, con như vậy sẽ khiến ba rất khó xử.”
Ông ta rất khó xử bởi vì nếu bà vợ mới có gia cảnh giàu có của ông ta mất hứng thì sẽ dùng cái cớ này gây chuyện, giận dỗi.
Thứ ông ta quan tâm xưa này đều là bản thân mình và gia đình hiện tại của ông ta.
Không có gì đáng để thất vọng, đây là sự thật mà ngay từ lúc học tiểu học tôi đã nhận ra.
Cho nên Đại Yên vừa thi đậu đại học bây giờ đã kiên cố không gì phá nổi.
Ông ta không làm tổn thương tôi được, tôi cầm điện thoại lên giả bộ gọi 110, vừa lên tiếng đã nói: “Tôi muốn báo cảnh sát, có người xấu tự tiện xông vào nhà dân, còn tiến hành uy hiếp đe dọa….”
Ngày ấy trên mặt Tống Cảnh Dương tràn đầy khiếp sợ, sau đó chạy mất dép.
Ngay lúc ông ta chuẩn bị rời đi, tôi nhìn ông ta rồi cười: “Tống Cảnh Dương, đừng có lại đến đây ghê tởm tôi và mẹ tôi nữa. Là do mấy năm nay ông sống tốt quá nên đã quên mình là một thứ cặn bã thế nào rồi à? Tôi cảnh cáo ông, sau này còn dám bén mảng đến đây thì tôi không ngại tới cửa công ty ông giăng biểu ngữ nói cho mọi người biết ông là kẻ tiểu nhân bỏ vợ bỏ con đâu!”