From Hanoi

Chương 8-5



Trong chuyến về quê lần trước với Lan, tôi đã nói với nàng rằng ngay từ nhỏ tôi đã biết chiếc bàn thờ có một vai trò rất quan trọng trong ngôi nhà, không phải ngẫu nhiên mà nó được đặt trang trọng ngay chính giữa phòng khách, để mỗi lần mở cửa chính ra là hình ảnh ấy sẽ đập ngay vào mắt.

Nhưng chỉ đến gần mười giờ trưa hôm nay, sau chuyến xe khách từ Hà Nội trở về, tôi mới hiểu ra sự quan trọng ấy nằm ở đâu, cụ thể như thế nào.

Đã từng có giai đoạn trước đây tôi xem chiếc bàn thờ như là biểu tượng của cái chết, tôi cảm thấy sợ hãi khi đứng trước nó vì nó chỉ khoét sâu thêm vào những nỗi đau khôn nguôi trong lòng tôi. Nhưng đến hôm nay, tôi mới ngộ ra rằng đấy không phải là biểu tượng của cái chết, mà đấy là cây cầu nối giữa sự sống và cái chết.

Chiếc bàn thờ ấy được đặt ngay chính giữa nhà, để mỗi lần trở về và mở cánh cửa ra, việc đầu tiên chúng ta phải làm là tự hỏi lòng rằng ngày hôm nay mình sống có được thanh thản không, có điều gì còn day dứt trong lương tâm không, chỉ khi nào chúng ta còn biết đứng trước chiếc bàn thờ và tự vấn mình về đạo đức, thì chúng ta mới có thể tìm ra đáp án cho mình, mới có thể tìm ra con đường đi cho cuộc đời mình. Chiếc bàn thờ là mặt thứ hai trong một căn nhà và trong một con người, là sự sống hòa quyện với cái chết, là hai phần âm dương cân bằng trong sự tồn tại của chúng ta, phải có cái chết, hay nói cách khác là những điều quý giá đã mất đi ấy nhắc nhở, thì chúng ta mới hiểu ra được lý lẽ sự sống của mình.

Tôi làm tất cả những nghi lễ mà tôi từng thấy bố mình thực hiện trước đây, đầu tiên là tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá mùi, sau đó xin phép trước bàn thờ trước khi tiến hành lau dọn. Rồi trải mấy tờ báo ra sân, nhẹ nhàng bốc từng bát hương ra dốc tạm lên trên báo, lấy một chiếc khăn sạch đã tẩm ướt bằng rượu trắng lau cẩn thận từng bát hương một, tiếp đó cẩn thận bốc tro hương cho lại vào đến lưng chừng của mỗi bát hương. Trước khi đặt lại ba bát hương lên bàn thờ thì lau sạch qua bàn thờ bằng khăn tẩm rượu trắng.

Thật ra có rất nhiều công đoạn trong nghi lễ này tôi không thật sự hiểu rõ lắm, như tại sao phải tắm bằng nước lá mùi, tại sao phải dùng khăn tẩm rượu trắng lau dọn, tại sao tro hương phải đổ lên báo để còn gói lại cẩn thận đem đốt… mặc dù còn nhiều thắc mắc nhưng tôi vẫn làm mọi việc đầy đủ, một cách tập trung và nghiêm trang, không phải vì những lý do tâm linh như thần tiên hay ma quỷ gì đâu, mà vì một lý do rất giản dị: Tôi muốn trở nên giống bố mình!

Và tất nhiên, lần này tôi rửa hoa quả rất sạch sẽ, thậm chí còn lấy một chiếc bàn chải đánh răng nhỏ để đánh sạch từng kẽ bẩn ở đầu cuống quả táo, không phải vì tôi tin là có linh hồn nào về ăn những trái cây ấy cả, mà bởi vì tôi cho rằng giây phút vệ sinh sạch sẽ cho những thứ dâng lên tổ tiên cũng là lúc chúng ta gột rửa sạch sẽ chính tâm hồn mình.

Đây là lần khấn đầu tiên trong cuộc đời tôi, ý tôi là khấn một cách nghiêm túc và thành thật, từ trước đến nay tôi không tin vào chuyện ấy lắm nên chỉ làm qua loa cho xong, có lần bố cũng bắt tôi là con trai trưởng phải đứng khấn với ông, ông hay xầm xì cái gì đó, chẳng ai nghe được nhưng tôi đoán đại khái là ông cầu sức khỏe bình an gì đó cho gia đình. Muốn khỏi ốm thì phải ăn cháo hành và uống kháng sinh chứ, lúc bé tôi nghĩ vậy nên chẳng bao giờ thật sự quan tâm.

Hôm nay tôi khấn không phải vì muốn cầu xin một điều gì cả, tôi không tin vào những sự hỗ trợ từ một thế giới vô hình, tôi khấn chỉ vì thấy mình có nhiều tâm sự muốn được nói ra.

“Con…” Tôi nói, tự dưng thấy rất lúng túng vì không khí nghiêm trang này. “Con…con không biết phải khấn như thế nào nữa.”

Giọng tôi bắt đầu nấc nghẹn vì xúc động.

“Con chỉ…chỉ muốn…muốn nói là… con… con nhớ…nhớ bố mẹ rất nhiều.”

Mỗi câu ngắn thế thôi mà tôi nói hết hơn một phút, vừa rưng rưng nước mắt vừa khấn nên câu nói đã bị xen vào bởi những quãng nấc khá dài.

“Ngày mai… ngày mai…con sẽ… bắt đầu thi tốt nghiệp. Con sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình.” Tôi nói tiếp, giọng đỡ run hơn, tuy nhiên lúc này miệng đã mặn chát bởi những giọt nước mắt. “Ngay khi thi xong, con sẽ vào miền Nam với Sơn, đó là một nơi rất năng động, con muốn thử tìm kiếm cơ hội cho công việc của mình, không biết chuyến đi này thế nào, chỉ biết chắc chắn một điều là con sẽ rất nhớ bố mẹ.”

“Sau này… sau này…” Tôi nói tiếp, hình ảnh chiếc bàn thờ trước mặt đã trở nên nhạt nhòa vì nước mắt. “Nếu ổn định được trong đấy, con sẽ về đưa di ảnh bố mẹ vào đấy để thờ cúng. Từ giờ cho đến lúc ấy, con muốn nói là, ý con là bố mẹ hãy yên tâm, dù con đi xa đến đâu, thì bố mẹ vẫn luôn ở trong trái tim con.”

Vừa dứt câu ấy là tôi quỳ sụp xuống đất.

Đấy có phải là khấn không?

Tôi không biết như thế có được mọi người gọi là khấn không, nhưng phải hay không cũng không quan trọng, quan trọng là tôi đã được nói hết những lời tâm can ra với những người thân yêu của mình.

Cổ họng tôi nấc lên từng hồi rất mạnh, một lần khấn có gần mười phút thế thôi mà cảm giác mất sức như vừa chạy bộ cả cây số vậy.

Tuy nhiên, khi toàn thân đã mệt rã rời thì trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng thanh thản. Tôi thấy trong thân thể mình đang chảy một dòng sinh lực vô cùng mãnh liệt, tâm hồn tôi nhẹ bẫng và trí óc trở nên rất tỉnh táo sáng suốt, tôi cảm thấy như có một điều gì đó ở rất sâu thẳm bên trong con người mình vừa được hoàn thiện, từ nay sẽ không có một tai họa gì trên đời có thể quật ngã tôi được nữa, không có một biến cố nào có thể biến tôi thành một kẻ tệ hại như thời gian vừa qua nữa.

Việc cúng bái được thực hiện một cách nghiêm túc nhưng cũng rất gọn nhẹ, bởi vì tôi không còn nhiều thời gian để bày vẽ cầu kỳ, đến tầm một giờ chiều khi mọi việc đã xong xuôi, tôi lại thu dọn đồ đạc lên đường đi Hà Nội.

Khóa cửa xong ra đến đầu ngõ thì tôi gặp ngay một lão ăn mày, ông lão đen đúa gầy gò chắc cũng phải hơn sáu mươi tuổi, đầu tóc bù xù, quần áo cáu bẩn và một điều rất đáng thương là lưng ông ta bị gập về phía trước đến gần chín mươi độ.

Tôi rất lúng túng khi ông ta tiến đến gần và ngửa mũ xin tiền tôi, giọng của ông ta hơi khó nghe nhưng ánh mắt cầu xin của ông ta có thể nói thay cho tất cả.

Tôi lấy đâu ra tiền bây giờ chứ, tôi chỉ có tuổi trẻ và sức lao động, nhưng những thứ ấy lại không đổi được ra tiền vào ngay lúc này.

“Cháu rất muốn giúp ông, nhưng cháu không có tiền.” Tôi nói buồn buồn. “Cháu chỉ có ít hoa quả vừa thắp hương xong, ông cầm lấy mấy quả ăn tạm đỡ đói nhé.”

Nói xong tôi bốc mấy quả táo chín đỏ trong túi đưa cho ông ta.

Đúng vào giây phút ấy, có một điều kỳ diệu đã xảy ra trong tâm trí tôi.

Có lẽ vì hoàn cảnh sự việc tương đồng nên đã làm thức dậy một ký ức bị lãng quên của tôi. Cũng chính ở vị trí này đây, cũng chính khoảnh khắc phải đắn đo về lòng tốt này đây.

Hôm ấy trời rất trong xanh, trường tiểu học cách nhà tôi mười phút đi bộ, buổi sáng tiện đường đi phụ xây nên bố vẫn thường dẫn tôi đi học, vì đi vội không kịp ăn sáng nên hai bố con mỗi người cầm theo một gói xôi mẹ nấu từ hôm trước.

Hai bố con vừa ra đến đoạn này thì gặp một người ăn mày bị mù đang đi đến, họ xin bố con tôi tiền, thật sự chúng tôi chỉ ăn mặc đàng hoàng hơn họ thôi chứ cũng đâu có nhiều tiền hơn họ.

Bố tôi cân nhắc xem nên làm thế nào, ông cũng nghèo khó có hơn gì họ đâu, nhưng không đành lòng vì người ăn mày đấy trong làng tôi ai cũng biết, ông ta tầm tuổi bố tôi, hoàn cảnh rất đáng thương, từ nhỏ đã bị mù lòa, sau này bố mẹ chết hết trong chiến tranh, kể từ đó ông ta không còn một ai để nương tựa, phải vất vưởng xin ăn khắp làng để kiếm sống qua ngày.

Sau mấy phút suy nghĩ, bố quay sang tôi, ông vỗ nhẹ vào vai tôi ý muốn nói tôi cứ ăn tiếp đi, rồi quay lại với người ăn mày, vừa bẻ gói xôi ra làm đôi rồi chia một nửa cho người ăn mày, bố tôi vừa nói: “Thật sự thì… tôi không có tiền, tôi chỉ có gói xôi đây thôi, thôi thì… tôi chia cho anh một nửa nhé!”

Bộ não con người là một thứ thật khó hiểu, câu chuyện ấy đã bị thời gian phủ lên một lớp bụi khá dày và ẩn nấp trong một góc khuất nào đó trong trí nhớ của tôi, nhưng ngay khi được đánh thức nó lại hiện ra sống động rõ mồn một như xem lại một thước phim.

“Bố…” Nước mắt tôi rơi lã chã và miệng tôi run run gọi. “Bố… bố về đấy à?”

Bố tôi đã dành cả tuổi trẻ của mình ở trên chiến trường, ông không được học hành đến nơi đến chốn, tôi nhớ rằng ông chưa từng dạy một bài học nào chính thức cho tôi cả, khi tôi cãi ông về cái bàn thờ, ông cũng chỉ biết lúng túng và mắng tôi chứ không biết phải giải thích thế nào cho đúng, nhưng hóa ra, ông đã dạy dỗ tôi bằng chính cuộc đời của mình, bằng những kỹ năng, những hành động mà trong mấy năm vừa qua những biến cố dồn dập kéo đến đã khiến tôi quên bẵng đi mất.

Cuộc đời của tôi có lẽ đã rẽ sang một hướng khác nếu như năm ấy tôi bị cám dỗ mà điên đảo chạy theo những thứ như lòng tham và sự ích kỷ. Khi để cho những thứ ấy ngự trị dẫn lối thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể tìm lại được những ký ức vô giá như thế này nữa.

“Bố thật sự tin là mình thắp hương thì ông bà sẽ về ăn đồ cúng của mình được sao?” – câu hỏi dở dang của bố con tôi ngày nào cuối cũng cũng tìm được ra câu trả lời. Nếu ngày sau đến lượt tôi được đặt hỏi câu ấy, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng:

“Có chứ, nhất định sẽ trở về. Khi chúng ta đứng trước bàn thờ với một tâm hồn thanh thản, nhất định chúng ta sẽ được gặp lại họ. Không phải là linh hồn nào của họ trở về cả, mà họ sẽ trở về trong những kỷ niệm đẹp đẽ nhất, quý giá nhất, những kỷ niệm ấy định nghĩa cuộc đời chúng ta, làm nên cuộc đời chúng ta và chỉ bảo cho chúng ta biết con đường đi tới tương lai của mình!”


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.