Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao

Chương 7: Võ Đang Sơn, Thương Tùng phát hiện gian tế - Cảng Bạc Sa, Triệu Mẫn giáp mặt Hỏa Thần



Mùa đông đã về trên Hồ Bắc. Nhìn những bông tuyết trắng li ti cuốn theo cơn gió bắc phủ dày lên những dải núi uốn lượn quanh vùng tựa tấm khăn dày bà chúa tuyết đặc biệt đan cho nơi đây. Dưới chân núi, lũ trẻ trong thôn đang hào hứng nặn tuyết ném nhau chơi, tiếng cười rộn ràng vang khắp một khoảng không gian rộng lớn. Khói bếp bảng lảng vương vấn nhưng ấm áp nương theo cơn gió mà mang theo chút mùi của sự sống lên trên núi. Trong bếp đó hẳn các lão bà, các thiếu phụ và các tiểu cô nương đang tần tảo nấu mấy món nhắm đơn giản, hâm nóng bầu rượu nồng cho phu quân mình lúc đó đang bận tay sửa lại nông cụ chuẩn bị cho mùa trồng trọt lúc sang xuân. Nhìn những mái nhà đơn sơ nhưng ấm áp như vậy lại khiến Dương Bất Hối chạnh lòng mà thầm rơi lệ, đoạn lại ho một tràng dài nghe mà thắt cả ruột gan. Cách đây chừng hơn một tháng, lúc nàng và con trai đang du ngoạn đất Vân Nam, Tứ Xuyên thì nghe tin dữ từ Võ Đang. Hai người vội lên đường trở lại Võ Đang Sơn ngay. Hiềm nỗi đường xa nhọc mệt, lại thêm hỏa tâm trong lòng khiến Dương Bất Hối đổ bệnh, hành trình cũng vì thế mà chậm lại không ít. Ân Thương Tùng thương mẹ, dẫu trong lòng cũng xót xa, khắc khoải không yên nhưng cũng vẫn không để cho mẹ phải nhọc mệt quá, đi được một chặng lại dừng xe lừa cho mẹ nghỉ ngơi. Vì vậy mà có đến hơn một tháng rồi, hai người mới đến được chân núi Võ Đang. Gió bắc lạnh tê tái táp từng qua má Ân Thương Tùng, lúc này đang cẩn thận dắt xe lừa chầm chậm lên núi. Con đường nhỏ men theo sườn núi lên Võ Đang giờ tuyết đã phủ dày mất dấu nên cậu chỉ có thể vừa đi vừa dò đường, chỉ một chút lơ đãng cũng có thể khiến cả hai người rơi xuống núi. Ân Thương Tùng tuy đã mệt lắm nhưng vẫn gắng lên giọng hồ hởi nói với mẹ:

– Đã gần đến Võ Đang rồi mẹ ạ. Mẹ có mệt không? Có cần nghỉ chút rồi lại đi tiếp nhé?

Dương Bất Hối vén màn nhìn ra, thấy khung cảnh quen thuộc của con đường lên núi, trong lòng vừa sốt ruột muốn nhanh lên núi, nhưng nhìn con mình đang căng tay dắt lừa, mặt đỏ lựng vì lạnh, nàng cũng không nỡ. Nàng nhỏ nhẹ lên tiếng:

– Chúng ta đi cũng nửa ngày rồi, nghỉ chân một chút cũng không sao. Đường cũng không còn xa nữa, chỉ nửa buổi nữa là tới thôi.

Ân Thương Tùng nghe vậy vội đánh xe lừa vào sát vách núi rồi neo lại. Cậu lại lúi húi lấy một túi da rót ra một bát trà bát bảo nóng, vén màn xe đưa cho mẹ, nói:

– Mẹ uống bát trà này cho ấm người. Trong xe có lạnh không? Để con đun ít nước ủ túi chườm cho mẹ nhé.

Dương Bất Hối khẽ vén đôi sợi tóc mái lòa xòa trước chán con trai, cười nói:

– Xe không lạnh đâu. Ngoài trời tuyết rơi dày lạnh lắm, con vào xe ngồi cùng ta cho ấm.

Ân Thương Tùng gật đầu rồi chui vào xe ngồi cùng mẹ. Cha cậu tuy rất yêu thương mẹ cậu nhưng ông cũng còn rất nhiều việc trong phái phải làm, vô cùng bận rộn. Từ bé đến giờ, chủ yếu là cậu quấn quít bên mẹ. Ngày nhỏ mẹ chăm lo cho cậu từng chút một. Giờ lớn rồi cậu cũng chẳng màng chuyện võ lâm, chỉ muốn có thời gian phụng dưỡng mẹ cho tốt. Ân Thương Tùng lấy ra hai trái đào tuyết, cười tươi nói:

– Trên đường con hái được đấy. Năm nay tuyết đào Võ Đang Sơn chúng ta vừa to vừa ngọt. Mẹ nếm thử xem. Uống trà mãi cũng cồn ruột lắm.

Dương Bất Hối mỉm cười, vỗ vỗ tay con trai nói:

– Con đúng là một đứa con hiếu thảo. Nhưng cứ suốt ngày quấn quít bên cạnh mẹ vậy cũng không được. Con lớn rồi, cũng cần có sự nghiệp riêng của mình. Lại nói cũng cần phải yên bề gia thất nữa.

Ân Thương Tùng nhăn mặt, nói:

– Mẹ lại lôi chuyện sự nghiệp với gia thất ra rồi. Con chẳng thích. Con chỉ thích được hầu hạ, bảo vệ mẹ thôi. Con chẳng thích như cha, suốt ngày đi lo mấy chuyện tào lao ở võ lâm, bỏ mặc thê tử mình ở nhà.

Dương Bất Hối thở dài nói:

– Khi còn sống, cha con được danh là Lục Hiệp vì ông sống nghĩa khí, coi ác như thù, gặp cảnh khó đều ra tay trợ thủ. Tuy ông ấy không ở nhà thường xuyên nhưng ta rất tự hào về cha con. Có một phu quân như vậy, ta không có gì hối hận cả.

Ân Thương Tùng biết mẹ đau lòng chuyện của cha, không dám nói thêm, bèn lấy dao bổ đào ra mời mẹ:

– Thôi mẹ ăn đào đi. Đào này..

Chưa dứt lời thì cậu đã nghe thấy một tiếng rít khẽ từ ngoài xe. Nhanh như cắt, Ân Thương Tùng hoành kiếm, dùng đốc kiếm gạt bay một mũi cương tiêu vừa xé màn bắn tới. Cậu kéo tay mẹ nằm xuống sát sàn xe, nói khẽ:

– Mẹ nằm yên ở đây nhé. Để con ra ngoài xem địch nhân là kẻ nào mà lại dám gây sự ở ngay Võ Đang Sơn này, không coi bản phái chúng ta ra gì!

Nói rồi cậu khẽ đạp chân lộn ra ngoài, đoạn tuốt kiếm thủ thế, quan sát tứ phía. Xung quanh tuyết vẫn lặng lẽ rơi không ngừng, nhưng tuyệt không thấy bóng người nào, lại cũng không thấy dấu chân. Hồi lâu không thấy động tĩnh gì thêm, Ân Thương Tùng mới thu kiếm, định đưa xe đi tiếp, tránh ở lâu lại thêm phiền phức thì thấy có một bóng người từ xa chạy lại. Người này tóc búi cao, thân mặc áo đạo, tay mang trường kiếm, hẳn là một môn sinh của Võ Đang. Vừa tiến lại, người này vừa hô lớn:

– Kẻ nào lên núi đấy! Võ Đang đang có tang sự, không tiếp khách vãng lai!

Ân Thương Tùng nghe giọng, nhận ra tiếng Lâm Tĩnh Văn, sư ca của cậu, nên rất vui mừng, nói lớn:

– Lâm huynh! Đệ Thương Tùng đây mà! Đệ và mẹ đang trở về phái, nhưng nghỉ chân dọc đường chút thôi!

Lâm Tĩnh Văn nhận ra người quen, vội khinh công tiến nhanh lại, giọng khẩn cấp nói:

– Thương Tùng! Đệ về rồi à? Đệ đi vắng, sư phụ bị tiểu nhân ám toán hạ độc, không qua khỏi nên..

Ân Thương Tùng nhăn mặt, nói khẽ:

– Huynh không cần nói to thế chứ. Đệ và mẹ biết chuyện rồi. Nói lớn mẹ đệ lại thêm đau lòng.

Lâm Tĩnh Văn nhận ra mình có chút thất thố, bèn hạ giọng nói:

– Sư mẫu vẫn bình an chứ? Cả tháng nay bọn ta luân phiên đi tuần quanh núi. Một là đề phòng các lực lượng cựu thù với Võ Đang thừa nước đục thả câu tấn công. Hai là cũng muốn chờ đón đệ và sư mẫu.

Ân Thương Tùng thân tình vỗ vỗ vai sư huynh mỉm cười. Nhìn làn da khi thường rám nắng khoẻ mạnh của Lâm Tĩnh Văn mà hôm nay cũng bạc đi về mỏi mệt khiến cậu thêm áy náy trong lòng. Lâm Tĩnh Văn trước khi lên Võ Đang là con cả trong một gia đình nông phu nghèo. Ân Lê Đình năm xưa hành tẩu giang hồ, qua làng Trịnh Kiều gặp sơn tặc hoành hành bèn rút kiếm tương cứu. Cảm trước tấm lòng nghĩa hiệp và võ công của Ân Lê Đình, Lâm Tĩnh Văn lặn lội lên Võ Đang xin học, trở thành đệ tử đầu tiên của Ân Lê Đình, cũng là đệ tử tâm đắc nhất của ông. Ngoài võ công cao cường, Lâm Tĩnh Văn là người trung lương, hiền hậu, tâm địa rất tốt. Ngày Ân Lê Đình qua đời, cả nội phụ và trưởng tử đều vắng mặt, chàng đã mặc áo tang, coi Ân Lê Đình như cha mà thay mặt Ân gia quản chuyện hiếu sự, trong lòng đau thương mà khóc than như người trong nhà làm ai cũng muôn phần cảm động. Ân Thương Tùng thấy Lâm Tĩnh Văn cũng như thấy người thân, trong lòng muôn phần cảm động. Hai người đang tay bắt mặt mừng thì có thêm một đệ tử Võ Đang nữa đi tới. Lâm Tĩnh Văn nhận ra gọi:

– Lý sư đệ! Mau đến đây! Ân sư đệ và sư mẫu đã quay lại rồi!

Người kia nghe gọi vội gia tăng cước lực, búng người sử Thê Vân Tung đạp nhẹ lại tán lá rừng mà lướt đến. Lá chỉ khẽ rung, lắc mình rơi chút tuyết đọng lất phất đủ thấy công phu khinh công người này không phải hạng vừa. Tám năm trước, Lý Hữu Tài lên Võ Đang bái sư. Tư chất người này không tồi, chỉ một thời gian ngắn mà công phu đã tăng tiến rõ rệt, trở thành một trong Thập Nhị Bát Tú của Võ Đang lúc đó. Thập Nhị Bát Tú là danh xưng của hai mươi tám môn sinh có võ công và phẩm hạnh cao nhất của lứa đệ tử Võ Đang thứ ba. Tống Quý Bình là người đứng đầu Thập Nhị Bát Tú, hiện đang giữ chức chưởng môn nhân theo di mệnh của Du Liên Châu. Lâm Tĩnh Văn cũng trong số các gương mặt ưu tú này, đứng thứ tám. Lý Hữu Tài mặc dù nhập môn muộn nhưng cũng đứng thứ mười ba. Tuy ít có giao tình nhưng Ân Thương Tùng luôn kính trọng Thập Nhị Bát Tú, thấy Lý Hữu Tài tiến đến cũng kính cẩn ôm quyền chào hỏi:

– Lý sư huynh! Tiểu đệ và sư mẫu đã trở lại đây rồi.

Lý Hữu Tài lãnh đạm gật đầu chào, đoạn nói;

– Ngươi có nhìn thấy có kẻ lạ nào xung quanh đây không? Ta vừa thấy có bóng người thoắt ẩn thoắt hiện gần đây, vội đuổi theo thì giờ đã vô hình tích.

Ân Thương Tùng đưa ra mũi cương tiêu khi nãy ngầm ám toán cậu và mẹ, nói:

– Tiểu đệ và mẫu thân đang ngồi nghỉ mệt thì có địch nhân ám toán. Hắn chỉ phi đến một mũi cương tiêu nhưng may đệ đã cản được. Hai huynh xem có đầu mối gì không?

Lý Hữu Tài cầm lấy mũi cương tiêu, nhìn thoáng qua thấy mũi cương tiêu này cũng không có điểm gì đặc biệt, thậm chí cạnh tiêu còn đã mòn khá nhiều, không có vẻ gì là được bảo trì cẩn thận. Lâm Tĩnh Văn lại xem ở nơi màn xe bị cương tiêu phi xuyên qua. Trán chàng nhíu lại, đổ mồ hôi lạnh. Màn xe tuy không phải dệt bằng chất liệu gì quý hiếm nhưng loại đũi Thường Châu này rất dày, màn lại được thả chùng mà mũi cương tiêu phóng từ xa khuất tầm mắt lại có thể cắt ngọt qua để xuyên vào trong đủ thấy công phu ám khí của người này cao đến mức nào. Lâm Tĩnh Văn trong lòng thấy bất an, vội giục Ân Thương Tùng:

– Ân sư đệ, đệ mau đưa sư mẫu lên đường ngay. Minh thương dị đóa, ám tiễn nan phòng. Huống hồ người này võ công rất cao, ngay cả chúng ta hợp lực cũng không chắc đã là đối thủ. Đệ dắt xe đi ngay đi. Ta và Lý sư đệ sẽ đoạn hậu bảo hộ!

Ân Thương Tùng lo lắng gật đầu rồi ra roi cho xe lừa nặng nhọc tiến lên. Tuyết mỗi lúc một dày, gió đã gào lên những tiếng hú dài ầm ĩ tựa như một con dã thú bị thương.. Từ khi nào mới chỉ là những cơn gió mạnh thì giờ bão tuyết đã nổi lên mịt mù. Ân Thương Tùng căng tay dò dẫm từng bước dẫn xe tiến lên. Sau lưng hai người Lâm – Lý cũng tuốt kiếm, cẩn thận quan sát tứ bề. Nhưng bão tuyết như có tay vừa che mắt người, vừa bịt tai người. Đoàn người dọ dẫm đi được thêm một đoạn thì bất chợt Lý Hữu Tài vung kiếm gạt bay một mũi cương tiêu khác vừa nhằm vào chàng, đoạn hét lớn:

– Địch nhân ở dưới dốc kia! Để đệ đuổi theo bắt hắn lại! Võ Đang này không thể để thứ ác nhân hèn hạ như hắn lai vãng được!

Nói đoạn Lý Hữu Tài đã búng người lao xuống dốc núi. Lâm Tĩnh Văn biết kẻ kia võ công cao cường, không thể để sư đệ đơn đả độc đấu với hắn được bèn cũng phi xuống trợ lực. Trước khi đi, chàng dặn Ân Thương Tùng:

– Ân sư đệ tiếp tục lên đường, cẩn thận bảo hộ cho sư mẫu! Ta phải giúp Lý sư đệ một tay!

Ân Thương Tùng cũng tuốt kiếm, nói:

– Để đệ đi cùng huynh! Kẻ này võ công cao lại thạo ám khí, không thể khinh địch được!

Lâm Tĩnh Văn túm tay Ân Thương Tùng, lắc đầu nói:

– Đệ nhất định phải ở lại đây bảo vệ sư mẫu! Nếu không may địch nhân nhằm lúc chúng ta đi cả mà tấn công thì chẳng phải sư mẫu sẽ nguy hiểm lắm sao? Ta và Lý sư đệ tuy không cầm chắc phần thắng nhưng cũng đủ giữ chân hắn đến khi đệ và sư mẫu an toàn. Nghe ta, mau đi đi!

Nói rồi chàng nhún người khinh công đuổi theo Lý Hữu Tài ngay, chớp mắt hai người đã khuất hẳn trong cơn mưa tuyết. Ân Thương Tùng trong lòng như lửa đốt nhưng không biết làm thế nào, đành tiếp tục đưa mẹ lên đường. Mới đi được thêm không bao xa thì đã nghe tiếng Lâm Tĩnh Văn hét lên đau đớn ở dưới dốc núi. Dương Bất Hối hoang mang, nói:

– Thương Tùng, có phải tiếng Tĩnh Văn đó không? Hình như có chuyện không hay rồi.

Ân Thương Tùng nghe tiếng hét này, biết mười mươi Lâm Tĩnh Văn đã gặp nạn rồi, chân muốn lao xuống hỗ trợ cho sư huynh nhưng vẫn lo cho mẹ nên dùng dằng không quyết được. Dương Bất Hối biết lòng con, khảng khái nói:

– Con mau xuống hỗ trợ Lâm sư huynh đi. Ta ở đây không sao đâu.

Ân Thương Tùng lắc đầu nói:

– Con không thể để mẹ ở lại đây được. Địch nhân nếu ám toán thì mẹ sao có thể tự hộ thân được.

Dương Bất Hối lấy từ gầm ghế trên xe một thanh đoản kiếm, cười nói:

– Tiểu tử này chưa từng được xem ta ra chiêu nên chưa biết lợi hại rồi. Nói cho con hay, khi chưa lấy chồng ta cũng nhiều năm luyện võ cùng với ngoại tổ phụ đó. Con cứ đi đi, ở đây ta lo được!

Ân Thương Tùng thấy mẹ dứt khoát như vậy, cũng tạm yên lòng mà đi yểm trợ cho hai sư huynh. Chân cậu vừa lời đi thì khoé mắt trái Dương Bất Hối cũng giật khẽ, một nỗi bất an dâng lên trong lòng nàng. Nàng nhoài người ra khỏi xe, định dặn con cẩn thận thì bóng Ân Thương Tùng đã khuất trong cơn bão tuyết mất rồi. Nàng thở dài, đưa kiếm vào thế Diệu Lý Thu Không, tĩnh tâm, định thần sẵn sàng cự địch..

Lại nói Ân Thương Tùng nhằm hướng khi nãy Lâm Tĩnh Văn rời đi mà đuổi theo. Qua hơn chục nhịp khinh công thì cậu đã thấy bóng áo đạo của Võ Đang phía trước bèn gia tăng cước lực lao đến. Chân vừa chạm đất thì khung cảnh trước mặt đã khiến cậu lảo đảo muốn ngã gục. Lâm Tĩnh Văn bị một vết đâm chí mạng vào ngực, qua đời ở tư thế đứng dựa vào một thân tùng. Đầu gục xuống nhưng đôi mắt vẫn rực một nỗi căm hờn không tắt. Kiếm trong tay vấy máu, chống xuống đất để khi chết không ngã quỵ. Ân Thương Tùng bàng hoàng, lảo đảo tiến đến, sờ lên mũi chàng hi vọng vẫn còn thấy chút hơi thở mà chỉ còn thấy giá lạnh nơi tay, không phải vì tuyết, mà vì sư huynh cậu đã không còn nữa rồi. Ân Thương Tùng nhìn quanh, không thấy Lý Hữu Tài đâu, vội chạy đi tìm thì nghe thấy tiếng kêu ở phía trước. Cách đó không xa, Lý Hữu Tài đang đang lảo đảo tiến tới, tay trái bị thương, máu đã thẫm lại. Ân Thương Tùng kêu lên:

– Lý sư huynh! Địch nhân ở đâu? Đệ đến trợ thủ cho hai người đây!

Lý Hữu Tài lắc đầu, thở dài não nề nói:

– Muộn rồi.. Lâm sư huynh trúng sát chiêu vong mạng, ta may mắn hơn, chỉ bị thương ở tay. Nhưng chúng ta cũng đã kịp đả thương được tên khốn kiếp đó. Tiếc là hắn đã kịp tẩu thoát, bằng không nhất định phải bắt hắn phân thây làm trăm mảnh mới hả giận! Ân sư đệ, bây giờ chúng ta yếu thế hơn, lại không biết địch nhân lẩn trốn nơi nào. Chi bằng về đưa sư mẫu lên núi cho cẩn thận đã rồi tính chuyện trả thù cho Lâm sư huynh sau cũng chưa muộn.

Nói đoạn, Lý Hữu Tài lảo đảo đi tiếp, nhưng Ân Thương Tùng vẫn đứng lại. Lý Hữu Tài không thấy cậu đi theo mình, bèn ngoái đầu lại nhìn thì thấy mũi kiếm của Ân Thương Tùng đã chỉ sát mặt chàng ta. Ân Thương Tùng lạnh lùng nói:

– Lý sư huynh, ta nghe tiếng sư huynh bị thương từ xa vội lao đến ngay, thật không ngờ đến muộn một chút, vết thương trên tay huynh đã kịp đông máu rồi. Xem ra vết thương cũng đã được một lúc, không phải vết thương mới. Nói! Ngươi có âm mưu gì? Có phải ngươi đã ám toán Lâm sư huynh không?

Lý Hữu Tài sửng sốt nhìn Ân Thương Tùng, hỏi:

– Ân sư đệ! Đệ làm gì vậy? Đệ nghĩ ta đã hại Tĩnh Văn huynh sao? Đệ sao có thể hồ đồ quá như vậy. Nếu không mau về bảo hộ cho sư mẫu, chỉ e địch nhân nhân lúc này đã đến ám toán rồi cũng nên.

Ân Thương Tùng vẫn không thu kiếm, lại còn dí kiếm sát yết hầu Lý Hữu Tài, gằn giọng:

– Ngươi chớ buông lời hoa ngôn xảo ngữ hòng lừa gạt ta. Vết thương trên tay ngươi kia chắc chắn là do Lâm sư huynh chém trúng. Trên kiếm huynh ấy cũng vấy máu đã đen lại như vết thương trên tay ngươi! Ngươi nói ngươi giao chiêu với địch nhân ở đây mà khi ta đến cũng chỉ có vết chân của ngươi còn lại. Lẽ nào ngươi đánh nhau với ma chắc!

Đôi mắt Lý Hữu Tài đang từ mở to ngạc nhiên, dần nheo lại thành một ánh nhìn xảo quyệt. Hắn nhếch mép nói:

– Tiểu tử ngươi khá lắm. Không ngờ lúc nguy cấp thế này ngươi vẫn nhìn ra độc kế của ta. Phải! Chẳng có địch nhân nào cả. Tên họ Lâm kia là ta giết đấy. Nghĩ mà thấy kính nể hắn ba bốn phần. Hắn cả tin, lại nhiệt tình xông xáo theo hướng ta chỉ, bị ta đâm một kiếm sau lưng mà vẫn còn sức ra chiêu chém ta bị thương. Đến khi ta bồi thêm một kiếm nữa mới chịu lìa trần. Tiểu tử, nếu biết điều thì thu kiếm lại, ta sẽ cho ngươi chết không đau đớn, lại hứa sẽ tha cho mẫu thân ngươi.

Ân Thương Tùng nghe nói động đến mẹ, trong lòng hỏa khí xung thiên, bèn đâm kiếm đến. Nhưng cậu quên mất rằng khi ra chiêu mà tâm không vững thì chiêu kiếm đã mất bảy, tám phần tác dụng rồi. Lý Hữu Tài khẽ lùi lại, đoạn xoay người né. Kiếm của Thương Tùng chậm một nhịp nên chỉ khẽ cứa qua cổ hắn một vết cắt nông. Lý Hữu Tài lại vươn tay kẹp chặt lấy kiếm của cậu, xoay người trên không trung, mượn lực đoạt kiếm. Đây là chiêu Tịch Thủ Cầm Long, một tuyệt chiêu của Thiếu Lâm Mật Tông. Ân Thương Tùng thấy kiếm bị kẹp chặt, bèn vận theo nguyên lý của kiếm pháp Võ Đang, mượn lối âm nhu mà hóa giải, tung người xoay theo cùng chiều với Lý Hữu Tài, kiếm cũng vì vậy mà không bị đoạt. Đoạn cậu lại xuất ấn thủ, đánh một đòn Mê Tung Chưởng. Chưởng đi không một tiếng động, lại nhanh chậm khó lường, đến khi chạm địch nhân mới phát huy hết kình lực, vốn là một chiêu đắc ý của Tống Viễn Kiều. Nhưng Lý Hữu Tài học nghệ ở Võ Đang tám năm, có mấy chiêu thức mà hắn chưa từng nhìn thấy. Mê Tung Chưởng tuy tuyệt diệu, nhưng Ân Thương Tùng tu vi chưa đủ, chưa thể phát huy hết uy lực và ẩn công vốn có. Lý Hữu Tài thừa cơ kéo một cái làm hạ bàn của cậu lảo đảo, tay trái hắn lại kết thành chỉ pháp, đâm một đường Xuyên Sơn Chỉ, điểm trúng ngực Ân Thương Tùng. Chỉ pháp này có tên Xuyên Sơn Chỉ vì kình lực tập trung ở đầu ngón tay, có thể xuyên phá được cả đá tảng huống hồ là nhục thân. Ngón trỏ của hắn đâm lút ngực Ân Thương Tùng khiến cậu đau đến hoa cả mắt, vô lực mà buông kiếm. Lý Hữu Tài tiện tay đoạt lấy kiếm, xả một đường nhằm đầu Ân Thương Tùng chém xuống. Cậu trong lằn ranh sinh tử, cơ thể tự có phản xạ, đá mạnh vào ngực Lý Hữu Tài khiến đường kiếm chệch đi nhưng cũng vẫn bị chém một đường chéo qua mặt, máu chảy ròng ròng loang đỏ tuyết trắng. Cậu lảo đảo lùi lại thêm hai bước thì thấy chân đã sát miệng núi, chỉ thêm một bước tất sẽ rơi xuống mà mất mạng. Đến nước này biết mạng khó giữ, cậu chỉ hỏi:

– Tại sao ngươi lại ám hại Võ Đang?

Lý Hữu Tài cười nhếch mép nói, ánh mắt hắn lộ vẻ đắc ý:

– Ngươi có trách thì trách biểu tỷ Triệu Mẫn của ngươi âm mưu hiểm độc mới nên nỗi này. Ta cũng chỉ là người thừa hành thôi. Kiếp này ta với ngươi không thù không oán, để ta tiễn ngươi đi trước một đoạn!

Nói rồi, Lý Hữu Tài định tung thêm một chiêu kết liễu thì nghe thấy có tiếng người đang khinh công đến. Sợ bại lộ, hắn tung một cước đá bay Ân Thương Tùng lăn xuống triền núi. Quả nhiên giây lát sau thì có ba môn sinh Võ Đang đã đến nơi. Hắn giả vờ bị thương, nói:

– Có địch nhân ám toán! Bọn chúng đã giết Lâm sư huynh và Ân sư đệ rồi!

Ba môn sinh kia thấy Lý Hữu Tài đã bị thương, cũng không nghi ngờ gì mà vội dìu hắn đưa đi cứu chữa. Lý Hữu Tài lại nói thêm:

– Dương sư mẫu giờ đang đơn độc ở triền núi trên kia, chúng ta mau lên bảo hộ cho sư mẫu.

Thấy Lý Hữu Tài trở lại cùng ba môn sinh khác mà lại không thấy con mình và Lâm Tĩnh Văn đâu, Dương Bất Hối lo lắng hỏi:

– Hữu Tài, con có gặp Thương Tùng không? Tĩnh Văn đâu?

Lý Hữu Tài giở trò mèo khóc chuột, rầu rĩ đáp:

– Sư mẫu.. sư mẫu đừng quá đau lòng.. Ân sư đệ và Lâm sư huynh đề bị địch nhân hạ độc thủ rồi..

Nghe chưa hết câu Dương Bất Hối đã thốt lên một tiếng đau đoạn trường, trong người vốn không khoẻ lại nghe tin dữ liên tiếp đến như vậy làm loạn khí huyết nàng. Nàng thổ ra một búng máu tươi rồi ngất đi..

* * *

Niêm đóa vy tiếu đích hoa

Tưởng nhất phiên nhân thế biến hoán

Đáo đầu lai du doanh hựu hà phương

Nhật dữ nguyệt cộng tiêu trường

Phú dữ quý nan cửu trường

Kim tảo đích dung nhan lão vu tạc vãn

My gian phóng nhất tự khoan

Khán nhất đoạn nhân thế phong quang

Thuỳ bất thị bả bi hỷ tại thường

Hải liên thiên tẩu bất hoàn

Ân oán nan kế toán

Tạc nhật phi kim nhật cai vong

Lãng thao thao nhân diêu diêu

Thanh xuân điểu phi khứ liễu

Tung nhiên thị thiên cổ phong lưu lãng lý dao

Phong tiêu tiêu nhân diêu diêu

Khoái ý đao sơn trung thảo

Ái hận đích bách bàn tư vị tuỳ phong phiêu

Dịch:

Tay đón nụ hoa vừa hé nở, hồi tưởng nhân thế đổi thay

Thắng thua cuối cùng có ý nghĩa gì đâu

Ngày tháng trôi qua, giàu sang đâu tồn tại mãi

Dung nhan nào còn được như xưa

Hàng mi điểm bạc nhìn một mảnh nhân gian tươi đẹp

Ai chưa từng nếm trải buồn vui

Biển trời đi chưa hết, ân oán làm sao tính toán

Chuyện xưa chuyện nay quên đi hết

Sóng cuồn cuộn, lòng người mênh mang, cánh chim xuân còn đâu bóng dáng

Ngay cả dòng thơ cổ cũng lưu lạc phương nào

Gió vi vu, lòng người mênh mang, thỏa thích vui đùa cùng nhánh cỏ

Yêu hận bay theo cơn gió

Gió biển ngày đông tựa như những lưỡi dao vô hình hung bạo cắt qua bất kỳ chỗ da ai vô tình hở ra đau buốt. Triệu Mẫn ngả người trên ghế tựa kê ngay trên boong tàu, mặc cho gió vờn đùa lọn tóc mái nàng thả lòa xòa lười nhác chẳng vén lên. Đôi mắt nàng vô định ngắm nhìn khung trời âm u, xam xám mà trong đầu văng vẳng khúc hát Tiểu Chiêu năm nào hát trên Linh Xà Đảo. Thoáng nghe đâu đó tiếng chim khắc khoải bay ngang làm dấy lên trong lòng nàng nỗi nhớ Vô Kỵ nhưng chỉ một chút thôi rồi lại lặng xuống. Đã tám năm rồi, cảm giác cồn cào nhung nhớ phu quân đã trở nên chai lì, chẳng còn xé lòng diết da như những ngày đâu. Nhưng nỗi đau đó không biến mất mà luôn chực chờ nơi ngóc ngách thẳm sâu nhất mà con tim nàng cố giam giữ, chỉ chực chờ một giây phút nào đó nàng buông lơi lý trí sẽ bùng lên dằng xé tâm trí nàng. Hải trình đến Bạc Sa lâu thật. Đã hai tuần rồi lênh đênh trên biển mà vẫn chưa thấy bóng dáng đích đến đâu. Lãng Nghệ lần này giao cho nàng đến Bạc Sa nhằm thuyết phục Minh Giáo Tổng Đàn tham gia lực lượng của hắn để chiếm lấy giang sơn từ tay Chu Nguyên Chương, à không, phải nói là từ tay Dương Thiên Chí mới đúng. Triệu Mẫn cám cảnh cho Chỉ Nhược, lại nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của bản thân xem ra cũng chẳng khác gì, chỉ biết buông một tiếng thở dài. Bỗng có tiếng người cất lên:

– Cô nương có điều gì phiền muộn mà thở dài vậy? Bần tăng liệu có thể độ duyên cho cô nương được chăng?

Triệu Mẫn nhỏm dậy, nhìn về phía có tiếng nói thì thấy một nam tăng nhân thuộc chi phái Phật Giáo Mật Tông đang ung dung ngắm trời biển. Vóc người cao ráo, đôi mắt xám tro, da ngăm ngăm màu đồng hun, khoác trên mình bộ áo cà sa vàng đỏ, tay lần tràng tam thập nhị huyền hạt. Triệu Mẫn bật cười, nghĩ bụng:

– Ta dù sao cũng đã là gái hai con, đâu còn trẻ trung gì nữa mà gọi là cô nương. Tên trọc này xem ra là sư hổ mang rồi.

Gặp lúc đang buồn chán, Triệu Mẫn định mượn đôi câu chọc nhà sư này vài câu cho khuây khỏa thì bỗng nhớ ra trên thuyền này vốn đâu có tăng nhân. Chính Lãng Nghệ đã thuê tàu này chỉ có nàng và đoàn thuỷ thủ, tuyệt không thể có người ngoài lẫn vào. Lại nhìn bộ áo cà sa này thoáng nhìn tưởng đơn giản bình thường nhưng dệt chìm trong đó những đường kim tuyến ngang dọc hình chữ Vạn ẩn hiện. Chuỗi tràng hạt ba mươi hai hạt tịnh huyền này phải là những cao tăng đắc đạo mới được phép dùng. Người này xem ra rất có vai vế trong giới phật tử Mật Tông. Nghĩ đến đây, Triệu Mẫn bèn âm thầm tiến lại gần, giả vờ trò chuyện để đánh lạc hướng người này:

– Vị hòa thượng này đã đi tu rồi còn không biết phép tắc. Trên thuyền này chỉ có mỗi mình ta là nữ nhân. Ngươi là người tu hành sao lại có thể tự tiện lên thuyền mà không xin phép vậy chứ.

Vị hòa thượng kia chắp tay, nét mặt vẫn đầy vẻ ung dung, từ tốn đáp lại:

– Bần tăng vốn đang đi thuyền sang một số đảo lân cận quanh đây để thuyết giáo. Không ngờ trên đường lại gặp thuyền lớn từ Trung Thổ, lại nghe có tiếng người thở dài não nề. Tiếng thở dài này sâu tựa biển, dài tựa đường sa mạc, tất không phải chuyện muộn phiền bình thường. Vì vậy bần tăng mạo muội ghé bước lên thuyền, mong có cơ hội dùng giáo pháp giải trừ nghiệp chướng trong tâm cô nương, cũng là tích thêm phước đức cho đời rồi.

Triệu Mẫn thấy người này xưng là bần tăng, lời nói cẩn trọng, khiêm cung nhưng lại gọi nàng là cô nương chứ không dùng chữ nữ thí chủ. Điều này khiến nàng có cảm giác dưới lớp áo cà sa kia hẳn là một người có tâm ý phức tạp khó lường, nhất định phải đề phòng. Tuy nhiên, chưa biết hay dở thế nào, Triệu Mẫn cũng không tiện vạch trần chân tướng của hắn, bèn giả bộ buồn bã nói:

– Quả nhiên là một thần tăng, chỉ nghe tiếng thở dài cũng biết nỗi muộn phiền trong lòng ta lớn thế nào. Đúng là ta có nỗi muộn phiền, nhưng không ai có thể giúp ta giải tỏa nó được.

Vị tăng nhân kia chắp tay, nói:

– A Di Đà Phật.. Hôm nay bần tăng gặp cô nương ở đây là hữu duyên. Phật môn rộng lớn, độ lượng tứ bề. Người cứ nói hết tâm sự trong lòng, nếu giải được thì là phước đức của bần tăng, nếu không được lại là duyên của bần tăng và cô nương chưa đủ dày để giải, tất sẽ có người khác giúp đỡ.

Triệu Mẫn mỉm cười nói:

– Tâm ta muộn phiền vì lần này ta đến Bạc Sa muốn có thể đoạt ngôi giáo chủ Minh Giáo Tổng Đàn, tự xưng hùng một cõi. Rồi sẽ trở lại Trung Thổ, đoạt cả thiên hạ vào tay ta. Người xem có thể hóa giải cho ta được chăng?

Nam tăng nhân kia mỉm cười, nói:

– Nếu cô nương gặp chuyện buồn vì tâm chưa tịnh, chưa bỏ được lục giới mà gặp phiền muộn thì e bần tăng cũng có thể khó mà độ cho người. Nhưng chuyện cỏn con cô nương vừa nói, bần tăng có lẽ không cần đến quá nhiều duyên cũng có thể hóa giải được.

Triệu Mẫn nén cười, nghĩ bụng:

– Tên này đã nói khoác còn ra vẻ đạo mạo. Chuyện mà dễ thế thì biểu ca đâu có mất đến mười năm ẩn nhẫn chờ thời như bây giờ.

Nghĩ vậy thôi nhưng nàng chỉ mỉm cười ý nhị, định nói thêm thì bỗng thuyền trưởng hớt hải chạy tới, miệng la hốt hoảng:

– Quận chúa! Phía trước có lạch nước xoáy rất lớn. Thuyền chúng ta đã tiến đến gần quá rồi không thể đổi hướng. Quận chúa mau lên thuyền phụ thoát thân mau thôi!

Triệu Mẫn nghe tin, chưa kịp phản ứng thì đã thấy vị tăng nhân kia khoan thai bước đến thành tàu, nói:

– Các vị chớ lo lắng. Hôm nay gặp các vị ở đây là duyên của bần tăng. Mọi người cứ bình tĩnh ngồi xuống sàn, bần tăng sẽ giúp hóa giải cơn tai kiếp này.

Nói đoạn người đó nhảy xuống thuyền nhỏ phía dưới. Triệu Mẫn nhìn theo thấy thuyền này chẳng có buồm, không có lái, cũng chẳng thấy có gì chèo chống. Chỉ thấy người kia vận kình phát xuống nước, mượn lực đó đẩy thuyền đi vun vút còn nhanh hơn gió đẩy nhiều. Người kia tay thu tay nhả kình, chốc lát đã đưa thuyền đến trước thuyền của Triệu Mẫn. Chưa hiểu định làm gì thì đã thấy vị tăng nhân đó xuống tấn, vận công, đưa hai tay theo hai hướng trước sau rồi phát kình mạnh mẽ. Không khí xung quanh người đó như bị cuốn xoắn lại dọc theo cánh tay rắn chắc, tựa như hai cơn lốc nhỏ đánh ra. Một luồng kình lực uyển chuyển đẩy mũi thuyền Triệu Mẫn đi chéo tránh khỏi vùng nước xoáy, một luồng nội lực kia vững vàng đánh xuống nước tựa như chiếc neo giúp thuyền của tăng nhân này ở giữa biển lớn mà không có chút động. Đến khi thuyền Triệu Mẫn đã an toàn rời khỏi vùng nước xoáy thì cũng đã khuất bóng vị tăng nhân kia. Triệu Mẫn thấy võ công người này không phải người thường, lời lẽ tuy khiêm nhường nhưng cũng có phần ngạo mạn, trong lòng dấy lên một nỗi nghi hoặc bứt rứt không yên. Xem ra lần này đến Bạc Sa có khi không đơn giản như Lãng Nghệ dự liệu.

Thuyền của Triệu Mẫn đi thêm ba ngày nữa thì cập cảng Bạc Sa. Bến cảng nơi đây nhộn nhịp tấp nập hơn nhiều so với các cảng nơi Trung Thổ. Những cánh buồm đủ màu của các nhà buôn lớn đậu san sát ngỡ như có thể cưỡi ngựa mà phi qua được. Những sạp bán hàng được bày ngay gần đó ngai ngái mùi cá tôm mới đánh, lại có thoảng mùi hương liệu và các loại gia vị tứ phương. Các nhà buôn từ khắp nơi đổ về, qua mấy quầy hàng này mà bắt mối giao thương. Các cô, các bà lại có vẻ hào hứng hơn với những sạp vải đủ chất liệu, voan có, lụa có, lại có đủ loại màu kết thành những dải dài vắt ngang giá trên cao khiến Triệu Mẫn như đi lạc vào một mảnh đất thần tiên nào vậy. Nàng đang thư thái đi dọc những sạp hàng trong khi chờ đoàn thuỷ thủ dỡ đồ lễ nạp chuẩn bị cho buổi thương thuyết với Minh Giáo Tổng Đàn. Đang mải mê ngắm nhìn những đôi mắt thiếu nữ Bạc Sa tuyệt đẹp ẩn hiện sau lớp voan che mặt, bỗng Triệu Mẫn thấy có người túm chặt lấy tay mình. Theo phản xạ nàng rút truỷ thủ, định ra chiêu tự vệ thì bỗng thấy cánh tay đó rụt lại. Nhìn ra mới thấy đó là cánh tay một giai nhân nên mới trắng trẻo, mềm mại, lại mát lạnh như nước suối. Cánh tay ấy làm nàng liên tưởng đến “Tiểu Bạch Thố” năm nào. Nhưng giờ Tiểu Chiêu hẳn đang làm Thánh Nữ ở Minh Giáo, sao có thể thoải mái xuống chợ thế này được chứ. Nàng thu truỷ thủ lại, nhìn người con gái vừa túm tay nàng thấy đôi mắt to tròn ngây thơ ấy sao quen quá. Triệu Mẫn buột miệng gọi khẽ:

– Tiểu.. Tiểu Chiêu?

Người con gái đó bỗng ứa nước mắt, nhưng rồi giờ ngón tay ra hiệu cho nàng im lặng đi theo cô ta. Hai người đi đến nơi thưa người hơn, người con gái đó mới bỏ mạng che mặt. Đôi mắt to mơ màng ấy, đôi môi hoa đào chúm chím ấy, làn da trắng trẻo, mịn màng ấy, và giọng nói nhẹ nhàng, khiêm cung ấy suốt bao năm vẫn không đổi. Tiêu Chiêu khẽ lên tiếng:

– Triệu tỷ tỷ..

Triệu Mẫn vội ôm chầm lấy Tiểu Chiêu, hạnh phúc thốt lên:

– Tiểu Chiêu! Đúng là muội rồi! Ta nhớ muội lắm!

Tiểu Chiêu cũng cảm động ôm chặt Triệu Mẫn, thổn thức:

– Từ khi về Bạc Sa, Tiểu Chiêu cũng nhớ tỷ tỷ và công tử lắm. Hai người bây giờ ra sao? Tỷ vẫn luôn chăm sóc cho công tử chứ?

Suốt bao năm Triệu Mẫn đã cố nén nỗi đau này trong lòng để nhẫn nhịn sống tiếp tìm một cơ hội đoàn viên. Nhưng lời hỏi thăm của Tiểu Chiêu vô tình khơi lại nỗi đau toàn gia ly biệt đó, làm Triệu Mẫn ôm Tiểu Chiêu thêm chặt, khóc nấc lên:

– Vô Kỵ giờ lưu lạc nơi đâu ta cũng không hay. Ngay cả con của chúng ta cũng bị ác nhân khống chế, bao lâu rồi ta cũng chẳng được gặp con nữa. Tiểu Chiêu! Ta thực sự đau đớn, mệt mỏi lắm!

Tiểu Chiêu nghe mà thấy lòng mình cũng như muôn vạn lưỡi dao đâm, chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết vuốt tóc Triệu Mẫn an ủi:

– Tỷ nhất định sẽ đoàn tụ với công tử và hài nhi thôi. Mà sao tỷ tỷ lại tới nơi đây?

Triệu Mẫn một lúc sau mới nguôi ngoai, nói:

– Tỷ tỷ đến đây vốn cũng định tìm muội để bàn một số chuyện. Tỷ muốn thương thuyết với Minh Giáo tổng đàn tham gia vào cuộc đảo chính, lật đổ Minh Triều, đoạt lấy giang sơn về tay người Mông chúng ta. Nay gặp muội ở đây thì hay rồi, chúng ta mau về tổng đàn Minh Giáo rồi nói chuyện tiếp.

Tiểu Chiêu lắc đầu, dáo dác nhìn xung quanh rồi hạ giọng nói:

– Bây giờ muội không thể về tổng đàn được. Lần này tỷ tỷ đến đây vô ích rồi.

Triệu Mẫn nhíu mày, hỏi:

– Chẳng phải muội là Thánh Nữ của Minh Giáo sao? Vốn dĩ ta nghĩ muội phải khó khăn lắm mới ra đây được ấy chứ.

Tiểu Chiêu thở dài, kéo tay Triệu Mẫn ngồi xuống một gốc cây gần đó, nói:

– Đúng là muội khó khăn lắm mới ra được đây. Nhưng là tẩu thoát được.

Triệu Mẫn ngạc nhiên, thốt lên:

– Tẩu thoát?

Tiểu Chiêu nhìn xa xăm ra phía bến cảng nói:

– Có điều tỷ chưa biết. Ngày đó Minh Giáo Bạc Sa vốn đã bị triều đình o bế. Hoạt động của giáo chúng bị ngăn chặn tứ bề, lại thêm các giáo phái khác cũng nổi lên khiến vận mệnh của Minh Giáo Bạc Sa như ngọn nến trước gió. Chính vì vậy Minh Giáo Bạc Sa mới phải lặn lội đến Trung Thổ để tìm Thánh Nữ, hòng gây dựng lại uy tín trong dân chúng và triều đình. Muội về làm Thánh Nữ thời gian đầu cũng hết lòng giúp giáo được phát dương quang đại. Nhưng rồi cũng chưa đủ để lấy lại vị thế trước đây của bản giáo. Lúc đó ở trong dân gian có một người tự xưng là Hỏa Thần, là hiện thân của Thánh Hỏa xuất hiện. Ông ta có tài chữa bệnh, thuyết giáo, võ công lại vào mức thượng thừa nên giúp giáo phái nhiều lần đánh đuổi được quan binh truy quét, tiếng tăm mỗi lúc một lớn. Muội cùng các Bảo Thụ Vương qua thảo luận đã quyết định nhận ông ta làm Bảo Thụ Vương thứ mười ba, hiệu là Thiên Hỏa Bảo Thụ Vương. Được vài năm yên ổn, muội mới tình cờ phát hiện ra âm mưu của người này muốn mượn thực lực của Minh Giáo để dần dần thôn tính Bạc Sa, xưng vương xưng đế, trái ngược với tôn chỉ của bản giáo. Chưa kịp vạch trần tội ác thì muội và mẹ đã bị vu vào tội phản giáo, theo luật phải bị thiêu chết. Mẫu thân lăn xả mới mở được đường máu cho muội thoát thân, nhưng giờ vẫn đang bị giam trong hỏa ngục.

Triệu Mẫn vỗ về Tiểu Chiêu, nói giọng quả quyết:

– Muội đừng lo, ta nhất định sẽ tìm cách cứu Tử Sam Long Vương đưa về Trung Thổ. Trước mắt muội cứ lên thuyền của ta mà trốn cho thật kỹ. Để ta đến gặp tên Hỏa Thần kia xem hắn ta ba đầu sáu tay đến thế nào!

Tiểu Chiêu mừng rỡ, quỳ xuống bái tạ, nói:

– Đa tạ tỷ tỷ ra tay cứu giúp. Nếu chuyện thành, nhất định Tiểu Chiêu sẽ theo hầu hạ tỷ tỷ đến trọn đời!

Triệu Mẫn mỉm cười, đỡ Tiểu Chiêu dậy, nói:

– Muội không coi ta là tỷ tỷ sao mà nói vậy? Chuyện cứ để ta lo liệu. Giờ chúng ta xuống thuyền ẩn nấp đã. Ta cũng cần chuẩn bị vài thứ trước khi đi đến Minh Giáo.

An trí cho Tiểu Chiêu nơi ẩn nấp cẩn thận dưới thuyền xong, Triệu Mẫn cùng đoàn tuỳ tùng đưa lễ vật đến tổng đàn Minh Giáo. Đi chừng hơn năm mươi dặm thì thấy Vân Phong Nguyệt Tam Sứ đã ra đón. Huy Nguyệt Sứ năm xưa trúng chiêu Thiên Địa Đồng Thọ của Triệu Mẫn bị thương nặng, đến giờ gặp lại vẫn còn có chút hậm hực. Nhưng lệnh từ tổng đàn ban ra phải đón tiếp cẩn thận nên đành nén giận, mỉm cười nói:

– Chúng ta phụng mệnh giáo chủ đến đón Quận chúa. Mời người theo chúng ta.

Nói rồi Tam Sứ đi trước dẫn trước. Con đường cát ngoằn ngoèo dẫn đến một cung điện lớn bằng đá trắng, trên đỉnh cung điện đốt một đài lửa lớn ngày đêm không tắt. Lúc này đã chính ngọ, ánh mặt trời chiếu hắt lên tường đá cung điện làm bức tường óng ánh như thực như ảo. Bên ngoài nóng nực, nhưng bước vào bên trong cung điện bỗng thấy dịu mát ngay. Bên trong bài trí tuy không quá xa hoa nhưng rất mát mắt những rặng cọ cảnh xanh tốt, những bụi hồng rực rỡ và nhiều loại cây lạ khác. Ngồi dọc theo hai bên sảnh lớn là mười hai Bảo Thụ Vương. Trên ghế cao nhất giữa sảnh, lúc Triệu Mẫn nhìn lên không khỏi thấy như vừa bị điện giật. Vị tăng nhân mấy hôm trước gặp đang ung dung ngồi trên ghế giáo chủ, mỉm cười nói:

– Triệu Quận Chúa, chúng ta lại gặp lại rồi..


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.